Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

NGHI VẤN 2
BUỔI HỌC 6
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Nghi vấn tiếp theo:
Hỏi: Đức Thầy bảo “ con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên” và dẫn đến “ là một con đường đi trúng thì sống bước trật tất chết. Như vậy sống hay chết đều bị định luật thiên nhiên chi phối. Người học đạo rất sợ sự chi phối nhất là chi phối với ngoại cảnh, Thiên nhiên cũng là ngoại cảnh, thế có làm cách nào để không bị định luật thiên nhiên chi phối không?
Đáp: Câu nghi vấn trên tóm tắt có ba vấn đề quan yếu:
-         Có phải sống hay chết đều bị thiên nhiên chi phối không?
-         Người học đạo rất sợ các sự chi phối phải không? Nhất là sự chi phối bởi ngoại cảnh, Thiên nhiên cũng là ngoại cảnh; vậy ta chấp nhận hay phủ nhận?
-         Làm cách nào để không bị định luật thiên nhiên chi phối?
Sống hay chết đều do định luật thiên nhiên chi phối hoàn toàn đúng. Định luật thiên nhiên lúc nào cũng biểu hiện sự tự có của thời tiết: Nóng, lạnh, gió, mưa; biểu hiện Trời, Trăng, Sông, Núi. Thân ta cũng bị chi phối bởi sanh, già, bệnh, chết. Sự chi phối từ bản thân cộng với sự chi phối của thời tiết khắc nghiệt đã làm cho sự sống bị chao đảo khôn lường; thời gian đã làm ta già, thời tiết khắc nghiệt làm ta sanh bệnh và dẫn đến tử vong. Tất cả từ già đến bệnh, chết ta đều không muốn nhưng định luật thiên nhiên đã giải quyết cho ta đúng kỳ chết thì ta không có quyền không chết.
Ta không thể không chết nhưng ta có quyền lựa chọn chết đây để  sanh đâu sau khi chết, vào trong vòng xoay của trục luân hồi mà đầu thai kiếp khác ở ba nẽo ác: Địa ngục, Ngạ quỹ, Súc sanh hay ba đường thiện: Trời, Người, A Tu La hoặc giải quyết một lần chết đi là không trở lại cõi hồng trần chịu khổ mà về tuốt bên thế giới Tây Phương Cực Lạc, cõi Phật của Đức Phật A Di Đà. Nhưng để giải quyết một chuyến đi luôn hay trở lại vào ra trong sáu nẽo luân hồi là còn tùy thuộc do mình chọn lựa. Chọn đường nào là lúc mình còn sống khõe mới có hiệu quả chân xác; nếu khi còn sống khõe đi mãi trên con đường nào thì chừng chết cũng chết vào đường đó, một con đường mà Đức Thầy cảnh báo “ Đi trúng thì sống, bước trật tất chết”. Nếu ai đi với hành trang danh, lợi, tình, thích săn đuổi theo thất tình, lục dục, mạnh bước trên con đường đó sức ảnh hưởng với nó quá sâu, cho dầu có làm phước đức, không gây tội mà mê mang theo chúng thì chừng chết đi cũng trở lại cõi mê. Nếu mang theo hành trang chỉ toàn là Phật với pháp của Phật là “Đi trúng thì sống”. Một lần về cõi Tây Phương là sống mãi.
Tôi xin trích đọc một đoạn văn của Đức Thầy diễn tả cõi nước Tịnh Độ của Phật của Đức Phật A Di Đà, xin mời quý vị lắng nghe:
“ Thần thức nhập Thai Sen tinh hảo,
Nên khỏi màng lo nỗi Khổ Sanh.
Thân thì Thân Công Đức hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể Thanh Tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bịnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám bắt hồn,
Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử.”
Kính thưa chư quý đồng đạo! Nguyên đoạn văn diễn tả về cõi Cực Lạc có tám điều vui để đối với cõi Ta bà có tám điều khổ. Nhưng tôi chỉ đọc mới có bốn điều vui và ngưng trích ở câu “thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử”, như vậy cũng đủ tóm tắt rằng: Tu về Cực Lạc là thoát sự ràng buộc của luân hồi không còn đeo đẳng bởi sanh và tử mới chính thức “đi trúng là sống”.
Người học đạo rất sợ sự chi phối dù bất cứ sự chi phối nào. Chi phối nào cũng làm trì trệ bước đăng trình hay tắt nghẻn lưu thông của sự học Phật, hành Pháp. Huống chi định luật thiên nhiên chi phối ta rất mạnh, ta không thể nào an trụ sự khó chịu với nóng lạnh gió mưa, cũng không an trụ trong cảnh quang thiên nhiên với những màu sắc hữu tình. An trụ vào đó hay vào đâu đều làm tắt nghẻn đường về Phật Quốc hay lên Phật quả. Sông núi làm ta tríu mắt thì nó là nghiệp chướng của mắt trong lúc đăng trình, âm thanh làm ta rung động hay khó chịu nó là nghiệp chướng của tai nghe. Đừng tính là chấp nhận hay phủ nhận vì chấp nhận hay phủ nhận định luật thiên nhiên đều bị chi phối cả.
Làm cách nào để không bị định luật thiên nhiên chi phối mà dẫn đến một con đường đi trúng thì sống bước trật tất chết?
Đức Thầy nói rõ “ sanh ra ở đời con người dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên”. Về tuyệt đối, nếu đã sanh ra ở đời là không còn cách; bởi vì “dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu…” thì hết cách rồi còn gì? Nhưng về tương đối tôi nghĩ là có cách. Không phải Kinh Phật đã nói rằng người tu là đi ngược đường duyên với thế gian đó sao! Nếu thể hiện sự đi ngược đường duyên với thế gian hẳng nhiên sẽ không bị vì đã thoát ra ngoài định luật. Ta còn có thân Sanh Lão Bệnh Tử nhưng ta không bị sự chi phối về mặt tâm lý của tấm thân như những ngày nào soi gương thấy da mặt không mịnh màng, nám sạm thì tiếc, cứ thấy mình già đi thì tiếc, mua kem phấn vỗ về da, thân bệnh sợ thôi là sợ, tự biết con bệnh mình mang không thể sống được mà cũng tiếc sự sống còn cứ tuôn tiền ra, tiền của nhà hay tiền vay bạc hỏi. Đến lúc bất lực không thể ngồi dậy đứng đi được là báo hiệu “đèn tắt”mà cũng cứ ghiềng sống, bịnh rịn với nhà cửa, ruộng vườn, sự nghiệp, vợ con... tiếc, tiếc, tiếc ôm cái tiếc đó mà đi cho con quỹ xứ dẫn xuống diêm cung.
Nếu người tu học Phật Pháp quán thân bất  tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã và quán thọ thị khổ, dẫn đến “hành thâm Bát Nhã Ba la mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách”, bấy giờ thân đẹp xấu già yếu thây kệ, bệnh có thuốc thì uống hết hay không thây kệ nó, chết hay sống thây kệ nó; quán tâm vô thường để đừng chấp tâm, quán pháp vô ngã để đừng chấp ngã, không chấp tâm là vô tâm, không chấp ngã là vô ngã, vô tâm vô ngã với thân thể mình cho nó không sanh ra bảo thủ gìn giữ, lấy đâu có sự chi phối?
Chỗ tôi nói thây kệ nó là gát chuyện nó lại để tu cho thâm nhập Thiền Tông hay Tịnh Độ Tông, ở đây nói về Tịnh Độ Tông thôi, là niệm Lục Tự Di Đà, mặc kệ nó! Lo mà niệm Nam Mô A Di Đà Phật liên tục, để cho trên tầng cao, Phật chờ rước linh hồn thì sẽ rước được. Phật chờ rước mà mình không hành trì đúng theo thủ tục xuất cảnh Tây Phương là hết cách, Phật trở gót chỉ một mình về cõi của Ngài thôi.
26/12/2015






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét