Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

CHUYỆN HỌC THI

Hôm cúng rằm tháng 10 vừa qua một số bà còn đồng đạo vùng xa đi cúng chùa “An Hòa Tự” (chùa Thầy) sang“Kim Cổ Tự” (phủ thờ Ông Ba) rồi sẵn tiện ghé tôi. Trong số khách có một nữ sinh viên đi cùng cha mẹ. Cha Mẹ của sinh viên với tôi là chỗ thâm tình, lâu mới gặp nhau, chuyện trò thân mật tôi hỏi qua gia cảnh, quý vị không ngại tỏ bày chuyện nhà:
- Con nhỏ nầy nếu năm nay nó còn học thì là sinh viên năm thứ ba, nhưng nó đã tự động nghĩ học vào cuối học kỳ năm thứ nhì rồi anh.
Sẵn có cháu tôi kêu cháu lại, hỏi:
- Cháu học khoa nào?
- Dạ, khoa vệ sinh môi trường.
- Lý do gì nghỉ học?
- Dạ con thấy sự học không còn cần thiết với con nữa.
Tôi nghi cháu có vấn đề vì đó lớn lắm mới dám đem chuyện học hành cỡ nầy làm trò chơi, nhưng tôi không thể đi sâu vào chuyện riêng của cháu, chỉ nhắc nhỡ để có thể cháu giật mình mà phát sinh ý thức mới, những điều may mắn hơn không:
- Cháu có biết là nhiều học sinh khi học thi vào đại học đã chăm học đến quên ăn mất ngủ?
- Dạ con biết.
- Biết mà sao thờ ơ?
- Dạ, con…
- Nói không được thì thôi. Người ta tốn biết bao nhiêu công sức mà chừng thi, rốt cuộc không vào đại học được. Có đứa thi luôn hai ba năm liền cũng trớt. Cháu thi một phát là đậu sao không biết trân trọng tài học của mình đành bỏ giữa chừng?
Có thể tôi đã nói ép cháu quá nên nó trả lời tôi một câu làm tôi hết còn đường binh:
- Thưa cậu, nếu hồi còn nhỏ mà con khôn trước tuổi, nhận biết như lúc giờ thì con chỉ học đến biết đọc biết viết là cùng.
- Sao cháu có thể nghĩ như vậy được chứ?
- Dạ…
Cháu ấp úng, tôi hướng mắt về cha mẹ nó mà nói:
- Nếu ở trong một gia đình cha mẹ giàu, nhà nhiều ruộng, dầu có cấp cho cháu năm ba chục công ruộng cũng không bằng cho con một bằng đại học. Gì sao? Năm chục công ruộng là vật ngoài tay, có thể vì ít học, nữa sa vào ăn chơi lâm nợ hay làm ăn vụng về thua lổ có thể bán đất, nhưng cái bằng đại học là không thể bán ăn được. Xét lại cha mẹ cháu nghèo, không phải Ông bà chủ ruộng nhà giàu thì làm gì có ruộng cho con nên đã buôn bán tảo tần lo cho cháu học hành, sau nầy nhờ cái thân để cha mẹ nhẹ lòng lo.
Có lẽ tôi nói như vậy làm cháu đau lòng, khiến mặt nó hiện nét buồn, mới chịu nói ra vấn đề khiến nó nghĩ học:
- Con cho cậu biết! Anh ruột của con cũng có bằng đại học mà phải đi trồng Sâm bên đảo Phú Quốc, những người anh bạn dì, cô cậu có bằng đại học kinh tế, đại học về vệ sinh môi trường… mà vẫn nằm nhà suốt đó thôi. Sự thật thì những sinh viên khác, khi tốt nghiệp cũng có việc làm đúng ngành nghề nhưng phải lựa mà mua cái chỗ ngồi với giá năm chục, bảy chục, một trăm triệu hoặc hơn. Cha mẹ con thuộc nông dân với vài công ruộng đủ sống, lo cho con đi học tốn từ chút những đồng tiền mót mái là có thể nhưng chừng tốt nghiệp đại học, tìm được chỗ ngồi đúng vị trí, phải đóng rụp năm bảy chục, một trăm triệu thì tiền đâu mà có, phải làm khó cha mẹ con mãi sao? Điển hình như các anh của con, chùm nhum một đống bằng đại học mà anh nào cũng là vô tích sự, giờ thì kẻ ra đảo trồng Sâm, người đăng bảng vá xe, hay vào làm công an địa phương chờ thời. Dòm tương lai mờ mịt thì thôi hãy bỏ trước nó đi.
Nghe cháu phân trần làm tôi chịu thua luôn, không khuyến khích gì được nữa.
Tại sao phải mua chỗ làm bằng giá cao?
Người từ học sinh đến sinh viên tốt nghiệp, trải qua gần hai mươi năm đèn sách. Sự nhọc nhằn của sinh viên và cha mẹ của họ như vậy là quá đủ rồi. Bằng cấp là sự chứng nhận của bộ quốc gia giáo dục, về khả năng học thật, bằng thật đáng lẽ chỉ thêm một lần thi thẳng vào chỗ làm, nếu có tốn chi phí thì chút đỉnh tiền hồ sơ giấy mực làm gì tới giá năm bảy chục một trăm triệu? Bị chận chẹt bởi khâu nào? Vô tình ngăn chận sự phát triển tài năng của trường đại học tỉnh nhà.
Hoặc vì sức cung quá nhiều, trường đại học năm nào cũng có cấp bằng tốt nghiệp mà sở, ngành kinh doanh trong tỉnh không tạo được vốn đầu tư từ trong tỉnh hoặc thu húc vốn đầu tư ngoài tỉnh hay nước ngoài. Phải chăng trong tỉnh còn quá khắc khe, rườm rà về thủ tục đầu tư, để cho ngành chức năng dậy lên làm kinh tế béo bở trên các bằng đại học? Không tìm nguồn đầu tư, công ty ích, bằng đại học nhiều ngồi đó mà chờ, một mình một chợ thao túng thị trường, để tỉnh nhà không bằng tỉnh người ta về văn minh giàu có.
Việt Nam ta nếu đem so với các nước thì nạn tham ô tham nhũng rất cao, cao đến mức các cơ quan có thẩm quyền lên tiếng báo động và thẳng thắng cho sự kiện ấy là “quốc nạn” mà trong nước cứ tiếp tục ôm bằng đại học đi mua chỗ ngồi thế nầy nạn tham ô tham nhũng làm sao mà trừ tuyệt. Nhà hết tiền nhưng tiếc công học phải đi vay mượn mua chỗ ngồi, tốn tiền quá nhiều, lúc được dịp thì phải làm đặng “ gỡ” lấy lại, biết đâu trong làm việc lại không áp dụng bài học mua chỗ…
Tôi xin đưa ra câu chuyện của nữ sinh viên tự bỏ học ở cuối năm học thứ nhì để mong là hồi chuông cảnh tỉnh những quan chức sở ngành kinh doanh trong tỉnh, đã dạy cho con em học hành thành tài mà không cho nó có việc làm, câu “chùm nhum một đống bằng đại học mà đứa lên rừng trồng Sâm đứa đăng bảng vá xe, đứa vào công an địa phương chờ thời” thì quá là tội nghiệp. Hãy lo mà kiếm nguồn đầu tư  về tỉnh nhà, hãy gở bớt những thủ tục rườm rà về việc xin giấy phép kinh doanh, hãy giảm giá tối đa khi sinh viên tốt nghiệp đại học đi mua chỗ làm… vì khi họ làm tốt việc, ra nhiều sản phẩm chất lượng cao cho khách tiêu dùng ưng ý, bán chạy hàng, làm giàu cho toàn tỉnh, chủ lãnh đạo của tỉnh được vinh danh làm kinh tế giỏi. Nếu như tỉnh không có cách dùng nhân tài, giữ lấy chất Xám thì chất xám bay sang tỉnh khác kiếm việc, phải ngồi đó mà đọc thơ ca sao?:
“Uổng công xúc tép nuôi cò,
Nuôi cho cò lớn cò dò cò bay”
27/11/2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét