Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Bàn về bài “CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT”
Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) từ chỗ cúng nguyện mỗi ngày hai thời trên ba ngôi thờ trong nhà, tiếp theo thì cúng nguyện rất khắn khít với cầu nguyện. Hoàn cảnh đã đẩy đưa người tín đồ sinh hoạt tôn giáo hiện nay  sang qua giai đoạn cầu nguyện rất thạnh hành.
Bài  “Cách Cầu Nguyện Cho Người Chết” có sẵn trong quyển Sám Giảng Thi văn Giáo lý nhưng trước 30/4/1975 do vì thiếu yêu cầu mà sự sinh hoạt rất là buồn tẻ. Ngày nay, Cầu Nguyện Cho Người Chết được vãng sanh Tây Phương hay cầu an cho người đang lâm trọng bịnh đã thành cao trào, có sức lôi cuống mạnh đến đổi những tín đồ chưa bước qua ngưỡng cửa tu tại gia thì đã đi tu qua nhà người khác.
Từ cao trào rần rộ đó mà nội bộ phát sinh những ý kiến bất đồng dẫn đến sự tranh chấp vô ý thức tại nơi cầu nguyện. Bởi vì trong khi cầu nguyện một đàng đọc chữ “ Vái” và một đàng thay vì chữ Vái người ta đọc là “ Nam Mô”. Hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Chữ “ Vái” trong bài có ý nghĩa là một tiếng “lệnh” kêu làm việc, còn “Nam Mô” là ý nghĩa đi vào thực hành.
Kính mời đồng đạo cùng tôi dò đọc lại bài “CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT” tôi chép đúng theo nguyên bản, yêu cầu đọc thấy chữ chứ không đọc theo thói quen thuộc lòng.
“CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT
Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật” (ba lần) và Nam Mô A Di Đà Phật” (ba lần).
Vái “ Phật Tổ, Phật Thầy nay mình thành tâm cầu nguyện cho tên….(tên người chết) nhờ ơn Đức Phật từ bi cứu độ vong linh được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền Cực Lạc”. Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cữu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh A Di Đà Phật”. Nếu người chết là nhà sư thì câu chót đọc “ tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.”
Bài dẫn trên ta thấy có hai mặt chữ in nghiêng và in đứng, phân biệt ra chữ in đứng là dạy cách, là tiếng lệnh, ví dụ: “ Mỗi người đứng trước… (ba lần). Chữ in nghiêng là làm theo, thực hành, tức đọc lên những chữ in nghiêng còn những chữ in đứng có ý nghĩa là lời hướng dẫn, tiếng lệnh của Đức Thầy tín đồ chỉ làm theo chứ không cần đọc theo. Chữ “Vái” là chữ in đứng không cần phải đọc chung trong bài cầu nguyện như những chữ: Mỗi người đứng trước… ba lần, tên người chết…
Nhưng có một số ít người đọc chữ vái (in đứng) trong bài cầu nguyện, nó không có ý nghĩa gì hết trong việc cầu vãng sanh Tịnh Độ cho tha nhân. Đức Thầy kêu tín đồ vái nguyện gì đó lên Phật Tổ, Phật Thầy chứ không phải kêu đọc lên chữ Vái cho Phật Tổ Phật Thầy nghe (kêu khấn vái chứ không phải kêu đọc lên chữ vái).
Ví như Ông cha nọ kêu đứa con nhỏ lại mà sai “ Mầy kêu chú Bảy lại cho cha có chút chuyện”. Nhỏ đi đến gặp chú Bảy nó nói làm sao? Nói y theo lời cha nhỏ dạy:  Mầy kêu chú bảy lại cho cha có chút chuyện” hay nhỏ phải nói bằng lời của nhỏ: Thưa chú bảy cha của con cho mời chú đến có chút chuyện. Hai câu trên câu nào đúng câu nào sai?
Những vị đọc chữ VÁI bảo thủ mình là người “làm theo lời chỉ” đọc đúng  hết nguyên văn. Tại không biết cộng thêm cái bệnh cố chấp mà nói vậy thôi chứ đọc đúng hết gì chứ! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (ba lần) Nam Mô A Di Đà Phật (ba lần) trong khi nguyện vái những vị nầy đọc y chữ (ba lần) hay niệm ba lần liên tục câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Họ cũng niệm ba lần liên tục câu Nam Mô A Di Đà Phật, vì họ cũng biết chữ (ba lần) in đứng là lời hướng dẫn thì chữ VÁI cũng in đứng trước chữ Phật Tổ, Phật Thầy in nghiêng, là lời hưỡng dẫn nữa thôi.
Cũng trong bài “ Cách cầu nguyện cho người chết”đoạn đầu đề là: “Mỗi người đứng trước bàn Phật niệm” hỏi sao ta không đọc câu đó? Còn nữa, “trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm” ta đâu có đọc. Vậy nói đọc đúng hết có phải mang thêm tội vọng ngữ không?

Còn nhớ khoảng 5 năm trước, tôi đi dự một đám cầu nguyện xứ xa, người lạ nhưng trong đám cũng có đôi người biết tôi và họ yêu cầu tôi làm xướng ngôn cúng nguyện tập thể. Tôi từ chối mãi không được đành phải nhận trách nhiệm điều hành cuộc cầu nguyện. Nguyên nhân khiến tôi từ chối là vì sợ  có sự bất đồng sanh phiền phức không đáng trong giữa hai chữ VÁI và NAM MÔ. Cầu nguyện xong, chiếc áo cúng cổi ra chưa hết tay thì bị một người hỏi sao tôi đọc bỏ chữ VÁI. Tôi đang cởi lễ phục ra và cũng thờ ơ cho chậm một chút để lựa câu trả lời không đụng chạm thì từ phía sau lưng tôi có một đồng đạo chưa quen đã lên tiếng trả lời giùm bằng kể qua câu chuyện:
Tôi là Hòa Hảo từ trong bụng mẹ Hòa Hảo ra mà hồi còn nhỏ có chịu tu đâu, đợi tới vợ con đùm đề một hôm tôi rủ bà xã cùng phát tâm tu, bà xã đồng ý. Hai đứa học quyết liệt bài cúng nguyện hơn hai ngày là thuộc làu lòng, đọc rót rót. Lúc mới phát tâm, tới chừng cúng lệ thì tôi với bà đồng hành. Nguyện thầm nhưng hai bài đọc ở bàn thờ cửu huyền thì quỳ xuống đứng lên, lạy, ăn rập, đến cúng nguyện ở bàn Thờ Phật luôn luôn bà ấy đứng dậy trước hơn tôi. Sau mấy bửa cúng như vậy, tôi hỏi bà xã:
Bà đọc cái kiểu gì tôi đọc theo không kịp? Bà ấy đáp: Đọc y trong bài chứ có  bỏ chữ nào đâu. Tôi nói: Y làm sao bà đọc tôi nghe thử? Bà liền đọc: Nam Mô Ta bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lần. Tôi hỏi: Vậy bà đọc chữ (ba lần) thay vì phải niệm đủ ba lần cái câu Nam Mô Ta bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật sao? Bà ấy đáp: Dà phải, Đức Thầy dạy đọc sao tôi đọc vậy, có sai đâu.
Vị đồng đạo trách tôi đọc bỏ chữ nghe mới chừng nầy câu chuyện thì lại rút êm.
Tiếng “Nam Mô” đọc trước tiếng chữ “Phật Tổ, Phật Thầy…” là không có trong nguyên bản của bài cầu nguyện nhưng chúng sanh thì có cái bệnh Kính Phật nên phần đông tự đặt chữ Nam Mô khởi đầu vì Nam Mô có nghĩa là cung kính. Với lại nếu đem so sánh, Đức Thầy dạy niệm Nam Mô trước danh hiệu hai vị Phật Thích Ca Phật A Di Đà thì đối trước với Phật Tổ, Phật Thầy mà đặt ở đấy hai  tiếng Nam Mô xét không rườm cũng không lệch lạc ý nghĩa. Viết bài “Cho Ông Cò Tàu Hảo” Đức Thầy đề “ Cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng”giống như Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng.
Có người hỏi tôi:
Dám nói thêm bớt chữ trong Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy, chú không sợ tội sao?
Tôi đáp:
Có gì đâu mà gọi là thêm bớt chứ?
Chỗ không có chữ Nam Mô thì chú lại thêm vô cho có trong khi chữ “vái” là có thì chú lại bỏ, không phải thêm bớt chứ là gì?
Nghe hỏi thì tôi biết huynh đệ mình đọc chữ vái. Vái sao đâu huynh đệ đọc  cho tôi lãnh hội.
Thì “vái Phật Tổ, Phật Thầy nay con thành tâm cầu nguyện…”
Thôi dừng lại đi! Nếu nói đọc đúng theo bài “ Cách Cầu Nguyện Cho Người Chết”thì đoạn huynh đệ vừa đọc là không có chữ “con”, huynh đệ bỏ chữ “mình” nguyên bản để thay vào đó chữ con, thì ra huynh đệ cũng thêm bớt nữa thôi!
Nếu vậy tôi đọc chữ “mình” thì sao?
Nói chuyện với nhau mà dùng tiếng “mình” là tỏ thái độ bạn bè, ngang hàng, cùng phe nhóm, ví dụ bạn bè rủ nhau: Hôm nay mình đi ăn, ngày mai mình đi du lịch hay chúng mình đi chùa. Đàng này chúng ta không thể sánh bạn bè ngang hàng hay cùng phe nhóm với Đức Phật vì chúng ta cầu khẩn Các Ngài. Chỗ ta đứng là dưới thấp, còn các Ngài đang ngự trên cao, đâu có chỗ để ta xưng hô “mình” với ác Ngài được.
Nhưng sao Đức Thầy dạy lại dùng chữ  MÌNH?

Huynh Đệ! Đức Thầy sáng tác Sám Giảng Thi văn khuyên tu có rất nhiều bài nhưng chỉ có bài “cách cầu nguyện cho người chết”mà trong tín đồ xảy ra lắm chuyện ồn ào. Những bài thuộc phạm vi cầu khẩn lễ bái gồm có: Bài Nguyện Trước bàn Thờ Ông bà, Bài Nguyện Trước Bàn Thờ Phật, Bàn Thông Thiên và bài Cách cầu nguyện cho người chết, nhưng chỉ có bài Cách cầu Nguyện Cho Người Chết phát sinh kiến giải bất đồng. Ta nên hiểu “Bài Nguyện” và  “Cách Cầu Nguyện” là hai ý nghĩ khác nhau. Bài nguyện tức là văn nguyện đã có sẵn, học y theo đó mà nguyện. Cách Cầu Nguyện là dạy cho cách thức cầu nguyện không hoàn toàn theo văn nguyện có sẵn. Như Huynh đệ đọc thấy những dòng chữ : “mỗi người đứng trước bàn Phật niệm, (ba lần) vái, tên người chết, trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chấp tay niệm…”, những câu chữ tôi trích trong bài Cách cầu nguyện cho người chết, chúng ta đâu có ai đọc lên câu chữ đó, vậy tội với Đức Thầy sao?
4/8/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét