Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

VIỆC CHUNG CẦN NHIỀU SỨC ĐÓNG GÓP
 Hình chỉ là minh họa
Mới đây có sáu thanh niên lạ đến tôi, qua vài câu thăm hỏi tạo duyên, một trong sáu người bày tỏ bằng giọng than trách: PHẬT GIÁO HÒA HẢO (PGHH)giờ bị chia cắt quá nhiều manh mún chú nghĩ có đúng không?
Tôi nói: danh xưng của một tôn giáo mà gắn liền hai chữ “manh mún” vào thì thật là hạ giọng, không đúng đâu. Để cho người nghe dễ thông cảm ta nên tìm một từ nào khác ngoài “manh mún” cho bớt ưu tư, hoặc ta hãy nói: tín đồ PGHH bị chia cắt manh mún, được không nào?
Cháu chưa hiểu ý của chú.
Tín đồ PGHH là chúng ta đây, chưa tròn đạo hạnh để vào quả vị, trình độ giác ngộ không đồng, ý nghĩ sâu cạn, cao thấp. Sự bất đồng có thể dẫn đến chia phe chia phái trong nội bộ tín đồ. Đạo PGHH do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, Ngài là một Đức Phật trong vô lượng Đức Phật ở cõi Tây Phương, vì thương chúng sanh mà lâm phàm tế độ như Ngài đã nói:
“ muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần, đặng chịu cảnh chê khen”
Và:
“Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần.
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao khổ”.
Hoặc:
“Thương hồng trần mượn xác tái sanh”

Xem đó, PGHH không phải do người của thế gian tạo ra mà là của Đức Phật, sẽ mãi mãi không manh mún. Manh mún là chúng ta, là tín đồ sinh hoạt tôn giáo theo ý thích của mình chống ý thích của những người khác làm lăng xăng giặc dậy với nhau. Nếu như, tổ chức hội hàng vì đó theo ý thích của mình mà không chủ trương ngược đãi ý thích của người khác thì đâu có lăng xăng giặc dậy, nhiều tổ chức để có thêm sức ảnh hưởng cho PGHH, sẽ tốt hơn dành chỉ một tổ chức như giáo hội quốc doanh, vì không tôn trọng tính công bằng, dân chủ trong bầu cữ, ứng cữ, dựa trên thân thế nhà nước mà tồn tại nhưng  sinh hoạt không được nhiêu người.
Độc tài về tôn giáo cũng rất đáng sợ! Đối với giáo hội quốc doanh, chúng ta chia cắt để tự tồn là điều đáng nên làm. Còn theo suy nghĩ của em trai, PGHH bị manh mún qua sự việc gì?
Nói tới quốc doanh thì miễn bàn cho đỡ giận. Ngoài quốc doanh, như chú biết, trong đạo giờ không thuần nhứt một ý, chia nhiều tổ chức, phe nhóm.
Theo tôi, nhiều tổ chức trong đạo là nhiều cách làm đạo khác nhau nhờ thế mà đạo mới giải quyết những bế tắt từ một người theo đạo đến nhiều người theo đạo. Thông các nẻo đường làm đạo trong một tôn giáo, giáo hội không phải là sai mà chịu sự khiển trách. Người ta tổ chức chương trình hay công việc vì đều là để đáp ứng yêu cầu công tác Phật sự PGHH là được, không cần biểu người ta phải “giống mình”. Em trai nghĩ sao! một gia đình mà Ông Cha chuyên nghề cày ruộng con cháu sau nầy phải đi theo con đường mòn ấy không thể thay đổi hay phát sinh nghề nghiệp nào nữa à? Đi theo lối mòn của những người đi trước bề ngoài ta thấy có sự ấm áp của tình phụ tử theo nghề truyền thống, nhưng ở vào thời đại văn minh, nhân loại không ngừng phát triển tiềm năng, vươn cao trí tuệ để đạt đến tiêu chí chung dân giàu nước mạnh. Nông nghiệp cho dù có phát triển, sự phát triển không thể sánh vai với công kỹ nghệ đi lên toàn cầu. Nông dân thì nhàn nhã nhưng sự thiếu thốn qua sắm, ăn, chật hẹp trong khi cũng hộ nông dân khác, một vài đứa con trong nhà nông không muốn đi cùng Ông Cha lo nghề cày cấy nữa, chọn giải pháp mới, học làm bác sĩ, kỷ sư, tiến sĩ kinh tế, kinh doanh thương trường, mở chơi thị trường chứng khoán kiếm nhiều tiền hơn Ông Cha của mình, có cuộc sống sung sướng hơn Ông Cha là không tốt sao? Đáng bị chỉ trích sao? Nghề nào thì cũng có người thạnh kẻ suy, rất nhiều người bán ruộng để đầu tư trong việc kinh doanh mua bán mà năm chìm bảy nổi, không hơn vì Ông chủ ruộng bình thường, nhưng gia đình có nhiều nghề, cơ hội cho tâm trí mở rộng sẽ thoán mát hơn.
Ngài Nghĩa Tịnh đời nhà Đường Trung Quốc 635- 713, sau Ngài tam tạng pháp sư Trần Huyền Trang 600 – 664 có đi Thiên Túc (Ấn Độ) tham học và thỉnh kinh. Qua sự tham học Ngài ghi nhận có rất nhiều, rất nhiều phái tu Phật Giáo, Ngài ngợi khen, tán thán Đạo Phật có nhiều chi phái hoạt động cùng lúc mà không phái nào chống nhau và tất cả có chung mục đích làm phát triển Đạo Phật. PGHH ở thời cận đại từ 1965 đến 1975, thời gian có 10 năm thôi mà tới ba giáo hội trung ương ra đời. Cả ba tổ chức giáo hội trung ương đều có tín đồ tham gia chỉ số tương đối, hoạt động tích cực, là thời kỳ vàng son của PGHH.
Theo ý em trai, tại sao không để chỉ một giáo hội trung ương thôi chứ gì?
Dạ phải!
Giáo Chủ của tôn giáo là bậc siêu nhân trên trước lâm phàm dạy đạo còn thành lập giáo hội để có cơ sở pháp lý hoạt động tôn giáo là phần của các tín đồ trong đạo, gốc gác phàm nhân chứ không phải siêu nhân, họ còn bị thất tình lục dục che mắt bít tai, không thấy rõ chân lý mà sống bằng suy lý, mặt yếu kém, cạn cợt, hẹp hòi ở phần phía nào đó ngoài chuyên môn là không giỏi để kêu sức ủng hộ tất cả cộng đồng. Nơi mình không đáp ứng nhu cầu thì người ta mang tấm lòng khát khau sẽ cố tìm nơi khác, đó là nguyên nhân để có ra một tổ chức khác. Nếu như, có một giáo hội nặng tính xã hội từ thiện, lúc nào cũng nêu cao quan điểm chẩn tế, sửa đường, cất cầu, độ bệnh, nhẹ việc trau thân sửa lòng. Nói mình tu, mình làm đạo, các sinh hoạt tôn giáo đổ vồn về sinh hoạt xã hội từ thiện. Bên cạnh đó những người chuyên tu, ly gia cắt ái, hạnh cách thiền môn, muốn có sự hỗ trợ về đạo tràng, tịnh thất, lớp giảng chuyên môn mà đến với giáo hội nầy như đi lộn chỗ. Ngược lại, có một giáo hội đặt tiêu hướng ngưỡng cửa Niết Bàn, sống quên thế sự, vào đâu đi đâu cũng sợ nhiểm, thắc chặc việc tu trong một không gian yên tỉnh, tránh chỗ ồn náo, không hay biết ngoài xã hội như thế nào, ai đói ai đau, đường hư, cầu gảy vì vì cũng cứ mà tỉnh bơ. Những người tu có yêu cầu xã hội từ thiện cao có thể thu mình ngồi vào không gian yên tỉnh để tỉnh bơ trước thế sự được sao?
PGHH với pháp môn “Học Phật Tu Nhân” gồm có bốn điều ân quan trọng mà các tiền bối vinh danh cái tên nghe thật là sướng tai “Tứ  Đại Trọng Ân”, trong đó “Ân Đất Nước” được Đức Huỳnh Giáo Chủ sắp đứng vị trí thứ nhì. Những tín đồ nặng lòng quốc gia xả tắc gặp lúc bị ngoại xâm, hoặc bối cảnh chính trị trong nước đã làm cho nhân dân sống không có tự do, quyền con người bị tước đoạt, người có ý thức, trách nhiệm với tổ quốc phải xông vào trận bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền con người nhưng dưới một tổ chức giáo hội chủ trương lánh trần cảnh để tìm về Phật cảnh, vùi tu trong một không gian yên tỉnh, vào đây làm sao mà được. Người tín đồ nào thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc không thể ngồi yên một chỗ mà niệm tưởng, cần có một tổ chức giáo hội khác hơn để phụ vụ tôn giáo là đương nhiên.
Nhìn chung, tôi đưa ra ba tổ chức giáo hội PGHH làm ba luận chứng, giáo hội nặng tính xã hội từ thiện, giáo hội chủ trương xa trần cảnh để tìm về Phật cảnh và giáo hội nặng tính quốc gia dân tộc; tất cả đều vì PGHH mà phấn đấu phát huy và nếu sự thật đã vì PGHH thì không thể có vụ người Hòa Hảo chống người Hòa Hảo. Anh em chung một cha, huynh đệ cùng một đạo, thờ một Thầy, có chung sự giáo dục mà chống nhau, đặt mục tiêu danh lợi để hơn thua bôi tro trét trấu lên mặt mày nhau chứng tỏ mình không chấp nhận sự giáo dục của Cha Ông Thầy Tổ. Ở trong đạo, làm việc đạo chỉ là trưng bài cái võ hình thức để cho trong ruột chứa oán thù như vậy đã không phải vì PGHH đâu.
Tổ chức giáo hội nhiều hay ít là do có nhiều hay ít người yêu cầu, được hay không theo tôi không nằm ở một tổ chức hay nhiều tổ chức mà ở người ta có thật sự vì PGHH làm tốt cái công tác đã được truyền lệnh “ Thương yêu nhau như con một cha và dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức”, nếu có nhiều tổ chức mà cùng nhân rộng “sự yêu thương dìu dắt” sẽ nhanh đạt kết quả hơn công việc của một người làm. Đạo có nhiều người truyền bá sẽ tốt hơn nếu chỉ để cho một người truyền bá.
Hãy nên kiểm chứng chính mình để đo lường sự thương yêu dìu dắt mà mình đã học từ Đức Thầy tiến triển bao xa. Nếu sự thương yêu dìu dắt được đem thực hành đến độ nồng nàn, thửa lòng luôn trong sáng, tỉnh táo, dễ tha thứ, không vì mất lòng nhau, không cùng nhau một tổ chức mà chuyện bé xé ra to, có cơ hội là mắng nhiếc, quỷ vương, phá đạo, phản Thầy. Đừng tưởng sự kêu réo của ta sẽ lôi thêm nhiều đồng minh hạ gục một đối thủ? Có thể không như vậy đâu! Khi ta tố giác sự ngông cuồng hay những tội lỗi của người mà ta nợ họ sự  thương yêu dìu dắt, dưới bộ dạng nóng nảy, ác mồm của ta khiến khách quan cảm nhận có cuộc tranh giành ảnh hưởng. Từ đó họ sẽ đặt vấn đề với ta rằng: Tôi chưa biết người Ông không ưa đã có sai trái một cách cụ thể thể nào, nhưng nhìn Ông, một người đạo PGHH mà không còn một chút thương yêu dìu dắt thì tôi cũng phát sợ cả Ông luôn.
Đức Thầy sáng tác Sấm Giảng và Thi Văn để làm bộ môn giáo lý căn bản cho tín đồ theo đó tu học. Một tín đồ kính đạo, trọng Thầy đọc giáo lý với cái tâm săn sóc vườn đạo, biết để tu khác xa với người tín đồ biết quá nhiều, học thuộc quá nhiều về giáo lý mà không tu, lúc nào cũng muốn đem giáo lý ra ăn thua, chờ ai nói sơ hở là bắt bẻ. Họ biến môn giáo lý họ học được ở Đức Phật Đức Thầy thành vũ khí tối tân, để hễ ra trận ăn nói, là phải thắng. Thôi được, nếu có cảm nhận giáo lý như vũ khí thì cái oai phong của chiến sĩ Đức Như Lai, cầm súng ra trận chỉ với mục tiêu đánh bại kẻ thù phiền não, đừng biến giáo lý là vũ khí để đánh bại đồng đạo mình.
Nếu trọng đạo, khi làm công tác Phật Sự là không có tính hơn thua, người đạo phải luôn luôn bảo vệ đạo, ăn thua nhau với người trong đạo sẽ làm cho đạo xuống dốc. Ăn thua với ai cũng không được bởi đạo Phật là đạo Từ Bi. Đừng vì háo danh mà nhào tới bảo vệ danh một cách giành giựt, danh dự sẽ bị tổn thương nặng hơn, cho đến một lúc nào đó sẽ không có thuốc chữa nếu mình mãi làm chuyện đó. Đạo là tình thương, là chất liệu tươi vui, bình an trong cuộc sống. Muốn có đạo trước phải có tình thương và muốn có tình thương luôn luôn phải có tấm lòng dìu dắt. Thực hiện chu đáo lời dạy của Đức Thầy nói trên, dẩu có nhiều tổ chức giáo hội trong một tôn giáo, tổ chức nào, cá nhân nào mang theo tấm lòng thương yêu và dìu dắt để gặp gở, hội luận, lúc ấy sự thân mật bao trùm. Tôi nói như thế em trai nghĩ có nên không?
Bây giờ thì con hiểu ra… Cám ơn chú.
Viết lại cuộc gặp.
28/3/2015
    
Lê Minh Triết


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét