QUA GIAI ĐOẠN MỚI. TU
Anh hai Quang đi khám bệnh về mặt
mày ủ rủ, bỏ ăn, một chút xíu cười cũng không có. Mấy hôm sau chẳng biết ngộ
được điều gì mà lộ nét vui trong khi cả nhà anh đều buồn. Bà con lối xóm đến
thăm thấy anh vui tưởng là bệnh sơ sài cũng mừng theo. Thân nhân trong nhà buồn
vì Bác Sĩ trong bệnh viện báo anh bị tiểu đường lâu, đến thời kỳ cuối. Anh biết
mình sống không lâu nữa là kết thúc một kiếp người, nhưng không lo sợ, cho
chuyện nầy là chuyện nhỏ, chết thì chết, nhằm nhò gì.
Anh hai Quang mừng vì đời mình bước
qua một giai đoạn mới. Theo sự giải thích của anh, mỗi người sống qua ba gia
đoạn:
Giai đoạn thứ nhất là sanh và sống.
giai đoạn thứ hai là già và bệnh.
giai đoạn thứ ba là trả tấm thân
bất tịnh nầy cho tứ đại.
Anh biết mình đang ở vào cuối giai
đoạn hai, còn không lâu nữa là qua giai đoạn thứ ba, giả biệt cõi đời: lo là
đổi được cái thân không còn sanh tử chứ chết sống là không cần.
Có đọc học qua giáo lý Phật Giáo
Hòa Hảo, Đức Thầy chỉ cho cách tu “ thoát luân chuyển”bằng vào “Pháp Môn Niệm Phật” để được “mãn kiếp hồng trần sanh Lạc
Quốc, Hưởng công Niệm Phật rất an lành”. Anh vui vì cơ hội đã đến, không còn
cảm thấy ái nái khi bỏ hết tất cả để đặt vấn đề Tu làm trọng.
Dưới cõi trần gian nầy, nói đến tử
biệt thì là phần nhiều người ta không muốn điều đó xảy ra. Cả đến Ông Bà già
chín mươi tuổi, đi đứng lựng chựng cũng còn muốn sống, rất sợ chết. Một khi có
dấu hiệu của tử thần ve vản thì sợ đến ăn không vô, uống không trôi, ngủ không
yên và đây cũng là động cơ giúp cho tử thần sớm kết thúc sự sống mình. Anh
Quang đã chẳng những không sợ mà còn có vẻ vui lạ nữa là sao? Hôm được bà con
đồng đạo đến thăm, anh gượng sức tâm sự:
Hơn sáu mươi năm làm người, gần bốn
mươi năm lo cửa nhà con vợ. Lúc còn trẻ lập hôn sự chưa đầy một năm là đòi cha
mẹ cho cất nhà ở riêng. Theo ý thức hệ của Ông Cha với tín ngưỡng Phật Giáo Hòa
Hảo cất nhà lên là có thượng Ngôi Tam Bảo thờ Phật, Pháp, Tăng. Đức Thầy dạy
tín đồ phải cúng lạy mỗi ngày hai thời, thời sáng và thời chiều tối:
“Sớm chiều bình đẳng chớ lơi
Thường hành như vậy nhớ lời đừng
sai”
Nhưng suốt hai mươi lăm năm đầu tôi
làm “đạo cặm”, có lúc cầm nhang xá xá cặm xuống, có khi không xá, đốt cháy
hương chưa hết lửa là cắm thí lên cho mặc tình lửa cháy, hoặc vụt tắt lửa rồi
cắm. 5 năm qua cúng lạy đàng hoàn, từ đó giác ngộ, muốn có thời gian tỉnh tâm
tu niệm nhiều mà nhìn vào hoàn cảnh gia đình thấy chưa có sự cho phép của lương
tâm dù gia đình kinh tế rất vững. Cứ bảo rằng nhà nầy mình hơn tất cả, mình tạo
ra thì phải lo bảo quản. Có ai trong vợ con làm trái ý thì mắng hết cả nhà: Nhà
nầy mà không có tao tụi bây chết đói. Sự thật thì vợ và những đứa con trai con
gái lớn của tôi họ làm kinh tế rất giỏi nhưng tôi lấy quyền chồng, quyền cha mà
giành hưởng hết cái danh dự, họ khuyên tôi nghỉ hưu và không chỉ nghỉ hưu việc
làm mà còn nên nghỉ hưu qua các sự tính toán. Chúng sống đời văn minh, khoa
học, sự phát triển tài năng không ngừng, chúng đi Hon Da, mình dắt chiếc xe đạp
cọc cạch của ba bốn mươi năm về trước mà đòi dẫn đầu đứa chạy Hon Da thì chỉ
còn là vật cản đường.
Mấy năm gần đây già nhanh còn thêm
bệnh ngặt, con khuyên tôi thôi làm kinh tế, an dưỡng tuổi già. Đã không làm rồi
mà cái tâm không chịu buông. May nhờ đi khám Tây Y, Bác Sĩ báo bệnh làm tôi
giác ngộ sâu hơn, mới chịu buông bỏ, chuẩn bị bước sang giai đoạn thứ ba, hành
đạo vững vàng trước khi tử đến.
Bà con đồng đạo mình nè! Đến thăm
tui thì tui mừng lắm. Cám ơn tình cảm mà quý vị dành cho tui, nhưng nếu trong
quý vị đây, ai đã già mà chưa chịu “buông gánh” cho con cháu nó quản lý gia thế
thì hãy buông đi. Buông cả hai phần sự và lý: Sự là không ham lao động để kiếm
thêm tiền, bảo thủ của cải, lý: đã không làm là không luôn cả việc chăm nom sự
nghiệp vật chất, điều khiển con cháu làm theo những vì mình muốn. Thật là dại
dột nếu như mình lo cho ai khác mà không tự lo cho bản thân. Đừng nói lo làm
giàu là lo cho bản thân nhá. Thân không tự chủ được việc sống chết. Lo cho bản
thân đích thực không phải lo làm giàu mà lo khi thân nầy mất đi ta có tấm Liên
Hoa Thân hay trở lại cái thân tứ đại trong một kiếp khác để tiếp tục chịu khổ
của Sanh, Già, Bệnh, Chết.
Đừng chờ như tôi, có bệnh không thể
cứu nổi mới chịu quy đầu Phật Pháp. Người chờ có bệnh sắp chết mới tu việc tu
khó khăn hơn nhiều so với người tu không bệnh. Một là sức khõe không đủ để tu
tập thiện hạnh như đọc kinh, tịnh tọa chẳng hạng, hai là sự đau nhức quá đổi
vượt mức kiên trì mà câu niệm Phật hay thiền định cho an lặng cái tâm, chơn như
tự tánh, dễ bị cắt đứt.
Biết rằng xác thân tứ đại thì phải
theo định luật của vô thường. Trong định luật có sắp sẵn ngày giờ vô thường
đến, không kể là tuổi trẻ hay chừng già bệnh thì vô thường mới lại kêu đi. Có
khi sơ sinh thì đã chết, có những trai tơ gái lứa vừa chặp chửng bước vào đời,
không bệnh tý nào mà chừng chết thì cũng chết ngọt sớt. Nhưng nói cho chí lý,
tuổi già thấy cái chết kế một bên, còn không chịu tu nữa là sao.
Già như chiếc áo cũ lâu thì phải
rách, vãi áo đã mục rệu, rách là bỏ chứ không vá lành được. Tấm thân mục rệu
đừng mong vá lành nó mà phải làm cách
nào để khi bỏ nó là có liền áo mới giá trị hơn, giả thân chết đi thì có lại cái
thân Kim Cang Bất Hoại, Liên Hoa Thân. Tiếc gì cái thân mượn của người ta, tới
hẹn là phải trả đâu cho xong đó chứ kèo nài chi cho mình mắc nợ hoài ?
7/8/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét