Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

NÊN VÌ PHẬT GIÁO HÒA HẢO

Xin chào chư huynh đệ! Rất hân hạnh được gặp quý vị trong bầu không khí vui tươi cởi mở. Quý vị hỏi tôi: Nên làm gì cho Phật Giáo Hòa Hảo? Xin thưa rằng: Nên vì PGHH mà làm tốt mình và tốt các công việc có ích lợi cho nhân sanh. Tốt mình là chính ở bản thân tín đồ cái gọi là “trau thân phận” để từ điểm làm tốt thân phận mà làm tốt công việc giúp đời, độ người.
Tín đồ của tôn giáo nào thì phải vì lợi ích của tôn giáo mà làm những vì tôn giáo cần làm. Lợi ích thiết thực của PGHH là cứu độ chúng sanh đi từ hiện tại đến tương lai. Hiện tại là chia sẻ những đói đau bất hạnh và nhủ khuyên gieo nhân lành để hưởng lấy quả ngọt, còn tương lai phải nhắm tới mục tiêu “sanh Lạc Quốc” khi đã “ Mãn Kiếp Hồng Trần” lần thân nầy là chấm dứt không chịu thêm thân sanh tử nào nữa. Người ta mộng mơ có kiếp sống dài, nhưng sống cho vui và khõe không phải chịu hình phạt của lưới Trời thì tạm được, chứ kéo dài cái thân tứ đại lúc nào cũng bị Lão, Bệnh, hành phạt suốt đến Tử, xét chẳng hay ho gì mà cầu cạnh. Nên còn sống đây là sống tạm, hãy tập trung các sức sống lại cầu Phật, Niệm Phật là hơn hết. Đừng để tản mát sức cầu Phật qua cầu thứ khác và Niệm Phật qua niệm những vì khác.
Theo đề tài đã nêu, tôi xin đưa ra bốn điều quan trọng có tính bảo trì Vì Phật Giáo Hòa Hảo, như sau:
1.     Vì PGHH mà làm tốt các công tác từ thiện
2.     Vì PGHH mà làm tốt các công tác truyền bá
3.     Vì PGHH mà làm tốt bản thân
4.     Vì PGHH mà mỗi tín đồ là mỗi hành giả.
1, Vì PGHH mà làm tốt các Công tác từ thiện. Công tác từ thiện là một trong những mặt nổi của tôn giáo. Từ tôn giáo ra làm từ thiện sẽ tốt hơn người làm từ thiện mà không có gốc tôn giáo nào. Từ thiện cá nhân không bị ràng buộc bởi luật đạo nên dễ hay sơ suất. Người trong tôn giáo ra làm từ thiện kết quả ít hay nhiều là do bên trong của vấn đề. Sử dụng từ thiện với tiêu điểm cá nhân, danh vọng, lợi lộc hay vì tiếng lòng của tình thương ban bố đức ân là hai lĩnh vực dẫn đến kết quả khác nhau. Đi phát chẩn tỏ ra cái bộ dạng thương người mà chỉ thương người nào thương mình thôi thì chưa được, ai không trật tự hay không làm vừa lòng mình bổng phát sinh gây gổ buồn phiền là không hoàn toàn vì PGHH. Thương mến, chìu chuộng ân cần đến ta thì ta vui mà phát thí còn khen họ tốt hạnh tốt nết nữa. Ở đây người đói tối tăm mày mặt mà không cứu giúp để đem cho xa lấy tiếng là vì cái danh vọng hảo huyền chứ không vì PGHH đâu.
Hoa đẹp thơm tho, trước tiên đẹp và thơm tại chỗ, lan gần rồi mới lan xa, gần không lan mà chỉ “nhảy” xa thôi là không hợp lý.
2, Vì PGHH mà làm tốt các công tác truyền bá. Giáo lý của đạo gồm có Sám Giảng và Thi Văn do chính tay Đức Thầy viết, ngành truyền bá đa dạng mới đủ cung ứng các yêu cầu: In ấn hay đọc chính văn cho người ta xem nghe, hoặc giả học hỏi nghiên cứu qua chánh văn mà phát sáng lòng thì nên đem sự hiểu biết của mình học được giảng thuyết cho người khác nghe, hoặc viết ra sách vở in ấn tán phát để người ta đọc học. Đức Thầy dạy rằng:
“Khi các B. T. S. cử xong phải khẩn cấp lập thêm 3 ban:
1. Ban nghiên cứu Đạo Phật.
2. Ban huấn luyện và truyền bá đạo Phật.
3. Ban chẩn tế, lo tìm phương giúp đỡ kẻ khốn cùng”.
Ý chỉ của sự truyền bá vì PGHH Đức Thầy dùng từ “khẩn cấp”để gieo vào lòng người tín đồ biết rằng: Truyền bá giáo lý là không hẹn mà phải hành động ngay tức khắc. Đang dùng cơm nghe báo tin khẩn cấp cũng phải bỏ bửa mà chạy. Nhưng đó chỉ mới là lý thuyết, quan trọng là đem thực hành. Nếu vì PGHH mà làm công tác truyền bá chánh Pháp thì trải tâm bình đẳng trước quen và lạ, giàu và nghèo, thương và chưa thương. Người ta vì muốn nghe học đạo pháp không ngại đến với mình thì mình cũng phải vì đạo pháp đặng đối đải, đừng moi móc trong họ ra cái vì khác hơn là phải thi hành “khẩn cấp” công việc truyền bá đạo pháp cho họ nghe.
Giá như có người đến với mình nghe học mà không phải vì đạo pháp, chỉ vì danh vọng hay một chút cảm tình nào đó thì mình cũng nên trải cái tâm bình đẳng để huấn luyện họ. Chịu khó theo đuổi, uốn sửa cây cong thành ngay. Người dù quá khứ có nhiều hư hèn, nhưng họ đã phát hướng tâm tu thì ta cố mà sửa tiếp cho họ sớm thành lương thiện, đúng đắn. Ngược lại, không trải tâm bình đẳng khi làm công tác truyền bá, danh, lợi, tình chất chồng thì truyền bá không kết quả lắm đâu. Đức Thầy kêu gọi mọi người trong đạo nên thận trọng: “Cảnh báo cho mọi người biết, kẻ háo danh tham lợi là kẻ làm cho hoen ố nền đạo”.
3, Vì PGHH mà làm tốt bản thân. Mục nầy có tính bao gồm. Người tín đồ nào muốn làm tốt công tác từ thiện, làm tốt công tác truyền bá là phải trước hơn hết, làm tốt bản thân mình cái đả. Tốt bản thân thì nhẹ tiếng thị phi, đường rộng thênh thang dễ đến mục tiêu. Không chịu làm tốt bản thân có hai điều bất lợi:
A, Bản thân mình còn làm quấy thì khó có thể sửa giùm cái quấy của người khác, nhất là những người ta đến để cải sửa họ.
B, Có những người không thể dùng lời khuyên họ mà phải dùng đức hạnh để độ họ.
Không làm tốt bản thân không phải là hành giả, có hạnh đức đâu mà đem ra cảm hóa, không cảm hóa, những tồi tệ của mình sẽ làm cửa thiền môn hẹp lại và vắng khách. Một số người trên đời thích những ai giỏi lập luận và sâu sắc tình cảm, để đó kẻ quấy có cơ hội che lấp thân phận và những việc làm không tốt, che lấp được thì giả tạo hào quang cho mình cũng được, nhưng sự che lấp hay giả tạo hào quang chỉ một lúc nào thôi, sớm muộn cũng bị phát hiện.
4, Vì PGHH mà mỗi tín đồ phải là mỗi hành giả.
Tín đồ thuộc dạng giữ đạo tạm thời chúng ta không đem ra bàn, nhưng tín đồ thuộc dạng chức sắc trong ban trị sự nhất là cán bộ ngành truyền bá giáo lý, dạy khuyên người ta hành mà mình chỉ nói chứ không hành là không được. Mình phải là hành giả của “Pháp Môn Niệm Phật” thì mới đủ tư cách để thuyết về Pháp Môn Niệm Phật cho người ta nghe. Thuyết đề tài “Nhẩn Nhục” để trừ bệnh sân nộ cho người khác nhưng ta chỉ bị đụng một chút xíu cái danh thôi thì đã nổi sân lên rồi, lửa cháy nóng đỏ mặt.
Cách nay lâu lắm tôi có đọc câu chuyện, không nhớ ở đâu, sách nào nhưng tôi biết chuyện ấy xuất phát từ PGHH:
Một ông cha mẩu mực trong gia đình đông con, cấm cả nhà không ai nói dối. Cả nhà đều tuân thủ, bổng một hôm người cầm cân nẩy mực nầy lại vướng phải cái điều mình cấm kỵ. Ông thiếu nợ, hẹn nay nữa là lần thứ hai, tới kỳ mà chạy tiền không được buộc phải dùng hạ sách. Nhà Ông cất cách xa đường, thấy chủ nợ vừa vào ngỏ, Ông kêu đứa con nhỏ, nó lại là đứa dễ dại nhất trong nhà, nói rằng: Cô năm có hỏi Cha thì nói Cha đi vắng. Nói xong Ông phóng nhanh vào kẹt bồ lúa, ngảnh đầu lại thấy thằng con còn đứng đó Ông hối:
- Đi mau lên!
Thằng nhỏ đáp:
- Cha dạy con không được nói dối.
- Cha xin lỗi vì quá bị kẹt. Đây là giải pháp nhất thời thôi con à.
- Nếu mai sau con bị rơi vào hoàn cảnh như cha, con có được áp dụng giải pháp nhất thời nầy không?
- Chuyện đó Cha sẽ giải thích với con sau.
Ôi! Giữ rất lâu trong mình một tấm vải trắng mà phút chóc để dính vào một đớm mực đen còn hứa là sẽ giải thích với con sao? Giải thích hả! có thể lấy hết đớm đen trong vuông vải trắng được không???
Chúng ta học nhiều điều về Phật Pháp nhưng không có học tu mà học chỉ để nói cho người ta tu. Đây không là điều PGHH muốn mà còn bị quở trách nữa là khác:
“ Nhiều người kinh sử lảo thông
Mà không sửa sửa tánh bởi lòng còn mê”
Hoặc:
“Thiên cơ số mạng biết tri
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi”
Lý thuyết phải qua sự kiểm nghiệm kiểm chứng của người đưa ra lý thuyết thì mới đủ là một học thuyết hay dẫn đến không ngại thực hành để vào thực chứng, nếu không, bản thân của người lý thuyết về Pháp Môn Niệm Phật sẽ chịu thiệt thòi từ hiện tại dẫn đến cái giây phút “Mãn kiếp hồng trần” mà không có cửa “sanh lạc quốc” hay nhập “Niết Bàn Diệu Tâm” thì nguy to cho một tín đồ bỏ công đi học đạo, rốt chẳng được vì.

11/8/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét