Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

BUỔI HỌC 4
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Học qua ÂN TAM BẢO
Kính thưa chư quý đồng đạo! Theo trình tự của quyển sáu “CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO”, hôm nay chúng ta học qua ÂN TAM BẢO. Ân nầy phần chánh văn khá dài. Rất mong quý vị cố gắng học cho thuộc, có sẵn trong lòng để lúc nào cũng có thể đem ra áp dụng thăng tiến độ tu hành.

PHẦN 1 : HỌC CHÁNH VĂN:
ÂN TAM BẢO : Tam Bảo là gì? – Tức Phật, Pháp, Tăng.
Con người nhờ tổ tiên cha mẹ sanh ra nuôi dưỡng, nhờ đất nước tạo kiếp sống cho mình. Ấy về phương diện vật chất.
Về phương diện tinh thần, con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt. Phật là đấng toàn thiện, toàn mỹ, bác ái vô cùng, quyết cứu vớt sanh linh ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Thế nên Ngài mới truyền lại giáo pháp, tức là những lời chỉ dạy cho các chư tăng đặng đem nền đạo của Ngài ban bố khắp trần thế. Các chư tăng chẳng ai lạ hơn những đại đệ tử của Đức Phật vậy. Bởi vì Đức Phật luôn luôn chỉ dẫn và cứu vớt quần sanh thoát miền mê khổ, nên ta hãy kính trọng Phật, hãy tin tưởngtín nhiệm vào sự nghiệp cứu đời của Ngài, làm theo những điều chỉ dạy do các chư tăng cho biết. Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động đúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đấp cho nền đạo được phát triển thêm ra, xây dựng một tòa lầu đài đạo hạnh vô thượng vô song, roi truyền mãi mãi với hậu thế.
Nên bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí huệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy”.

PHẦN 2: CHÚ GIẢNG
ÂN TAM BẢO: Tam Bảo tức ba ngôi báo đối với các tín đồ nhà Phật. Ba ngôi ấy có tên Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.
1, Ngôi Phật Bảo vì Đức Phật là bậc giải thoát sanh tử, chấm dứt mọi sự trói buộc, khổ đau; Ngài đắc được Tam Thân, Tứ Trí, Tứ vô lượng tâm và sáu phép thần thông; dùng thần thông để thấy, nghe, biết… các sự khổ của chúng sanh, cơ duyên cứu độ. Như quý vị biết, cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cách Diêm Phù Đề này tới mười muôn ức Phật độ. Xa như vậy mà Thiên Nhản Thông đức Phật nhìn thấy, Thiên Nhỉ Thông Đức Phật nghe tiếng niệm Phật của chúng sanh cầu về Tịnh Độ, Tha Tâm Thông Ngài biết chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề ai niệm danh hiệu của Ngài thành tâm hay không thành tâm để cứu độ hay không cứu độ…
2, Ngôi Pháp Bảo Đức Phật Thích Ca tự tu đắc đạo, đã kiểm chứng thấy trong mỗi chúng sanh đều có hạt giống Phật, tu sẽ thành Phật, nên trong kinh có câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Ngài nói ra cái đạo lý ấy gọi là thuyết Pháp, lần đầu thuyết cho năm anh em Kiều Trần Như nghe, nghe xong một thời pháp liền chứng quả A La Hán. Trong bốn mươi chín năm trụ thế của Đức Thích Ca Mâu Ni, các đệ tử của Ngài soạn thành hệ thống có năm thời thuyết Pháp: Thời đầu thuyết Kinh Hoa Nghiêm ở trên hòn đảo xa, thời thứ nhì thuyết Tứ Diệu Đế (tứ A Hàm) tại vườn Lộc uyển, thời thứ ba thuyết về đại thừa, thời thứ tư phương đẳng đại thừa (Kinh Bát Nhả) thời thứ năm Phật thuyết kinh Pháp Hoa và Niết Bàn. Mỗi một thời Phật thuyết pháp, sau các đệ tử của Ngài chia ra nhiều bộ kinh, cho nên Pháp của Phật người ta gọi là vô lượng vô biên.
3, Ngôi Tăng Bảo, nói với hình thức đại diện thì năm anh em Kiều Trần Như là hàng tiêu biểu, là những bậc Tăng đã vào hàng tu chứng ngay khi Đức Phật còn tại thế. Từ đó thế gian mới có đủ Tam Bảo.
Người quy y Tam bảo, theo pháp của Phật tu hành sẽ đắc đạo hay vãng sanh Tịnh Độ, bằng ít tu, không đủ tiêu chuẩn đắc đạo hay vãng sanh, khi mãn kiếp hồng trần đầu thai kiếp khác, không bị đọa vào ba đường ác.
khai mở trí óc: Khai là làm cho thông, mở là vạch ra. Khai mở là vạch ra cho thông. Trí óc thuộc phần tinh thần, nhưng loại tinh thần bỏ lâu nguội lạnh, trí óc đã bị đóng băng, tinh thần không hoạt động soi sáng. Phải khai mở làm cho băng tan để trí óc tỉnh sáng lại.
Toàn thiện: Toàn đi từ nghĩa hoàn toàn, chu toàn. Thiện là lành, trái với ác. Toàn thiện là hoàn toàn thiện. Danh từ nầy thường dùng để nói về khả năng của Đức Phật “Đấng toàn thiện”. Chúng sanh tu học Phật Pháp, tâm còn bị ảnh hưởng ngoại cảnh dời đổi nên thiện lúc có lúc không, chỗ được chỗ mất. Toàn thiện là luôn luôn thiện, chỗ nào cũng thiện, với ai cũng thiện, không có trường hợp ngoại trừ.
Toàn mỹ: Mỹ là đẹp đẽ; toàn mỹ là hoàn toàn đẹp đẽ. Đẹp ở đây không phải nói về màu sắc lộng lẫy, mà đẹp bởi cái hạnh kiểm, hạnh cách, công đức của Đức Phật hết lòng thương xót chúng sanh, nghĩa cử đẹp tuyệt vời.
Bác Ái: Bác là rộng lớn, cũng có nghĩa là người có khả năng hiểu biết nhiều điều; ví dụ: Bác lãm, Bác học; Ái là yêu thương. Bác Ái là lòng yêu thương rộng lớn của Phật đối với chúng sanh. Ngài hiểu biết cùng khắp (bác lãm) cả quá khứ hiện tại và vị lai của đời người trong vòng lục đạo luân hồi chịu khổ mà dạy cách cho chúng sanh tự cứu khổ.
Sanh Linh: Nói tóm tắt là Nhơn loại chúng sanh, như Đức Thầy bảo “sanh linh đang chìm đắm trong cõi hồng trần”.
Trầm luân khổ hải: Trầm là lặng xuống, luân là dời đổi, luân chuyển; khổ hải là khổ tợ như biển rộng mênh mông. Trầm luân khổ hải, giải theo chuyên đề là vào ra trong sáu nẽo luân hồi để nhận thân do gieo nhân đời trước quả trả đời sau. Trong tiến trình nhân quả, do vì gieo nhân mà người trở lại làm người sang hèn đẹp xấu, hoặc người trở nên cầm thú…
Ban Bố: Ban là làm cho đều, bằng ra, ví dụ ban gò lấp hầm, Bố là phát thí. Theo chuyên đề, ban bố không có nghĩa là thí tiền thí gạo mà là thí Pháp, đem nền đạo của Phật ban ra khắp trần thế để nơi nào cũng có đạo. Nếu đạo Phật không được “Ban rải khắp nơi nơi trong bá tánh” mà chỉ đóng khung trong cửa thiền môn thì cửa thiền môn mãi mãi vẫn là cái gò cao ích kỷ của việc tu học Phật Pháp, không chịu ban ra thì khắp trần thế chỉ còn là hầm hố. Đệ tử Phật sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tin tưởng: Tin là sự xác quyết một vấn đề đã qua nghiên cứu; ví dụ: qua nghiên cứu học thuyết về  Tịnh Độ Tông Phật Giáo, tôi tin và nếu đi vào thực hành chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Tưởng là ghi nhớ cái điều mình đã tin, đễ hễ tin có tưởng gồm theo, sự tin tưởng không phôi pha.
Tín nhiệm: Tín là trọn lòng tin, Nhiệm là nhiệm vụ, bảo nhiệm, cũng là nhận: nhiệm thu, nó thuộc về uy tín.  Ví dụ: Sự nghiệp cứu đời của đạo Phật rất là uy tín, chỗ đáng tin cậy. Tin tưởng có tính cá nhân giữa mình với Phật hay tôn giáo nhưng Tín Nhiệm là sự hướng tới tập thể, tổ chức, trở thành sự nghiệp. Ví dụ: đây là một tổ chức nghiên cứu văn học sử hay cơ sở sản xuất Bình Ly tôi tín nhiệm, bởi qua sử dụng tôi thấy đạt tiêu chuẩn và chất lượng. Ở đây nói tín nhiệm Phật Giáo.
Sự nghiệp cứu đời: Sự là công việc, nghiệp là việc làm, nghề nghiệp. Cứu là làm cho thoát khỏi ví dụ như: thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật, tù tội, ngu muội; đời là chỉ tất cả những người sống trong cõi đời nầy. Người sống trong đời ai ai cũng phải chịu khổ với tấm thân sanh, lão, bệnh, tử; từ bốn điều khổ căn bản đó sanh ra vô vàn sự khổ não khác. Khi chưa thành Phật Đức Phật cũng là người đời chịu khổ. Theo lời của Đức Thầy, sau khi Sĩ Đạt Ta đi dạo bốn cửa thành thấy cảnh sanh lão bệnh tử mà “về đền đài cảm xúc buồn riêng, hằng để trí tìm phương giải thoát”. Rốt cuộc Ngài đã tìm phương giải thoát bằng cách xuất gia tu hành:
“Thừa đêm khuyên lén trốn vào rừng,
 Lìa cha già, vợ đẹp, cơn cưng,
Thân chẳng sá xông pha bờ bụi”.
Treo cao tấm gương ấy, Đức Thầy dạy:
“Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt từ tứ khổ.
Bệnh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài tầm đạo”.
Sau tu hành đắc đạo thoát mọi sự khổ, từ đó Đức Bổn Sư Thích Ca thuyết pháp độ chúng là lập thành sự nghiệp cứu đời.
Sự nhiệm mầu: Nhiệm là cao sâu, cao siêu huyền bí, Mầu là linh thiêng.  Nhiệm Mầu là nói về việc huyền bí linh thiêng ngoài sức học hiểu của con người, ví dụ: khi bệnh đến hành thân người ta đi tìm Thầy hay dược quí để trừ khử con bệnh thì có người lại không dùng thuốc chỉ chánh tâm Niệm A Di Đà Phật hay Bồ Tát Quán Thế Âm mà khỏi bệnh; người ta cho đây là sự nhiệm mầu của Phật hay của các bậc trên trước. Trường hợp Đức Thầy độ cho bà Chung Bá Khánh, bệnh mà các bác sĩ Pháp bó tay, giải phẩu cầu may, giữ nhiều lành ít nhưng Đức Thầy sai một người đến đưa cho bà một quả Cam khuyên dùng thì sẽ hết bệnh, khỏi phải giải phẩu. Bà y lời làm theo, quả nhiên hết bệnh.
Lòng quảng ái: Là tấm lòng yêu thương rộng lớn, ở đây chỉ tâm từ bi của Đức Phật đối với tất cả chúng sanh. Đức Thầy có câu: “Lòng quảng ái sót thương nhân chủng”.
Tòa lầu đài đạo hạnh:  Tòa lầu đài là nhóm từ, xưa người ta dùng để nói nhà ở của những kẻ giàu sang quyền quí, vua chúa, để họ hưởng vinh hoa phú quí, Đạo Hạnh là người đạo có hạnh, hành, phát sinh đức tính tốt. Ở đây Đức Thầy dùng từ đạo hạnh nối liền theo sau tòa lầu đài để giải thích rằng tòa lầu đài nầy không phải xây cất cho vua chúa hay kẻ giàu sang quyền quí nào ở, mà xây cất tòa lâu đài là để gồm chứa đạo hạnh của Phật Giáo, từ Đức Phật đến tổ tiên, tiền nhân đã qua tu hành, tích đức cho người đời sau và sau nữa “noi theo chí đức của tiền nhân” vững bước tu.
Vô thượng vô song: Vô thượng là cao ngất, thế gian không có gì đem so sánh được, ví dụ: quả Vô Thượng Bồ Đề. Vô Song, thế gian đem đối cũng không có sự song hành, bằng nhau. Trong quyển Tăng Đồ Nhà Phật mà các vị tỳ kheo tỳ kheo ni đọc tụng hằng ngày có đoạn:
“ Thiên thượng thiên hạ vô như Phật,
Thập phương thế giái diệc vô tỷ.
Thế gian sở hữu ngã tân kiến,
Nhất thiết vô hữu như Phật giả”.
Đức Thầy dịch:
“Trên dưới trời chẳng ai bằng Phật,
khắp mười phương hẳn thật khó so.
Dòm xem cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài.”
Noi theo chí đức: Noi là nương, dựa, Chí Đức tức ý chí và đức hạnh. Trong khi “đem nền đạo của Ngài ban bố khắp trần thế” rất cần chơn tăng có ý chí, đức hạnh, để vượt qua những lúc khó khăn, trắc trở; là hậu tấn ta phải noi theo tấm gương của các vị ấy.  
Tiếp tục khai thông nền đạo đức: Sự khai thông nền đạo đức đã có người khơi nguồn nay thành dòng chảy tốt, hậu sanh như chúng ta không nên có ý tưởng tạo dòng chảy khác mà hãy bảo vệ dòng chảy của tiền nhân, lúc nào sự mát mẻ của Pháp Phật cũng sẽ chảy đến mọi nhà, mọi người. Bảo vệ dòng chảy tức là lúc nào dòng chảy cũng được khai thông nền đạo đức, Tổ tiên, tiền nhân đã theo đạo Phật tu hành, truyền bá chánh Pháp là sự nghiệp sẵn có, ta là con cháu các vị ấy hãy tiếp tục giữ vững lập trường để cùng chung sự nghiệp với các tiền bối.
Gieo rải khắp nơi nơi: Gieo rải là từ ngữ dường như ai cũng thuộc lòng, không cần phải giải thích; nhưng gieo rải giống duyên gì là mẩu số chung đối với kẻ tu hành, phải nên bàn tính kỷ. Theo sự chuyển ý của đề mục “Ân Tam Bảo”là gieo rải Phật Pháp, sự nghiệp cứu đời của nhà Phật, lúc gieo rải chỉ gieo rải đạo đức, Phật Pháp, không có vì khác. Khắp nơi nơi là bất cứ chỗ nào, hễ là nhân loại chúng sanh. Đạo pháp chưa đến với người nào là chưa có sự khai thông từ ta đến người đó, hãy khai thông cho đạo Phật đi cùng khắp.
Công trình vĩ đại: Công là ra sức làm như công tác, công việc, trình là bày ra; Công trình thường được dùng với ý nghĩa một tập thể hay cá nhân dùng sức người hay sức máy đã và đang thi công ví dụ như : Công trình Cầu, Đường, hoặc nói: Công trình tôi đi từ xa đến thăm anh. Vĩ đại là lớn lắm. Công trình vĩ đại là công trình to lớn đã tốn biết bao công sức của các bậc tiền nhân đã vun trồng bồi đấp cho sự nghiệp Phật Giáo.
Đắc tội với kẻ đời sau: Xưa nay ai cũng nghĩ rằng người đời sau đắc tội với người đời trước, con cháu đắc tội với Ông bà cha mẹ, đâu ai để ý những lời lẽ sao mà người đời trước đắc tội với kẻ đời sau, như tổ tiên cha mẹ mà lại đắc tội với con cháu. Ví như Ông bà có tạo dựng sự nghiệp ruộng lúa ngàn công, Ông bà luôn mong muốn sự nghiệp giàu tiền của nầy phải truyền cho con cháu nhiều đời hay mãi mãi, nhưng từ Ông Nội mới truyền đến đời cha thì cái Ông bố sa đọa nầy tụm cả tiền, ăn xài, cờ bạc thua sạch của ngàn công ruộng, rốt cuộc cháu nội không hưởng được chút sự nghiệp nào của Ông nội. Cha đắc tội với con là thế. Ta đang an hưởng trong Phật Giáo, nhờ sự chỉ dẫn của người đi trước mà biết tu tâm dưỡng tánh, không gây tội lỗi sanh oán cừu với ai, đời sống vui vẻ hạnh phúc; ta phải có bổn phận dẫn dắt người đi sau. Thế nhưng ta không làm công việc đó, thu vào chứ không phát ra, dòng chảy tốt đẹp của Phật Giáo đến đời ta là mất dấu, tội với kẻ đời sau là phải thôi.
Kính thưa chư đồng đạo học viên, chú giảng về Ân Tam Bảo đến đây đã nốt. Để làm tốt cho sự học hiểu, chúng ta phải đánh dấu lược lại những câu hỏi Để trắc nghiệm cho bài học, quý học viên hãy học kỷ, để kỳ học tới, trả lời những câu hỏi sau đây:
1.     Hãy giải thích về Ngôi Tam Bảo?
2.     Tại sao ta phải đền Ân Tam Bảo?
3.     Cho biết thế nào là  Đức Phật?
4.     Hãy phân biệt giữa sự tin tưởngtín nhiệm?
5.     Cho biết về sự nghiệp cứu đời của đạo Phật?
6.     Giải thích về sự nhiệm mầu của Phật đối với chúng sanh?
7.      Vô Thượng Vô Song mang ý nghĩa gì?
8.     Thế nào là tiếp tục khai thông nền đạo đức?
9.     Thế nào là đắc tội với kẻ đời sau?

Hết buổi giờ học. Chào tạm biệt chư đồng đạo, xin hẹn gặp lại buổi học 5.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét