LỄ VU LAN NHỚ MẸ
Kính
tặng những ai diễm phúc còn mẹ và ở bên mẹ trong mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu. Kính
tặng những người mất mẹ nhưng vì thương tưởng đến mẹ đã làm nên những điều tốt
để mẹ không tiếc công sanh thành. Kính tặng những người con Phật noi theo gương
hiếu hạnh của Đại Đức Mục Kiên Liên, mỗi lần lễ Vu Lan cầu “phụ mẩu tại đường tăng long phước thọ,
phụ mẩu quá khứ trực vãng Tây Phương” (lời Đức Thầy.)
Hồi đó, đọc tập sách mỏng có tên là
“Bông Hồng cài áo” của Thầy Nhất Hạnh tôi rất thích nội dung cài bông hồng nói
về mẹ yêu quí để hôm nay tôi có cái duyên nói về người mẹ yêu quí của mình.
Kính
tặng bông hồng cho những người mẹ qua đời
Mẹ tôi được sanh ra và lớn lên trong thời kỳ Pháp
thuộc, nếu tính sống đến giờ 2015 thì bà chín mươi sáu tuổi, nhưng bà đã qua đời
năm 2001 thọ 81 tuổi trong khi tôi còn ở nhà lao.
Giữa lúc quân chinh phạt Pháp giày xéo nước ta, một
xứ quê xa tỉnh thành, nay là ấp kiến Hòa Thượng, xã Kiến An, chưa biết hồi đó
tên làng là gì, gọi bao gồm là tổng Định Hòa, đôi khi còn gọi là “Cù lao Ông
Chưởng. Ấp không có trường học nhà nước, theo lời người lớn kể lại, chỉ một Ông
Thầy già dạy tư tại nhà, người ta gọi là trường Ông Chín; trường ở đầu ấp, Ông
Bà ngoại ở cuối ấp mà lại nhà nghèo, xét cứ mỗi bửa đi học phải lội bộ đường xa
phần học phí cao nên mẹ không được đi học.
Lớn lên có chồng, sanh con, cha tôi là người có chữ
nghĩa, vì cha tôi là chức sắc trong đạo làm việc ở ban trị sự (BTS) giáo hội
Phật Giáo Hòa Hảo địa phương, hội trưởng BTS đồng thời là phó ban quản tự Kim
Cổ Tự (phủ thờ Ông Ba), Ông làm việc không có ngày tróng nghỉ, không ra hội
quán thì cũng bị mời lên chùa tiếp khách, có khi còn phải mang cả một chồng
giấy chữ về nhà đọc đọc, viết viết đến khuya. Mẹ tôi gánh vác hết các việc
trong nhà còn thêm làm quần quật ngoài đồng. Cha tôi lâu lâu mới vào thăm hoa
màu một lần. Vườn nhà tôi trồng Sa Bô Chê, có cất ở đó một trại nhỏ để dụng cụ,
đồ mầng. Nhớ lần cha tôi vào thăm vườn, chăm sóc tiếp mẹ những nhánh Sa Bô oằn
trái, giông gió nhánh đẩy đưa, trái bị cọ quẹt dưới đất trầy xước người tiêu
dùng chê, có bán được thì cũng giá rẻ mạt, phải kiếm cây chỏi hoặc treo dây cột
nhóng nhánh lên cao. Cha tôi đổi bộ đồ đi làm, chặt những nhánh tre ăn măng
chỏi cao nhánh Sa Bô xuề xòa. Mới chỏi được một nhánh Sa Bô thì chú liên lạc
đến mời cha tôi về ngay Kim Cổ Tự tiếp một đoàn khách xa đến.
Tội nghiệp mẹ tôi quá vất vả, cha tôi nhìn thấy mà
mắc cở cái thân phận đàn ông, Cha quyết định nghỉ việc giáo sự để lo tiếp mẹ,
Ông nói trước với những đồng đạo trong ban, đợt tới xin nghỉ việc BTS về nhà
sang sớt gánh nặng kinh tế gia đình trên vai người bạn trăm năm để không thẹn
mặt là đàn ông mà chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do vợ gồng gánh. Tới họp bầu BTS
hay BQT nhiệm kỳ mới, cha không đến họp nhưng người trong đạo cũng dành cái ghế
hội trưởng lại cho Ông. Cha nghĩ thế nầy là không được, Ông bỏ đi mở ruộng xứ
xa, bên khu mười Đồng Tiến. Hồi nầy nhân dân đã lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình
Diệm, tôi còn nhỏ nghe biết việc đời chút chút: Trung tướng Nguyễn Khánh và đại
tương Dương văn Minh làm chánh phủ lâm thời. Khu Mười lần lần có đông hộ dân,
lập nên BTS giáo hội PGHH, cha tôi cũng được bầu làm hội trưởng nhưng Ông từ
chối vì đang làm hội trưởng ở địa phương nhà, tới đây chỉ là qua lại làm ruộng
chứ không ở thiệt thọ.
Mẹ tôi hay tin đó bà rất thông cảm cho cha, biết
duyên đạo của Ông ấy sâu thẵm, tới đâu cũng bị cột cứng, mẹ thấy vậy không mong
cha lo tiếp việc nhà. Có lần mẹ nói với chúng tôi: nhiều người muốn có công
việc làm đạo như cha con mà không được, các con chăm ngoan để cha an lòng phụng
sự đạo pháp.
Thương mẹ tôi một mình thui thủi vào chăm rẩy, sửa
vườn. Nhờ bà giỏi gian mà anh em chúng tôi sống no đủ và không đứa nào bị rơi vào
hoàn cảnh mù chư như mẹ.
Anh em chúng tôi ai nghỉ học sớm thì ra tay làm
tiếp mẹ, lớn lên tuổi thành nhân, thay mẹ làm việc ngoài đồng, mẹ bớt cực, rảnh
rang bà đi chùa đi núi. Tuy bà không biết chữ nhưng nhờ siêng nghe nên đã thuộc
kha khá Sám Giảng Thi Văn giáo lý của Đức Thầy, đủ để tu tâm sửa tánh và sâu
duyên với Phật bà dùng chay trường. Anh tôi lập gia thất, tôi thì hai mươi tuổi
phát tâm tu, chọn lập trường độc thân hành đạo, ra tu ngoài Hòn Sơn Rái, Hòn
Tre cho đến sau đứt phim 1975 bị bệnh chỡ về đất liền, chừng hết bệnh tôi bị
nhà nước mới có tên là cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấm ra tu ngoài đó.
Giáo hội PGHH bị giải tán, các cơ sở, giáo sản bị
tịch thu, đưa người tu theo đạo PGHH ra sống ngoài vòng pháp luật, tu lén, tu
trốn. Năm 1980 tôi vào Rạch Hang Tra, xã Cần Đăng tu nhưng treo cái hình thức
là trại giữ vườn. Sau ba năm, chánh quyền xã Cần Đăng phát hiện tôi không phải
người giữ vườn mà là nhà tu nên đã ra lệnh đuổi tôi đi. Năm 1992 tôi đến mua
đất vùng kinh xáng Cà Mau ( sóc Trét) thuộc xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới cất nhà ở, năm 1993 chánh quyền công an xã Kiến
Thành nói rằng tôi trốn đến đây để tu cái đạo bị nhà nước xã hội chủ nghĩa cấm
hoạt động, phó công an xã Huỳnh văn Biển buộc tôi tội cất am cốc tuyên truyền
giảng đạo trái phép, đưa tôi đi công khai hóa giữa chợ Mươn Lớn, và ra quyết
định buộc tôi phải phá dở cái nhà mà Biển cho là nơi tuyên truyền giảng đạo
trái phép. Tôi không nở phá nhà mà mình vì nhà nầy tôi đã bán bảy trăm giạ lúa,
hết một mùa ruộng để cất nó, nhưng không dám ở, tôi đóng cửa nhà đi trốn. Mẹ
tôi hay tin, từ xã Kiến An vô giữ nhà giùm, bà nghĩ, chờ giông gió qua luồn rồi
về. Nhưng giông bảo của thời xã hội chủ nghĩa cứ ở một chỗ mà tác mưa tác gió
mãi, rốt cuộc nhà ở của tôi đã bị giông bảo xã hội chủ nghĩa cuống đi.
Huỳnh văn Biển dẫn đoàn quân gian nịnh đến đuổi mẹ
và chị tôi, người chị mù lòa từ năm lên 3 tuổi ra khỏi nhà cho họ đem lực lượng
quân dân đến dở. Mẹ tôi không chịu đi, họ lôi mẹ và chị tôi ra ngoài bờ chuối
bắt ngồi đó, có lính giữ, họ guộng hết đồ đạc trong nhà ra quăng chung quanh
chỗ chị và mẹ tôi ngồi. Dở toàn bộ ngôi nhà gỗ vác xuống chiếc ghe tàu đậu sẵn
dưới bến kênh xáng, để lại cho mẹ và chị tôi một nền nhà tróng. Anh em tôi hay
tin vào rước mẹ và chị về nhưng mẹ tôi cương quyết ở lại. Bà nói với mọi người
rằng: Sống đời sợ tội người ta mới tu, tất nhiên tu là
không có tội, chỉ mấy Ông Việt Cộng ở không, ăn lương từ góp thuế của dân, no
đi phá chùa phá am cốc chỗ người ta tu hành. Không phải vì thằng Triết là con
tôi mà tôi lo, ai tu tôi cũng thương kính và bảo vệ họ.
Bà che một tấm cao su trên nền nhà bị dở. Mấy hôm
đó Trời mưa nhiều, mưa ngày, mưa đêm mẹ và chị tôi nằm ngồi túm húm trong tấm
mủ che, bà con xóm diềng thấy thương mà không ai dám tiếp vì trong số họ có đôi
người bị công an Huỳnh văn Biển mời làm việc với những lời hăm dọa nếu như ủng
hộ đến chuyện tôi, gây tác động xấu cho nhà nước về việc cưỡng dở nhà là Biển
không để cho yên.
Quá khổ, ở mới chừng vài tháng, mẹ tôi dường hết
sức chịu đựng bà ngả bệnh nặng, anh em tôi hay, phen nầy lên kế hoạch cho ai
chỡ mẹ đi trị bệnh và ai nhơn cơ hội vô rước chị và đem hết đồ đạc về để khi mẹ
tôi hết bệnh bà không thể vào đó được nữa.
Vụ việc xảy ra bắt đầu từ năm 1992 tôi đã nhiều lần
viết tường trình gởi về đài Chân Trời Mới phát lên từ châu á thái bình dương,
đến lúc nhà tôi bị chánh quyền dở chỡ đi, mẹ tôi sống khổ, tôi viết liên tục
gởi về đài với những lời tố cáo mạnh mẽ hành động ngang tàn của những viên chức
nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 30/3/1994 tôi bị hai đội quân công an hùng hậu một
của thị xã Long Xuyên một nữa là công an tỉnh An Giang vây bắt tôi ở rạch cầu
Cái Dung thị xã Long Xuyên, kéo quân đông như đi đánh một trận lớn. Bắt được
tôi, an ninh điều tra làm việc nhiều lần, kết luận hồ sơ gởi qua viện kiểm sát,
cáo trạng của viện kiểm sát đề tội danh “Tuyên Truyền chống chế độ xã hội chủ
nghĩa” tòa án tỉnh An Giang xử phạt 8 năm tù.
Tám năm tù là quá dài, Mẹ không chờ được tôi về bà
đã qua đời vào ngày 26 tháng 10 âl 2001. Ngày 30/3/2002 nhằm ngày 17 tháng 2 âl
2002 mãn tù về tôi phải chịu cảnh mất mẹ. Rất đau khi nghĩ đến mẹ, một bà mẹ đã
quá vất giả vì nuôi con, gánh vác bớt công việc cho cha để Ông ấy đem thân làm
đạo, tạo phúc cho con cháu sau nầy. Ra tù hơn mười năm qua, mỗi năm đến ngày lễ
Vu Lan báo hiếu, noi theo sự tích Mục Kiền Liên người ta đã viết nói rất nhiều
về sự hiếu với mẹ mình là mỗi lần tôi muốn viết về người mẹ yêu quí để tạ ơn
mẹ, tạ ơn trời đất đã cho tôi một bà mẹ yêu quí như thế, sẵn lòng nuôi nấng con
cái, sẵn lòng bảo vệ lập trường tu am cốc của con, cực bao nhiêu thì cực, khổ
bao nhiêu thì khổ. Nhưng mỗi lần cầm bút, mới vài câu nói về mẹ thì nước mắt
tôi tuôn ra, không có chữ nữa cho mà viết.
Trước lễ Vu lan báo hiếu năm nay
2015 tôi đã cứng rắn được rồi, không cho nước mắt hoen mi, viết sửi ấm hương
linh mẹ để mẹ biết rằng trên thế gian nầy bà còn có những người con nhớ mẹ.
26/8/2015
Lê Minh Triết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét