Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

ĐẾN HUYỆN MỎ CÀY NAM
Tiếp tục đi thăm viếng bà con đồng đạo ở những vùng bị nước mặn xâm nhập, chúng tôi lên đường từ 8 giờ sáng ngày 3/4/2016 đến 3 giờ chiều cùng ngày tới xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Nơi nầy lúc xưa khi Đức Thầy đi dạo lục châu có ghé, gởi lại những câu giảng thơ đầy ấn tượng:
“Chợ quê giảng dạy đã xong,
Thuyền loan trực chỉ đến rày Bến Tre.
Chợ nầy đậu tại nhà bè,
Giả chị bán chè dạo khắp các nơi.
Giọng rao rặt tiếng kim thời,
Rước rước mời mời anh chị mua ăn.
Trẻ già qua lại lăng xăng,
Nói nói rằng rằng những việc bướm ong.
Gánh chè bán hết vừa xong,
Điên cũng nói ròng chuyện khổ về sau”.
“Nói ròng chuyện khổ về sau” chuyện khổ gì chứ ???
Tiếng đồn đây nước mặn đến sớm và ở lâu, nhưng chúng tôi không thấy tác hại của nước mặn lên cây trồng. Đất đây đa phần là trồng Dừa, đám nào cũng giữ nguyên dáng xanh tươi tốt. Tôi nghĩ bụng mình đã đi lầm chỗ sao?



Chỉ chừng vài phút hiếm hoi của dòng suy nghĩ thì một chiếc xe mang bồn vèo qua rồi năm bảy phút sau cũng vèo qua suốt buổi chiều đó cho đến tối ngủ  chúng tôi không còn theo dõi sự hoạt động của những chiếc xe mang bồn đi bán nước ngọt trời đêm như thế nào. Để chào hàng khi mình mới đến tôi hỏi một người đàn ông đi trên đường:
- Xe chỡ gì mà liền chiếc vậy chú?
- Chỡ nước ngọt đi bán.
- Xứ nầy có mặn sao?
- Đến rất sớm lúc vừa ăn tết xong.
- Mặn có nhập qua đồng Dừa chưa mà Dừa vẫn tốt?
- Đất đây trồng Dừa, xa trong là trồng mía. Hai loại nầy gan chịu mặn, giảm năng suất nhưng không ngợp chết như một số cây trồng khác.
- Giảm năng suất ra cây cho trái phải không?
- Đúng vậy, mía ngấm mặn làm cho cây nhỏ hơn, thu hoạch ít đầu tấn; Dừa ở nước ngọt cho quầy đơm trái, bây giờ gặp phải mặn, buồng trái lưa thưa, còn thêm cái nạn chai lép. Nhà trồng trọt như vậy cũng còn đỡ hơn, tội nghiệp cho mấy chủ nuôi bò, cỏ gặp nước mặn đã chết rả, bò không có cỏ ăn, kêu bán giá rẻ mạt không có ai ngó, hằng ngày phải tốn tiền mua cỏ trên những chiếc ghe tàu từ xa chỡ tới.

Chúng tôi hỏi ngủ nhờ nhà chú Kha, chú làm nghề ủ giá đậu phải mua nước ngọt dự trữ. Nhà có 4 cái bồn đúc tròn, ba đến bốn ngày là phải mua bốn bồn nước ngọt với giá từ chín trăm ngàn đến một triệu hai. Tôi hỏi: mua nước giá đắc như vậy mầng có lời sao? Kha đáp:
- Khó có ngày lời và nếu có lời cũng lời chút chút. Mình không kiểm tra được nguồn nước lấy từ đâu, có bửa giá đậu bị hư úng hoàn toàn, lổ trắng tay mà có được ngồi yên đâu, phải tóc hành đi xa mua về bán giữ mối.
Đường xa bụi bặm, quần áo thì phủi bụi được chứ cái mặt, không có thói quen đeo khẩu trang, bụi với nước mồ hôi ngào dẻo trên da làm sao phủi được. Chỉ có rửa mặt mới hết dẻo mà nước đây là nước mặn. Tôi xuống kênh nếm nước, độ mặn đây cao hơn độ mặn ở huyện Kiên Lương tôi đã đi qua. Tôi tiếc phải chi mỗi người mình đều mua mang theo một lít nước suối đóng chai thì đỡ khổ cái mặt. Nước uống nhà chú Kha đãi thật sang cho uống toàn nước Dừa tươi, chú ấy có trồng Dừa, chặt nguyên buồng nguyên buồng để dành cho chúng tôi. Nước uống coi như vậy là quá tốt nhưng chuyện tắm giặt thì sao? Hồi đoàn mới đến Ông bà chủ nhà kêu như hối tôi vào phòng tắm cho khõe nhưng tôi ngại việc mua nước của họ mà không dám; chừng gần tối bà chủ mời quyết liệt và bà xách một thùng nước ngọt vào phòng, không phải là nước đóng thùng mà nước trên mấy chiếc xe bồn đem bán. Bà dặn kỷ: Trong phòng tắm có chiếc thau mủ để dưới giòi nước, vặn nước tháo ra, tắm nước mặn cho đả đời thì vặn tắt, sau lưng có thùng nước ngọt để sẵn chú xối trên đầu cho chảy xuống rửa mặn dính mình.
Phòng tắm nhà nầy rộng rãi, trông sang và đẹp, mà bị nước mặn ở lâu ngày làm xuống màu. Tôi không vặn giòi nước mặn, vì nếu tắm mặn cùng mình thì phải xối xả nước ngọt nhiều, hao của người ta tội nghiệp. Tôi múc một ca rưới nhè nhẹ lên đầu chảy xuống mặt một tay tôi chà mặt, chà cần cổ, vai, ngực, chân; múc thêm một ca nước thứ hai tôi cũng làm như thế chỉ tốn hai ca nước là đủ sạch. Dùng hai ca nước thì nước ngọt trong thùng còn nhiều; tôi ra khỏi phòng tắm tự nhiên xuống lệnh với em cháu trong đoàn, giọng hơi hách tý: Nầy, lấy chuẩn của đây nhá! mỗi người chỉ sử dụng hai ca nước ngọt thôi nhá, liệu đi!
Vào mùng, tôi trằn trọc với cảnh sống của bà con trong vùng bị nhiễm mặn, biết chừng nào nước ngọt mới trở lại. Nhớ năm 1945 Đức Thầy từ Sài Gòn về miền tây đồng bằng sông cửu long chiêu an bá tánh trở lại ruộng đồng, vì:
“chỉ có xứ Nam Kỳ béo bở,
Cơ hội nầy bỏ dở sao xong.
Nắm tay trở lại cánh đồng”.
Dân chúng có đạo không đạo đều nghe lời Thầy khuyên nắm tay trở lại cánh đồng, làm mùa năm nào cũng tốt đưa đất nước đi lên giàu có tiếng về nông nghiệp. Giờ nghe báo đài bảo nước mặn xâm nhập quá nhiều trong các tỉnh miền tây, ruộng lúa, cây trái bị nhiễm mặn chết tức tửi. Dân chúng nhiều nơi nghèo xơ xác, thiếu ăn, thiếu uống. Chợt nhớ lời Đức Thầy có câu làm tội phát sự quýnh:
“Đến thân dậu thánh thần náo động,
Thãm cho trần nhà tróng ruộng hoang”.


Câu trích dẫn trên thấy không có dấu hiệu chiến tranh mà sao trở thành hà tróng ruộng hoang được ??? Nhớ hôm gặp bà con nông dân ở vùng huyện Kiên Lương, trên ruộng lúa bị mặn bức tử, thiếu ăn mà nước cũng không có để dùng, họ nói: nếu tình trạng kéo dài chắc chúng tôi phải bỏ đây mà đi cặp hai bên sông tiền sông hậu. Như vậy cũng đủ chứng minh nhà tróng ruộng hoang rồi còn gì. Tôi lo sợ, nếu nước mặn không dừng xâm hại, dân ở giữ ruộng vườn, hoa màu còn đâu mà giữ, phải đi thôi, cảnh nhà tróng ruộng hoang chắc là không chạy khỏi. Biết trước việc nầy Đức Thầy kêu gọi lương dân bá tánh

“Nghèo với đói từ đây sẽ biết,
Hàng ngoại bang bố thiết ta hoài.
Nên bá gia hãy rán miệt mài,
Dù rách rưới cũng mau cận kiệm”.
Và
“khuyên đừng xài phí sa hoa
Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”.



Cần kiệm để đủ sống vượt qua những khó khăn đang từng bước bao vây. Tôi ước được nhắn gởi với bà con đồng đạo ở những nơi chưa nhiễm mặn hãy ăn ở cần kiệm lại đi là vừa, đồng thời thực hành điều răn cấm nhứ nhì của Đức Thầy:
“Ta chẳng nên lười biếng, phải cần kiệm, sốt sắng lo làm ăn và lo tu hiền chơn chất, chẳng nên gây gổ lẫn nhau, hãy tha thứ cho nhau trong khi nóng giận”.
Gây gổ làm chi? Đức Thầy kêu gọi “Tha thứ nhau để sống cùng cùng nhau”, bằng ai không nghe lời, không tha thứ thì “Đến việc ly kỳ cũng thả trôi sông” thôi, ích lợi vì đâu.
Tôi thức dậy kém một chút là 4 giờ, bước ra sân thấy phía trong buồng, bếp có bật đèn sáng, tôi định vào kiếm một chút nước rửa mặt, nhưng thấy cả nhà ngồi quanh một đống giá bít đường vào. Tôi trở ra phía trước, thèm rửa mặt mà không biết phải làm sao. Thấy trên bàn có hai trái Dừa chặt sẵn, hôm tối tôi chỉ uống một trái, thật may mắn, tôi trút nước Dừa tươi vào lòng một bàn tay, phực lên cái mùi không mấy cảm tình mà ép thì phải cảm, chà rửa mặt, số còn lại tôi cứ để vậy ực luôn. Dễ chịu quá, tôi lại ngôi thờ trong nhà chỉ chân dung Bồ Tát Quán Thế Âm, công phu sáng.

10/4/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét