Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

ĐỪNG NÊN BÀN CHUYỆN XA VỜI

Nhớ hôm tôi đi đám giỗ trong xóm, nhà đám thuộc dạng có uy tín mời khách khá đông. Trong lúc còn chờ đợi lễ cúng, nhiều đề tài đưa lên nhưng trong số có hai đề tài đặc biệt tiêu biểu nói lên sự khó khăn mà người cư sĩ tại gia học phật tu nhân phải đối mặt bao quanh sự sống bảo vệ áo cơm. Một đồng đạo đưa ra những lời than phiền vì nghề nông bây giờ giết hại quá nhiều sinh vật, anh ta nói: thế nầy mà theo Kinh Kim Cang bảo “Chém một dao đền một dao, giết một mạng đền một mạng” thì mấy anh em cư sĩ sống nhờ vào nghề nông kể nguy đi, cầm cần quơ hết bình xịt mười sáu lít nước thuốc trừ sâu mò trên ruộng của mình, chết biết là ngàn muôn sanh linh nào mà mình chỉ có một thân trả đủ đâu cho vụ giết “một mạng đền một mạng”.
Hết đề tài xịt thuốc trừ sâu mò trên ruộng rẩy đến chú kia bảo rằng trồng tre ăn măng, cây măng đang lên tre tươi tốt mà mình chặt ngang nhờ quý huynh đệ cho biết ý kiến, chặc ăn măng tre như vậy là có tội hay không tội trong khi Kinh Sách nhà Phật nói “Sa Di bất trảm thảo”. Sa Di là vị tu mới nhập môn, tu giữ giới chưa cao mà còn không được sát hại một cọng cỏ, so ra sanh mạng cây cỏ hoang với với sanh mạng cây măng tre thì măng tre lớn hơn, đời nhiều chỗ dụng. Sát hại thứ lớn như vậy tôi rất sợ tội mà việc nầy nhàn nhả dễ kiếm tiền, nếu bỏ nó qua nghề khác hoặc nghề trồng trọt khác chưa chắc được sống nhàn mà tội phước còn chưa biết. yêu cầu quý huynh đệ tiếp cứu, chỉ cho một giải pháp hay để được an tâm không lo sợ.
Hai đề tài bàn luận kéo dài và liên tục sôi nổi mà không tìm ra đáp số chắc chắn. qua một lúc tự động phát biểu ồn ào thấy chưa ngả ngũ, bây giờ tới lược yêu cầu, có đồng đạo chỉ ngay tôi xin cho ý kiến, tôi nhận lời liền đi thẳng vào vấn đề:
Khính thưa chư đồng đạo! Nếu căn cứ theo Kinh Phật “ Sa Di bất trảm thảo” và Đức Thầy viết trong bài Nan Thơ Cẩm Tú có câu “Cỏ cùng cây điểu thú chim muôn, nhơn với vật quờn lai bổn tánh” thì ta không thể nói sát hại sâu mò, côn trùng hay cây cỏ là không tội, nhưng cũng không thể nói người tu hành làm những tội như thế là không được đắc đạo, vãng sanh. Đã là người thì trong sự sống ai mà không ăn mặc và để có được cái ăn mặc thì người ta phải làm việc nầy việc nọ kiếm tiền nuôi sống. Bạn là Ông chủ nhà giàu có tiền  mua ăn mà không cần làm ruộng rẩy xịt sâu mò nhưng bạn phải làm nghề khác để được giàu tiền thì nghề khác chưa chắc là không tội, còn nữa, bạn không làm ra sản phẩm ăn được, vẫn ăn sản phẩm của người ta trồng trọt, xịt sâu mò lúa trúng có dư đem bán bạn ăn thì nếu là tội, chính bạn cũng biết sản phẩm do người ta sát hại sinh vật bảo vệ mùa màng mà bạn vẫn mua dùng thì tội phải chia “Họ là đồng lõa mà phạm nhân là kẻ nghiện ngập say sưa” (lời Đức Thầy).
Đó còn chưa nói, không làm nghề ruộng rẩy sát hại sâu mò, để có tiền mua ăn bạn phải làm nghề khác, buôn bán tính toán lựa hàng lời to, nói cao, thách giá, làm Thầy làm Thợ nói nhiều làm ít, Ông chủ lường công, mầng mướn lường sức vân vân và vân vân nghề nào không có tội? Xét ra tội ở sự tính toán sai dẫn đến hành động sai, nếu ở người có đạo, thật tâm tu niệm thì tự sử trí các tội to thành tội nhỏ thì tội ấy không thành nghiệp chướng, có tội mà không có chướng nghiệp, chướng duyên, lòng không sanh phiền phức, gúc mắc, làm trong niệm Phật, niệm Phật, niệm Phật, về lâu sự nghiệp Phật nhiều hơn sự nghiệp thế gian, phước nhiều hơn tội, thanh tịnh nhiều hơn vọng động, có thể đã thành luật bên nào nhiều bên đó thắng. Niệm Phật, Niệm Phật, niệm Phật nối chuyền, thành phật hay vãng sanh ai mà cản? Ngặt bạn sợ nhưng không tu hoặc quá sợ mà quên tu thì có tội mà không có phước, có vọng không có chơn, có tà không có chánh, để tội cứ đành rành ra đó thì sao mà có kết quả cho việc phát tâm tu của mình.
Trước khi thành Phật, thành Tổ, các vị ai mà không làm, không ăn, ai  không tội nầy tội nọ mà nhờ tu xiết, vượt nghiệp, rốt cũng chứng đắc đạo quả. Nếu ta cũng làm, ăn, tu như vậy chắc sẽ chứng đắc như các Ngài.
Đối với các dạng loại sanh tử Đức Phật gọi là chúng sanh chia thành bốn dạng, loại sanh ra từ trứng thì gọi là noãn sanh, sanh ra hiện diện gọi là thai sanh, sanh ra từ không thấy vì hết mà tượng hình gọi là hóa sanh, sanh ra từ những nơi ẩm thấp, dơ bẩn gọi là thấp sanh. Bốn dạng nầy hễ ta làm hại đến chúng là ta có tội. Sách kinh nhà Phật nói:
“Phật quang nhứt bát thủy,
Bát vạn tứ thiên trùng.
Nhược bất trì thử chú,
Như thực chúng sanh nhục,
(án phạ tất bar a ma ni tá ha!)
Đức Thầy Dịch:
Phật thấy chén nước có trùng,
Bốn ngàn tám vạn muốn dùng cho tinh.
Nếu không trì chú niệm kinh,
Khác nào ăn thịt chúng sinh hằng hà”
Thứ nầy, cứ ngồi chơi chơi vò giặt một bộ đồ hay vo một nồi cơm, nấu nồi canh, nước nhiều gắp mấy chục lần cái bát nước mà Phật nói, vậy ta đã sát mạng biết hằng triệu hằng tỷ con vi trùng nào. Xin lỗi quý vị, như vầy mà bàn riết là nghỉ tu luôn chắc?
Tôi nghĩ chúng ta thôi bàn đi những chuyện xa vời, những chuyện bàn để thêm động tâm chứ làm thì không được. Chúng ta quy y PGHH, về làm ăn sinh sống Đức Thầy sắm sẵn bài pháp cho các đệ tử tín đồ, một trong tám con đường chánh dẫn đến chứng đắc đạo quả trong đó có Chánh Nghiệp:
“ Những kẻ tại gia cư sĩ, trái lại, còn phải lo kế sinh nhai, mưu cuộc sống còn, kẻ buôn tảo bán tần, người việc nầy việc nọ, tóm lại cũng vì xác thân mà ra cả. Tuy nhiên, dầu đời sống của họ có bị sự sinh nhai chi phối, song cái chi phối ấy khác hẳn với kẻ gian tà đạo tặc, chẳng có làm việc gì xảo trá bất nhân. Trong việc mưu cầu cho lẽ sống, họ cũng nguyện bỏ những nghề nghiệp gây hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vai cắt cổ, v.v…
Đành rằng những người buôn bán ấy không có ép buộc bạn hàng, song tại có họ làm các nghề nghiệp ấy, con người mới bị hư hỏng, trụy lạc, hoang đàng, trà đình tửu điếm… họ là đồng lõa mà phạm nhân là kẻ nghiện ngập say sưa.
Thế nên mục chánh nghiệp răn cấm chúng ta làm các nghề ấy.
Kẻ tại gia cư sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ các sanh vật, hoặc không đánh đập chém đâm ai có thể gây ra nhiều điều tội lỗi”.
Kính thưa quý vị! tôi vừa trích đọc gần hết bài dạy của Đức Thầy về Chánh Nghiệp để chúng ta thấy những điều mình nên làm là “nguyện bỏ hết những nghề nghiệp gây hại cho con người: nuôi điếm, bán á phiện, buôn rượu, đầu cơ, cho vay cắt cổ” và “ kẻ tại gia cư sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ những sanh vật…”Cứ ăn sống theo mục chánh nghiệp của Đức Thầy dạy là được rồi, bàn về sâu mò trên ruộng rẩy, ăn măng tre có tội không chi cho bận rộn mà không giải quyết nổi. Quan trọng là nghề sống của mình không hại người, hại đời và hại các sanh vật vô cớ là được.
“kẻ tại gia cư sĩ cũng chẳng sát hại vô cớ các sanh vật” Thế nào là “sát hại vô cớ” chúng ta sẽ đem bàn bạc tiếp ở một điểm thích hợp khác.

14/8/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét