Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
NGHI VẤN 3 CỦA NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 3

Có vị học viên hỏi: Nhiều người trong đạo hay nói Bửu Sơn Kỳ Hương với Phật Giáo Hòa Hảo là một, xin có gì để giải thích, chứng minh?
Đáp : Theo tôi nghĩ nói hai mà một là không được, nói hai là hai thì cũng không xong, hai mà một không được vì rõ ràng đó là hai danh xưng tôn giáo chứ một đâu, còn nói hai là hai không xong bởi vì cả hai có sự liên quan như một. Có điều chúng ta biết Đức Huỳnh tôn sư là hậu thân của Đức Phật Thầy Tây An; khi đã tìm ra được cái tiền thân hậu thân thì PGHH hay BSKH chỉ là tên đặt trước tên đặt sau của một tổ chức tôn giáo và Phật Thầy Tây An hay Đức Thầy, cũng là danh xưng trước danh xưng sau thôi.
Vâng, có nhiều điều chứng minh đủ tính thuyết phục. Tôi xin trích đọc cho quý vị nghe nhiều câu chứng minh về sự liên quan của cái tiền thân hậu thân vừa mới nói. Trước tiên mời quý vị nghe hai đoạn thơ tứ tuyệt Ông Tùng hỏi, Đức Thầy đáp lại:
“ Càn khôn Tạo Hóa ở một bầu,
Kính hỏi thăm Thầy vậy ở đâu?
Sắc ở Tà Lơn hay Núi Cấm,
Cán còn khâu mất cất ở đâu?”
Đức Thầy Họa:
“Cũng biết Càn Khôn vẫn một bầu,
Tây phương yêu chúng chẳng ngồi lâu.
Sắc của A Di là Phật Tổ,
Bốn chữ xuống trần chớ ở đâu?”
Đức Thầy đáp Ông Tùng “Bốn chữ xuống trần” Danh xưng tôn giáo mà bốn chữ, xem ra chỉ có “Bửu Sơn Kỳ Hương” thôi, từ bốn chữ trước mới có bốn chữ sau, chính là Phật Giáo Hòa Hảo ngày nay vậy. Còn nói về lai lịch bản thân, trong Sám Giảng quyển nhì “Kệ Dân của Người Khùng” Đức Thầy viết:
“Lời của người di tịch Núi Sam,
Chớ chẳng phải bày điều huyễn hoặc.
Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần.
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.”
Năm kỷ Dậu 1849 Ông Đoàn Minh Huyên xuất hiện xứ Đình làng Tòng Sơn Sa Đéc, ở chưa mấy lâu, đi trên một chiếc xuồng bơi Ông đến Rạch Trà Bư cứu an bá tánh. Bấy giờ dân làng Tòng Sơn phát bệnh người ta mới tiếc là để cho cụ Đoàn Minh Huyên đi xa, họ cử người đến rạch Trà Bư mời thánh y trở lại nhưng cụ đang trị bệnh nơi đây không thể về theo yêu cầu. Tuy vậy, cụ không để cho dân chúng làng Tòng Sơn thất vọng; khi đi cụ có để lại trên ngôi đình thờ một cái mo nang trong đó gồm có một quyễn Giảng, giấy vàng lá và cán cây cờ nhỏ, Cụ kêu cứ lấy giấy vàng, cờ và cán cờ ngâm nước rồi lấy nước mà uống trị bệnh. Sám giảng của Đức Thầy có nhắc lại chuyện ấy:
“Bửa xưa giảng kệ một nang,
Bởi vì ta mắc dời thoàn cảnh xa.”
Còn nữa, câu chuyện “ Ông Đạo Thắng được Đức Phật Thầy phát bài tiên tri qua tựa đề “Đạt Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận”và nói thêm rằng: Sau nầy nếu có ai viết được bài thơ khoán thủ cách cú nói trên bằng chữ Hán chính là “Ta” trở lại. Đồng thời Phật Thầy Tây An có sáng tác bài thơ tựa là “Bát Nhẫn” không đưa ra cho chúng xem mà chỉ dán trên đầu giường, Ông đạo Thắng vào phòng Đức Phật Thầy quét dọn đã gặp và đọc thuộc làu lòng.
Sau, Đức Phật Thầy Tây An viên tịch, Ông đạo Thắng trông mãi đến tuổi già mà không nghe thấy Đức Phật Thầy Tây An tái lâm phàm, mõi mòn quá, Ông đem chuyện đó nói lại với người cháu nội là Ông Nguyễn Phước Còn (Bảy Còn). Đến khi Đức Huỳnh Giáo Chủ lâm phàm dạy đạo cứu đời thì Ông Nguyễn Phước Còn ở làng Long Kiến, quận Chợ Mới, An Giang đã bị chư thần kêu 3 đêm liên tiếp: Phật Xuống Làng Hòa Hảo cứu bá Tánh hãy đến đó mà tìm. Đã hai lần báo mộng Ông vẫn làm cứng, không tin, lần thứ ba vì có sự quở trách của Chư Thần, Ông sợ bị phạt nên không dám không nghe.

Đến Hòa Hảo, Ông Bảy từ lâu quen thân với gia đình Ông Út Huỳnh Văn Quốc chú ruột phần xác Đức Thầy, thành thử Ông Bảy dựa chỗ nhà quen vào đó để tìm hiểu thêm về chuyện Phật Xuống Thế. Ông Bảy đến nhà Ông Út chỉ mới chào hỏi chưa kịp nói gì thì phía bên kia nhà Đức Ông, Đức Thầy đi từng bước qua nắm tay Ông và nói:
- Ông chắc lòng quá! Đợi chư thần đòi đến ba lần mới chịu đi. Thôi thì mời Ông qua nhà tôi, cho công chuyện của Ông nhanh chóng.
Ông Bảy nghe thấy lòng phát sợ đến khiếp, không nói được lời, chỉ biết riu ríu theo Đức Thầy qua nhà Đức Ông. Đức Thầy liền lấy giấy bút, viết ra một bài thơ bát cú, tựa là:
                 Đạt Đạo Ngao Du Châu Di Viễn Cận
                 “Đạt Đạo hoằng khai kế nghiệp truyền,
                  Chư bang hành thiện hiếu vi tiên.
                  Ngao Du thế giới hoàn sanh chúng,
                  Quí tiện trí ngu trạch nhơn hiền.
                  Châu Di phục thỉ an bá tánh,
                  Thượng cổ hoàn ư thế tự nhiên.
                  Viễn Cận chư châu qui nhứt thống,
                  An cư lạc nghiệp phước vô biên.”
Đức Thầy viết một mạch là xong kế Ngài đọc lên cho Ông Bảy Còn nghe, Ông Bảy sực nhớ lời dặn của Nội Tổ, biết là số hẹn đúng kỳ, tuy chưa dám bái lạy Tôn Sư nhưng lòng đầy kính phục. Kế đó, Đức Thầy viết thêm cho Ông bài “Bát Nhẫn”:
                 “Nhẫn năng xử thế thị nơn hiền,
                  Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.
                  Nhẫn giả hương lân hòa ý hỷ,
                  Nhẫn thành phu phụ thuận phì duyên.
                  Nhẫn tâm nhựt nguyệt thường an lạc,
                  Nhẫn tánh niên niên đắc bảo tuyền.
                  Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,
                  Nhẫn thành phú quí vĩnh miên miên”
Quá rõ ràng, Ông Bảy không thể kềm lòng hơn nữa được, sụp xuống lễ tạ Đức Thầy.”
Qua nghi vấn tôi vừa giải đáp, vấn chủ còn hỏi gì thêm không? Nếu không xin cho qua câu hỏi khác.
Hỏi : Đức Thầy dạy rằng “ Dân tộc ta phải nhờ đến nhân loại nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình”. Xin thưa, ngoại địch cũng là nhân loại, là dân tộc khác mà mình phải biết ơn họ, việc kêu gọi tín đồ đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch như thế có trái nhau không?
Đáp : Xin đáp nhanh, giữa hai câu trích dẫn từ ân đất nước và Đồng bào nhân loại không trái nhau. Quan hệ tốt của các quốc gia dân tộc ở điểm chung là giúp đỡ lẫn nhau trong sự sống và vui vẻ, đừng ai đặt mình vào vị trí kẻ địch để đánh cướp, sát hại thì việc tới lui qua lại bình thường. Ngày nay nhân loại đã và đang sống chung trong năm châu một chợ, bốn biển một nhà, xuất nhập hàng hóa đi từ quốc gia nầy đến quốc gia nọ, giao lưu văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng và tham quan du lịch vui chơi giải trí… Tới chơi với nhau thì chơi, yêu cầu đừng dòm ngó đất nước tôi với ý đồ thôn tính. Hiện nay, cũng đồng là nhân loại trên hai quốc gia Hoa Kỳ và  Trung Quốc, người Hoa Kỳ đến Việt Nam chơi, người Việt Nam rất mừng mà người Trung Quốc chỉ nghe tới thôi là không thích thì đủ rõ thế nào là tình nhân loại và “ kẻ ngoại địch”.
Vấn chủ không hỏi gì thêm thì xin cho qua câu đề khác, và Nếu không còn ai thắc mắc chúng ta kết thúc buổi học.
Hẹn gặp lại buổi học tới.
09/11/2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét