Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

NGHI VẤN 2
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC THỨ 14

NGHI VẤN QUA ĐỀ CHÁNH TƯ DUY
Hỏi: Giải thích về chánh tư duy là tư tưởng chân chánh nhưng sao lại trong đó có đoạn “Tư tưởng rù quến tâm trí mãi mãi”. Xin cho biết thế nào là tư tưởng rù quến tâm trí ? tư tưởng nó khác với tâm trí sao?
Đáp: Giải thích chánh tư duy là tư tưởng chơn chánh, tư tưởng rù quến không phải tư tưởng của chánh tư duy. Nó là vọng tưởng. Tư duy là suy nghĩ nhớ tưởng nhưng không xác định suy nghĩ nhớ tưởng điều gì, phải quấy, tốt xấu. Đức Phật muốn những người con Phật (Phật Tử) luôn luôn tốt và phải, nên đã đưa ra mực thước là suy nghĩ những điều chơn chánh: chánh tư duy. Tâm trí là sự hiểu biết. Người tu Phật phải hiểu biết về Phật, Pháp của Phật và đệ tử của Ngài (chơn tăng), hiểu biết về nhân quả, tội phước để tránh gieo nhân xấu. Chẳng nên để tâm trí cuồng vọng vật chất, say mê danh, lợi, tình. Tư tưởng rù quến tâm trí nó thuộc về tư tưởng không chơn chánh là chuyện mặc nó, còn tâm trí bị rù quến bởi gì không chủ động một hướng về Phật, Pháp, Tăng; nó là thứ  tâm trí không được tỉnh táo nên mới có chuyện bị rù quến. Vậy người tu phải cảnh giác tư tưởng và tâm trí đi đúng hướng bằng “Giữ tư tưởng cho thanh cao, trí rán tìm chân lý”. Cảnh giác tư tưởng tức theo dõi sự diễn biến của tư tưởng để nó không xảy ra những chuyện phạm tưởng như nghĩ điều ác, điều xằn bậy hoặc những chuyện xa vời, những chuyện không đâu.
Thế nào là các chuyện xa vời? Xa ở đây là không bổ ích cho tiến trình tu, thay vì tu pháp môn Tịnh Độ niệm Phật là chính còn có những suy nghĩ thì suy nghĩ về pháp môn tịnh độ. Suy nghĩ là ngoại lực để hổ trợ nội lực niệm Phật của mình. Chứ ngồi niệm Phật đây mà suy nghĩ chuyện tùm lum, những chuyện không dính líu với pháp môn niệm Phật, không dính líu sự tu hành dễ làm cho hành giả mệt mỏi không có chút hương vị tu rất là khó tu. Vì thế Đức Thầy căn dặn:
“Chánh tư duy mục ấy thanh cao,
Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ.
Trên cùng dưới dầu thầy hay tớ,
Cũng tưởng điều trung chánh mới mầu.
Việc vui say mèo mả đâu đâu,
Hãy dẹp gát nhớ câu lục tự”.
Anh thợ mộc chơi thân với anh thợ hớt tóc, nghe anh thợ hớt tóc nói toàn chuyện hớt tóc thế nầy thế nọ rất vui tai; anh thợ mộc bỏ câu chuyện vui tai của anh thợ hớt tóc vào lòng rồi khi hành nghề, cầm búa đục mà tư tưởng hiện lên câu chuyện vui tai của anh hớt tóc, tư tưởng bị đắm chìm vọng ngoại, có còn gì bổ ích cho nghề làm mộc của anh. Muốn nâng cao tay nghề chuyên môn phải nên chơi thân với bạn đồng nghiệp chuyên môn để nghe các bạn ấy nói về sở trường của anh ấy mà học: Tư duy thắp sáng nghề nghiệp. Tu hành còn quan trọng hơn; hãy theo lời Đức Thầy dạy về sự thân thiện:
“Yêu những kẻ tâm đầu ý hiệp
Mến những ai biết  kiếm đạo mầu”
“Trọng những ai biết niệm Di Đà”
Do mến trọng nhau trong nghề nghiệp chuyên môn mà lại gần. Chuyên môn của chúng ta là tu tâm dưỡng tánh, nếu chúng ta chung một hướng tâm về đó mỗi người phải tự thiêu đốt những suy nghĩ không cần thiết, hướng tâm không chính thức để khi gặp nhau thì không còn đem ra bàn bạc những chuyện xa vời. Có chủ quyền, chủ đạo, chừng đó các ý tưởng chỉ còn là tư tưởng chơn chánh. Thuyền lòng xuôi bườm thuận gió vượt bờ mê sang bến giác chắc chắn sẽ mau tới thôi. Đức Thầy có câu
“Chịu nhọc nhằn mới rõ đạo đề.
Thấy một đàng thẳng bẳng mề mê,
Ôi chừng dó mới là mầu nhiệm”.
Nếu chơi thân với người không chung nghề nghiệp, không đáng chia sẻ mà chia sẻ là có ngày cụt vốn bỏ tu. Còn để kẻ kia chia sẻ cho mình e có ngày mình thành ra họ chứ không còn là mình nữa đâu. Sĩ Đạt Ta đi tu, chư tổ chư sư xưa lánh mình lên núi để chuyên môn học đạo, giồi mài trí tuệ không ngoài lý do tránh những sự ô nhiễm, lây lan từ những sự việc tâm không đầu, ý không hiệp đó sao?
Hiện tại ta chưa đủ điều kiện trở thành nhà tu chùa tu núi, không tuyệt đối thì ở chỗ tương đối ta cũng nên áp dụng câu “Gần mực thi đen, gần đèn thì sáng” mà gần đèn xa các chỗ tối như mực ấy đi để nếu có suy nghĩ thì cũng suy nghĩ cái “gần đèn” đánh đổ sự ngự trị của “mực” trong tâm mình.
Thế nào là suy nghĩ những điều không đâu? Nghĩ không đâu tức nghĩ chuyện khơi khơi, tư tưởng lẹt xẹt chút chỗ nầy chút chỗ nọ, khi nghĩ về đạo lúc nghĩ về đời, náo nhiệt ầm lên trong lúc công phu thì dù có tu chùa tu núi, ngồi suốt trên bồ đoàn, con đường về Phật đã chẳng những không sớm hơn mà quanh co lạc hướng nữa là khác.
Con đường của chánh tư duy là suy nghĩ chơn chánh, suy nghĩ không dẫn hành giả đến đắc đạo, vãng sanh; đắc đạo vãng sanh phải đi vào chánh niệm, chánh định. Nhưng suy nghĩ chơn chánh mang yếu tố quyết định hỗ trợ chánh tâm cho hành giả dễ dàng vào Thiền hay Tịnh Độ. Do vậy Đức Phật sắp chánh tư duy sau cận chánh kiến vì thấy đúng, suy nghĩ đúng thì mới hành đúng đạt vô thượng bồ đề. Hành là sau tư duy, trong khi ta hành chưa tới cũng có nghĩa là tư duy chưa tới, như lúc còn là Sĩ Đạt Ta, tu khổ hạnh sắp chết tới nơi chưa đạt đạo quả giải thoát Ngài mới suy xét lại thân người như chiếc thuyền qua sông, nếu chưa qua được bờ bên kia mà để hư thuyền thì tu cho đến suốt kiếp cũng ở bờ bên nầy. Ngài nhận một bát sửa bò của nàng mục nữ chăn bò để độ thân đã đến lúc lâm nguy tính mạng; từ một con người tìu tụy bất lực bật dậy sức sống đại hùng đại lực, Ngài đến dưới cội cây Tát Bát La (bồ đề) ngồi thiền định đắc đạo.
Vị thế của chánh tư duy như đã nói, hỗ trợ chánh tâm cho người đi về cõi Phật sẽ không được phép mang theo danh lợi, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng… cũng không được mang theo bất cứ suy nghĩ nào dù là những suy nghĩ vô thưởng vô phạt.
Kính thưa chư đồng đạo! So với những buổi học qua buổi học nay rất khó phải không! Bởi chúng ta đã học đến Bát Chánh Đạo không khó sao được. Khi Bồ Tát Hộ Minh hạ phàm chuyển thân vào Sĩ Đạt Ta, mới sanh thì đã hành động khác thường, tay chỉ thiên, tay chỉ địa hô vang cả trời người “Thiện thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”( trên trời dưới trời chỉ mình ta cao quí ). Đức Phật dạy ta cái đạo cao quí của Ngài, sẽ đạt đến địa vị độc tôn đó, chúng ta đi từ phàm mà leo lên đỉnh điểm đi từ thiên nan vạn nan. Sĩ Đạt Ta là bồ tát xuống trần còn phải rời xa danh lợi, huyên náo “Lìa cha già vợ đẹp con cưng, thân chẳng sá xông pha bờ bụi” (lời Đức Thầy). Chỉ kể chuyện đó thôi là phi thường, đến khi vào rừng tu hành Ngài còn phải trải qua sáu năm tu khổ hạnh thật là khủng khiếp. Hôm nay ta chỉ mới việc học khó về môn học chánh tư duy, học rồi đem ra áp dụng vào đời sống cho được “giữ tư tưởng cho thanh cao, trí rán tìm cái chơn lý” là khó vừa gì? Hạnh phúc phải đem cân xứng với công lao, không công mà muốn hạnh phúc, nếu có cũng chỉ là ăn may.
Tóm lại, tư tưởng rù quến là tư tưởng không chánh đáng, nó không phải chánh tư duy; tâm trí bị rù quến là tâm trí không được tinht táo. Cả hai gặp nhau chỗ không ngay thẳng, tỉnh táo bởi nên bị sếp vào phần tà.
Nếu quý vị không còn hỏi thêm xin cho qua câu khác.
02/3/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét