Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

              TRẺ THƠ VỚI TRƯỜNG HỌC

Có một bé gái kêu tôi bằng ông, bé mới vô trường mầm non ở Ngã Tư chợ Kiến Bình, cô giáo cưng nên thường cho cắm hoa, cháu rất mừng, đem khoe hết người nầy tới người nọ trong nhà. Đến tôi chơi dường như không có chuyện vì để nói nên cái đề tài cắm hoa cứ nhắc lại nhiều lần.
Biết ý nghĩa trò được cắm hoa là thế nào nhưng tôi nói khác đi để thử sự phản ứng của cháu:
Thế là con học không được chăm ngoan chứ gì! do đó cô giáo mới cho cắm hoa để con vui, nghe lời cô giáo ngoan lên.
Nghe tôi giải thích, trông thái độ con bé bơ phờ tội nghiệp, nhưng nó cãi:
Không phải, cô giáo khen con nhiều nhiều, khen con múa hát hay, đồ mặc  sạch sẽ, móng tay luôn cắt sát, không gây ồn trong tớp.
Tôi nói với cháu:
Hay đến vậy sao! Có thiệt không đó nhóc con?
Thiệt, ai nói gạt ông chi. Không tin ông đi hỏi cô con coi.
Hồi chưa đi học mẩu giáo, thường khi bé đến là xin kẹo bánh, hoặc cho bé mượn cây viết để vẽ bùa lổ ban trên những tờ lịch tôi đã vứt ra chất đống trong cái hộp giấy, nhưng có lần bé xin món đồ làm tôi ngạc nhiên:
Ông tư may cho con áo dài cúng đi!
Nghe hỏi xin thứ lạ, tôi không đáp và nhìn tướng cháu trông có được chưa mà đòi. Thấy tôi bỏ qua không nói năng vì, cháu lại ôm cổ tôi, hôn một cái, lập lại câu nói: Ông Tư may cho con áo dài cúng đi!
Nhóc con à, đòi may áo cúng nhưng con có biết cúng chưa mà kêu Ông tư may cho?
Con biết, ở nhà mỗi bửa con cúng với cha mẹ con.
Thiệt không đó?
Không tin Ông tư đi hỏi cha mẹ con đi.
Không biết ai tập cho cháu cái thói quen, hễ ai không tin lời cháu nói, cháu kêu người đó đi hỏi cho ra lẽ. Tôi nói với cháu không cần đi đâu cho mất công, con cúng để ông tư xem có có trúng thì chấm điểm. Bé không ngại, quỳ nguyện và lạy rất dễ thương. Xong bé hỏi tôi:
Vậy được hả ông tư ?
Tôi nhéo chiếc má của nó:
Được.
Vậy ông tư may áo cúng cho con nghen!
Ừ, để Ông kêu người ta may.
Tưởng con nít mau quên, hứa cho qua chuyện mà có qua được đâu. Sáng sớm hôm sau bé đến hỏi:

Ông tư có may áo cúng cho con chưa?
Ba bốn hôm liền cháu bặt tăm, tưởng nó giận vì đến hỏi mà chưa có áo. Không có con bé dễ thương đến nhà, tôi cảm nghe trong lòng như thiếu một cái vì đó. Sau nữa cháu cũng đến, nựng chiếc càm nó tôi hỏi:
Mấy bửa nay con đi đâu không đến thăm Ông tư?
Con bệnh, ngày nào mẹ cũng chỡ đi chít thuốc, chừng về nhà mẹ dặn không được ra khỏi nhà.
Nay mẹ cho đi chưa nhóc con?
Con hết bệnh mẹ kêu con lại chơi với Ông tư.
Nhóc con à, lại đây xin bánh kẹo thì nói, kẻo Ông tư bận làm công việc, có xin không ai rảnh đâu mà cho nghen.
Ông tư, chị hai con bệnh ho nhiều lắm, cha chỡ đi chít thuốc nhiều bửa mà không hết. Con kêu chị hai niệm Phật để Phật độ, chị hai không chịu niệm, bởi vậy ho hoài.
Sao con biết niệm Phật thì Phật độ?
Hôm hổm con cũng bị ho, nhiều còn hơn chị hai, con Niệm Phật, Phật độ con hết ho luôn.
Có lần cháu đến kể tôi nghe chuyện cả nhà nó xem phim ma, thấy con ma, chị hai không dám ngồi gần vô tuyến, cháu thì không sợ, ngồi sát lại màn hình. Tôi hỏi, sao chị hai sợ mà con không sợ? Nó đáp tôi không ngờ:
Ma ở trong phim chứ ngoài đây đâu mà sợ, hơn nữa, mình có cúng lạy Phật, Phật độ, cho dù có con ma thiệt cũng không hại được.
Tôi không nghĩ rằng ở cái tuổi học mẩu giáo mà biết  phân biệt ma thiệt với ma trong phim và điều ngạc nhiên hơn nữa: cúng lạy Phật mỗi bửa là không sợ ma. Trông vào bé gái của tôi, tôi biết còn nhiều những bé nhà khác cũng có duyên sâu với Phật từ lúc còn rất nhỏ, nếu gặp gia đình nào có Ông Bà Cha Mẹ tiếp săn sóc giống duyên cho các cháu là hay lắm đó. Tôi biết là mình không có khả năng huấn luyện một đội ngũ từ mầm non cho tương lai giáo sự Phật Giáo Hòa Hảo sau nầy, gánh vững chắc sự nghiệp tôn giáo khi đã thành người lớn, nhưng tôi mong là có ai đó có khả năng.
Nghĩ như vậy có phải là một ước vọng quá cao không? Trở thành một nhà tu chân chánh, sống hiến thân vì đạo, lợi ích cho đời bằng làm tỏ rõ ngọn đèn chân lý để người ta thức tỉnh, rứt bỏ các sự trói buộc của hồng trần là rất khó chứ gì. Khó những cũng có người vượt khó để đạt mục đích. Nếu mầm non không được ấp ủ tốt, rơi rớt dọc đường, như vậy mà có biết học Phật từ lúc nhỏ, dầu sau nầy không là một tu sĩ giữ hạnh ly gia cắt ái gánh vác trọng trách Phật Sự, lớn lên theo đời, trôi chảy trong dòng đời để tìm chén cơm manh áo, giàu sang, cái giống duyên Phật Pháp chứa dựa trong tâm, có ra làm ăn ngành nghề gì để kiếm tiền, lương tâm sẽ được đánh thức về chuyện phải và trái, tội và phước, ghét thương, trong hai điều điều nào nên làm, để từ đó giữ mình làm phải không làm trái, làm phước không làm tội, làm thương không làm ghét thì sự sống của mình, bà con mình, dân làng mình lành mạnh ngay bởi những người sống chân thật, ngay thẳng, chắc chắn sẽ tốt hơn cái xã hội không trọng đạo đức. Người ta không học được cái căn bản đạo đức ở nhà trường hay qua mái ấm gia đình cha mẹ là người trọng đạo thì khó mà hành sử đạo đức với ai trong xã hội. Nhân dân không có tự do tôn giáo và tín ngưỡng, tranh giành quyền thế, xâu xé vì tiền, nạn tham nhũng, tham ô, được lãnh đạo nhà nước cấp cao đánh giá là quốc nạn, ra đủ thứ lệnh để trừng trị mà rốt cuộc đi đến bất trị.
Cơ quan nhà nước tự hào chọn viên chức đều là những người có học vị nhưng lại rơi vào thời điểm mà chủ lãnh đạo đất nước lòng dạ hẹp hòi, giành ảnh hưởng quần chúng trên sức đè bẹp tôn giáo. Ngành giáo dục hơi mùi thuốc súng, quyền lực, lịch sử nhẹ đầu nặng đuôi. Chọn vô thần làm điểm tựa, nghinh chiến với các hoạt động tôn giáo truyền thống. Tính giáo dục  như thế dễ đẻ ra cái xã hội bất ổn về an ninh.
Đạo đức không được tôn trọng, thì nét đẹp văn hóa càng lúc càng sụt giảm đáng ngại. Đọc suốt chiều dài lịch sử chưa có thời nào con gái Việt Nam bị đem đi bán nô lệ tình dục bằng cái nhản đăng ký “xuất khẩu lao động” và cũng chưa có thời nào những cô gái Việt bị kẻ ngoại chủng mua làm vợ với nhiều cặp vợ chồng tuổi tác đáng Ông đáng Cha. Trong làng quan chức nhà nước bể bung nhiều trọng án tham nhũng của dân, tham ô công quỹ giá không rẻ, tới hàng ngàn tỷ đồng. Chuyện đổ bể làm thâm hụt ngân sách quốc gia, đẩy đất nước nghèo hèn lạc hậu. Có bắt giam hết cái tốp quan chức tham ô nầy mà chờ gở sau thì cũng không gở được. Chẳng phải nhà nước cấp tối cao đã ra lệnh hoài hoài, đánh mạnh tay tệ nạn tham ô, tham nhũng, mà cái bệnh cũ cứ vẫn tái phát mãi đó sao?
Cổ nhân bảo “tiên học lễ, hậu học văn”. Người xưa quan trọng sống nhau bằng lễ nghĩa, đạo đức, nếu “lép” lễ nghĩa mà văn học thông thạo e thiếu giữ mình chơn chánh. Sống không chơn chánh, chân thật, có đem đối đãi với cha mẹ chưa chắc Ông Bà hài lòng. Người chỉ biết lo kiếm tiền, quyền chức, lúc nào cũng với cái tâm chạy đua giành thắng hơn trên các việc làm kinh tế, thắng hơn về ăn sang, ở đẹp trong biệt thự lộng lẫy. Để đạt tới mục đích chẳng cần ai nhắc nhở và họ sẽ không để tội phước, phải quấy, tốt xấu can thiệp vào “sự nghiệp đồng tiền” miễn là ký được một hợp đồng lời nhiều, có tiền, có quyền là hơn.
Luật pháp nhà nước chờ có kẻ tham ô cướp giật, giết người mới bắt nhốt, tù đày, hành động cứu chửa một cách muộn màng, kết quả không đi vào đâu. Người thiếu đạo đức lễ nghĩa làm hàng rào sự sống thì khó ngặn chận lòng phàm tham điều nầy việc nọ, dẫn đến vi phạm luật pháp. Sao trong giáo dục không nêu đạo đức học từ lớp vở lòng. Con nít nói lời hổn ẩu Thầy Cô giáo không nên hành động nặng tính trừng phạt như Ba Mẹ của bé ở nhà, vả mấy cái vô miệng cho bé khóc mếu máo, hâm tiếp: Còn nói hổn ẩu nửa tao may miệng, bẻ răng, nghe chưa? Nặng tính trừng phạt chỉ làm cho bé tức tửi không cải thiện được vì đâu. Sự tức tửi không được giải bày, ngấm sâu vào lòng đến lớn lên, cái gay gắt tích tụ trong cuộc sống, dễ sanh giận hờn, ích kỷ. Thay vì bạt tay ta nên giúp bé bằng cách giải thích cho bé biết: nói hổn các bạn cười chê mình là người xấu, trộm cắp các bạn khinh khi, nói dóc láo các bạn biết sẽ không tin mình nữa, tội với Trời Phật Thánh Thần, nữa chết đi bị tội nặng lắm. Thường dạy về tội phước, nhân quả báo ứng nhuần nhuyễn cho học trò học sâu vô, lòng có đạo, lớn lên làm quan chức nhà nước, Ký một tờ phép tạm vắng cho người ta đi làm mướn, buôn bán hay chăm ruộng rẩy xa nhà, cơ quan có thẩm quyền là công chức nhà nước, làm việc ăn lương, gặp vậy thì ký nhanh cho người ta đi, ở trì quởn cho người ta lo cái “thủ tục đầu tiên”… nữa hả?
Khi bé trộm vặt của các bạn trong lớp, bắt bé đứng lên trước lớp để làm nhục một học trò trộm vặt thì ích lợi của sự giáo dục tới đâu? Thầy cô nên cho bé thấy tình thương, lòng nhân hậu của mình hơn sự quở phạt, khi bé thấy Thầy Cô không giận bỏ nó trong lúc nó làm quấy, bé có thể cảm nhận được dần dần nó sẽ trở nên một học trò dễ dạy, dễ thương.
Tham nhũng, tham ô đã trở nên bất trị vì ở học đường xưa của những viên chức không đề cao môn dạy đạo đức của các tôn giáo, học đường nay cũng còn vậy nữa thì nạn tham nhũng, tham ô sẽ bất trị tiếp theo. Đạo đức của một người là không chắc, cần phải có đạo đức xuất phát từ tôn giáo. Cá nhân có hạnh cách đạo đức mà không ở trong một tôn giáo nào để học hành giáo lý, kết quả rất gượng gạo, niềm tin đối với mọi người chỉ còn là miễn cưỡng, nếu là cá nhân không đạo, cũng không có hạnh cách đạo đức mà vẽ rồng vẽ rắn để tự tôn mình, người ta biết… vấn đề chỉ còn là thời gian…
11/5/2015

Lê Minh Triết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét