Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

TIẾNG ĐÀN CỦA ĐỨC THẦY


Tôi  đi dự đám giỗ trong xóm, lễ giỗ cúng chay nhỏ và gọn, dồn khách mời và thân tộc ngồi gọn ghẽ ba mâm là chấm hết. Ít khách nhưng chuyện trò thân mật, luận đạo không lạnh lẽo, đưa đề chính xác, giải thích không rườm. Mỗi người ở đây tự thấy có trách nhiệm của nhà tổ chức, bảo vệ sự yên lặng hội trường cho người thuyết người nghe không bị trở ngại bởi những âm thanh hỗn tạp lộn vào cắt đứt dòng chảy của đề tài đang lưu diễn.
Hôm nay không phải diễn đàng dành riêng cho vị thuyết trình viên mà là hội thảo để ai cũng được phát biểu, nhưng điều cần thận trọng hơn hết trong khi phát biểu chỉ cần giữ hai điều lệ của chương trình hội thảo, một, phải theo sự khắn khít của đề tài, hai, chỉ nói lên sự hiểu biết của mình qua đề tài, không được phê bình đánh giá cao thấp khi người ta phát biểu không giống ý mình. Khi đề tài đưa ra mổ xẻ, rất cần có sự đóng góp cho đề tài thêm phong phú, mọi người đều chấp hành chung một đề nghị: để bảo đảm tính hiệu quả của phiên hội thảo là không gây tiếng ồn nội bộ, còn người đến trễ, ngoài vào ngay hướng mặt người nào thì người đó chỉ gật đầu chào là đủ. Tránh vạ lây bởi những câu hỏi, nói vô tình, thiếu hạnh cách và sự tôn trọng trong khi người ta đang thiết tha, châm chú bàn việc đạo đức.
Tôi nghĩ đây là một tổ chức hay, đáng phải học để trừ cái “nộc độc”mạnh ai nấy nói. Trên diễn đàng người ta thuyết đến khô cổ mà ở dưới cứ hội năm hội ba bàn chuyện linh tinh, gặp ai đến sau, ngồi trong “nội qui” nghe thuyết mà chào hỏi lớn tiếng, có khi còn chuyện trò như đi ngoài đường ngoài chợ.
Chương trình cúng giỗ không làm rình rang, nặng phần trình diễn như những chỗ khác họ đọc bài nầy sang bài nọ, vị nầy pase vị kia rồi thêm vụ phát thanh giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo trong giờ cúng nguyện cho náo động tư duy mà xướng ngôn thì nhiều Ông lớn tật, học thuộc lòng rồi đọc lên kêu bà con đồng đạo giữ chánh niệm, thành tâm, trước khi vào chương trình hành lễ. Lời nhắc nhở rất hay:
“Tây Phương tuy ở cõi xa,
Thành tâm thì có Phật mà đáo lai”
“Thứ bảy chánh niệm vậy thì,
Khi cầu khi nguyện chuyện vì thành tâm”.
Đọc cái câu có chữ “chánh niệm, thành tâm” để mà khuyên thí ra, nhiều nhiều cho nó “ bãnh”, không biết chánh niệm là gì, thành tâm là gì. Chỗ cầu nguyện người điều hành có thể đọc giảng để chứng minh vai trò hướng dẫn nếu thấy cần thiết nhưng không phải là chỗ đọc giảng kiểu ngâm nga. Nguyện vái xong thì lạy không chịu đâu, chờ đọc giảng cho người ta nghe mất chánh niệm qua tư duy thì mới chịu.
Ở đây cúng nguyện nghiêm trang trong ngoài lặng lẽ, tôi cảm nhận lúc nguyện hương là chính niệm, góp hương cũng chính niệm, lạy xuống cũng chính niệm. Sấm Thi của Đức Thầy người tín đồ tôn trọng là Chánh Pháp, có người quá lợi dụng vào chánh pháp họ đem nói bất cứ chỗ nào cũng được. Nói, đọc chánh Pháp cho người ta nghe, người nghe muốn hiểu thì phải khởi động bộ máy tư duy, chỗ cúng nguyện, niệm Phật hành giả cần chánh niệm hơn là chánh tư duy, chánh niệm mới đưa người đến vãng sanh Tịnh Độ, chánh tư duy là không thể. Đặt tư duy lúc người ta trong tư thế cầu cúng là đi lộn đường, hành lộn pháp như Ông hướng dẫn chương trình, lấy câu có Chánh Niệm và Thành Tâm đọc răn người mà Ông ta lại làm một ngã khác. Bà con đồng đạo nghe người dẫn chương trình giọng nói dòn như bắp nổ, tưởng Ông đạo “dư thông minh” cho nên rãi thí ra ai hứng thì hứng, đưa hơi theo thành lộn thêm lộn, chuyền nhau riết thành mất căn gốc của sự cúng nguyện.
Dùng cơm giỗ xong tôi định về ngay thì có vài đồng đạo lớn tuổi mời cầm tôi lại, yêu cầu cho quý vị hỏi đề tài. Tôi xét mình nay cũng rảnh nên chấp nhận lời mời. Quý vị đưa hai câu giảng trích trong bài “Thu Đã Cuối” của Đức Thầy:
“Điệu đờn trổi khúc huyền thâm,
Nhà nghề chọn bản tri âm đâu nào?”
Những từ ngữ được thắc mắc là Điệu đờn, khúc huyền thâm, nhà nghề, tri âm. Tôi đi từ chú thích đến giải thích và sau cùng là kết luận.
Tiếng Đàn là âm thanh biểu cảm tâm tình, tâm lý hơn các thứ âm thanh. Ở đây Đức Thầy dụ cho giáo lý của ngài dạy. Để chứng minh cho điệu đàn là giáo lý, tôi xin trích vài câu trong bài “Nang thơ cẩm tú”của Đức Thầy nói lên biểu cảm đó:
“Đờn những câu tỉ mỉ rung hồn,
Cho người lành dạ ái bắt nôn,
Cúi đầu trước quy y Phật Pháp”
Khúc Huyền Thâm  Khúc là bài bản, ca khúc, hát khúc. Huyền Thâm là diệu lý cao siêu. Khúc huyền thâm là bài bản chứa đựng nội dung giáo lý thuần khiết giải thoát để người nghe cảm nhận, mầu nhiệm giải thoát chính mình. Nhà nghề chọn bản  là người chuyên môn trong giới đàn hát đã qua chọn lọc bài hát hay, điệu đàn hấp dẫn. Tri Âm  biết được âm thanh của tiếng đàn có biểu cảm tốt, hay, lạ.
Thế gian phần đông thích nghe đàn hát, đàn hát cho quê hương, sông núi, tình phụ tử, nghĩa thầy trò, bạn bè và ảo tưởng rất nhiều cho tình yêu đôi lứa. Đàn hát cám dỗ làm người ta quên sự đau buồn, hận tủi, khi vướng vào buồn tủi tuyệt vọng, muốn xa lánh bạn bè, chán đời mà nghe điệu đàn khúc hát nhịp trúng vào tim, tâm sự vơi dần, mặt mày tươi tỉnh, yêu đời, cực khổ không than, nghèo chết bỏ chỉ thích nghe đàn hát.
Cũng mường tượng như trên, Đức Thầy ví giáo lý của Ngài đem dạy chúng như điệu đàn du dương có sức cảm hóa hết mọi tội lỗi khổ đau của nhân thế. Khi một người đàn Ông bị vợ bỏ để đi với một người đàn Ông khác, lòng buồn và hận vô biên, tính giết, giết trả thù rửa hận mà nghe được điệu đàn:
“Của thế trần như bọt nước làn mây
Thân ta còn rày đó may đây
Của ấy cũng khi tan khi hiệp”.
Nghe hoài nghe hoài, nổi buồn hận bấy nay rai rức tiêu tan dần, nụ cười nở lại trên môi. Một người nghèo khổ, kiếm cho được cái ăn cái mặc còn khó mà trong mình hay sanh bệnh, buồn trách hóa công, cho người khác giàu còn mình thì nghèo mạt gọng, người kia không bệnh còn mình thì bệnh trầm ê, muốn tự tử cho xong chợt nghe được điệu đàn Thần:
“Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,
Hoặc hiện kiếp là điều bạo ác.
Phải ăn năng phước điền tạo tác,
Lo thuốc thang khẩn vái Phật Trời.
Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời,
Xuống phước rộng từ bi hỷ xả”.
Nghe hoài hoài như vậy sẽ tiêu được nổi buồn dày vò, không đòi tự tử nữa đâu. Người ham giàu sang phú quí, tính từ thuở trắng tay tới thành Ông Bá Hộ thì khoảng cách quá xa, ăn ngay ở thẳng tiền vô chút chút biết chừng nào mới có được gia thế như nhà Ông bà ấy. Tính làm ăn bất chánh dùng thủ đoạn lừa đảo hoặc cướp giật của người chợt nghe tấu lên một bản đàn:
“Ham của tạm làm điều tàn nhẫn,
Nhắm mắt rồi đâu có mang theo.”
Và:
Nay đuốc huệ từ bi đã rọi,
Vào thâm tâm những đứa gian phi.
Hãy tu thân chừa thói vô nghì,
Của phi nghĩa làm chi xong chuyện.
Luật nhân quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.
Vậy ta nên làm việc thẳng ngay,
Cứ bề chí có ngày thong thả”.
Một người có tính thích đua tranh, lúc nào cũng muốn mình hơn người chứ không cam chịu người hơn mình, từ tiền tài, danh vọng sẵn sàng đạp trên thân thể của người ta mà đi, chợt nghe khúc hát huyền thâm:
“Đời nầy như thế, người kia cũng thế,
Làm sao mà tránh khỏi việc lầm than.
Sống tranh đua khi chết cũng xương tàn,
Cho nên mượn đuốc huện đánh tan niềm tục lụy”.
Nghe hoài hoài như thế, điệu đàn nhập tâm sẽ không tranh đua, lòng an lạc. Đàn khúc huyền thâm để độ an bá tánh trước các sự việc thế gian lòng không xao xuyến, và cảm hóa họ như trong bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” Ngài viết:
“Thế trần tạm giả gạt đời ta,
Lướt khỏi song mê khỏi ái hà”.
Khi biết trong đời tất cả đều giả ảo thì đừng màng đến làm gì. Đó là khúc đàn của nhà chuyên nghiệp (nhà nghề) đã chọn một điệu đàn trong nhiều điệu đàn. Nếu ai hiểu được diệu khúc Thần Tiên nầy là tri âm hiếm có.
Tôi xin kể cho quý vị nghe câu chuyện có liên quan. Bá Nha, thời Chiến Quốc Xuân Thu người nước Sở lại làm quan to của triều đình nhà Tần, cỡi thuyền đi sứ nước Sở. Xong việc thì về, tới cửa sông Hàm Dương Trời  vừa tối, bống trăng nhô lên. Thích quá, Ông cho thuyền đậu lại hưởng nhàn, dưới bống trăng Ông đem đàn ra gảy. Tiếng đàn đã đập mạnh vào tai của anh tiều phu tên Tử Kỳ đốn củi về muộn, Đàn của Bá Nha đứt dây, Ông chủ cây đàn biết có người đâu đây nghe lén, sai quân sĩ càn lên bờ bắt trộm, đã thấy được Tử kỳ, hai bên lời qua tiếng lại để thăm dò lòng dạ, sau cùng đi đến kết bạn tâm giao, thương rất là thương. Bá Nha là quan trên đi công vụ, không ở chơi lâu, hẹn ngày gặp lại. Sau, nghe tin Tử Kỳ mất, buồn tình bạn tốt lại chóng vánh, Bá Nha đập vỡ cây đàn mà nói: Tử Kỳ đã mất ta đàn ai nghe?
Từ đó, các văn gia hay mượn văn từ “tri âm” để nói lên biểu cảm hiểu bụng dạ của người qua lời nói, đàn hát, còn nói hoài mà cứ “âm trì địa ngục” người ta gọi là “đàn gảy tai trâu”. Đức Thầy dạy đạo, viết tác phẩm “Vọng Bắc Hòa Nam” đã dùng:
“Lời ta khuyên nhủ như đờn Bá Nha.
Trong bổn đạo gần xa ghi nhớ,
Phải tu hành phận tớ cho xong”.
Đồng đạo chúng ta ví như Ông tử Kỳ, đem đối trước Đức Thầy để được khuyên nhủ qua “Điệu đàn trổi khúc huyền thâm”. Tín đồ đều đã tri âm mà tiếng đàn của Đức Thầy mãi mãi không đứt, gì sao? Vì Ngài đã huyền điệu dùng đàn không dây để trao tình yêu với sanh chúng:
“ Đờn ta vốn thiệt không dây
Vô duyên khó biết, lời Thầy nói xa”.
Có điều, điệu đàn được “nhà nghề chọn bản” thì người hát hay nghe hát cũng theo bài bản nhà nghề chọn, đừng có cái kiểu người ta đàn Nam mà mình ca bắc. Quý vị thấy, giờ ăn ở văn minh, người ta tạo cái máy hát có sức cám dỗ mạnh lắm, nghe mấy đứa trẻ nó rủ nhau đi ca rô kê. Trong máy có phần mềm cài đặt sẵn nhiều bản đàn, bấm bản đàn cho bài hát nào, người tập hát phải hát đúng bài bản. Theo đó, Đức Thầy đàn bản Từ Bi thì trò phải hát theo bản từ bi, Ngài đàn về trí huệ ta phải ca theo bài trí huệ. Ca  trật bản là “vô duyên khó biết” nên Đức Huỳnh Tôn Sư Nói:
“Học đạo lý như đờn trúng điệu,
Hòa bản rồi thì cứ làm theo”.
Tóm kết đại ý: Đức Thầy dùng từ “điệu Đàn” biểu dụ cho giáo lý giải thoát mà Ngài đem dạy để độ mọi khổ ách của chúng sanh. Các Phật, Phật Tổ và Đức Thầy có cùng một nhận định trong giới chuyên môn về giáo lý huyền thâm, nếu ai lãnh hội ý chỉ mà tu hành chắc chắn sẽ đắc thành đạo quả thoát khỏi vòng quay sanh tử trong sáu nẽo luân hồi mờ mịt. Tri âm đâu! Tri âm đâu! Tri âm đâu nào? Ai đã tri được “điệu đàn trổi khúc huyền thâm” của Đức Thầy thì hãy mau mau mà lo tu nhá!
29/5/2015
Lê Minh Triết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét