Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

PHẦN NGHI VẤN (1)
BUỔI HỌC 4
CỦA NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH


Sau phần chú giảng tại lớp của buổi học 4, đến đặt nghi vấn bao quanh đề tài “ÂN TAM BẢO” tôi đã trả lời miệng, giờ viết lại để làm tài liệu đọc thêm cho đồng đạo học viên.
Hỏi: Truyền bá giáo pháp của nhà Phật xưa nay người ta luôn chú trọng và cho công việc đó là trách nhiệm của chư tăng; chính Đức Thầy cũng đề cao… “Là những lời chỉ dạy cho các chư Tăng đặng đem nền đạo của Ngài ban bố khắp trần thế” và “ Làm theo những điều chỉ dạy do các chư Tăng cho biết”. Xin thưa, tín đồ PGHH chỉ một hạng tu tại gia cư sĩ, phải chăng không được phép truyền bá giáo lý Đức Phật, Đức Thầy?
Đáp: Đạo có chư Tăng thì chư tăng làm, đạo không có chư tăng thì hạng tại gia cư sĩ thay vào công tác truyền bá đó. Hoặc xuất gia tại gia cùng làm như trong bài “VIỆT NAM PHẬT GIÁO LIÊN HIỆP HỘI” Đức Thầy viết:
“e)- Khi các B.T.S. cử xong, phải khẩn cấp lập thêm 3 ban:
I, - Ban Nghiên cứu đạo Phật.
II, - Ban Huấn luyện và truyền bá Đạo Phật.
III, - Ban Chẩn tế, lo tìm phương giúp đõ kẻ khốn cùng.
I, - Ban nghiên cứu đạo Phật- gồm các nhà Sư, những nhà thông thái, để hằng ngày tra cứu kinh điển, dịch sách, hay viết sách nói về đạo Phật.
II, - Ban Huấn luyện và truyền bá.- gồm các nhà Sư, cư sĩ, trí thức hoạt động, đặng hội phái đi các nơi giảng giải đạo Phật cho đại chúng nghe, hoặc giả mở trường dạy đạo Phật.”
Theo cách chỉ dẫn đó, tín đồ PGHH cư sĩ tại gia học rộng hiểu thông giảng kệ của Đức Thầy, đồng thời nghiên cứu qua kinh sách Phật giáo, sức hiểu biết đủ để truyền bá giáo pháp. Điều đáng nói là thiện nguyện, thiện chí và sở trường truyền bá. Đức Thầy kêu gọi môn đồ:
“Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên,
Phận môn đệ phải lo vun quén.
Tằm sức nhỏ còn làm nên kén,
Người không lo có thẹn hay chăng?
Cả tiếng kêu cùng các chư Tăng,
Với tín nữ thiện nam Phật Giáo.
Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thanh danh,
Công Đức Phật từ Bi vô lượng.”
Nếu chư tăng và tín nữ thiện nam có thiện chí, sở trường khuyên tu mà được người nghe vâng lời tu theo thì sự truyền bá có ý nghĩa. Sở trường là chuyên sâu vào ngành nghề mà thiện nguyện, thiện chí dẫn đến sức tích cực, đừng nên có ý tưởng thuyết cho một người hay ít người nghe là uổng phí công. Không nên từ chối việc truyền bá Phật Pháp, không bỏ sót giữa sang hèn, ngu trí, giàu nghèo, và cũng không nên nhắm vào sự lợi lộc vật chất mà từ chối người cầu học đạo đức chỉ bằng tâm không có vật mang theo làm lệ phí vào lớp. Đức Thầy dạy:
“tới với ta chớ đem đồ cúng,
Chỉ đem theo hai chữ thành lòng.
Chẳng có cần trà quả hương nồng,
Mong sanh chúng từ lòng hối ngộ.”
Theo mỹ ý của đoạn giảng nêu trên, người tín đồ PGHH không màng việc ai đó học đạo qua sự truyền bá của mình phải mang theo đồ cúng, vật chất, bởi thu nhận vật chất trong truyền bá thì ý nghĩa của việc truyền bá bị hạ cấp, chỉ còn là trao đổi, đổi chác: tôi cho anh Pháp của Phật, anh bù công của tôi là tiền, thế nầy làm mất ý nghĩa của sự truyền bá. Người tín đồ với hạnh truyền bá phải không có lý do để từ chối vì người đó sang hèn, giàu nghèo. Nếu người ta đến với mình bằng mang theo “hai chữ thành lòng” là người ta hành đúng sách vở thì mình cũng phải đáp lại bằng đúng sách vở là cuộc thuyết giảng không có sự đổi chác tình cảm hay vật chất. Người ta muốn nghe thuyết đạo mà mình không thành lòng đáp ứng yêu cầu là không xứng đáng một nhà truyền bá. Hãy tự mà mình hối ngộ cho kịp, đừng để chốn tu hành làm nơi thương mãi, rần rần cái đạo mà không có đức cho sự cảm nhận của người nghe học Phật Pháp, ảnh hưởng ít không tạo nổi sức bật cho công cuộc truyền bá giươn cao, sự phát triển của đạo bị trì trệ.
Chư tăng có chỗ đứng với sự ưu đãi trong ngành truyền bá, trường sở, phòng học, giảng đường với sức chứa hàng ngàn người. Coi như ta không làm nổi việc đó thì ta cũng làm những việc thấp nhỏ hơn, giảng thuyết khuyên tu ở bàn tròn với cô bác bà con chòm xóm cho đâu đâu cũng có người tu hành.

Như quý vị Thấy biết, PGHH không có chư tăng nhưng sức phát triển tầm vóc không phải là ít, sức phát triển ấy là tự tín đồ tại gia cư sĩ, đâu nghe ai nói có vị tăng sư nào thuyết giảng giùm PGHH phải không? Tất cả đều là tại gia cư sĩ làm thì đâu thể nói không có chư tăng là công việc không xong. Theo tôi nghĩ, chúng ta nên chú trọng truyền bá ở mô hình nhỏ lẻ, nhờ nhỏ lẻ nó không quá cồng kềnh khi hòa nhập vào các giai tầng xã hội. Ở chiến tranh thường thì người ta có hai thế đánh, bằng vồn sức mạnh chủ lực hay đánh lối du kích. Ăn nhỏ lẻ mà thường ăn thì cũng ngon hơn ăn chủ lực mà lâu lâu mới thắng một lần.
Sự quan trọng của người truyền bá đạo Pháp ở PGHH, người truyền bá luôn luôn phải là hành giả chứ không là học giả, trước hết là phải “trau thân gìn đạo” rồi sau đó mới đi đến chuyện “hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành”. Hiệp cùng nhau, nói cho đúng nghĩa là hầu hết tín đồ phải có trách nhiệm hành đạo và truyền đạo, bởi hầu hết chúng ta là tại gia cư sĩ, bằng nhau thì không thể quy kết trách nhiệm truyền bá kinh lành cho riêng ai. Nếu như một làng mà đặt cho vài người truyền bá không bằng hết cả dân làng đều có ý thức truyền bá, không đòi hỏi việc tập trung nhiều người lại nghe, cứ dùng chiến thuật du kích, trong gia đình khi người chồng biết tu mà vợ con thì chưa theo chiều, phần chồng và cha sẽ khuyên được vợ con quy y tam bảo, kính trọng Phật Pháp Tăng rồi sang nhà bên cạnh. Yêu cầu mình làm xứng đáng một nhà truyền bá đi đôi với hành.
Một gia đình có ảnh hưởng tốt với đạo Phật, sống “từ trên tới dưới thuận hòa”(lời Đức Thầy), có thể không cần giảng giải lâu cho mỏi miệng, từ trên tới dưới thuận hòa tự nó là bài giảng giáo lý liên tục cho những nhà xung quanh thấy tận mắt, nghe tận tai sức đóng góp giá trị đạo Phật ở trong nhà bình yên đó.
Nếu đề tài không còn thắc mắc thì xin cho qua câu hỏi khác.
Hỏi: Từ xưa nay, lời thuyết pháp của Đức Phật được đưa vào sách vở thì gọi là Kinh; Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm giáo truyền đại đạo bằng cách “Nối theo chí Thích ca ngày trước”, nhưng sao lời của Đức Thầy khi đưa vào sách vở lại gọi là Sám Giảng?
Đáp: Danh từ Sấm hay Sám theo Hán Việt Tự điển chung quy là một nhưng có 3 ý nghĩa: 1 là Kinh của Thầy tu học, 2 là ăn năng hối lỗi việc ác quấy lỡ làm, 3 là phép thuật đoán được vị lai.
Ta thấy Đức Thầy dùng từ Sấm hay Sám gồm đủ ba ý nghĩa.
1, Là Kinh của Thầy tu học, như chúng ta thấy quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ, có nội dung như một quyển Kinh Phật gồm có Bát Chánh Đạo, Thập thiện đạo, phá ngũ uẩn, diệt lục trần với cả hai pháp môn Thiền Tịnh song tu…
2, Nguyện cãi hối ăn năng, ngoài bài nguyện quy y trước ngôi thờ Tam Bảo rất nhiều câu trong quyển giáo lý đã chỉ về những điều sám hối nhưng để điển hình ta đọc thấy Đức Thầy viết bài “CHO CÔ VÕ THỊ HỢI ở Bạc Liêu”, khi thấy cô nầy đường tu lui sụt, cõi trần thì lòng dục vọng nấu nung, Đức Thầy kêu gọi sự thức tỉnh và dạy cô phải thành tâm Sám hối để được Phật tổ “giải mê căn”:
“Hãy rán tu tâm dưỡng tánh lành,
Đừng cho ma nghiệp vọng tâm sanh.
Quay về cội phúc đường chơn đạo,
Phật pháp thiền na dốc thực hành.

Chớ nhiễm trần hoàn đượm phấn son,
Chiêm bao cuộc thế chẳng thường còn.
Chi bằng nhớ lại câu hồng thệ,
Tỉnh ngộ nghe Thầy dạy hỡi con!

Hởi con! đời tục rất hôi tanh,
Trí huệ trau giồi kiếm nẽo thanh.
Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc quốc
Hưởng công niệm Phật rất yên lành.
Chẳng sớm về nhà lo sám hối,
Cầu trên Phật Tổ giải mê căn.
Ắt là hồn trẻ còn chi nữa,
Địa ngục trầm luân cách thượng tằng”

3, Trông bá gia tu hành sao mà chậm chạp, e “ Lý thiên đình hoạch định cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan” tu không kiệp nên phải gợi ra sấm ký đoán vị lai khổ sở cận kề để tín đồ sợ mà rán tu cho kịp trước khi khổ thảm đến.
(còn tiếp)
21/11/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét