Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

KỂ CHUYỆN TRONG ĐÊM TRĂNG  tiếp theo 6

Chết thân, không làm sao cấm người ta quan sát trong khi tẩng liệm. vào khoảng thời gian đó, bọn cướp bấm dấu nếu người chết xảy ra ở bất cứ nhà nào thuộc trong khu vực làm ăn của họ mà chôn cất một cách im lìm, kín đáo sẽ bị coi là đối tượng để truy đuổi. Nhưng xác của Cao Vân đã bị phân thây bốn mảnh phải tuyệt đối bảo mật, nếu để lọt tai người ngoài là bể chuyện, bọn cướp sẽ đến hỏi tội. Thanh Lan bèn kêu lão đóng giày về nhà khâu lành cái xác ấy để những người tẩng liệm chứng minh cái xác còn nguyên. Song, nếu lão ta biết thì bọn cướp biết nên việc Thanh Lan lừa chơi trò bịt mắt lão dẫn đi với biểu ý rằng: Vô minh phiền não đang rập rình phá hại người tu, vậy nếu tu tại nhà hay tu làm xã hội từ thiện lợi ích cho đời khi đi cũng như lúc về phải đề phòng cẩn mật, quan sát trong ngoài kỷ lưỡng, đừng để ở nhà thật an mà ra ngoài thì bị loạn, từ am cốc kỉnh lễ Phật ra đi là tâm không mà chừng xong việc trở về là kéo về cả lũ. Đi tu từ thiện như vậy là không sắc sảo lắm. Thương thì kéo về mà ghét cay ghét đắng cũng kéo về, chuyện tốt kéo về, chuyện xấu của ai đâu đi cả ngày đường cũng kéo về. Dù có công việc nào đó rất cần thiết phải đem về Chùa Am làm cho kịp thời đúng lúc với những yêu cầu công tác Phật sự hãy còn dang dở, nhưng thà đem công việc Phật Sự về chớ đừng đem phiền não của việc ấy về.  Như Thanh Lan có chuyện cần phải dời lão đóng giày về, giao cho Ông ta làm nốt công việc nàng muốn nhưng đi kế không cho lão kêu bọn cướp về sát hại.
Lão đóng giày không phải là tay chân bộ hạ của bọn cướp, nhưng công việc của lão làm là rất thành công, lão không thể không nói rõ việc làm như chiêm bao, huyền bí của lão cho bất cứ ai nghe. Do đó Thanh Lan bắt lão làm hết các điều nàng muốn, nhưng cấm lão cho người khác biết việc làm bí mật đó ở đâu bằng cách lập kế bịt mắt lão dẫn đi. Ta có thể trở lại câu trả lời của lão cho người trai trẻ đang đêm xin vào núp lạnh “ Không biết, vì họ bịt mắt tôi dẫn đến cái buồng kín, mở khăn bịt mắt tôi ra, họ buộc tôi chăm chú làm việc ấy thôi”.
Ta không nên có ý tưởng diệt sạch các công việc mà nói là như vậy mới an lạc trong đời sống tu hành. Bộ…Không làm vì hết thì trong tâm mới không có vì hết, tự lặng đứng các vọng niệm sao? Nghĩ như thế mà hành động chưa chắc có kết quả tốt. Hãy nói bằng sự thật, khi ta lên bồ đoàn tu thiền hay tịnh, không phải là lúc ta đã diệt hết các công việc bên ngoài rồi sao, nhưng ngồi đó mà cái tâm vẫn cứ chạy lung tung làm việc nầy việc nọ kia mà! Việc thiện hay những việc đã trở nên tối nhu cầu cho sinh tâm lý tìm lẽ sống còn, bỏ làm thì lấy gì để sống, xã hội đang cần nhiều sự giúp đỡ của những người tốt bụng cứu họ qua cơn hoạn nạn. Nếu ta bỏ làm mà đi xin của bố thí cũng là đi làm việc nữa thôi, xin xỏ cũng là việc. Ta chỉ bỏ nó là tình trạng không cho nó vào trong tâm. Chẳng khá dựa vào lập trường từ bỏ bằng tuân theo chủ lực giáo điều: tận diệt các hình tướng màu mở sắc hương… mà hãy tận diệt ngay bên trong chúng cái gì len lỏi vào hồn ta, vào tim ta cái ấn tượng, ký ức, hồi ức khôn nguôi, như Thanh Lan nàng không giết lão đóng giày cho mất tích sau khi ông ta khâu lành cái xác mà chỉ chận đứng cái tai vạ cho gia đình mình từ phương xa mang lại, thế là đủ.
Người tu, lúc nào cũng muốn làm lợi ích cho đời, có thể vì nhu cầu tiến đạt mục đích cứu độ chúng sanh lắm khi phải ở trong danh, lợi, tiền, quyền phát dương hạnh cách thanh tịnh thiền môn, dù biết tự thân của chúng không phải là phiền não hay bộ hạ của phiền não, nhưng cũng có thể, tôi nói cũng có thể thôi nhá, chúng kêu gọi muôn binh phiền não đến nếu ta không siêu hoá được chúng. Ta trải Thiền hay Tịnh lên cuộc sống, vô minh phiền não dàn quân ngàn lớp phía ngoài, Niệm Phật là Niệm Phật, lắng động là lắng động chớ không có ý niệm về Niệm Phật, lắng động. Đừng tưởng ý niệm về niêm Phật là niệm Phật, ý niệm về lắng động là lắng động. Một ý niệm về Phật hay về pháp khởi lên ngay lúc ta niệm Phật, chúng thật sự là chánh pháp được các giới học Phật cả tiểu thừa lẫn đại thừa công nhận có thẩm quyền triệt hạ những u tưởng bằng sự có mặt của chánh tư duy nhưng chúng có thể mở cửa lòng bất thường kêu gọi phiền não xông vào phá hại nếu ta không siêu diệt chúng. Theo đấy, ta thiền tịnh nhưng phải bịt mắt cái thấy có ta thiền tịnh hay bịt mắt cái hành trạng, sở ngộ về chúng ngay lúc đó như Thanh Lan dẫn kẻ lạ mặt về nhà, bắt tên ấy làm hết các việc theo ý muốn của nàng mà chẳng hề lọt chút manh nào ra ngoài về cái án tử của gia đình mình.
Theo đạo Phật, con người chết đi không phải là hết, họ đi đổi lại thân khác bằng cái sở hữu của họ tạo vừa qua, đồng thời để lại một hình ảnh là cái hồi ức khôn nguôi cho hậu thế. Chuyện Cao Vân chết bị phân thây, Thanh Lan  cố che giấu và hàn gắn, sự kiện ấy có 2 biểu ý chính:
1/ Người tu niệm, ngay sau khi tử biệt chưa được vãng sanh hay đi đầu thai thọ lấy thân khác, không phải Phật không phải ma để vãng sanh hay đọa liền. Chờ xét hồ sơ tuỳ theo vốn thiện ác đã gieo mà đầu thai. Nếu thiện nghiệp cộng với thiện tâm, huệ trí sẵn có, người nầy dù sanh ở đâu sẽ giữ được túc duyên tu niệm cho dù đứng trước một cảnh trạng hiểm ác nào, như Thanh Lan qua cái chết não lòng của Cao Vân và trong cái tương ngộ tương kiến chính nàng, để nàng phải làm sống lại người chết bằng đối phó với thần chết của kẻ đã bị giết chết mà sống nguyên vẹn bên một chân trời  bao la tự tại. Chết để rồi sống.
2 / Người tu Phật, chết cách nào thì cách, điều cần yếu là để cái gương lành cho hậu thế soi chung. Muốn để lại cho đời tấm gương lành thì lúc sanh tiền phải siêng suốt thiết tha với những việc làm lành mới có gương lành cho mà để. Cao Vân chết với tấm thân không lành lặn, Thanh Lan không mong ông ta sống lại mà chỉ muốn vá lành cái xác cũng như tất cả  những vì rách mướp của Ông để lại mà thôi.
Một hành giả chuyên tâm niệm Phật, cố nhiên là theo dõi hiện tượng của tiến trình tâm lý; chỉ một thoáng động là thấy ngay và kịp thời giải quyết dứt điểm qua bằng chứng cụ thể, như Thanh Lan, từ độ
làm kẻ ở cho Alibaba là bắt đầu chơi ăn thua với sanh tử. Biết rằng bọn cướp tìm đủ cách để ám hại chủ mình, nên ngoài việc đánh lạc hướng chúng nàng còn luôn đề phòng cẩn mật mọi chuyện. Do đó 2 vạch phấn trước tường nhà không cho phép nàng vô tình, quáng mắt, và điều: hễ nàng lo nghĩ việc chi sẽ không đi quá sự thật.
Trước cuộc đời hèn của một tên nô lệ 2 vạch phấn ấy có ý nghĩa gì? Ý nghĩa của người ở đợ là hầu hạ chủ nhân, mong làm vừa lòng Ông Bà, nấu cơm, xách nước lau nhà, giặt giũ…hơn thế nữa mong mau tới tháng lãnh tiền, sớm thoát đời ở đợ, tống khứ cái khúc quanh đen đủi của cuộc đời hèn mạt nầy đi. Thế nhưng, người tuỳ nữ Thanh Lan đã thành công vĩ đại, khiến chủ nhân còn bái phục ơn cứu mạng và đổi đời ngay tức khắc cho nàng.
Than ơi! Vậy mà trong cửa thiền môn lắm kẻ tu hành dễ ngươi cho phiền não vô tới nhà, vào bửa ăn, lân la bên giường ngủ, làm rộn ràng trong khi niệm Phật trì Kinh. Hoặc ta cúng nguyện nó theo rình, ta niệm Phật nó theo ghẹo, để lúc bất giác ta cúng lạy là cúng lạy ngay nó, niệm Phật là niệm nó, ăn chay làm phước cho nó, đọc tụng kinh kệ là đọc tụng nó… bị nó gạch nát mặt nát mày, gạch thương tích đầy mình nhưng vì không hay theo dõi tiến trình, nói tu mà có tu được với nó đâu, ta còn sờ sờ lạy Phật, ta còn sờ sờ trên bồ đoàn Niệm Phật mà chúng ta bị nó đánh, nó đập, nó cú, nó dọi, nó đá lăn lóc thiếu điều muốn chết (rớt) mà ta không hay tưởng mình ngon lắm. Nếu Thanh Lan là một nô tuỳ tầm thường như bao nhiêu nô tuỳ khác, nghĩa là không chuyên theo dõi đề phòng bọn cướp chừng cả nhà có chết cũng chẳng biết bọn cướp đến từ đâu.
Nhớ lúc trước có người hỏi tôi:
- Niệm Phật vọng động quá làm sao hết?
Thay vì trả lời tôi hỏi lại:
- Đạo hữu từ phát tâm niệm Phật cách nay bao lâu rồi mà muốn hết vọng?
- Thưa khoảng tháng nay.
- Còn trước đó?
- Tôi chỉ lo làm việc phước thiện.
- Lúc chuyên làm phước thiện, đạo hữu có bị vọng động như lúc giờ không?
- Thưa không.
- Lạ chưa! Trước đã không chuyên lo tu tâm (huệ) mà chẳng bị vọng động giờ miệt mài tu huệ đáng lẽ không luôn mới phải chứ.
- Hay là tôi thôi chuyên niệm Phật trí huệ, lo làm phước thiện như hồi lần để không vọng động?
- Việc trở lại làm phước thiện là tuỳ tâm giác ngộ. Nhưng còn vọng động ấy thì sao nào?
- Tôi nghĩ chúng sẽ tan biến ngay khi tôi bắt tay làm việc phước thiện.
- Tôi thấy chuyện không đơn giản như đạo hữu nghĩ. Vọng động  không phải mới sanh từ lúc chuyên tu, nó đã có từ khi đạo hữu chưa tu lận! Lúc chưa tu huệ, lo tu phước, vui với công việc bên ngoài ấy đâu ngó ngàn gì tới vọng động mà biết. Tưởng làm từ thiện để cho có phước là đủ rồi, không cần kiểm soát Tam Nghiệp để biết trong khi đó Thân, Khẩu, Ý của mình ra sao. Hễ muốn nhớ gì thì cho nhớ đả thôi. Thích ăn, thích làm, thích đi, thích suy tư đâu đâu thì cứ tha hồ cho nó ăn, nó làm, nó đi, suy nghĩ đã thôi. Bây giờ tu cách soi bổn tâm, nó muốn nhớ không cho nó nhớ, muốn ăn, muốn làm, muốn đi không cho nó nhớ nó ăn, nó làm, nó đi. Trước kia ta xây đấp thành luỹ cho cao mà chứa vô minh, dung dưỡng chúng, có chỗ tốt chúng sanh sản ra nhiều. Sức lực binh vệ của chúng ngày một đông, nay ta làm ngược lại chúng là trăm lần ngàn lần khó. Phải không sợ khó, lòng cương quyết đến độ nhạy cảm, vừa vọng là hay, rứt bỏ mạnh tay. Trường kỳ kháng chiến mới thành công.
Chuyện đặng, thất nào mà chẳng manh mối! có điều ta không dám nhìn thẳng nhìn thật về chính ta khi mình bê bối yếu đuối. Người tu trước khi té núi tư tưởng xuống cấp đã phải bố trí khá lâu, đâu ra đó hết rồi, chờ ngày hành động. Chuyện đã tính sẵn đừng ai nói là tình cờ. Như bọn cướp trước muốn tiêu diệt kẻ thù, họ phăng ngay đầu mối lão đóng giày và bố trí 2 chiến tướng 2 vạch phấn. Song nhờ sự đề cao cảnh giác bén nhạy của người tuỳ nữ nhà ấy, tinh ý phát hiện điểm cơ mật của 2 vạch phấn mà cứu thoát cả nhà không bị hành hình, còn, buồn cho quý Tu Sĩ nhà ta, sắp bị tam bành lục tặc đem đi trấn nước, dẫn đi chôn sống mà chẳng thấy được chút nguy hại nào.
(còn tiếp)


                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét