Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC 6
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
Sau khi chú giảng xong bài “Luận Về Tam Nghiệp”, đồng đạo học viên đưa ra một số nghi vấn; không phải nghi vấn đơn thuần, vắn tắc mà những câu hỏi cộng thêm lý luận dài dòng. Tôi tóm lược ý chính:
Hỏi: Đức Thầy viết bài Luận Về Tam nghiệp với hướng dẫn trong ba nghiệp chướng sanh ra mười điều ác. Ngài dạy trừ ác để hiện thiện ngay trong phần giáo lý nầy. Nhưng ở đoạn khác thì Ngài lại viết “ Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp. Xin hỏi hai điều dẫn trên có trái chống nhau không?
Đáp: Nếu đọc suôn qua thì thấy hai đoạn dẫn chứng trên là có trái chống, nhưng qua nghiên cứu thì không. Bởi đây quá rõ ràng là hai phương pháp trừ ác tồn thiện. Phật Pháp là phương tiện pháp, chúng sanh đa bệnh còn nói về giác ngộ theo đường Phật thì cao thấp không đều, bảo sao không có nhiều cách tu để cung ứng lòng hâm mộ của bá gia thiện tín. Ai sanh ra đời có đạo hay không có đạo, Đạo Phật hay Đạo Thánh, Đạo Tiên đều phải bị ba chướng nghiệp hoành hành, nên Đức Thầy bảo“Dầu muốn hay dầu không cũng phải chịu dưới sự chi phối của định luật thiên nhiên” là thế.
Để ba nghiệp chướng không hoành hành nữa, Đức Thầy phải “ tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam” mà có nhiều cách giáo hóa chúng sanh, để họ tùy trình độ cơ cảm chọn lấy pháp môn nào phù hợp cho sự diệt ác hành thiện.
Đối với người có đạo, biết tu nhưng đạo đức và sự tu không nhiều, hằng ngày phải đối mặt không biết bao nhiêu là chuyện: mưu sinh, ăn mặc, ở, nặng nhẹ thế nào… Trong khi đối mặt với cuộc sống, ba nghiệp chướng sanh ra mười điều ác ta đâu cần để ý đến nó vì thế nó chạy luôn tuồng lên các việc làm chờ có cơ hội là nhập vào thân, nhập vào khẩu, nhập vào ý cho mình chồng đống những tội lỗi. Đức Phật đưa ra tên tuổi mặt mày của mười tên ác để bá gia thiện tín trong làm lụng mưu sinh luôn nhớ có ba nghiệp chướng theo, đừng cho chúng nhảy vào, 1 không tạo thuận lợi cho nó tác oai tác quái, 2, khi biết nó đã và đang phát sinh, bằng mọi cách phải chận đứng và liền theo đó loại bỏ nó ra khỏi hành động (thân nghiệp) ngôn ngữ (khẩu nghiệp) và tư tưởng (ý nghiệp), sẽ tránh đi cái nhân quả đời nầy và không làm ảnh hưởng kiếp lai sinh. Đời hiện tại không bị người khác hành động ác, không bị người khác nói ác và không bị người khác nghĩ ác về mình. Nhờ đó sống đời hạnh phúc, bình an ngay trên cõi Ta bà ô trược nầy.
Diệt thập ác bằng Niệm Phật. Theo Đức Thầy dạy “Niệm Phật là để trừ vọng niệm chúng sanh” đó là mục tiêu. Người chuyên trì Niệm Phật không để niệm ma lọt vào là hành đúng pháp. Đức Thầy giải thích qua cách niệm Phật “ vì trong tâm của chúng sanh niệm niệm mê lầm chẳng dứt”. Niệm niệm mê lầm tức là tiếp tục hết cái mê lầm thì đến mê lầm khác, mê lầm mê lầm mê lầm… Nếu trong tâm nối liền mê lầm như vậy thì đâu thể chỉ một câu niệm Phật làm xụp đổ hết các sự mê lầm đã và đang tiếp diễn, chỉ phải niệm Phật niệm Phật niệm Phật nối nhau không có khoảng cách cho niệm ác chen vào. Như vậy, chỉ niệm Phật là trừ được niệm ác. Nhưng hềm gì, chúng sanh tu niệm chưa thuần, niệm ác còn xen; niệm Phật suôn như vậy chưa đủ nên Đức Thầy dạy “ Cần phải tu thập thiện thì sự niệm Phật mới có hiệu quả”.
Niệm Phật Bản Lai. Phật bản lai là Phật của chính mình. Kính thưa chư đồng đạo cách niệm Phật trước là dựa vào Đức Phật ngoài mình, Đức Phật cõi Tây Phương để trừ niệm ác nghiệp vọng niệm. Phương pháp thứ ba nầy tuyệt diệu. Đức Phật dạy rằng “Nhất thiết chúng sanh giai hửu Phật Tánh” trong mỗi chúng sanh đều có tánh Phật như Đức Phật có và thành Phật như Đức Phật thành.
Giả sử hỏi: Đã có Phật trong chính mình sao còn “ chờ thành” nữa?
Cũng như lúc còn là thái tử Sĩ Đạt Ta, trốn lên Tuyết Sơn tu hành, Phật có trong tâm mà chưa dùng được để bị lăn lóc với những cơn khổ hạnh như muốn chết đi, có Phật Tánh đồng thời còn có vô minh che lấp khiến Phật Tánh không hiện diện, nhờ công năng tu tập phát sinh trí huệ vẹt phá được vô minh thì Phật trong chính mình tỏ rõ ngời sáng.
Vô minh tuy không thật thể nhưng nó che chắn, nếu không phá được nó, cho dù tu đến bao lâu ngày bao nhiêu kiếp mà không vẹt sự che chắn của rừng vô minh là chưa vào Phật quả. Còn trong màn vô minh mà ít tu thì lòng sẽ không mấy tỉnh táo trước những thứ cám dỗ thấp hèn, dễ đọa lạc vào đường tội lỗi, gây thành nghiệp ác.
Như mặt Trời bị áng mây che; mây cũng không thực thể nhưng nếu không có gió đẩy đi mây sẽ ở mãi ngự trị sự che chắn mặt Trời thì ánh sáng mặt Trời không thể phát quang được, sẽ đổi màn, chỗ sáng sẽ trở thành bống tối. Nếu người tu áp dụng pháp môn Niệm Phật, tu tâm không cho có kẻ hở thì ba nghiệp chướng sanh mười điều ác không còn chỗ để phát sanh. Gió đẩy thì mây bay mất, mặt Trời hiện sáng. Niệm Phật trì tâm không có kẻ hở ví là gió liên tục mây vô minh không có sức bám trụ cho ba nghiệp chướng hoành hành. Nên Đức Thầy dạy “ Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp” là thế.
Bàn xét như trên ta thấy rằng sự giải trừ ba nghiệp chướng để chúng không sanh mười điều ác, tóm lại có hai cách:
Dùng Pháp trị
Dùng Phật trị.
Thế nào là Pháp trị? Dùng pháp lành trị pháp dữ, ví dụ: Đem cái thiện phóng sanh để trị cái ác sát sanh, dùng thiện bố thí để trị cái ác trộm cướp, dùng chánh tâm để trị tà dâm. Để lòng thương yêu hòa khí với mọi người đặng trị cái bệnh lưỡng thiệt, (đi tới đâu mà đem sự mất lòng cho nhau giữa họ là do mình khởi đầu câu chuyện với những từ mà quê ta thường dùng “Đâm bì thóc, thọc bị gạo” rốt cuộc bì nào cũng bị lưỡng thiệt đâm thọc nên họ mới bất hòa càng lúc càng nặng). Dùng lời nhỏ nhẹ trong bàn luận, thuyết phục, hay sai bảo để trị cái bệnh Ỷ Ngôn, dùng cam ngôn mỹ từ để trị cái bệnh Ác Khẩu .vv…
Thế nào gọi là dùng Phật trị?
Nhiếp tâm Niệm Phật đủ để trừ tiêu các chướng nghiệp nhiều đời không cần phải qua pháp trị.
21/12/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét