Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

NGHI VẤN 1
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC THỨ 14
NGHI VẤN VỀ CHÁNH TƯ DUY
Hỏi: xưa nay các nhà đạo học thường hay giải thích Đạo là con đường, đạo là chân lý tuyệt đối…trong “Luận về Tam Nghiệp” Đức Thầy giải thích với một ý nghĩa khác Ngài nói rằng “Đạo của con người kêu bằng đạo nhân, và nó là một con đường đi trúng là sống, bước trật tất chết”. Nhưng ở “luận về Bát Chánh” Đức Thầy nói “ Chân lý ấy là cái đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đố với mình. Có nhiều kiến giải như vậy, xin cho biết ý kiến của Ông giảng viên?
Đáp: Đức Thầy lâm phàm dạy đạo, xét trình độ học đạo của chúng sanh cao thấp không đồng nhau trong nhận thức nên Ngài cũng dạy đạo bằng nhiều cách, hình thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu của đa số. Khi bảo “Đạo của con người kêu bằng “đạo nhân” là để dạy những ai thích học đạo làm người. Đạo làm người theo sách vở xưa, dành cho nam giới học thuyết Tam Cang Ngũ Thường, dành cho nữ giới là học thuyết Tam Tùng Tứ Đức.
Đức Thầy cũng theo xưa mà dạy đạo nhân bằng như câu:
“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh,

Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người”.
Và câu:
“Ngũ luân lễ nghiã năm hằng,
Tam cang trung trực người rằng ngu si.”
“…Rán giữ gìn luân lý tam cang,
Tròn đức hạnh mới là cao quí”.
Từ sách xưa đó Đức Thầy có chút canh tân dạy đạo nhân lần theo hướng Phật, khuyên tín đồ “muốn làm tròn nhân đạo phải giữ vẹn tứ ân nhưng trước hết phải tránh tam nghiệp và trừ thập ác”. Tứ Ân, Tam Nghiệp, Thập ác đều là những danh từ Phật học, không dính dáng chút đạo nhân sách xưa. Xét con người ai cũng lãnh thọ tứ ân: Tổ tiên cha mẹ, Đất nước, Tam Bảo và ân đồng bào nhơn loại. Thọ ơn mà không trả ơn thì không thể gọi là người có nhơn đạo được. Cũng như con người còn phạm phải với người khác về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, phạm với người ta mà nói tu nhân đạo gì chớ?
Phật Giáo Hòa Hảo là chính danh đạo Phật bắt nguồn từ Đức Phật Thích Ca, chánh tư duy là một trong bát chánh đạo của Đức Phật. Giải thích về “ĐẠO” ở chánh tư duy là hoàn toàn đạo Phật. Hôm nay ta học đề chánh tư duy thì chữ “Đạo”cũng theo ý nghĩa của Bát Chánh Đạo. Trước hết phải tư duy về “Cái đạo của mình đối với nhân loại, của mình đối với Trời Phật, của mình đối với mình”. 3 sự tư duy căn bản nầy được Đức Thầy dạy và cho ra đáp số.
Đáp số của câu “cái đạo của mình đối với nhân loại là : “Đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt. Đáp câu hai, “Của mình đối với Trời Phật” là “hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chủng”. Đáp số câu 3 “Của mình đối với mình” là “Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh”.
Giờ chúng ta đi vào phần chi tiết của cả 3 thông số nói trên mà tìm đáp số các điều trong sự sống có liên quan đến chánh tư duy.
1, “Hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp sanh linh trong vòng trầm luân oan nghiệt” là gì?
Vòng trầm luân: Trầm: lặng sâu, Luân: dời đổi, luân lưu, luân chuyển; vòng trầm luân ý nói là vòng tròn của trục luân hồi sáu nẽo: Trời, Người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Trầm luân trong sáu nẽo khi làm Trời người, khi làm ma quỷ, súc sanh. Theo tôi, điều đáng lưu ý là cứu giúp những ai trong vòng trầm luân thì chính hành giả (người cứu giúp) phải không nằm trong vòng trầm luân mới được. Kinh Pháp Cú dạy: “Người nào sa lầy không thể vớt được người sa lầy; chỉ có những người không sa lày mới vớt được người sa lầy”. Đức Thầy cũng bảo:
“nhiều người kinh sử lảu thông,
Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê”.
Tu là để thoát mê, người còn mê là bị độ chứ không thể tha độ. Hoặc giả, giúp người độ đời là việc làm nóng bổng không có thời gian chờ đợi, hành giả đang khi tìm cách vượt qua khỏi vòng trầm luân rủ người khác cùng làm cùng đi thóat khổ như mình, coi đây là người học có hành độ tha dầu miễn cưỡng nhưng thông cảm được. Tuyệt đối không chấp nhận người trong vòng trầm luân nặng nề, dạy người ta cách thoát khỏi trầm luân mà mình cố lỳ ở suốt cho nhiễm nặng. Đặt tư tưởng mình vào công cuộc tìm phương cứu giúp là có hướng tâm cao đi tới chánh đạo, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn công cuộc tìm phương. Tâm trí như vậy trong khi tu hành chánh đạo ta không có lý do gì buồn giận, hiếp đáp, làm khổ một chúng sanh khác, không thể có chuyện một người nào đó chuyên đặt tư tưởng mình vào công cuộc cứu giúp sanh linh mà đi giận phiền hay hại họ. Đó là cái đạo của mình đối với nhơn loại.
2, Đạo của mình đối với Trời Phật là hãy tin tưởng Phật Trời và cầu nguyện đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chủng.
Phật Trời là đấng thiêng liêng vô hình nhưng có ở tất cả. Khi ta làm một chuyện lén lút, tội lỗi, không ai biết nhưng Trời Phật biết, làm chuyện lành điều phải không ai hay nhưng Trời Phật hay, bởi thế nên dân gian có câu “Trốn trời không khỏi” là ý nghĩa ấy. Đấng thiêng liêng dầu vô hình nhưng có ở tất cả, nếu ta tin tưởng và cầu nguyện thì các Ngài ở gần nhứt kịp đến ban bố phước lành. Tôi dùng từ “gần nhứt” vì dựa vào lời dạy của Đức Thầy “hãy đặt tư tưởng mình vào công cuộc …” Người trong đời, ai làm công việc gì đó, đặt tư tưởng với không đặt tư tưởng kết quả khác nhau. Đặt tư tưởng có nghĩa là chuyên chú công việc, phán đoán sâu sắc, luôn nhớ mình làm công việc đó. Nếu việc tin tưởng Phật Trời và cầu nguyên đấng thiêng liêng ban bố phước lành cho nhân chủng thì các đấng thiêng liêng lúc nào cũng ở gần, ta nguyện là có, chứ tu như mấy vị tín đồ “nhổ bàn thông thiên” để Phật Trời đi xa rồi ít bửa trồng lại. Đức Thầy không cho việc làm nầy là tốt và nói trong sự xác quyết “Phật Thánh đi xa khó rước liền”. Nếu ta tin tưởng Phật Trời theo thói quen chiếu lệ không đặt tư tưởng chơn chánh trong cầu nguyện mà đi cầu nguyện giùm cho người khác, kết quả không nhiều.
3, Đạo “của mình đối với mình” là  “Hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh”. Nếu đặt tư tưởng cứu giúp nhân loại, cầu nguyện Phật Trời mà không đặt tư tưởng tự cứu mình ra khỏi vòng trầm luân oan nghiệt là không được đâu nha! Rao bán thuốc bổ rất xơm tụ mà người ta nhìn cái Ông rao bán quá gầy gò… ai dám? Người luôn luôn bị đắm chìm bị đè trên đầu trên cổ, tự thoát còn không có khả năng lựa là chuyện cứu thoát ai?
Lý luận về giải thoát tới ngay cũng chỉ là lý luận, nếu không thực tế đi kèm thì chỉ là lý luận suôn. Phải hành trì từ bước một, lạc đạo tức vui với đạo. Nhà tu hành không tạo được niềm vui với đạo đức tất không bền; giải thoát là con đường đi lên, có khi dốc thẳm, không hăng hái là không chịu trả giá sự tu, gặp dễ thì tu lên, gặp khó tu cầm chừng hoặc xuống dốc. Tâm không vui với đạo như người đến xứ lạ bơ vơ, cảm thấy buồn mà để vậy chịu thì ít bửa cũng cuốn gói đào ngũ. Đạo trong lòng chứ đạo không ở cảnh, ở chùa, núi non am cốc. Ai không hiểu tận nghĩa tưởng vào chùa am là tìm được đạo rốt cuộc chẳng thấy đạo ở những nơi ấy. Người tu sở dỉ vào chùa là lòng muốn rời xa thế sự, bắt đầu vào cửa không xin giữ tấm lòng không. Vì rất sợ vật chất cám dỗ, nếu không đủ lý do tu chùa, tu núi, tu ở thế mà an bần, tức an tâm trong sự nghèo tất nhiên sẽ vững vàng tu niệm. Tu ở đâu, nếu để vật chất sa hoa cám dỗ, rù quến, cho dù tu chùa tu núi mà cái tâm khát dục về lợi danh tiền bạc … chẳng kết quả lắm đâu. Ta thấy những người tướng đạo còn sờ sờ mà đạo đã chết mất từ trong tâm; họ bị các món dục vọng đè đầu đè cổ, tỉnh không nổi đâu! Còn xả thân hả ? xả làm sao nổi chứ !
Tôi giải đáp câu nghi vấn trên nếu quý vị không còn vì thắc mắc thì cho thông qua câu khác .

29/4/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét