Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

NHI VẤN 3
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 4
                                   
BÀI ĐỌC THÊM

Hỏi: Đức Thầy dạy “con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc cho sáng suốt”. Nếu người ta không phải là tín đồ nhà Phật, tất nhiên không thờ Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc thì họ phải ra sao?
Đáp: Đức Thầy lâm phàm dạy đạo là dạy đạo Phật, người vào đạo trước hết là phải có lễ tam Quy y trì ngũ giới. Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy Y Tăng; từ đó mà học đạo.
Quy y Phật: là học theo gương sáng của Phật, từ lúc tu cho đến thành đạo vô thượng bồ đề, Ngài từ bỏ những gì trong thế gian để chuyên tâm thiền định dưới cội bồ đề. Theo Đức Thầy cũng là để học cách tu như Ngài dạy “Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng phải làm theo cách nấy”. Suốt quá trình từ lúc sanh ra lớn lên đi tu, đến khi chứng đắc đạo quả được Đức Thầy diễn giảng tỉ mỉ trong quyển “Khuyến Thiện” (quyển năm); nếu ở đây tôi đọc làm tốn thời gian mà nghĩ ra quý vị chắc cũng đã làu lòng rồi còn gì.
Quy y Pháp: Vì sau khi Đức Thích Ca đắc đạo, Ngài rời khỏi cội Bồ Đề trở lại gặp nhóm Kiều Trần Như. Nhóm nầy có cả thảy năm người, trước kia là đệ tử Uất Đầu Lâm Phất chuyên tu khổ hạnh.  Nghe tiếng đồn về Ông nên lúc Sĩ Đạt Ta xuất gia có đến chỗ Ông ấy cầu học, nhưng qua cách tu, ứng xử và những lời chỉ dạy mà liền biết Ông Thầy nầy chẳng thông tuệ, không thể độ được chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Sĩ Đạt Ta bèn từ giả Uất Đầu Lâm Phất thì Ông Kiều trần như cùng với bốn người bạn tên Át Đệ, Thập Lực Ca Diếp, Ma Nam Câu Lỵ, Bạt Đề cũng bỏ Thầy mà đi như Sĩ Đạt Ta. Dầu rời Uất Đầu Lâm Phất nhưng cũng tu chung dòng tu khổ hạnh. Thế rồi một hôm kia Sĩ Đạt ta phát hiện ra rằng lối tu khổ hạnh thế nầy sẽ hoại thân trước khi đắc đạo. Thân như chiếc thuyền đưa người qua sông, khi người ta chưa vượt khỏi sông mê lên bờ giác thì bổn mạng của chiếc thuyền còn là vấn đề quan trọng, phải bảo dưỡng. Ngài thay đổi một chút để không hủy thân, dùng ít sửa bò của cô nàng chăn bò. Thấy thế, một lần nữa, nhóm Kiều Trần Như đành phải từ giả Ông bạn đồng tu mà họ cho là xuống cấp.
Phật Thích ca gặp lại nhóm Kiều Trần Như trong vườn Lộc uyển, khởi thuyết pháp Tứ Diệu Đế, lần lược cả năm anh em tuần tự chứng quả A La Hán( quả vị nầy không còn vào ra trong sáu nẽo luân hồi để chịu khổ sanh tử). Vậy bài pháp đầu tiên của Đức Phật thuyết, nhóm Kiều Trần Như cũng là những người đầu tiên nghe Pháp và cũng là những người đầu tiên chứng quả giải thoát trong sự thuyết pháp độ chúng của Đức Phật.
Bấy giờ trong cõi thế gian Phật, Pháp, Tăng đã có đủ, chính Phật và Pháp của Phật khai mở trí óc cho nhóm Kiều Trần Như, người đời sau tu hành cũng theo gương Tăng mà thọ lãnh Pháp của Phật và hạnh Phật để ra khỏi sự u mê trong vòng lục đạo luân hồi.
Đó là nói theo tín ngưỡng đạo Phật, các đạo khác, chúng ta tôn trọng đạo nào cũng có đấng thiêng ban bố phước lành, khai mở trí óc. Do đó các tôn giáo dầu trải qua lắm bậc thời gian từ tông tổ cha Ông đến đời con cháu, qua không gian từ quốc gia nầy đến quốc gia kia mà luôn tồn tại, vì ở các tín ngưỡng tôn giáo đều có cách khai mở trí óc cho các môn sinh tín đồ. Đức Thầy bảo “phải nhờ đến Phật, Pháp, Tăng khai mở trí óc” là nói ở tín ngưỡng Phật giáo.
Đến đây vấn chủ có còn gì thắc mắc nếu không thì xin cho qua câu hỏi khác.

Hỏi: Đức Thầy có câu: “… đem nền đạo của Ngài ban bố khắp trần thế” và “dẫn dắt giùm kẻ sa cơ”. Đối với những vị hiện tu hạnh độc thân kỳ thiện nơi rừng sâu hay cốc am thâm u tịch mịt, không ra khỏi nơi tu, vậy cái gọi là truyền bá đạo Phật để đền ơn Pháp bảo thì sao?
Đáp: Trong truyền bá Phật Pháp có hai hướng truyền: một là ngôn giáo, hai là hạnh giáo.
Ngôn giáo: do từ học hành hiểu biết và nghiên cứu chân xác thuộc chánh giáo, chánh lý rồi mới dùng ngôn ngữ, văn chương diễn thuyết linh động hay biên soạn thành sách vở khuyến tu. Nhiều người có khả năng, cao nghệ thuật nói trước quần chúng, diễn thuyết tài tình, khán giả hâm mộ, chưa tu mà nghe một lần là phát tâm tu, nghe một lần là cải ác tùng thiện, nghe một lần là cải tà quy chánh. Người có tu rồi mà sự tu còn thấp thỏi, do vì chưa hiểu pháp môn nên chưa chảy gở những rắc rối của giặc phiền não, nếu nghe đúng chỗ cần, tâm liền phát sáng, tu lên lớp, sâu sắc vào trọng điểm tịnh tâm thì ngôn giáo có kết quả tốt.
Nhưng nếu ngôn giáo chỉ học và nghiên cứu để nói cho ăn khách mà thiếu hành, cho dù có diễn thuyết hay ho mà bản thân không hay ho cũng làm  khó chịu cho sự săn sóc của khán thính giả.
Hạnh Giáo: Tức nhìn hạnh thực tu của chính bản thân người tu, ở đó rất nhiều lời lẽ khuyên tu. Nói rõ là dùng hạnh cách hạnh đức khuyên tu. Người dùng hạnh giáo, thay vì phải học cho thật nhiều về kệ kinh, lý lẽ và còn học thêm cách nói làm sao cho có sức thu húc, nhà hạnh giáo luôn đưa xác thân mình ra thay thế lời nói, thay vì khuyên người ta đừng mê danh lợi, để không bị cuống húc trong mê si tội lỗi thì lấy sự sống không mê danh lợi và sự cuống húc của mình ra thế đề thuyết. Thay vì khuyên người ta đừng nóng giận trước chuyện trái buồn lòng hoặc điều nầy việc nọ thì mình cũng đừng nóng giận buồn lòng trước việc nầy việc nọ mới đúng. Người đời quá đau khổ vì tranh chấp hơn thua, ganh tỵ, hờn ghét thì những hạnh lành của người tu là chỗ dựa tinh thần cho vơi bớt khổ đau, nhưng đến với người tu mà họ cũng còn tranh chấp ganh tỵ, hờn ghét là dựa vào bức tường mục nát ai thèm, cho dù bức tường giỏi ăn nói thì ảnh hưởng cũng không nhiều đâu.

29/11/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét