VIẾT
CHO LỄ CÚNG ÔNG BA
Trước hết tôi Xin thắp đuốc viết đôi nét
về Ông Ba.
Ông Ba tên thật là Nguyễn Văn Thới, tác giả của quyển
“Kim Cổ Kỳ Quan” sanh năm bính dần 1866, đời vua Tự Đức thứ 19, thân sinh của
Ngài là Ông Nguyễn văn Đỏ, thân mẩu là Nguyễn thị Buôn, quê hương ở làng Mỹ Trà,
tổng Phong Thạnh, Cao Lãnh. Ông Ba tướng người cao cao, nước da trắng, tánh
tình hiền hậu nhưng đụng chuyện thử thách là cương quyết, từ thuở thiếu thời
đến lúc thành nhân, hễ làm việc chi thì làm cho được mới thôi.
Năm Bính Ngọ 1906, tròn bốn mươi tuổi Ông Ba bổng nghĩ
tới việc tu hành, phát tâm đi tầm sư học đạo. Nghe nhiều người đồn đãi xứ Trại
Ruộng Thới Sơn có Đức Phật Thầy Tây An ra đời dạy đạo, đồ chúng gần xa đến thọ
giáo quy y. Nơi rừng hoang, trại ruộng bổng trở thành một Phật học đường, đào
tạo những bậc cao nhơn đức hạnh. Đức Phật Thầy Tây An viên tịch năm Bính Thìn
1856, ngôi Làng Chùa Thới Sơn không vì sự vắng mặt của Ngài mà quạnh quẽ lu mờ
mối liên quan với người đời sau. Ngài có nhiều đệ tử đức hạnh, tài phép, có khả
năng bảo vệ tốt sự nghiệp giáo đời của Thầy Tổ. Trong số đệ tử của Đức Phật
Thầy có Ông Trần văn Nhu một đệ tử nhỏ tuổi nhất trong các đệ tử, mới bốn tuổi
thì được bàn tay Đức Thật Thầy điểm đạo trên đầu, người đời kính mộ Ông là bậc
đạo đức cao siêu. Ông ba tin theo lời đồn, đặt chân
lên vùng Nhà Bàn, Trại Ruộng Thới Sơn, quyết lòng tầm kiếm Bậc Thầy. Vùng Thới
Sơn Nhà Bàn vẫn còn là nơi tụ hội của đồ chúng Bửu Sơn Kỳ Hương Nhưng không có mặt vị
Thầy đạo cao đức cả như lòng mong ước. Phải đi theo sự điềm chỉ tiếp, Ông Ba
tìm đến vùng Láng Linh mới diện kiến Ông Thầy Trần văn Nhu. Nghe qua một
hồi giảng đạo Ông Ba nhận xét đúng như lời đồn. Biết đã lựa đúng chỗ “Kèo xưa
danh mộc” không phải là “thợ khéo sơn da” (trích
dẫn lời Đức Thầy trong ngoặc kép) Ông liền quy y. Làm lễ quy y xong, Ông Ba
tính phải có một chỗ ở gần Bửu Hương Tự để sớm hôm bên Thầy tiện lợi cho việc cầu
học đạo Pháp. Qua năm đinh mùi 1907 Ông Ba cho dời
nhà về Láng Linh, dành riêng một căn phòng trong nhà làm tịnh thất. Trải
đã 3 năm, ngoại trừ đêm đến ra ngoài tắm rửa, tiểu tiện, thời gian còn lại ở
luôn trong thất. Trong lần tịnh thất nầy tâm hồn Ông bừng sáng, tỏ ngộ chân lý
viết ra ba tác phẩm: Vân Tiên, Thiện Từ, Cổ Vãng Kim La.
Sau Bửu Hương Tự bị sanh biến bởi sự ganh tỵ của Ông
Nguyễn văn Phẩm. Ông Hai Trần văn Nhu tổ chức cúng giỗ Đức Cố và các anh linh
của đoàn binh Gia Nghị sau trận chiến cuối cùng ở vùng Bảy Thưa, lễ cúng giỗ
ngày 21 tháng 2 năm Quí Sửu 1913 tại chùa Bửu Hương Tự, Phẩm đi trình báo với
quân chinh phạt Pháp, chúng kéo lực lượng đến bao vây chùa, bắt tất cả 56 người
người đạo đến cúng lễ chùa, trong số bị bắt có cậu Tư Tuấn con trai của Ông Ba,
còn Ông Ba tuy thoát khỏi vòng vây của quân dị chủng nhưng phải sống cuộc đời
bất hạnh, đơn côi.
Đứng trước cảnh Thầy Tớ rã rời, phụ tử chia xa thì sau
ba hôm xảy trận, ngày 24 tháng 2 năm 1913 vào giờ ngọ Ông Ba dùng dao cạo cắt
họng tự sát, vết cắt ăn sâu hơn nửa cuống họng mà không chết, thân nhân hoảng
hốt chỡ Ông đi nhà thương Châu Đốc nhờ điều trị. Bị chỡ đến, nhà thương cũng
muốn làm tốt công việc lương y, nhưng Ông Ba quyết không dùng món chi của quân
dị chủng, họ có băng bó vết thương cổ cho Ông Ông liền gở bỏ. Thấy Ông làm cứng
như vậy Y bác sĩ biết không thể trị được, họ đem bỏ Ông ra nhà xác. Có cơ hội,
chờ im hết các tiếng ồn bên ngoài, Ông gượng dậy trốn khỏi nhà xác.
Thật lạ thay! Vết thương đứt lòi cuống họng cỡ đó, ăn
uống các thứ phải lấy vãi bó cần cổ cho kín bít mới dùng vào, không dùng thuốc
Tây mà tinh thần Ông luôn minh mẩn, bệnh đau nhức mỗi lúc mỗi giảm dần.
Bửu Hương Tự kể từ vụ Nguyễn văn Phẩm, nhà chùa bấy
giờ bị mạn lưới tình báo của Pháp dòm ngó suốt. Liệu ở đó không yên, hơn năm
sau, khoảng tháng bảy năm 1914 Ông Ba dời nhà về doi lộ lở xã Kiến An, Tổng
Định Hòa, Long Xuyên. Từ đây Ông giả dạng người thường không chen lấn tranh đua
danh lợi, rảnh thời giờ Ông Ba sáng tác nhiều quyển như: Ngồi Buồn, Kiểng Tiên,
Kim Cổ Kỳ Quan, Cáo Thị, Tứ Đại Thừa Nhàn. Những tác Phẩm ấy vẫn còn truyền thụ
đến ngày nay.
Sau 14 năm kể từ khi Bửu Hương Tự bị bao vây, cũng
suốt 14 năm trường Ông Ba bị vết thương đeo đẳng trên cần cổ mà vẫn đủ bình
tỉnh, sáng suốt viết ra nhiều quyển giảng kệ khuyên đời tu niệm. Người ta bảo
nhau chỉ có Phật, Bồ Tát mới chịu nổi cái đau của Ông Ba chứ nếu người thường
tỉnh hồn đâu mà viết cơ giảng, bày tỏ nợ nước, ơn Thầy, khiến người đọc cảm
dâng niềm kính trọng.
Thế rồi vào một đêm Ông Ba kêu người thân trong nhà
hỏi thăm lúc nầy là mấy giờ, người thân cho biết là 10 giờ đêm. Ông bảo: Mới
mười giờ đêm sao, phải đợi đến 5 giờ sáng thì còn lâu quá. Ông chỉ nói vậy thôi
mà thời gian âm thầm trôi qua rồi cũng đến điểm hẹn, đúng 5 giờ sáng ngày mùng
9 tháng tư năm Bính Dần 1927 Ông Ba viên tịch thọ 61 tuổi.
Ông Ba ra đi trong bình an, để lại cho đời 9 tác phẩm
nhỏ lẻ, người đời sau kết hết các tập nhỏ lẻ in thành một quyển sách, rút trong
những tựa nhỏ lẻ “Kim Cổ Kỳ Quan” ra đề tựa. Ông Là một tấm gương sáng ngời
trung với nước, hiếu với Thầy và với người đời sau, Kim Cổ Kỳ Quan bàn bạc trên
khắp dãy non song, những nơi tôn nghiệm đạo Pháp.
LỄ CÚNG ÔNG BA MÙNG CHÍN THÁNG TƯ 2015
Lễ cúng Ông Ba cũng như các lễ trong Đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, Ban Tổ Chức lễ nhờ sự tiếp tay của các nhà Mạnh
Thường Quân đến giành với nhau việc làm công quả. Về nấu đãi ăn thì có nhiều
trạm cơm từ xa đến, chỡ theo đủ phương tiện, nào là rạp tiền chế, bàn ghế, bếp
nấu, gạo, đậu nành, lò và máy xay tàu hủ, máy xắt sả, máy nạo dừa, bếp ga mi ni
đãi lẩu trên mổi bàn ăn và một đội quân hùng dũng đủ sức khõe, gân cốt chắc chắn,
để không bại trận giữa chừng, kéo đến ồ ạc công việc. Ban tổ chức chỉ cho họ có
chỗ che rạp, dựng lều là đủ.
Như vậy cũng chưa vừa, gần đây người ta còn tạo thêm
cái rạp đãi bánh xèo ăn nóng, vừa thổi vừa ăn với những rau tươi đủ vị, đủ màu,
của các nhà trồng trọt dành dụm cho cuộc cúng lễ. Những người ở xa, không chung
đạo chung Thầy, vui với lễ mà đi, ở suốt một hai ngày lễ được tiếp đãi tử tế,
ăn uống không tốn, về nhà gần một năm rồi mà còn nhớ nhớ thương thương mấy anh
em tiếp đãi, những cái bánh xèo nóng hổi, chờ tới nữa đặng đi.
Những rạp đãi nước: nước đá cà fê, trà đá đường, nước
đá chanh đường, nước đá sữa đậu nành, sữa đậu nóng, nước đá hột é lừ ư… hoạt
động tích cực hăm bốn trên hăm giờ.
Lòng người đạo PGHH, BSKH tiền rừng bạc biển đổ vô trong
các lễ đạo, những lợi ích cho đạo, công tác từ thiện, lăn vào trong các bệnh
viện phát miễn phí cơm cháo, nước sôi; chạy vô núi, vô rừng, hao tiền tốn sức
để đem bó thuốc nam về độ bệnh cho bà con; cất cầu sửa đường; cất thí, sửa nhà
cho những căn hộ nghèo khổ, người ta thích hơn đem tiền cất chùa thờ Phật. Vì
Người tín đồ của hai đạo nầy biết Đức Phật của Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Phật của
Bửu Sơn Kỳ Hương có cất cho các Ngài một ngàn ngôi chùa Ngài cũng không ở
hưởng, Các Ngài đã đi ra ngoài chùa, các Ngài đi tầm thanh cứu khổ để biết ai
khổ thì cứu bất kể nghèo giàu, bất kể người đó là Vua, Quan hay thứ dân, nếu
suy nghĩ đến lòng bác ái vị tha của Ngài, suy nghĩ năng lực thượng thừa của
Phật, kêu lên một tiếng hay nhiều tiếng Nam Mô A Di Dà Phật, Nam Mô Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật, có âm thanh của tiếng kêu, dầu chỉ là trong bụng, Phật do
đó mà tầm thanh cứu khổ.
Có những vùng nhân dân nghèo mạt người ta lại dựng lên
một ngôi chùa nguy nga tráng lệ, dân tình nhà ở không lành, chạy ăn hằng bửa,
lỡ đêm trời đổ mưa to, nhà ở không lành khó mà ngủ yên, dậy lấy thau hứng những
giọt mưa nhểu trong nhà, hoặc bức dây mùng cuốn chiếu cuốn mền mà chạy tránh
giọt nước nhểu. Diễn trạng nầy, theo tôi nghĩ, nếu ai đã chuẩn bị số tiền hỷ
cúng vào viêc cất chùa thờ Phật mà đem hết số tiền ấy lợp lành mái nhà của
người nghèo khổ, Phật trên cao ngó xuống sẽ ừ ngay thôi.
26/5/2015
Lê Minh Triết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét