BUỔI HỌC 6
NHÓM HỌC GIÁO LÝ
PGHH
LUẬN VỀ TAM NGHIỆP
Kính thưa chư quý đồng đạo! Buổi
học thứ 6 hôm nay chúng ta học đến bài “LUẬN VỀ TAM NGHIỆP”. Bài học
nầy so với bài học qua là ngắn nhất còn lại trong đây rất nhiều từ
quen thuộc, học chắc phải mau nằm lòng. Hôm buổi học 5, gặp phải bài
“ân đồng bào và nhân loại” quá là dài, đồng đạo ít có người thuộc
rành, trả bài không suôn, kết quả
của sự học chưa được chúng ta hài lòng. Do đó mà kỳ rồi tôi có đề
nghị, đồng đạo nào chưa thuộc bài “Ân đồng bào và nhân loại” thì
hãy học tiếp tục để trả bài lại trước khi buổi học thứ 6 bắt đầu.
Vậy, để giữ đúng lời hẹn xin kính mời đồng đạo nào mà kỳ học
trước không thuộc, hoặc trả bài lộn lạo thì hãy tự nguyện tự giác
nhanh để chúng ta đi vào buổi học mới. Kính mời lên!
Phần trả nợ củ xong giờ chúng ta
bắt đầu vào bài mới nhá!
PHẦN 1 : HỌC CHÁNH VĂN
LUẬN VỀ TAM NGHIỆP
Sanh ra ở đời, con người dầu muốn
hay dầu không, cũng phải chịu dưới sự chi phối của định
luật thiên nhiên. Định luật ấy gồm vào một chữ Đạo, đạo của con người kêu bằng “ đạo nhân”, và nó là
một con đường, đi
trúng thì sống, bước trật tất chết.
Muốn làm tròn nhân đạo, phải giữ
vẹn tứ ân. Nhưng trước hết phải tránh tam nghiệp và chừa thập ác,
cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ.
Mỗi người có ba nghiệp chướng sau
sau đây:
-
Thân
nghiệp ( tội lỗi do xác thân gây nên)
-
Khẩu
nghiệp ( tội lỗi do miệng lưỡi gây nên)
-
Ý
nghiệp ( Tội lỗi do ý tưởng gây nên)
Ba nghiệp chướng ấy khiến con
người phạm mười điều ác kể ra dưới đây:
Thân nghiệp sanh 3 điều ác:
-
1.)
Sát sanh
-
2.)
Đạo tặc
-
3.)
Tà dâm
- Khẩu nghiệp sanh 4 điều ác:
1.)
Lưỡng
thiệt
2.)
Ỷ
ngôn
3.)
Ác
khẩu
4.)
Vọng
ngữ
- Ý nghiệp sanh 3 điều ác:
-
1.)
Tham lam
-
2.
Sận nộ
-
Mê
si
Phần 2: Chú Giảng
Kính thưa chư quý đồng đạo học viên! Vì buổi học hôm nay qua bài “LUẬN VỀ
TAM NGHIỆP” phần chánh văn đã ngắn mà Tam Nghiệp sanh ra mười điều
ác, mỗi cái ác được sấp vào buổi học riêng. Do đó Tam Nghiệp còn
quá gọn gàng trong một vài từ ngữ qua giờ học kéo dài, nên tôi xin
mở rộng đề tài để điền vào khoảng thời gian ta có được trong buổi
học.
Luận: Đi
từ phạn ngữ Abhidharma dịch âm theo phạn ngữ ta đọc là A tỳ đạt ma.
Luận là bàn cho ra cái lý, ta thường gọi là lý luận hay bàn luận.
Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn giải thích về Luận có chia
thành hai phần:
1) Luận những bài Phật thuyết do Ma Ha ca Diếp chủ trương
kết tập sau khi Phật nhập Niết Bàn.
2) là những bài luận do các chư tăng tu hành thâm nhập
nghiên cứu đến chỗ vi diệu pháp môn biên soạn.
Như ở vào thế kỷ thứ năm, nước Ấn Độ có hai Ngài Vô
Trước và Thiên Thân tu đại thừa nhập định tam muội gặp Bồ Tát Di Lặc
dạy cho năm bộ luận:
1.- Du Già Sư Địa Luận
2.- Phân Biệt Du Già Luận
3.- Đại thừa Trang Nghiêm Luận
4.- Biện Trung Biện Luận
5.- Kim Cang Bát Nhã Luận.
Đức Thầy có câu:
“Bàn với luận đặng coi chơn lý
Luận bàn chơn lý cho minh”
Bàn luận phải dựa trên căn bản đề tài có sẵn. Đề tài ở
đây là Tam Nghiệp, nên đó, Đức Thầy đề tựa là “ Luận Về Tam Nghiệp”.
Trong lịch sử Phật Giáo, Luận
bắt nguồn rất sớm. Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, lúc đó Ấn
Độ chưa có chữ để viết thành ra Đức Phật với con đường độ chúng
chỉ thuyết pháp chứ không có viết Kinh. Sợ để lâu ngày chánh pháp
của Phật bị mòn hao, trưởng lão Ma Ha Ca Diếp vị được Đức Phật trao
truyền chánh pháp nhản tàng niết bàn diệu tâm tại núi Linh Thứu mời
các vị chư tăng đương thời cùng chung mở hội kiết tập lời của Phật
dạy. Lời Phật thuyết phân ra có Tam Tạng: Kinh Tạng, Luật Tạng và
Luận Tạng. Trong cuộc kết tập, Kinh Tạng giao phần cho Ông An Nan, Luật
Tạng thì có Ông Ca Diếp, Luận Tạng thì có Ông Ưu Ba Ly. Đạo Phật ở
Ấn Độ có ba tạng kinh điển chưa nước nào vinh hạnh bằng. Pháp Sư
Trần Huyền Trang từ Trung Quốc qua Tây Thiên Trúc thỉnh pháp Phật
chính là thỉnh Tam Tạng nầy nên người ta gọi Ngài là Huyền Trang Tam
Tạng hay Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang.
Tam Nghiệp: Tam là ba, Nghiệp là nói về nhân hay nguyên nhân để sanh
ra quả. Đời hễ thấy ai đó nghèo đói hay nạn tai dồn vập người ta bảo
kẻ ấy kiếp trước gây nghiệp gì mà kiếp nầy chịu nợ nần oan trái. Còn
hiện tại, Ông bà thấy cháu, cha mẹ thấy con hoặc xóm chòm, làm việc
ác, lời nói ác và ý tưởng ác sẽ bị quở cho kiếp lai sinh phải sống
đời bất hạnh, nhục nhằn. Là ba nghiệp của Thân, Khẩu, Ý sanh ra mười
điều ác. Phật dạy tu cho mười điều ác trở thành mười điều thiện
rồi lóng thiện thành chơn là tu đạt pháp môn, Đức Phật mới tiếp độ.
Kinh Nh ật
Dụng có câu:
“Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây Phương”
Đức Thầy dịch:
“Cầu Tịnh Ba Nghiệp xong xuôi,
Tây Phương quyết đến chung vui Phật đài”.
Luận về Tam nghiệp bằng giải lý qua mười điều ác người
tu phải trừ, Đức Thầy kết luận:
“Ác trừ xong hiện ra thiện nghiệp,
Lóng nguồn chơn Phật tiếp dẫn cho”
Qua pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương cũng cần
phải tu tịnh Tam Nghiệp:
“Cần tu thập thiện thì sự niệm Phật mới có kết quả. Tu
thập thiện , dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp)”.
Sự Chi Phối: Chi là chia ra, Phối là hợp lại. Chi phối là phân chia
từ gốc. Ví dụ chi phối quyền lực, chi phối tinh thần, tu gặp cảnh
nghèo lo làm lụng nhiều mà đạo tâm bị chi phối… để cho quyền lực bị
ảnh hưởng thêm thứ khác mà giảm bớt uy danh, tinh thần đạo đức bị
chi phổi bởi vật chất, danh lợi tình mà kém thông minh sáng suốt,
làm bài tập hay học thuộc lòng là cần sự chú tâm nhưng bị những
vật dục xỉa vào đánh mất sự chú tâm thì học tập phải kéo lê nhiều
ngày giờ mới hoàn thiện. Tóm lại, các thứ, các điều làm ảnh hưởng
đến chủ đề chính thì gọi là chi phối.
Định luật: là qui định của luật thiên nhiên để ràng buộc con người.
Đừng nói là muốn hay không muốn, luật vẫn luôn luôn tồn tại để
thưởng phạt kẻ có tội hay có phước, nên Đức Thầy cảnh báo với hạng
người không muốn nằm trong định luật đặng hả hê vui thích cá nhân
phàm tục mà không bị định luật bắt bẻ, rằng: “ Con người dầu muốn
hay dầu không cũng phải chịu… “ là thế.
Thiên nhiên: Tức tự nhiên. Tự nhiên sanh tự nhiên diệt, tự nhiên có
tự nhiên không, tự nhiên còn tự nhiên mất. Tất cả đều nằm trong thiên
nhiên. Người ta nói: Rừng thiên nhiên là rừng tự nhiên có, khác với
rừng do người ta trồng. Gọi thượng tôn hơn, rừng thiên nhiên người ta
bảo rừng do Trời Đất sắp đặt. Các tạo vật trong đời cũng từ thiên
nhiên mà có, cho dù đi vào khung nhân quả nhưng khung ấy cũng thiên
nhiên. Như vậy Định Luật Thiên Nhiên là định luật của Trời Đất một
cách tự nhiên.
Đạo:
Qua các tham luận của cổ đức giải thích từ “Đạo” có ba nghĩa:
1.- Đạo là con đường
2.- Đạo là bổn phận
3.- Đạo là chân lý tuyệt đối.
-Thế nào đạo là con đường?
Như Đức Thầy nói: “Con người dầu muốn hay dầu không cũng
phải chịu sự chi phối của định luật thiên nhiên” và định luật ấy gồm
tất cả con người vào một chữ Đạo mà đạo lại là con đường có hai
ngã rẻ, rẻ lên hay rẻ xuống, rẻ lên là lên Phật, rẻ xuống là xuống
chốn diêm vương. Nếu ai:
“Gái cùng trai già trẻ bước vào
Đường trí huệ quy y gìn đạo pháp”
Thế đã chọn nẽo lên, còn ai mê danh mê lợi mê tình, làm
điều gian ác, lòng dạ hẹp hòi, ganh ghét thì là đi xuống:
“ Vội đem lòng cượng lý ghét ghen,
Thêm cùng bớt tiếng kèn lời
huyễn.
Chốn âm ty ngưu đầu mã diện,
Đang trông chờ tới số bắt hồn.
Cõi âm thần bịnh sái dịch ôn,
Chờ mãn phước rat ay bẻ họng.”
-
Thế
nào đạo là bổn phận?
Đối với đạo Nhân Luân thì người theo đạo có bổn phận với
phu thê, phụ tử, vua tôi, Thầy trò, bè bạn. Còn đối với đạo Phật
thì người học đạo có bổn phận đáp đền ân Tam Bảo, như Đức Thầy
dạy:
“Con người cần nhờ đến sự giúp đỡ của Phật, Pháp, Tăng
khai mở trí óc cho sáng suốt”.
Thọ ân thì phải có bổn phận đền ân. Đức Thầy dạy về
bổn phận ấy như sau:
“Nên bổn phận của chúng ta là phải noi theo chí đức của
tiền nhân hầu làm cho trí huệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải
thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông
nền đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ai được gieo rải khắp nơi
nơi trong bá tánh…”
Thế nào Đạo là chân lý tuyệt đối?
Chân lý vốn không di không dịch, như như bất động, là chỗ
mà đạo Phật gọi là tính bổn lai, hay bổn lai thường trụ. Đạo đi từ
con đường, đi từ bổn phận, có thể vẫn còn bị định luật thiên nhiên
chi phổi, ở nơi chân lý thì không bị chi phối bất cứ điều gì hay
đấng cao cả nào. Mục tiêu của người tu học đạo Phật là muốn đạt
đến cảnh giới nầy.
Đi trúng thì sống: Theo ý nghĩa thông thường “ trúng” ở đây là trúng với
phép tắc, đạo đức, ví dụ như mình ăn ở có phép tắc không rượu chè
cờ bạc thì không bị đọa thân là “ bác thằng bần”, không gây gổ thì
không sanh cãi cọ không có sự nóng giận đến đánh đập giết hại thì
sống khõe, sống không sợ, là đi trúng. Nói rộng, sống chết là ở
linh hồn. Thể xác thì ai cũng chết. Có câu “Tu nhân tích đức già đời
cũng chết, ăn ở bạo tàn tới số cũng không còn”. Ai cũng phải chết
sao lại nói “Đi trúng thì sống”? Sống ở đây là sống với danh thơm
tiếng tốt, đạo đức vẹn toàn cho người đời sau và lịch sử nhắc tên.
Đó chẳng phải tên tuổi đã sống mãi sao?
Bước trật tất chết: Tức đi ngoài phép tắc, đạo đức, ngược lại với đi trúng.
Tóm Lược Đại Ý: Đức Thầy viết “Luận Về Tam Nghiệp” là luận cho ra lẽ
về ba nghiệp chướng mà sanh trong đời ai cũng bị nó hoành hành gây
nhiều tội lỗi. Con người có đạo hay không có đạo, tu hay không tu đều
bị ba nghiệp chướng Thân, Khẩu, Ý chi phối đến đời sống. Ba nghiệp
chướng ấy là định luật của thiên nhiên. Một thứ định luật bất di
bất dịch không ai cãi được khỏi tội khi người ta làm ác. Làm ác gặp
ác, do đó người tu phải biến ác thành thiện thiện; thiện có thiện
báo, ác có ác báo. Biến mười ác trở thành mười thiện, cũng gọi
là tu tịnh tam nghiệp sẽ “Đồng Phật vãng Tây Phương”, chừng đó không
còn bị định luật thiên nhiên chi phối nữa.
Phần 3: Đặt Câu Hỏi
Thế nào gọi là Luận?
Tam Nghiệp gồm có gì?
Khẩu nghiệp có bao nhiêu điều?
Hãy giải thích thế nào là sự chi phối?
Định Luật nói trong bài là gì?
Sao gọi “đi trúng là sống”?.
Kính thưa quý vị! Đến đây giờ và buổi học đã hết. Hẹn
gặp lại quý vị ở buổi học 7. Kỳ học tới ta học qua đề mục nói về
ác Sát Sanh. Mục nầy rất dài mong rằng quý vị cố gắng hơn nữa để
học thuộc.
Kính chúc quý vị thân tâm an lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét