Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

BUỔI HỌC 7
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
HỌC BÀI LUẬN VỀ TAM NGHIỆP, MỤC SÁT SANH.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay ta học đến bài nói về ác Sát sanh. Bài học dài hai trang, sợ không đủ thời gian nên ta đi ngay vào sự học cho kịp.
PHẦN 1: CHÁNH VĂN
SÁT SANH. -  Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền-lành cả. Song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung-chạ với thế-giới người hung-tàn bạo-ngược, tánh-nết liền ô-nhiểm những sự xấu-xa hèn kém, trở nên độc-ác dữ-dằn.
Loài người giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi-danh, vì quyền-thế, vì thù-hềm, vì háo-thắng… nghĩa là họ giết nhau vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một đẳng-cấp xã-hội, của một quốc-gia; họ muốn tiêu-diệt tất cả nhân-loại, không một ai có quyền sống sanh cùng họ cả.
Tại trào-nội, sự mà vua coi bầy tôi như cỏ rác, bầy tôi sánh vua như thể địch-thù đã làm nguyên-nhân cho biết bao cuộc tương-tàn tương-sát. Ngoài lê-thứ thì con giết mẹ cha, tớ hại chủ, trò giết Thầy, chồng vợ giết nhau, đệ-huynh xâu-xé. Những cuộc tương-tàn rất thường xảy ra trong nhân-loại không ngoài các lý-do đã kể trên. Đó là người đối với người.
Người đối với thú-cầm sanh-vật còn tàn nhẫn gấp mấy nữa: Họ giết thú-vật vì miếng ăn, vì sự dị-đoan mê-tín, vì sự vui thích. Đành rằng mình không thể dứt tuyệt giết các sanh-vật (gà, vịt, heo…) để nuôi thân sống; nhưng chẳng khá dựa vào lý “vật dưỡng nhơn” (thú-vật sanh ra đặng nuôi con người) mà giết hại nó một cách quá đáng. Chỉ cần dùng nó vừa đúng theo sự nhu-cầu cần thiết của các món thực-phẩm mình thôi mà không nên hoang phí hy-sinh nó nếu sự hy-sinh ấy không ích-lợi cho mình lắm. Nhứt là chẳng khá giết các thú-vật trong khi tế-lễ. Người ta tưởng rằng khi mình phạm tội với Thánh, Thần, Trời, Đất có thể sát hại sanh-vật cúng-tế cầu cho tội-quả tiêu-trừ. Sự tin tưởng ấy rất sai lầm huyễn-hoặc, vì đứng vào bực siêu-hình cao-cả như chi vị Thánh Thần, có lý nào vì một tình riêng làm cho sai chaỵ lẽ công. Khi gặp tai-nạn bất ngờ hay rủi-ro đau-ốm, con người không chịu thuốc thang khẩn vái Phật Trời cầu cho tai qua nạn khỏi, lại giết các thú vật để tế Thần cúng Thánh, kêu cốt kêu đồng. Họ không chịu tìm nguyên-nhân các sự họa-hoạn. Không chịu tìm hiểu rằng những tai-biến xảy ra đều do căn tiền báo quả hậu và không chịu ăn-năng chừa lỗi, tạo-tác phước-điền. Trong khi giết cá thú-vật đặng tế-lễ, họ đã phạm thêm một tội ác lúc họ chưa đền-bồi các tội ác trước được.
Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú-vật vì sự vui thích của mình; kẻ bắn chim đang bay trên Trời, người chặt cá đang lội dưới nước. Họ bắt thú-vật làm tấm bia cho họ nhắm trong khi cao-hứng, quên hẳn rằng sanh-vật cũng có linh-hồn, cũng có thân xác, cũng biết tìm lẽ sống con như nhân-loại vậy.
Thế nên, hãy tha thứ cho chúng, hãy dung-dưỡng chúng và nhất là đối với các gia-súc: Trâu, bò, ngựa, chó, mèo… chẳng khá sát-hại, vì chúng đã giúp ích cho ta trong các sanh-hoạt hằng ngày. Tóm lại, không có sự sát-sanh vô cớ nào có thể tha-thứ được và trong những ngày chay-lạt hãy cữ hẳn.”
PHẦN 2 : CHÚ GIẢNG.
Sát Sanh: Sát là giết, sanh là sanh mạng, sự sống, sanh sống. Sát sanh là giết đi mạng sống. Theo sự giải thích của Đức Thầy, sát sanh có hai dạng loại một là người giết người hai là người giết thú cầm sanh vật. Người giết người dẫn đến vua tôi giết nhau con giết mẹ cha, trò giết Thầy chồng vợ giết nhau đệ huynh xâu xé. Giết thú cầm sanh vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, cúng tế Thần Thánh, vì vui thích, cao hứng…
Tánh hiền-lành: Nói về bản tánh khi con người mới sanh ra chưa bị ô nhiểm dòng đời. Sách xưa có câu “Nhân chi sơ tánh bản thiện” (người lúc sơ sanh tánh vốn thiện). Ở một bài dạy khác Đức Thầy cũng có câu:
“Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiểm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh.”
Bạo-ngược: Vừa hung bạo, vừa ngang ngược. Hung bạo là mạnh tay hiếp người còn ngang ngược là không công nhận lẽ phải trái. Ví dụ người ta bảo: Anh ấy nói chuyện ngang ngược.
Giết nhau vì sự ích lợi của một người: Chỉ là ích lợi cá nhân thôi mà giết người để bảo vệ lợi ích. Ví dụ: việc làm lén lút trái pháp luật mà bị người khác vô tình phát hiện, sợ đây rồi danh thơm tiếng tốt không còn mà dẫn đến tù tội nữa, nên giết để bịt đầu mối. Hoặc tranh nhau chuyện làm ăn, giánh mối mà giết…
Của một nhóm người: Một nhóm thuộc về có tổ chức, sự hợp tác của các thành viên trong nhóm về cá nhân thì bênh vực cho nhau về tập thể muốn cho nhóm mình có sức ảnh hưởng tốt, cạnh tranh với nhóm khác mà muốn giành thắng lợi, đứng cao. Cạnh tranh không công bằng thì trở thành giành giựt, dẫn đến sự sát hại.
Của một đẳng-cấp xã-hội: Đẳng cấp là phân chia sự cao thấp trong xã hội, người có học đối với người vô học, người học cao đối với người học thấp, quyền chức bổng lộc cao đối với hạng dưới tay mình quyền chức bổng lộc thấp: ỷ lại, xài xể, gièm xiểm, bôi bác rồi dẫn đến “kẻ thắng kiêu hảnh người bại hổ ngươi” mà sanh tâm đố kỵ, tình trạng leo thang dẫn đến giết hại lẫn nhau bởi sự phân chia đẳng cấp trong xã hội.
Của một quốc-gia: Vì lợi ích của một quốc gia mà giết hại. Học Phật của PGHH dạy mang ơn đất nước. Mang ơn phải trả ơn, tức là phải sống vì ích lợi của quốc gia mình thọ ơn, “Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị”. Toàn dân ra tay giết kẻ ngoài thống trị nói cho chí lý là hành động tự vệ ở bước đường cùng để bảo vệ đất nước thoát khỏi ngoại xâm. Sự sát giết ta không chủ động mà luôn ở thế bị động. Ân đất nước của PGHH dạy: Sự ích lợi của đất nước là làm cho nước nhà trở nên giàu mạnh và rán sức “nâng đở xứ sở quên hương lúc nghiêng nghèo”, tuyệt đối không phải vì muốn có sức mạnh cho nước nhà thì phải đi xâm lăng nước khác: Ân đất nước dạy không ủng hộ giặc xâm lăng
Trào-nội: Trong hoàng cung, triều đình, chỗ của vua ở.
Lê-thứ: Là bá tánh dân thường.
Dị đoan mê tín: Dị là khác biệt, đoan là mối, mê là ngu đần, tín là tin. Dị đoan mê tín là tin tưởng một cách mù quáng. Người ở trong chánh đạo, chánh tín, nhưng lỡ gia đình xảy ra tai nạn hay đau chứng nghiệt; do nghiệp chướng đời trước mà nay phải trả thì người ta lại nghĩ cách lo lót ơn trên, tưởng sát hại sinh vật tế lễ cho người khuất mặt ăn để họ độ. Cúng vái đèn hương đỏ vệ mà thuốc men cũng uống nườm nượp. Nhiều chỗ cúng tốn cho đã thì chừng chết cũng chết, Thầy pháp bó tay. Cũng có những trường hợp sát sanh cúng tế rồi người bệnh khõe lại, nhưng cúng tế mà uống thuốc Tây, Nam, bắc, có đủ thì thuốc đã làm cho hết bệnh chứ kẻ ăn hối lộ của cúng kiến quyền phép bao nhiêu mà đổi họa thành phước.
Vật dưỡng nhơn: Đức Thầy kêu “Đừng dựa vào lý vật dưỡng nhơn” như thế không có vụ vật dưỡng nhơn đâu mà chỉ có mạnh hiếp yếu. Ở đây ta có sức mạnh hơn con gà con vịt, ta bắt ăn thịt nó mà nói rằng Trời sanh nó cho ta ăn, ta bảo là vật dưỡng nhơn. Đến một lúc nào đó ta lên rừng gặp ác thú chuyên ăn thịt như Cọp, Sư Tử, Hùm, Beo… chẳng hạng nó vồ tới bắt ta mà ăn thì bây giờ ta nói là vật dưỡng nhơn hay nhơn dưỡng vật?
Tế lễ: Tế là cúng, lễ là đồ vật, lễ vật dâng cúng. Cúng lễ ở đây là cúng cho các Thần linh, Trời Đất. Nhưng đó là sự bày biện của những kẻ mê tín dị đoan chứ Trời Phật nào mà ăn đồ cúng kiến để phải độ cho kẻ cúng được tội quả tiêu trừ. Đức Thầy bảo:
“Đấng thần minh công bình trực dạ,
Đâu ăn lo đổi họa làm may.
Mở tâm linh nghĩ đến đoạn nầy,
Điều họa phước ấy cơ báo ứng.
Chẳng biết thân còn toan chứa đựng,
Quả bất lành chưa trả vay thêm”.
Và câu:
“của tiền chớ có bỏ theo,
Chết rồi tế lễ bò heo làm gì?
Sai lầm huyễn hoặc: Sai lầm tức do vì lầm mà hành động sai, lầm tưởng giả là thiệt, lầm xấu là tốt và ngược lại. Huyễn hoặc là nói chuyện không có; ví dụ: Tin đồn huyễn, tức là tin không có thật, thêm thừa, lừa dối. Sự sai lầm ở đây nói về việc sát sanh hại vật để cúng tế Thánh Thần Trời Đất mà Thánh Thần Trời Đất rất “công bình trực dạ” đâu có nhận sự lo lót mà làm cho sai chạy lẽ công bằng.
Bực Siêu Hình: Ta thường gọi là các ơn trên, tuy người thế gian mắt phàm không thấy nhưng các vị rất linh ứng trong việc cứu người. Đừng ai tưởng các vị linh thiêng ấy có khả năng cứu độ kẻ gian để lúc sanh tiền chuyên làm điều xằng bậy và sống trên đồng tiền, đến lúc trả quả, sát sanh hại vật tế lễ thì các vị đổi tội ra phước ngay.
Tình riêng: Là áp dụng tình thương cá nhân, người nào làm phải lòng mình, làm tốt công việc cho mình, giúp đỡ hoặc nghe lời mình dạy thì mình thương ngoài ra thì không. Các bực siêu hình hành động sự cứu độ với tình chung trong luật định của thiên nhiên, gồm vào một chữ đạo và chỉ có một con đường thẳng, đi trúng, không có bước trật.
Lẽ công: Là lẽ công bằng. Bực siêu hình cầm cân nẩy mực, tội phước phân minh, không thể vì chúng sanh làm điều tội ác, muốn hết tội được phước cứ tế lễ đi là được.
Tai nạn: Tai là cái họa từ đâu đến hại thân và có thể tan nhà nát cửa; Nạn là chịu sự khó khăn, chết chóc chẳng hạn. Tai nạn là gánh lấy sự khổ không phải do mình làm trong hiện tại mà là một thứ tai bay họa gởi từ đâu tới.
Bất ngờ: Thình lình, không ngờ trước được. Ví dụ: Hôm nay bạn đến thăm làm tôi bất ngờ quá! Nhưng từ bất ngờ ở đây diễn tả sự  không may mắn: là tai nạn đến bất ngờ; không loại trừ bị hại mà chẳng chút biết trước để lo mà tránh.
Rủi ro: Là điều không may mắn đến với mình. Người trong đời thường hay nói chuyện May và Rủi để nhận chịu những điều tốt hay xấu. Buôn bán lổ lả, làm ăn thất bát, gặp chuyện không lành người ta cho rằng vận may không đến, đến toàn chuyện rủi.
Đau ốm: Nói lúc thân thể con người bệnh hoạn. Có nhiều thứ bệnh chính bệnh nhân gây ví dụ như: Dùng rượu nhiều thì nữa đau Gan, hút thuốc nhiều thì lâu ngày bệnh phổi. Cái nhân chính mình gây cho mình hưởng quả mà một khi quả đến sanh bệnh thì bảo rằng rủi ro.
Kêu cốt: Tạo cốt rồi đặt tên cho cốt: Phật, Tiên, Thần, Thánh hay Ông nầy Bà nọ trong các đấng siêu hình, rồi kêu về trị bệnh thay vì phải đi bệnh viện chữa trị bằng thuốc.
kêu đồng: Thuộc dạng Ông lên Bà xuống. Chọn một ai đó trong giới bóng chàng mà người ta cho là có nhiều điểng. Một cái xác lên ngút ngắt được năm mười Ông, đàn ông về nhập xác cho đàn ông, cũng có khi đàn bà về nhập xác cho đàn Ông hoặc ngược lại. Kêu đồng về nhưng đồng luôn luôn bị trùm khăn đỏ mút mặt, ứng lên nói cười ngút ngắt rồi uống rượu, uống ngoài khăn đỏ. Rượu miếng uống miếng phung, nhang cây đốt cây phóng, gà con ăn con tống.
Làm chuyện che mắt thế gian chứ có Ông thần y nào mà về trị. Ta hãy nghe bài thơ biếm sau đây:
“Khen ai khéo vẽ cảnh lên đồng,
Một lúc lên luôn sáu, bảy Ông.
Xác quỹ Ông dùng cây kiếm gỗ,
Ra tay bà vắt cái khăn hồng.
Cô dương tay ấn tan tành núi,
Cậu chỉ ngọn cờ cạn khúc sông.
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước,
Hay là đồng sợ súng cành nông?”
Căn tiền báo quả hậu: Đời trước làm chuyện ác, đời sau chịu quả báo. Cho hay! Người đang chịu quả báo nên tự biết kiếp trước mình làm việc chẳng lành mà nay mới thân thời ra như vậy. Đã biết đạo, biết tu hành thì kiếp nầy chỉ trả thôi chứ đừng vay lại.
Gia súc: Những loài vật nuôi trong nhà như: Trâu, Bò, Ngựa, Chó, Mèo…
Sát sanh vô cớ: Nguyên câu là “không có sự sát sanh vô cớ nào mà tha thứ đặng”. Không có sự sát sanh vô cớ thì không có chuyện diện ra cái cớ để sát sanh là đúng. Cho dù Đức Thầy có dạy tín đồ “chay bốn bửa ấy là quy tắc” thì hăm sáu ngày còn lại trong tháng là được phép sát ăn sao? Đức Thầy dạy khởi đầu cho tín đồ bước vào đạo dùng chay tháng bốn ngày, nhưng Ngài cũng đâu nói sau bốn ngày quy tắc thì ăn sát là không có tội. Ngài nêu cao ngọn đuốt Nhân quả cho mọi người nghe thấy:
“Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy”
Và câu:
“Luật nhơn quả thiệt là cao viễn,
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai.”
Từ cổ chí kim không lọt chẳng lẽ chỉ vì quy y theo PGHH mà lọt sổ nhơn quả ư ?.
TÓM KẾT: Đức Thầy dạy về ác sát sanh rất đầy đủ, chúng ta không cần giải thích thêm cho rườm, chỉ nên rút gọn lại đễ quý vị dễ nắm bắt, đỡ mất thời gian nghiên cứu ý chính. Ác sát sanh và nguyên nhân gây ra sát sanh ở người với người thì “vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hềm, vì háo thắng” và “ Vì sự ích lợi của một người, của một nhóm người, của một dẳng cấp xã hội, của một quốc gia” mà sát sanh. Còn sát sanh với thú cầm sanh vật thì “Vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích” đã làm nên tội ác phải chịu quả báo từ hiện tại dẫn đến nhiều kiếp luân hồi.
Muốn khỏi chịu tội quả thì đừng sát sanh với ai, đừng giết sanh vật bất cứ là dùng cho việc gì. Việc gì thì việc, hễ sát sanh là có tội không có lý do biện hộ, ngay cả việc ăn sống cho bản thân mình cũng phải bị sự trừng trị của Luật Nhân Quả nếu như mình ăn mạng. Và với lòng từ bi của giáo lý nhà Phật Đức Thầy kêu gọi môn đồ:
“ Hãy tha thứ cho chúng, hãy dung dưỡng chúng”. Người ta hay thú vật hại mình thì mình cũng phải tha thứ, chẳng những tha thứ mà còn nên dung dưỡng.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
- Người mới sanh ra đời vốn hiền, lớn lên không hiền nữa là do đâu?
- Theo trong đề mục Sát Sanh Đức Thầy giảng luận có mấy loại? Hãy kể ra.
- Sát Sanh giữa người với người gồm có mấy vụ? Kể ra.
- Có bao nhiêu thứ giết người để bảo vệ ích lợi từ cá nhân đến tập thể? Kể ra.
- Giết thú cầm sanh vật gồm có mấy dạng? Hãy kể ra.
- Giết thú cầm trong sự vui thích là gì?
Buổi học 7 đến đây mãn giờ. Lần tới ta học biết về ác “Đạo Tặc” ra thế nào để mà tránh làm chuyện ác nầy.
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
30/12/2015








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét