Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

BUỔI HỌC THỨ 13
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC: LUẬN VỀ BÁT CHÁNH
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay là buổi học thứ 13, học qua đề mục  Luận Về Bát Chánh, từ tựa đề cho đến hết mục Chánh Kiến. Lần học nầy phần chánh văn khá dài, mong chúng ta hôm nay chăm chỉ học thuộc phần chánh văn, trả bài lưu loát và ghi kỷ nhớ sâu trong khi nghe chú giảng, hiểu nghĩa để sau nầy tùy duyên học hạnh.
PHẦN 1: HỌC CHÁNH VĂN
“LUẬN VỀ BÁT CHÁNH
Trừ xong ba nghiệp-chướng, hãy làm theo tám điều chánh, và khi diệt được thập-ác rồi, tự-nhiên mười điều lành hiện ra; như thế ta đã đi thêm một bước trên con đường đạo-hạnh. Nhưng sự tấn-bộ ấy không có nghĩa là đạt được mục-đích. Thế nên, cần phải hành luôn đạo Bát-Chánh tiếp theo, vì đó là quyển kinh nhựt tụng của những ai muốn thoát chốn mê-đồ, tấn-triển trên đường giải-thoát.
Bát chánh gồm có :
1.- Chánh-kiến
2.- Chánh tư-duy
3.- Chánh-Nghiệp
4.- Chánh tinh-tấn
5.- Chánh-mạng
6.- Chánh-ngữ
7.- Chánh-Niệm
8.- Chánh định.
CHÁNH-KIẾN. – Chánh: Đúng sự thật – Kiến: thấy, xem xét. Chánh-Kiến: dòm thấy, xem đúng theo sự thật.
Phàm con người thường hay bị bản-ngã lôi cuốn, trí mờ-ám làm cho sai chạy ít nhiều sự thật. Khi vì thiếu sự sáng-suốt, khi vì tư thù, khi vì lợi kỷ, khiến cho con người không biết đường ngay nẽo thẳng nên sự phán-đoán không công-bình chánh-đáng làm cho kẻ khác chịu oan tình. Vì thế, mục chánh-kiến dạy ta phải đem hết trí-năng truy-cứu các sự rắc-rối, cẩn-thận xem xét tránh sự lạc-lầm trong khi phê-phán bất cứ việc gì, dầu của mình hay của kẻ khác. Sự quan-sát cực-điểm, cách xét-đoán tận-tường tránh cho ta những tà-kiến (sự xem xét lầm lạc) sai chạy, khiến ta dẹp bản-ngã đã làm cho trí-huệ mịt-mờ u-ám; giúp cho ta hiểu biết rõ-ràng, minh-bạch, cách phán-đoán được ngay thẳng công-bình.
Chẳng thế, nó còn giúp cho ta hiểu biết các điều tục-lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm-mầu tôn-giáo khiến ta xua đuổi các điều tà-mị, bỏ các sự say mê, trở về với đạo-lý thoát đọa hồng-trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả-dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc-lầm trong khi hành đạo.”
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG
LUẬN VỀ BÁT CHÁNH: Luận: đã giảng ở “Luận về Tam Nghiệp” đây không lập lại. Bát chánh: Tám sự chơn chánh hay nói tám con đường chánh cũng được.
Chánh Kiến: Xin chép y theo sự giải thích của Đức Thầy, Chánh: Đúng sự thật – Kiến: thấy, xem xét. Chánh-Kiến: dòm thấy, xem đúng theo sự thật.
Diệt được thập-ác: Tức không phạm vào mười điều ác nữa. Thân nghiệp không phạm ác, khẩu không phạm ác, ý không phạm ác. Con người gồm có thể xác và tinh thần hay nói thân và tâm. Ngoài thân không phạm ác chỉ là giới luật phải tuân thủ nếu không rửa sạch những hình tướng ác dấy lên trong tâm giống như chuyện phá rừng chỉ mé nhánh cưa cây mà cái gốc cây không móc lên thì ác sẽ có ngày trồi đầu. Ý nghiệp trong tam nghiệp, dầu ý là chung với tâm, nhưng ở chức năng thụ lãnh nó chỉ riêng lo phần của nó là không tham, sân, si không bao quát qua thân nghiệp khẩu nghiệp nên phải mở rộng tâm linh đào sâu gốc rễ mới vứt bỏ các ác được.
Tự-nhiên mười điều lành hiện ra: Những điều lành là thật có, nó tự nhiên không phải do tạo mới có. Cổ nhân bảo “Nhân chi sơ tánh bản thiện”. Đức Thầy cũng cùng ý đó, Ngài viết:
“Người mới sanh tánh thiện trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh”.
Người mà tánh lành không hiện không phải cội lành đã chết mà do vì “tập nhiễm lợi danh” từ sự tập nhiễm lợi danh sanh ra không biết bao nhiêu tật xấu, tội ác đầy người, tánh thiện bị chôn vùi bởi vô minh và ác nghiệp. Thay vì đi tìm điều lành ở những việc làm từ thiện để chứng tỏ tánh lành còn đó, nó chỉ là bên ngoài, hãy cố công diệt thập ác từ ngoài không làm ác, trong tâm không tưởng ác, chứa ác; tâm không bị che đậy bởi vô minh thì điều lành sẽ hiện ra. Ví như đồ ăn ngon để trong chiếc lồng bàn, khi chiếc lồng bàn còn đậy, đói chết cũng không thấy đồ ăn, biết được, dở chiếc lồng bàn lên thì đồ ăn hiện lên tất cả. Đức Thầy bảo “tự nhiên mười điều lành hiện ra” là thế.
Quyển kinh nhựt tụng: Kinh là theo lời Phật thuyết chư tăng viết lại thành quyển sách, tập đem phổ biến; nhựt tụng là đọc hằng ngày. Quyển kinh có liên quan đời sống; ví dụ quyển “Những câu chú thường niệm” ta thấy người tu niệm dính liền không một chút rời tâm từ ngủ sáng thức dậy đi đại tiểu, tắm rửa, đánh răng súc miệng, thay mặc quần áo, nhìn Phật tượng trong chùa, lạy Phật, nghe chuông… đều phải đề cao việc tu hành. Ví dụ khi nghe chuông thì đã thức tỉnh tu trong tiếng chuông:
“Nguyện thử chung tanh siêu pháp giái
Thiết vi u ám tất gia văn
Căn trần thanh tịnh chứng viên thông,
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác”.
Đức Thầy dịch:
“Nguyện tiếng chuông lành thông các cõi,
Thiết vi địa ngục cũng nghe rành.
Nghe rồi thân tịnh tâm tròn sáng,
Tất cả chúng sanh Phật đạo thành.”

Thoát chốn mê-đồ: Mê đồ là đường mê, ý nói cõi thế gian. Cõi thế gian còn gọi là cõi ta bà. Trước do mê mà đầu thai làm người chịu khổ sanh già bịnh chết rồi nay cũng vì mê cho đến chết không hết mê thì phải thọ sanh qua kiếp khác trong vòng quay của sáu nẽo luân hồi. Đức Phật dạy tám con đường chánh nếu hành giả chịu theo thì chỉ một kiếp nầy thôi sẽ không còn đầu thai chịu khổ.
Bản-ngã lôi cuốn: Bản là gốc, ngã là ta. Bản ngã là gốc của cái ta hay tôi, tức người mình đó. Người mình hễ lôi cuốn theo Danh, lợi, tình thì khó mà chống cự, tu hành không tới đâu. Nếu để bản ngả làm chủ, lúc mê nó mặc tình lôi cuốn vào các duyên sự đời, không có cửa tỉnh mà lại tự cao tự đắc đâu chịu thua ai.
Trí mờ-ám: không còn sáng suốt. Tu hành là việc trong tâm, cần có trí minh mẩn mới nhận định được chơn và vọng, nếu trí mờ ám vọng mặc sức rối nùi. Nói ý, Khi con người bị cái tôi quá lớn, luôn tự cao mình, ai nói phải không nghe, làm trật người ta kêu sửa không chịu sửa; xa dần chân lý.
Khi vì tư-thù: Thù oán riêng, tranh nhau việc gì đó, danh, lợi, tình chẳng hạng; danh vọng khôn khéo hơn ta ta không ưa, lợi lộc hơn ta ta không thích. Không ưa không thích là chuyện nhỏ; có thể dẫn đến giết người nếu tư thù để lâu trong lòng. Tào Tháo lập Hoa Viên, cho thợ làm cổng cửa vào vườn hoa; làm đâu đó chỉnh tề quân mới bẩm báo với Tào Tháo, Ông ta đến xem thấy cảnh cổng không nói năng gì chỉ viết lên then cửa một chữ khoác rồi bỏ đi. Dương Tu nghe thấy bàn rằng ý thừa tướng nói cửa nầy rộng bàn với các quan cho sửa hẹp lại một chút Ông ấy sẽ ưng bụng ngay. Nghe lời bàn của Dương Tu, quan kêu thợ thu hẹp cửa lại, Tào tháo lần sau đến thấy cửa sửa vừa ý mình trầm ngộ khen ngợi hỏi ai kêu sửa cửa nầy các quan báo là làm theo lời bàn của Dương Tu. Tào Tháo khen thầm tự vấn lương tâm hắn ta là ai?. Khen thì khen nhưng Ông ta không thích ai khôn hơn mình, do vậy mà sau nầy Dương Tu phải chết bởi tay Tào Tháo, diệt trừ hậu họa.
Khi vì lợi-kỷ: Lợi kỷ tức nói người chỉ lo ích lợi cho riêng mình. Khi cần lợi đến, có lợi là ta hành động không suy xét đắn đo việc ích lợi của ta có hại ai không. Ví dụ như người làm nghề nấu rượu hay tiệm bán rượu, lần nọ một người đàn bà đến than thở với tôi ở nhà có ông chồng thường uống rượu quá chén đánh mắng vợ con yêu cầu tôi đến khuyên chú ấy đừng uống rượu nữa.
Tôi hỏi: nhà cô sống nghề gì?
-         Nghề làm ruộng và bán tiệm thưa chú. 
-         Ruộng bao nhiêu công?
-         Dạ có ba mươi công thôi.
-         Ba mươi công cô còn chê ít sao?
-         Dạ
-         Bán tiệm cô có bán rượu không?
-         Dạ có, chỉ có món nầy là lời cao nhứt trong mỗi ngày
-         Mỗi ngày bán được bao nhiêu rượu ?
-         Trung bình là 50 chục lít rượu
-         Rượu đế một người uống vô nửa lít là sà quay sà quay, quậy được rồi đó. Cô bán 50 chục lít mỗi ngày vậy là có tới một trăm người quậy. Chồng cô  say quậy là cô biết rõ hơn ai hết, chỉ gì ham lời nhiều… Vậy hãy để tôi khuyên cô trước hơn khuyên chồng cô nhá…
Truy cứu các sự rắc rối: Truy cứu tức sự nghiên cứu rượt đuổi tới chỗ chớ không phải việc làm sơ sơ hoa loa lấy lệ; sự rắc rối tức đụng phải những điều khó khăn. Truy cứu các sự rắc rối tức là tìm rõ nguyên nhân nào xảy đến chuyện khó khăn của mình hiện giờ. Ví dụ gặp cảnh nghèo khổ mà chẳng ai thương ai giúp chỉ biết ngồi đó mà thở than trách móc, không truy cứu tại sao ta nghèo đói và nghèo đói thế nầy mà còn chẳng có ai thương? Nguyên nhân nào học bài không thuộc, thi không đỗ?
Cẩn thận xem xét: Cẩn thận tức khi xem xét một vấn đề ngoài xã hội hay liên quan trong sự tu hành không hấp tấp vội vàng. Đức Thầy nói:” Thời kỳ nầy nhiều quỷ nhiều ma, Trời mở cửa quỷ vương xuống thế”. Nếu không cẩn thận trong việc xem xét dễ đưa đến nhận xét sai lầm tất nhiên phải hành động sai lầm, tu mỗi ngày mỗi đi xa chánh đạo.
Sự quan sát cực điểm: Cực là tột cao, tột cùng; quan sát cực điểm là đề cao sự quan sát đến tột đỉnh; không như những sự quan sát lấy có, sơ sài rồi vội vàng kết luận sai sự thật. Về tín ngưỡng nếu thiếu quan sát thì dễ lầm lạc qua nẽo tà, dị đoan mê tín.
Cách xét đoán tận tường: Tận là tới nơi tới chốn, ví dụ: Tôi đến tận nơi chứ không phải chỉ nghe nói. Cực điểm là tột cao, tột cùng còn tận tường là đúng như sự thật bằng mắt thấy tai nghe rõ ràng.
Tà-kiến: Nhìn thấy hay nhận định không chơn chánh, không đúng với sự thật. Đức Thầy dạy
“Phật Trời chẳng dụng phép linh,
 chỉ dùng đạo đức mặc tình ghét ưa”.
Trong khi học đạo tu hành người tà kiến không mấy thích cái vô vi của chân Pháp mà thích hữu vi của thế pháp. Dạy đạo nói ròng rặc về tu tâm dưỡng tánh không chịu nghe nhưng ai nói huyền huyền diệu diệu, được cứu là khoái. Cái tâm vọng động như chong chóng quay mà mong có ơn trên cho mình đắc đạo, vãng sanh. Đắc đạo hay vãng sanh Tịnh Độ không ai dư đem cho mình và mình cũng không thiếu mà xin xỏ, bởi tà kiến sanh ra vô minh không tin mình linh thấy ai có mòi linh thiêng là chạy theo.
Dẹp bản-ngã đã làm cho trí-huệ mịt-mờ u-ám: Bản ngã là cái ta cố chấp thân ta đây, thân ta thích ăn ngon mặc đẹp, thích vui chơi, ham sung sướng… làm những điều dại dột, hư hèn tạo biết bao nhiêu là tội. Nào ngờ xác thân tạm mượn của đất, nước, lửa gió; khi thân sắp tới kỳ hẹn trả về cho tứ đại thì sợ chết, lòng nuối tiếc các duyên sự đời. Chính bản ngã che lấp mà trí huệ bị giấu ém, sống đời đen tối mịt mờ. Cái ta rất đáng ghét đến thế mà nó cứ tồn tại. Đâu có hành giả nào khờ khạo đến không biết tính sân nộ đã thiêu đốt rừng công đức, nhưng bất chợt cái ta quá lớn xuất hiện khi bị người khác hủy hoại danh dự là ăn thua tới ổ. Tôi tên Triết nghe người ta nói Triết nầy Triết nọ là khó chịu. Phân tích ra, Triết cũng chỉ là cái tên gọi khác đi cái tên của người khác chứ tôi có thực sự ở trong cái tên gọi ấy đâu, ví như cha mẹ tôi đặt cho tôi cái tên khác, người ta kêu tên Triết mà chưởi suốt thì tôi đâu có nổi lửa tự đốt cháy mình. Vậy Triết cũng là tên tạm đặt cho một thân người tạm có; hai cái cái nào cũng tạm, rõ được như vậy mà áp dụng vào cuộc sống tất nhiên dẹp được bản ngã “ta đây”, trí huệ hiện ra hết mịt mờ u ám.
Hiểu biết rõ-ràng, minh-bạch: Hiểu biết rõ ràng tức đối tượng của sự hiểu biết hiện ra trước mắt, không phải là những suy luận mơ hồ, một vấn đề không còn chỗ nghi nan; minh bạch có nghĩa là công khai không ẩn chứa, giấu giếm; ví dụ minh bạch về tiền bạc để không có sự hiểu lầm. Ở đây Đức Thầy dùng từ rõ ràng, minh bạch để đi đến sự phán đoán ngay thẳng công bình, người làm phải không bị sự phán đoán hời hợt của ta đẩy họ vào chỗ quấy, về tín ngưỡng tôn giáo không rơi vào dị đoan mê tín.
Các điều tục-lụy trong trần: Tục là trần thế, thế tục; lụy có nghĩa là bó buộc, cột vào. Đức Thầy có câu “người tu phải lánh hơi men, đừng ham sắc lịch lắm phen lụy mình”. Các điều tục lụy trong trần nghĩa là trong cõi thế gian có nhiều mồi câu nhử, cột trói con người vào những chỗ hư hèn, người tu là mong giải thoát sự cột trói của thế gian và nhân quả, nếu không nhìn hiện tượng bằng rõ ràng minh bạch đố khỏi bị những cám dỗ quên tu; đã không được thành công trên đường học phật mà còn bị trầm luân theo nhân quả khi mình bị cám dỗ xô đẩy vào những u mê và tội lỗi.
Lẽ nhiệm mầu của tôn giáo: Tôn giáo ở đây là đạo Phật và sự nhiệm mầu của tôn giáo được bắc nguồn từ Đức Phật Thích Ca. Khi Ngài còn là một đông cung thái tử, hơn nhau với người khác ở chỗ giàu sang quyền quí chứ Ngài cũng là con người như mọi người với tấm thân tứ đại chịu sanh già bệnh chết. Ngài xuất gia đi tu chứng quả giải thoát, nhìn lại sự tu chứng của mình ai ai cũng có khả năng đó. Nói ý, lẽ nhiềm mầu của tôn giáo hoàn toàn chận đứng nhân quả, cứu độ con người phàm trần ra khỏi mọi khổ đau nghiền nát trong bánh xe luân hồi từ bao kiếp qua mà Sĩ Đạt Ta là một sự kiện điển hình.
Thoát đọa hồng-trần: Đọa là rớt xuống, ví dụ: Tiên bị đọa, tức Tiên rớt xuống cõi thế gian. Cũng có nghĩa là sa đọa hay đọa đày làm cho sự sống trong chốn hồng trần thấp xuống. Đức Thầy dạy cách thoát đọa hồng trần bằng nhờ vào sự nhiệm mầu của tôn giáo trong mỗi người ai cũng có. Ta chưa tự cứu mình thì phải nhờ Phật cứu bằng nghe lời Phật dạy. Đức Thầy có câu “Làm theo lời chỉ ngày rày gặp ta”.
TÓM LƯỢC Ý CHÍNH: Đức Thầy viết “Luận về bát chánh” là giải thích Bát Chánh Đạo của Phật một cách gần gủi nhứt, dễ nắm bắt ý nghĩa đối với chúng sanh trong thời mạt pháp, gần nữa là cư sĩ tại gia. Ở đâu có Bát Chánh Đạo là có hướng tu giải thoát. Trước tiên hãy mở chánh kiến để diệt trừ bản ngã (cái ta) sẽ không bị lôi cuốn vào dòng xoáy của các duyên sự đời đến vì tư thù, vì lợi kỷ để sự phán đoán công bình không ai chịu tội oan, sẽ giúp cõi lòng ta trí huệ mở mang, hiểu biết rõ ràng về đạo Phật chân giá trị nên theo, cũng rõ ràng về các điều tục lụy trong trần, chán chê thế sự, mạnh dạn rứt bỏ, quy thuận sự nhiệm mầu của tôn giáo đạo Phật và suốt con đường tu niệm không bị lạc lầm trong khi hành đạo.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
Bát chánh gồm có mấy điều? Xin kể ra.
Hãy giải thích về cụm từ “Quyển Kinh Nhựt Tụng” là thế nào?
Hãy nói về sự tác hại của bản ngã ?
Để diệt từ bản ngã ta phải là gì ?
Thế lào là lẽ nhiệm mầu của tôn giáo?
Hãy giải thích về thoát đọa hồng trần?
Kính thưa chư quý đồng đạo! Buổi học thứ 13 đến đây đã xong giờ hết việc, hẹn gặp lại quý vị lần học thứ 14 với đề học “Chánh Tư Duy”. Chúc tinh tấn tu hành.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
12/3/2016








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét