Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

MỘT CÂU CHUYỆN THƯƠNG TÂM

Nghe tin có một bà nhà giàu bất hạnh ở chợ Rạch Sỏi, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang, bị chồng và con đối xử như một tội tù. Hiện giờ trong sự sống ăn, mặc, ở của bà thì tạm đủ, nhưng bà bị khổ vì mất tự do.
Tôi xin kể chút chuyện ấy ra đúng như những vì tôi nghe người sống gần đó kể lại để đánh thức lương tâm những người đàn ông có quyền làm chồng, những người con nói thương mẹ qua đầu môi chót lưỡi mà nhốt mẹ mình, đồng thời qua thông tin để bà con đồng đạo chia sẻ nổi đau khôn nguôi với người nữ đồng đạo bất hạnh nầy.
                                        Mừng lễ Vu Lan xin tặng mẹ một chùm bông hồng

Bà già bất hạnh ấy (xin miễn nói tên) nay tròm trèm tám mươi tuổi, trí nhớ rất tốt, nói chuyện sinh hoạt các cái bình thường. Người ta biết sự nghiệp giàu sang của gia đình họ phần lớn là do bàn tay khối óc của bà tạo nên lúc còn trẻ, về già bà không màng của cải, phát tâm tu niệm, tài sản giao hết cho chồng và con quản lý, tự xử. Buông  tài sản thì chồng con bà rất thích nhưng chuyện bà tu hành thì cả nhà không hài lòng bởi lúc nào bà cũng muốn trong nhà mở hầu bao bố thí gây khó chịu cho những người lúc nào cũng coi trọng đồng tiền. Do vậy đời tu của bà rất đơn độc. Đi đâu làm quen bạn đạo, đến nhà ai người ta mến mộ đãi đằng còn mình thì không được phép mời bạn đạo về nhà đãi một bửa cơm chay.
Chồng con cấp mỗi tháng cho bà một ít tiền xài vặt nhưng tình thương của bà rộng bao la đối với những người nghèo khổ, bà nhịn xài vặt mỗi tháng để giúp họ. Sự tốt bụng ấy bà được nhiều đồng đạo ngưỡng mộ hạnh cách.
Khoảng đầu năm nay, 2015 bà chợt phải bệnh nặng. Một người có từ tâm như bà thì danh dự đáng lẽ phải được thông tin rộng cho đồng đạo hay đặng có thể chia sẻ, giúp được điều vì làm khích lệ tinh thần chống chỏi với con bệnh hoành hành. Gia đình chỡ bà ra Sài Gòn nhập viện một cách im lìm và không biết bà bị áp lực cỡ nào mà hơn hai mươi năm tu chay trường, lòng cứng cỏi lại bỏ dùng chay qua mặn. Nghe tin bà bị như thế, đồng đạo quen thân không ai tin tưởng với trình độ tu tập của bà mà tự động xù tu như thế. Thêm nữa, cũng từ đây bà bị cấm dùng điện thoại còn gia đình thì ứng sử lạ lùng, ngoại trừ mấy người thân nhân trong gia đình, không chấp nhận bất cứ một bạn đạo nào của bà đến thăm. Sau khi xuất viện về, sức khõe bình phục, đi đứng vững vàng nhưng bà không được phép ra khỏi nhà bởi quyền chồng bố trí hai tên lính gác, có khách đến kêu bên ngoài bà cũng không được mở cửa mời khách. Hai lính gác ngục không phải ai xa lạ chính là con gái, con trai do bà đẻ ra. Sao người ta nỡ lòng nào canh giữ đối sử với mẹ đẻ của mình như canh một tội phạm hình sự, sợ trốn thoát.
Không ngờ một người mẹ tốt, một tấm gương tốt đáng được xã hội, cộng đồng quan tâm trân quí lại rơi vào hoàn cảnh gặp con bất hiếu, chồng bất lương, vong ân bội nghĩa…
Nghe tin bà xuất viện, sức khõe bình phục, ổn định, mà lâu ngày phía đồng đạo chẳng thấy bà đi đâu khiến có người nghi nan không biết bà còn sống hay đã chết mà bặc dấu. Khó nhịn được, một nữ đồng đạo quen thân với bà, ngưỡng mộ bà như mẹ, gia thế của chị ta so hơn gia thế của người chồng vô ơn, người con bất hiếu của bà già bị giam và chị ta cũng thuộc dạng chịu ăn nói xét không có cửa để cho con của nạn nhân ăn nói sổ sàng. Ấy vậy, cũng ngại đụng mặt với người đàn ông vô ơn bội nghĩa với vợ nói trên, chị ta chờ ông ấy đến cơ sở kinh doanh thì chị lại kêu cửa, hai lính canh không can được sự quyết tâm của chị.
Chị vào gặp một bà già bị giam trong phòng, phạm nhân ôm chị mà khóc. Chị cũng quẹt nước mắt nhưng an tâm vì nhìn phạm nhân mạnh khõe. Biết chỗ nầy không nên ở lâu, nếu bất thình lình Ông ấy về, nói nghe câu ngang tai, sổ sàng mà nhịn không được thì đổ nợ. Thăm hỏi nhanh gọn, chừng chị cáo về bà già bị tù cũng quyến luyến ôm chặc lấy khách không muốn cho về, khách chịu không nổi tình thương dậy trong lòng quẹt thêm một lần nước mắt.
Chúng ta đang sống qua thế kỷ hăm mốt văn minh cực thịnh sao lại có một nhà giàu mà sống xưa như trở lại mấy trăm năm?
Sống tu hạnh tại gia cư sĩ, bề bộn về gia đình, xã hội mà tu không được nhiều, rất cần có bạn đạo tới lui hỗ trợ chánh tâm, tìm lại lộ đồ Tây Phương nếu như bị bị đứt mất giữa chừng. Giá rằng đồng đạo hay bà bị bệnh không hiền, lúc đưa đi nhập viện Sài Gòn mà có đồng đạo cùng đưa đi hoặc sau đến thăm, nhắc nhở sự tu thì bà đâu có bị rơi vào hoàn cảnh, áp lực bỏ  ăn chay mấy mười năm để dùng mặn.
Giờ chuyện đó qua rồi, lo là sắp tới, người con ác và chồng hung, họ đã dám gây áp lực cho bà bỏ tu chay qua tu mặn thì cũng sẽ dám làm cản trở con đường vãng sanh Tịnh Độ của bà ngay khi “mãn kiếp hồng trần”.
                                 Nhân dịp lễ Vu Lan, Kính tặng bông hồng
                                cho những người mẹ kém may mắn
Dựa vào rằm tháng bảy Vu Lan, lễ nói về mẹ đã có từ Đức Phật Thích Ca còn tại thế cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm qua câu chuyện báo hiếu của Ngài Mục Kiền Liên đối với mẹ là Bà Thanh Đề. Chuyện ghi rằng, Bà Thanh Đề lúc còn sống làm điều bất lành, chết bị đọa vào A Tỳ địa ngục, mang thân ngạ quỷ chịu nhiều đau đớn mà lại đói khát. Bà có người con tên Mục Kiền Liên là đệ tử của Phật tu chứng đắc Lục Thông, dùng thiên nhản thấy mẹ dưới địa ngục mang kiếp Ngạ Quỷ đói ăn, khát uống. Mục Liên mang đưa cho mẹ một bát cơm, bà vừa đở lấy bát cơm thì bát cơm bổng hóa lửa cháy rực. Mục Liên thấy mẹ tội chướng nặng nề tự mình không cứu được, liền đến bạch Phật dạy cách cứu. Phật dạy Ông đi cầu thỉnh các chư tăng trong ngày tự tứ làm lễ siêu độ cho mẹ. Ông Y theo lời Phật dạy thực hiện hiếu sự. May thay, qua cầu siêu của chư tăng, mẹ Ông thoát kiếp ngạ quỷ liền sanh lên thiên giới.
Do câu chuyện đó mà sau nầy, những quốc gia có ảnh hưởng đạo Phật, các Phật Tử chọn ngày rằm tháng bảy lễ Vu Lan làm hiếu sự cho Ông Bà Cha Mẹ đã quá cố và cha mẹ tại đường, chết thì đặt lễ cầu siêu, sống thì cung phụng cầu tăng long phước thọ. Các vị lãnh đạo quốc gia thời trước cũng dựa vào câu chuyện Mục Liên cứu mẹ, xá tội vong nhân xét mà tha tù trước thời hạn.
Đối với bà già bất hạnh nói trên, cho dù bà chưa chết nhưng nếu bị chồng con giam giữ suốt trong nhà thì sanh mạng e rằng sẽ bị kết thúc sớm. Nếu như chồng con của bà tiếc tiền, sợ hao tốn, sống ích kỷ với những người nghèo khổ mà bà ra tay cứu giúp họ thì thôi đừng cho tiền bà nữa, để bà đi đứng tự do cũng đâu có tiền mà giúp không hay hơn sao, đói khát bà ăn nhờ nhà người ta cũng được cớ sao đem nhốt người mẹ đẻ của mình như người ta nhốt con chim trong lồng.
Chúng ta là đồng đạo với nhau nên chia sẻ chút tình thương với người bất hạnh. Chồng và con của bà, đã bà đang dùng chay họ còn ép cho ăn mặn thì thôi đối với chuyện cầu nguyện cho bà là kể như bà không có con đâu ra làm hiếu sự. Chúng ta cầu nguyện Phật từ bi mở trói cho bà. Vùng Rạch Giá, Rạch Sỏi ai biết tên họ của Bà thì cầu chính danh, không thì đặt tên bà ấy là “Bà Rạch Sỏi”. Ăn thua mình thành tâm cầu nguyện, Đức Phật cũng sẽ biết ta cầu nguyện cho ai mà đến độ.
Qua hai chuyện một của đại hiếu Mục Kiền Liên một nữa là chồng và con của bà già bất hạnh nói trên. Hỡi những người ở vai vế chồng và con hãy theo gương đại đệ tử Phật, đừng theo nết xấu của những đứa con sợ mẹ đi chơi thân với tình đồng đạo, hao tiền làm từ thiện mà nở đi giam lỏng mẹ mình.
Người rời xa danh vọng bạc tiền quyết tu làm lợi ích cho đời là thuộc hạng thượng nhân, người thường không thể làm được. Mình không tu, không khuyên được người khác tu thì thôi nở nào đi hại người tu hoàn tục, việc làm trái đạo lý và rất tội ác.

30/8/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét