Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015


BUỔI HỌC 3 CỦA NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
PHẦN NGHI VẤN 1
BÀI ĐỌC THÊM


Đề học là hai trọng ân, 1 Ân tổ tiên cha mẹ, 2 Ân đất nước, nhưng sau thời chú giảng, đến nghi vấn có rất nhiều câu hỏi đậm nét về Ân Đất Nước, khiến nên không khí lớp học rất nặng nề. Tôi xin lần lược tường thuật.
Hỏi: Vấn đề  thọ ân và đền ân đất nước là bổn phận của người công dân, nhưng nếu gặp trường hợp vị lãnh đạo quốc gia hôn quân làm nghèo đất nước của tiền nhân, hại dân nghèo khổ, ta có nên tiếp tay với họ để gọi là đền ơn đất nước không?
Đáp: Tiếp tay chắc chắn là không thể nào. Mình là dân thường chịu  quá nhiều áp bức, những sự áp bức đã trở nên nỗi ám ảnh, dày vò, ta muốn thoát nỗi ám ảnh còn chưa được thì đâu lý lại tiếp tay kẻ ác để đè sức khổ lên dân chúng nữa sao?
Nếu do vì một chánh sách độc tài, người ta tham gia vào chánh quyền để lãnh một chức quan thì cũng theo sự độc tài của chánh sách mà hại nước hại dân. Nếu chánh sách nhắm vào dân chủ, tạo ích lợi cho dân, những quan chức nào hành động sai trái đường lối lấy dân làm gốc, vướng phải độc tài chỉ là độc tài cá nhân. Tập thể tốt lỡ có một người xấu thì một là đuổi kẻ xấu ra khỏi tổ chức hai là các quan tốt không làm bạn lữ, cô lập để kẻ ấy thức tỉnh từ từ sẽ loại bỏ tư tưởng xấu và điều xấu ra là hết. Chánh sách vì dân có thể thay đổi những quan chức độc tài cá nhân bằng điền vào những Ông quan thương dân mến nước là xong. Nhưng nếu độc tài bởi cả một chủ trương chánh sách, Ông quan xấu ác phạm hết cỡ, tổ chức chánh quyền lãnh đạo trực thuộc không có khả năng giữ được việc xấu ác của Ông ta trước sức mạnh của nhân dân và sự bàn tán xầm xì nghe nhức tai, thấy nhức mắt, phải đổi để xoa dịu nhưng là chánh sách độc tài cho dù đổi ai cũng làm theo chánh sách. Người khác lên nắm chánh quyền cấp địa phương cũng y theo chánh sách mà độc tài với dân nữa thôi.
Hỏi: Thưa Ông giảng viên, nếu là công dân của một đất nước, giá như qua sự trị vì dài lâu của nhà nước ác với dân, lọc lựa mãi thì ta không cùng gánh vác non sông cho đến chết, như vậy ta đã thọ ơn mà không có thời gian đền trả thì sao?
Đáp: Câu hỏi của vấn chủ tôi xin đưa ra hai lối giải thích:
1/ Xưa nay người ta hay nói: Việc quốc gia đại sự bao gồm có kẻ tiền tuyến người hậu phương. Những người không có khả năng tham gia chiến trường, hay có khả năng nhưng xét không phù hợp với hoàn cảnh hay tâm lý vẫn còn có cái công tác khác không mấy kém quan trọng là lo việc hậu phương. Ở vào vị trí những người có đạo, vừa truyền bá giáo lý tình thương cho nhân dân hiểu để họ không làm những chuyện phạm pháp và giáo lý tình thương còn dạy người ta đi ban phát vật chất cứu giúp người nghèo, người lỡ đường đói rách tàn tật, những mãnh đời kém may mắn. Những đói khổ và sự ghen ghét thù hằng không còn đè nặng lên đất nước bởi giáo lý đạo Phật, như thế ta đã đền ơn đất nước vậy.
Hỏi: Tôi rất đồng ý lối giải thích kẻ tiền tuyến người hậu phương chung lo việc nước nhưng ở vào giai đoạn độc tài tôn giáo làm gì có được sự tự do truyền bá giáo lý. Xã hội sanh ra nhiều tệ nạn, do vì con người thiếu đạo đức mà truyền bá khuyên tu thì bị ngăn cấm, ta phải làm sao?
Đáp: Sách xưa có câu:
“Đạo Phật diệu diệu thâm thâm,
Dù mà tận thế ngàn năm cũng còn”.
Đức Thầy cũng bảo:
“Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên,
Phận môn đệ phải lo vun quén.”
Còn hơn thế nữa:
“Dầu cho gặp phải nàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng.”
Sở dỉ đạo Phật duy trì và tồn tại mãi vì tín đồ của đạo Phật không ngại khó, gặp khó không dừng, bất chấp tù tội và sự chết chóc trong khi thực hành công tác hoằng pháp cứu đời.
Nếu vấn chủ không còn gì thêm cho vấn đề nầy, tôi xin trở lại phần chính của hai lối giải thích.
2/ Chưa gặp thời cơ. Chúng ta hãy đọc, nghe Đức Thầy nói về thời cơ của Ngài:
“Vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan, Ta đây tuy không thể đem phép huệ linh mà cứu an tai họa chiến tranh tàn khốc do loài người tàn bạo gây nên, nhưng mà thử nghĩ: Sinh trong vòng đất Việt Nam nầy, trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự dị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư, cơ truyền Phật Pháp, gội nhuần ân Đức Phật, lòng đà quảng đại từ bi, hiềm vì cảnh quốc phá gia vong, máy huyền cơ đã định, lòng thương trăm họ vướng cảnh đồ lao, chi xiết xót thương chúng sanh vạn khổ.
Nghĩ lúc còn làm người trong biển tục, lăn lộn chốn mê đồ mà chẳng quản thân giúp thế cứu dân, vong thân vị quốc, huống chi nay cơ mầu đà thấu tỏ, sớm chiều hầu chơn Phật nghe kinh, ngao du tứ hải, dạo khắp Tiên Bang, cảnh an nhàn của người liễu đạo, muôn ngày vô sự, long sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả Bồ Đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen ? Vì lòng từ ái chứa chan, thương bách tính tới hồi tai họa. Phật vương đà chỉ rõ máy diệu huyền chuyển lập hội Long Hoa, chọn những đấng tu hành cao công quả để ban cho xứng vị xứng ngôi, người đủ các thiện căn để giáo truyền đại đạo, định ngôi phân thứ gây cuộc hòa bình cho vạn quốc chư bang.”
Thời cơ của Đức Thầy là do “Lý thiên đình hoạch định cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan” nên Ngài mới lâm phàm cứu dân độ thế. Chúng ta còn phàm phu không rõ lý thiên đình hoạch định nên không làm nỗi cái chuyện lớn lao lấp biển vá Trời. Chúng ta là công dân trong nước rủi gặp Quân bất minh, không cùng nghiêng vai hánh vác sơn hà thì chờ chừng gặp vua minh chánh hãy ra góp sức.
Hỏi: Đức Thầy dạy “Hãy rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thạnh”, dựa vào hoàn cảnh đất nước hiện nay, xứ sở quê hương đã đi đến mức “hiểm nghèo” ta phải làm gì trong sự nâng đỡ?
Đáp: Nghiêng cũng có nghĩa là xiên, tức không ngay thẳng. Tình trạng xã hội không còn lành mạnh ở mức quân bình, đã nghiêng về nghèo khổ. Vấn chủ so sánh danh từ “ hiểm nghèo” với “nghiêng nghèo” để cho rằng tình hình hiện nay là hiểm nghèo. Nghiêng nghèo, tức sự quân bình của quốc gia an cư lạc nghiệp bị rơi vào nghèo khổ, còn hiểm nghèo là nghèo gần đến bước đường cùng có sự đe dọa của chết chóc; nguy hiểm đến tánh mạng.
Khi đất nước lâm vào cảnh nghiêng nghèo, dân chúng lầm than khốn khổ, chính là lúc cần có nhiều bàn tay góp sức nâng đỡ sự nghiêng nghèo đó lên. Nghe lời Đức Thầy dạy, hiện nay ta thấy chư đồng đạo rất tích cực trong việc thực hiện sự nâng đỡ xứ sở quê hương: Dựng nhà tình thương, hùng hập cất cầu, làm đường, những tổ thuốc nam từ thiện, thí cơm cháo, nước sôi cho các bệnh nhân và thân nhân của họ ở chăm sóc trong các bệnh viện từ huyện, tỉnh suốt miền Tây và một ít bệnh viện trong khu đô thị Sài Gòn.
Những công tác xã hội từ thiện của người tín đồ PGHH nghiêng vai là đáp số một cách đúng đắn nhất với bài dạy “ Nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo”. Nếu vấn chủ không còn thêm thắc mắc nào thì cho xin qua câu hỏi khác.
( còn nữa)
02/11/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét