Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

BUỔI HỌC 5
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính thưa chư quý đồng đạo! Buổi học giáo lý hôm nay chúng ta học đến “Ân Đồng Bào và Nhân Loại”. Bài học còn dài hơn những bài học trước, mong có sự cố gắng của quý vị thì đường dài hóa ngắn bài dài cũng thuộc làu lòng.
PHẦN I: HỌC CHÁNH VĂN
“ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHÂN LOẠI: Con người vừa mở mắt chào đời, đã thấy mình phải nhờ đến sự giúp đỡ của những kẻ ở chung quanh và cái niên kỷ càng lớn thêm bao nhiều, sự nhờ nhỏi càng tuần tự thêm nhiều chừng nấy.
Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ. Vui sướng ta đồng hưởng với họ; hoạn nạn họ đồng chịu với ta.
Họ và ta cũng một màu da, cũng nói một thứ tiếng. Ta và họ hợp nhau thì thành lại làm một; ấy quốc gia đó. Họ là ai? Tức những người ta thường gọi bằng đồng bào vậy.
Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong cơn nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào, hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta hãy rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.
Chẳng những thế thôi, ngoài đồng bào, ta còn có thế giới người đang cặm cụi cần lao cung cấp những điều nhu cầu cần thiết. Họ là nhân loại, là những người đang sanh sống với chúng ta trên quả địa cầu. Nếu không có nhân loại, thử hỏi dân tộc ta ra như thế nào? Ta có đủ vật liệu để dùng chăng? Ta có thể tự túc một cách đầy đủ chăng? Nói tóm lại, ta có thể lẻ loi đương đầu với những khi phong vũ nhiệt hàn, với những lúc ốm đau nguy biến, giữ vững cuộc sống còn nầy chăng? Hẳn không vậy. Thế nên, dân tộc ta phải nhờ đến nhân loại, nghĩa là nhờ đến dân tộc khác và phải biết ơn họ. Hãy nghĩ đến họ cũng như mình nghĩ đến mình và đồng chủng mình.
Vả lại, cái tình từ bi bác ái của Đức Phật mà ta đã nhận thức, rất thâm huyền quảng hượt. Cái tình ấy nó không bến không bờ, không phân biệt màu da, không phân biệt chủng tộc; nó cũng không luận sang hèn và xóa bỏ hết các tầng lớp đẳng cấp xã hội mà chỉ đặt vào một: Nhân loại chúng sanh.
Thế ta không có lý do gì chánh đáng để vì mình hay vì đồng bào mình, gây ra tai  hại cho các dân tộc khác. Trái lại, hãy đặt vào họ một tư tưởng nhân hòa, một tinh thần hỷ xả và hãy tự xem mình có bổn phận giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn.
Đối với những kẻ xuất gia quy y đầu Phật, phụ vào những ân huệ đã thọ như đã nói trên, họ còn phải trực tiếp chịu ân các đàn na thí chủ, nghĩa là những thiện nam tín nữ có hảo tâm cung cấp những vật dụng cần thiết cho họ. Họ nhờ đến hột cơm, đến miếng vải, đến thuốc men đặng sanh sống. Rốt lại, họ phải nhờ đến sự nuôi dưỡng hoàn toàn của những kẻ tốt lòng.
Đối với quần sanh, họ mang cái ơn rất nặng. Cho nên họ phải dìu dắt sanh linh đi tầm chân lý đặng đáp tạ tấm lòng chiếu cố của thiện tín.”
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG
ĐỒNG BÀO: Xưa nay người ta dùng từ đồng bào có hai nghĩa rộng và hẹp; hẹp gọi là nghĩa đen, còn rộng là nghĩa bóng. Đối với nghĩa hẹp, danh từ Đồng Bào là chỉ cho anh, chị, em cùng mẹ sanh ra. Để nói về ruột thịt thì người ta dùng là anh ruột, chị ruột, em ruột, còn có một ít nho gia thì người ta gọi thêm một chút văn vẻ: Bào huynh, bào đệ, bào muội, bào tỷ. Còn với nghĩa rộng là kể những công dân cùng một quốc gia dân tộc, nhà lãnh đạo quốc gia hay quan chức mà có cuộc nói chuyện trước dân, thay vì kính thưa nhân dân người ta kính thưa đồng bào. Đức Thầy có lần đứng trước số đông quần chúng Ngài kêu gọi:
“ Hỡi Đồng Bào! Hỡi Đồng Bào!
Thần chết đã tràn vào Trung Bắc.
Ngày lại ngày siết chặt giống nòi,
Lật qua các báo mà coi,
Thất con số chết xem mòi kinh nguy.
Cũng tại vì Tây di bày kế,
Phá hoại nền kinh tế nước ta.
Làm cho điên đảo sơn hà,
Làm cho điêu đứng còn nhà Lạc Long.”
NHÂN LOẠI: Nhân là người, loại là loài; nhân loại chỉ chung cho loài người sống trên thế gian. Đồng bào là người trong quốc gia, nhân loại là người cùng khắp trên thế giới.
Mở mắt chào đời: Nói con người mới được sanh ra
Niên kỷ: Niên là năm, Kỷ là một vòng 12 năm. Niên kỷ là nói về tuổi tác, người ta hỏi nhau: Anh nay bao nhiêu niên kỷ tức là hỏi bấy nhiêu tuổi đó.
Hoạn nạn: Hoạn là bần khổ, tai họa; nạn là gặp chuyện khó từ đâu áp tới, phủ lên đời sống, khiến nên sống không yên.
Đồng bào ta và ta: là nói về sự liên quan mật thiết phận công dân trong một quốc gia. Nói chung, trong nghĩa đồng bào là đã có ta, nói riêng cho có ta có đồng bào. Nếu trong đồng bào có ta thì trong đồng bào cũng có cái ta khác. Ta nói đồng bào ta và ta thì người khác cũng nói đồng bào ta và ta, cái ta nầy với cái ta kia từ trong gốc đồng bào là hai mà một, là một sự thật không thể tách rời nên Đức Thầy dạy “không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau.
Chủng tộc: Chủng là dòng giống, Tộc là họ hàng, gia tộc, tộc họ. Nói rộng ra là một dân tộc lớn trong quốc gia.
“Ta quyết gìn chủng tộc giang sơn” (lời Đức Thầy)
Nòi giống: Nòi là noi theo, giống là phân loại. Nòi giống là noi theo giống xưa từ Tổ Tiên đi thành lệ. Lịch sử Việt Nam ghi dân ta là giống dân Hồng Lạc. Đức Thầy có câu:
“ Giống Hồng Lạc kim chi ngọc diệp”
Tức nói sự cao quí như cành vàng lá ngọc. Và câu:
“ Giống nòi thiệt cốt rồng Tiên,
Mà nay lạc mất gương hiền nơn đâu”
“Dân ta dòng giống Tiên Bang,
Chớ đâu có giống ngổ ngang hung sùng”
Oanh liệt: Danh từ dùng chỉ cho sự mạnh mẽ: chiến đấu, chiến thắng, như nói: thắng trận vẻ vang oanh liệt.
Lịch sử: Theo “Chánh Tả Tự Vị” của Lê Ngọc Trụ thì Lịch là bản ghi chép ngày tháng trong một năm; Sử là ghi chép việc đã qua. Để có sự học biêt ta gọi là sách sử; tức quyển sách chuyên theo dõi những diễn biến đường thẳng hay khúc quanh của Quốc Gia, Dân Tộc. Gánh lấy trọng trách Quốc Gia ai hay ai dở, văn hóa dân Tộc ai tốt ai xấu ở hạng cấp lãnh đạo, qua các thời đại đều ghi rõ. Vì lẽ đó mà ở các nhà trí thức có học vị soạn sách giáo khoa là nhằm mục tiêu giáo dục, cộng với sự giáo dục học đường của các Thầy Cô giáo, cho học sinh có căn bản trở thành người hữu dụng cho quốc gia dân tộc.
Bước tiền đồ: Hai chữ tiền đồ thì xưa nay người ta dùng nó để nói hướng sự thành công ở tương lai. Nếu ai hiện tại làm ăn không ra gì, học hành không nên thân, quốc gia đại sự không có người chung vai gánh vác. Hiện tại như vầy mà nhìn về tương lai người nói là tiền đồ đen tối. Bước là chân đi, Tiền là trước, đồ tức con đường. Bước tiền đồ ở đây Đức Thầy dùng là “bước tiền đồ của giang san đất nước”. Nếu ơn đồng bào và nhơn loại được mỗi người thực hiện tốt thì tiền đồ tốt.
Cặm cụi cần lao: Cặm cụi là nói về người có tính siêng năng, ví dụ: Ông ấy đã già mà cứ phải cặm cụi mãi ngoài đồng; Cần lao là chịu đựng sự cực nhọc. Cặm cụi cần lao là nói đến sự vất vả của tiền nhân để cho quốc gia dân tộc, con cháu đời sau thừa hưởng sức cống hiến của người đi trước, đồng thời lãnh lấy trách nhiệm với người đi trước mà chịu trách nhiệm với con cháu đời nầy và đời sau.
Quả địa cầu: Địa là trái đất, cầu là hình tròn xoay. Quả địa cầu tức là trái đất đang xoay. Đạo Phật gọi là cõi Ta Bà, nhân dân nay quen gọi là cả thế giới. Nhơn loại đang ở trên một trái đất đang xoay, có gần hai trăm quốc gia sống chung trên cái trục xoay của trái đất.
Lẻ loi đương đầu: Lẻ loi là cá nhân, sống lẻ loi là sống cho riêng mình; đương đầu tức chịu đựng những điều khó khăn đến. Nhưng xét ra lẻ loi không thể chịu đựng được với các sự thiếu thốn cần thiết: cơm ăn, áo mặt, những khi bão tố đầy Trời, nên Đức Thầy xác định không thể lẻ loi đương đầu trong cuộc sống mà không nhờ đồng bào và nhơn loại.
Phong vũ nhiệt hàn: Tức là gió mưa nóng lạnh, nói cái cảnh khó chịu mà ta không thể đương đầu, phải cần có đồng bào nhân loại giúp đỡ ,như Đức Thầy dạy: “Ta nhờ hột cơm của họ mới sống, nhờ miếng vải của họ mới ấm thân, nhờ cửa nhà của họ mới tránh cơn phong vũ”.
Đồng Chủng: Đồng là đều, bằng, như nhau. Chủng là giống, giống đây là giống nòi. Đồng chủng là cùng một nòi giống Lạc Hồng. Đức Thầy nói:
Khắp Bắc Nam lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau”
Thâm huyền quảng hượt: Thâm huyền là nghĩa lý sâu mầu, bên trong của dòng nhận thức; quảng Huợt là sự rộng rải, bao la.( Hượt hay Huợt )tôi đã đọc qua ba quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo LÝ in khác đợt và tháng năm có hai chữ Hượt và Huợt không biết chữ nào là đúng chánh văn. Nhưng xét ở quan điểm hội đồng thì quyễn Sám Giảng Thi Văn in theo kết quả của đại hội toàn quốc do Ban Phổng Thông Giáo Lý Trung Ương họp năm 1965 đối chiếu văn bản gốc qua thủ bút của Đức Thầy hoặc khảo cứu giám định thì là Huợt chớ không phải Hượt như những quyển tam sao thất bổn.
Tầng lớp: Tầng là bậc, nấc; lớp là thứ tự, thứ lớp. Tầng lớp là sự phân định thứ tự trong xã hội, thí dụ Ông ấy thuộc tầng lớp trí thức, còn kia, họ là tầng lớp nông dân.
Đẳng cấp: Ý nói sự phân biệt cao thấp qua các tầng lớp trong xã hội  
Đàn na thí chủ: Đàn Na là tiếng được dùng từ Phạn ngữ, gọi đủ là “Đàn Na Ba La Mật”. Một trong Lục Độ Vạn Hạnh của hạng tu Bồ Tác Đạo, đàn na ba la mật ở vị thế dẫn đầu cho lục độ vạn hạnh, Việt ngữ gọi là bố thí. Ba La Mật tàu dịch là đáo bỉ ngạn, Việt ngữ bảo là qua bờ bên kia. Thí chủ là người phát thí, cấp cho. Đàn Na Thí Chủ là cụm từ dành để cho người tu hạnh xuất gia thọ ơn và đáp ơn.
Đáp Tạ: Đáp là đền trả; Tạ là bái nhận cái người ta cho (Hán Việt Từ Điển) Đáp tạ tức đền trả công ơn của người đàn na thí chủ bằng gắng sức tu hành và dìu dắt nhân sanh đồng tu đồng tiến đến giải thoát.
Chiếu Cố: tức sự quan tâm lo lắng, ở đây, sự quan tâm lo lắng của những thiện nam tín nữ đối với hạng tu xuất gia, bởi các vị là ruộng phước mà thiện tín muốn được trúng mùa.
TÓM LƯỢC ĐẠI Ý: Chỉ một câu mà mang hai mệnh đề có tính độc lập: Đồng Bào và Nhân Loại. Ở đây qua lời dạy của Đức Thầy thọ ơn và trả ơn. Đồng Bào là tiếng gọi chung công dân trong một quốc gia dân tộc muốn được sống tốt và tồn tại thì cuộc sống phải có sự nương qua nhờ lại với nhau, tạo nên một quốc gia hùng mạnh, dân tộc bất khuất kẻ thù là mỗi người, mỗi huynh đệ, mỗi công dân có đồng chung bổn phận, đồng chung sự nghiệp. Do đó, trong cộng đồng hễ có một cá nhân mà vướng nghèo đói, bệnh tật, ốm đau thì cộng đồng phải có trách nhiệm, bổn phận chia sẻ, tiếp cứu cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần.
Tiền nhân ta đã đi đúng hướng nói trên, nên đã gìn giữ được nghĩa đồng bào cho đến đời ta và sự chia sẻ vẫn nối tiếp. Vì lẽ đó mà Đức Thầy dùng từ chân xác để dạy “ Đồng bào ta và ta” tiếp tục một dòng chảy từ đời nầy sang đời khác, từ khúc quanh lịch sử cho đến khúc quanh lịch sử khác. Nếu lịch sử đi trên con đường thẳng thì sự ấm áp của nghĩa đồng bào đã đành, nhưng qua mấy độ thăng trầm của dòng chảy lịch sử không phải đường thẳng mà là những khúc quanh, còn xa mới thấy được tương lai mà tiền nhân ta cũng vẫn kiên trì thái độ liên quan mật thiết với cái nghĩa đồng bào ta và ta là một cộng đồng “không thể rời nhau, chẳng thể chia nhau, chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào hay có đồng bào mà không có ta”.
Bên cạnh của nghĩa đồng bào, ta còn có mối tình Nhơn Loại, tình nhơn loại là tình sống chung với chúng ta trên quả địa cầu. Đừng nghe đến quả địa cầu mà tưởng là người ở quá xa không thể giúp đỡ. Ví dụ nhà ta sản xuất nông sản, cho dù có giàu lúa gạo mà ăn xài no nê, nhưng những thứ khác có liên quan trong sự sống như vải bô để ta may quần áo mặc kín, chiếc xe ta đang chạy, thuốc men ta dùng và các loại máy móc đã làm ra cho ta sử dụng trong ngành nông nghiệp, đỡ hao hơi tổn sức là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của nhân loại trên các quốc gia.
Nên Ân đồng Bào nhân loại tuyệt đối phải bảo trì.
Kính thưa chư đồng đạo! Buổi học 5 nói về ÂN ĐỒNG BÀO VÀ NHƠN LOẠI đến đây kết thúc. Tôi đặt ra những câu hỏi để quý vị trả lời trong kỳ học tới trước khi qua học bài mới. Làm như vậy để trắc nghiệm sự học của chúng ta, học là phải thuộc. Nếu học ở phần chú giảng mà chưa thuộc thì sang đến câu hỏi như ôn thêm một lần học nữa bộ nhớ chắc sẽ phải ghi nhận.
Rất mong chúng ta là học trò tốt của Đức Thầy trong sự tu và học hành tốt về giáo lý của Ngài để kiểm tra tiến trình tu, hy vọng sẽ  thành người tu đúng cách.
-         Xin cho biết về ý nghĩa của Ân Đồng Bào?
-         Hiểu thế nào về sự chịu Ân Nhân Loại?
-         Trong Đồng Bào là đã có ta nhưng sao lại có câu “đồng bào ta và ta” thêm một phân biệt trong chỗ không phân biệt?
-         Giải thích ý nghĩa Chủng Tộc là thế nào?
-         Cho biết ý nghĩa của từ ngữ Nòi Giống?
-         Cho biết ý nghĩa của từ Lịch Sử?
-         Thế nào gọi là Bước Tiền Đồ?
-         Hãy giải thích về cụm từ Quả địa cầu?
-         Sao gọi là Ân Đàn Na Thí Chủ?
Hết giờ buổi học. Kỳ học tới chúng ta học bài “LUẬN VỀ TAM NGHIỆP”. Mong quý vị học thuộc bài, đọc không vấp và mối kỳ đi học đông đủ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
03/12/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét