Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC THỨ 12
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ TÀI SÂN NỘ
Hỏi: Đức Thầy dạy pháp nhẫn nhịn để điều trị tính sân nộ “Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu, trên cùng dười đều hòa ý hỉ” không có ngoại trừ, và câu “ Rán nhẫn trăm phần dù khó nhẫn”. Chúng ta đang sống trong thời kỳ pháp nạn, nhà nước không cho tự do tôn giáo hoặc tự do trong vòng tròn họ vẽ; nhẫn nhịn tức là không cãi cọ hơn thua vậy thì tôn giáo bị tàn tiêu sao? Thế còn trong bài Hiến thân sãi khó “Dù cho phải chịu ngàn cay đắng, cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng” đã ngược lại với “nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu” thì sao?
Đáp: Câu nghi vấn có nhiều ý chen nhau tôi xin phân tách từng phần và lần lược giải bày.
1/ Đâu đâu là suốt cả, nhẫn cùng khắp đâu đâu là không có ngoại trừ ai. Tình thế hiên nay khi đạo bị mất quyền tự do tôn giáo bởi nhà nước, nếu ta nhẫn nhịn suốt là ngưng hoạt động tôn giáo chẳng phải đạo đã bị xóa trước khúc lịch sử có ta  đây sao?
Đồng đạo đặt nghi vấn có lẽ đã bỏ qua ý nghĩa của từ ngữ “hương lân”. Hương lân là xóm làng và xóm làng lân cận, dù nhịn trước vô số người để được “trên cùng dười dều hòa ý hỉ” mà đem so với vị trí của tôn giáo thì hương lân chỉ là chuyện cá nhân mà tôn giáo là sự nghiệp chung của triệu triệu tín đồ. Trong tình xóm chòm hay ở cách chợ xa làng, họ hiếp mình là chuyện cá nhân, quyền làm chủ của mình mà họ đòi thêm một chút ranh đất, hước lấy lợi lộc danh dự hay tình yêu trong quyền của ta, ta sẽ nhường cho họ nhưng PGHH không phải là của cá nhân ai, không phải của riêng ta, ta không thể áp dụng “Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu” vào đây được, bởi như vậy làm mất chánh đạo của mọi người. Sự ích lợi của việc đem đạo vào đời như thế nào quý vị cũng biết. Nếu chậm biết hãy nhìn người có đạo và kẻ vô đạo đức, xóm có đạo xóm không đạo qua cách ăn ở của họ là biết ngay thôi.
Giá trị tinh thần là hơn hết, cận sau 30/4/1975 tên PGHH đã bị chánh quyền xã hội chủ nghĩa xóa sổ, tín đồ nào muốn duy trì đều được gán ghép cái tội hoạt động tôn giáo ngoài vòng pháp luật. Nhờ có những ngọn lửa thiêng, những anh linh vong thân vì đạo pháp đã tiếp thêm sức mạnh đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo bằng đòi lại những gì đã mất; nhà nước cởi bỏ sự bế tắc bằng vẽ ra cái vòng tròn pháp luật đẩy PGHH vào đó. Tính ra dầu sao cũng đỡ hơn sự bế tắc. Tiếc thay, vòng tròn họ vẽ quá nhỏ, cựa mình một chút là “cán mức ăn thua” bị sử phạt theo điều khoản của pháp luật.
Nếu ai không bàn đến sự thị phi trong thiên hạ, tu niệm trong vòng tròn cũng được, ai không chịu phải ra công ra sức đấu tranh cho cái vòng tròn mỗi lúc được rộng thêm ra, đúng với câu:
“Chánh tinh tấn dầu thành hay bại,
Cứ một đường tín ngưỡng của mình.
Dù cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới”.
2/ Nhịn tức không cãi lại, gặp trường hợp đàn áp tôn giáo mà như vậy là tôn giáo sẽ bị tàn tiêu sao?
Không thể tàn tiêu! Tôi chắc là như thế, vì:
“Đạo phật diệu diệu thâm thâm,
Dù mà tận thế ngàn năm vẫn còn”.
Như tôi đã nói, đạo Phật là sự nghiệp chung của triệu triệu tín đồ. Đạo Phật với những tín đồ nam mô cầu an, không chịu trương thuyền ra sóng gió để cứu vớt những kẻ đắm chìm, chỉ đi nói đạo cho người ta nghe còn sợ bị bắt bớ, khó khăn, nhưng sẽ có nhiều tín đồ dám làm chuyện đó. Không phải quý vị đã thấy rõ rồi sao! Nguyên nhân nào PGHH được tái phục hoạt vào năm 1999? Quý vị nói là nhờ ban trị sự chứ gì. Đúng, hình thức là như vậy, nhưng vô hình thì BTS là quân cờ trong một bàn cờ, không tự đi, do người khác điều khiển, lúc bị áp lực của phía đối phương quân cờ phải mở tróng nước ...
3/ Theo như tôi thấy Đức Thầy viết bài Hiến Thân sãi Khó “Dầu cho phải chịu ngàn cay đắng, cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng” như đã làm ngược lại với sự nhẫn nhịn thì sao?
Đức Thầy tỏ tâm sự cùng tín đồ đạo là trên hết, phải giải quyết trước hết. “Ngàn cay đắng” tượng trưng cho số nhiều, cũng là tất cả những cay đắng, ngàn không phải đếm số đủ ngàn. Tất cả những cay đắng gặp thì gặp, chấn hưng Phật Giáo đã có sự quyết chí, vững như tường đồng vách sắt. Đức Thầy có câu khiến chúng ta để lòng hơn:
“Dù cho xoay chuyển đất trời,
Lòng ta chí dốc độ đời mà thôi”.
Từ “Độ Đời” xưa nay người ta đem bàn bạc ở lĩnh vực tôn giáo, tức đem đạo pháp dạy đời vượt qua khổ ải.
Độ đời hay chấn hưng đạo mầu làm bằng cách nào?
Chúng ta ở lập trường người có đạo mà đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo ngoài vòng tròn, phải luôn thể hiện tư cách người có đạo, tinh thần và trách nhiệm đạo cứu đời; không vì người ta thiếu nợ mà mình đòi cách sổ sàng, chưởi bới, hăm he, xiên xỏ. Người đạo giữ giới luật đạo mới là người đạo có quy tắc, nếu ta vượt ngoài giới luật của đạo mà hành động nóng nảy, ghét ganh là phạm phải điều cấm kỵ, có thể tệ hơn người không biết đạo đức là gì. Ta không thanh cao hơn họ tất nhiên là không đủ tư cách để nói chuyện phải quấy hay giáo dục họ. Đức Thầy dạy vượt qua “ngàn cay đắng” để chấn hưng đạo Phật bằng không để lại hậu quả của khẩu nghiệp với bốn điều tội lỗi. Ví dụ nhà mình có đám giỗ cầu nguyện, chánh quyền địa phương đến quấy rầy, ngăn cấm. Ta thấy cúng giỗ, cầu nguyện không phải là chuyện xấu và không vi phạm luật pháp. Lòng ta xác định được như vậy là có sức mạnh tinh thần, ta không dẹp đám theo lệnh của họ bằng sự giải bày nhỏ nhẹ. Giải thích họ không nghe, sau rốt họ không cho mình cũng tiếp tục làm đám, khi đã làm thì nên bớt tranh cãi và không văng ra lời lẽ thô tục, ác đức. Nếu sự nóng nảy cầm lòng không đậu, chưởi bới nguyền rủa làm mang tiếng như vậy là không hay cho đạo lẫn cho mình. So ra, người bị ngăn cản đám cúng nổi nóng chưởi mắng búa xua và dùng sức đông giữ đám cúng với người không chưởi bới, văng tục cũng giữ được đám cúng quý vị chọn bên nào?
Thời nay, các nhà đấu tranh cả hai phía dân chủ và tôn giáo đã đi đến hợp tác chung, dựng thành khung đấu tranh bất bạo động. Mô hình nầy dễ dàng cho người có đạo tham gia. Chúng ta thắng là nhờ đi đúng đường chứ không phải do sức mạnh gan ăn. Ta có một mình hay vài mươi người hiện diện tay không, phía chánh quyền đông hơn còn có súng, dùng sức mạnh hơn họ sao? Sức mạnh gan ăn có thể cứu thoát mình trong thế bí lẻ loi qua một cuộc ăn thua bạo lực nhưng sự ăn thua như vậy chưa kết thúc nó vẫn tiềm tàng trong đầu óc của hai phía thắng thua, chiến đấu sẽ trở lại với cường độ ác liệt. Có thắng bằng bạo lực cũng còn lo sợ bạo lực tái diễn. Do vậy, bạo lực không là đề tài muôn thuở cho lập trường bất bạo động.
Ta là người có đạo, xuất thân từ trong đạo ra đấu tranh, đi đúng đường vừa là của đạo đức vừa là của hướng đấu tranh, nếu khi đấu tranh cho đạo, ngay bản thân người đấu tranh không thể hiện một chút đạo đức nào sẽ làm người ngoại đạo nghi ngờ đạo Thầy. Không phải vì Thánh  Mahatma Gandhi đã đấu tranh bất bạo động mà thắng chánh quyền thuộc địa Anh và họ trả quốc gia lại cho Ấn Độ tự trị đó sao?
Kính thưa quý đồng đạo hiện diện, giải đáp câu nghi vấn thế nầy tôi cho rằng rất khó bởi qua nhiều luồn tư tưởng khác nhau. Nhưng vì nó liên quan đề học sân nộ điều cấm kỵ trong giới thiền môn, tôi không thể từ chối làm bổn phận. Giải trừ tánh sân nộ là phải tu pháp nhẫn nhục, đối trước những nhu cầu của tập thể hay cá nhân đều không nóng nảy, giận dữ; muốn được như thế phải thường tu pháp nhẫn nhục, đừng để phát lửa tưng bừng mới kiếm mà tu thì quá muộn màng. Thường tu nhẫn nhục thành thói quen sẽ chận đứng các sự nóng nảy.
8/4/2016                                                            



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét