Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

ĐỨC TIN QUA CẦU NGUYỆN

Nhiều người cho rằng Hòa Hảo là vùng đất linh thiêng, diễn tả sự linh thiêng qua ba yếu tố quyết định: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhơn Hòa.
Thiên Thời: là thời tiết của Trời, không xảy ra mưa to gió lớn như giông bão sập nhà, không quá khắc nghiệt về nóng quá hay lạnh quá.
Địa Lợi; Vùng đất rất tốt, không có chất độc gây hại người và các sinh vật, nước ngọt trong mát, ruộng vườn tươi tốt, cây trái sum sê.
Nhơn Hòa: người người sống vui hòa thuận, thương yêu, đùm bọc. Nhiều khách viễn phương đến chơi vùng Hòa Hảo( kể cả Đồng Tháp, An Giang, Châu Đốc) qua tiếp chuyện là cảm thấy hài lòng với cái thật thà, chân thành, đạo vị và sự mến khách của xứ chủ. Xưa không quen nay mới quen thì dẫn khách về nhà, mời ở chơi lâu, tốn hao cơm nước, mất thời giờ mà chừng người ta ra về còn núm níu mời thêm: Quen nhau thì đừng quên, nếu rảnh việc mau trở lại nhá!
Bởi thấy được ba điều tốt đẹp đó mà người ở đâu xa, hễ đất lành thì đừng lo không có chim đến đậu, xứ có giặc đánh liên miên, phải tản cư thì tốt hơn nên chọn tản cư lên Hòa Hảo nhứt là vùng Thánh Địa, để qua kiểm tra mà thấy rằng dân vùng Thánh địa thuộc tứ chiến quần cư.
Qua ba yếu mục mà tôi giải thích, xin được ghi nhận theo tính tương đối sẽ không cảm thấy khó chịu khi thời tiết gió mưa, lạnh nóng bất thường, đất đai có năm thì mầu mở trúng mùa, có năm nông dân nghèo thiếu; con người dầu hiền, biết thương nhau nhưng không phải lúc nào, ở đâu cũng hoàn toàn tốt đẹp. Nói ở mức tương đối thì thời tiết, đất đai, con người đỡ hơn những vùng khắc nghiệt.
Theo suy nghĩ của tôi, các cụ xưa nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: Vị cổ Phật lâm phàm đủ trí tuệ để chọn nơi có thiên thời địa lợi nhơn hòa khai sáng đạo cứu đời. Nhưng từ đó trở đi có gìn giữ được thiên thời địa lợi nhơn hòa cho niềm tin Hòa Hảo nữa không là trách nhiệm, bổn phận của tín đồ. Nếu không vì học đạo để tu nhơn tích đức chưa chắc thời Trời cho tốt mãi đây đâu. Nhưng cho đến giờ nầy ta thấy thời Trời vẫn còn tốt ở vùng dân cư Hòa Hảo như những bằng chứng cho thấy:
1 / Nhẹ bị chiến tranh. Việt Nam ta trong thời kỳ một nhà hai họ Việt Cộng và Quốc Gia, nội chiến mà đánh trận ăn thua ghê gớm hơn giặc ngoại xâm. Người sống trong đời nếu bị hỏi những gì đáng sợ nhứt họ đều đáp giống nhau: Sợ chiến tranh. Vì chiến tranh có thể cướp đi mạng sống của mình hay của những người thân mình. Tôi bỗng nhớ ngoài xa xưa mà khắc lòng:
Một chiều đầy mưa gió
Âm u cả Đất Trời
Rung rinh hồn vũ trụ
Tiếng khóc gào vạn nơi.

Lóc lăn trên cát bụi
Máu tươi nhuộm thi hài
Hận thù chi thế sự?
Chiến đấu gìn cho ai?

Mẹ chết hóa con côi
Ở đâu? Nhà cháy rồi!
Chạy đâu? Đầy khói lửa!
Áo em rách tả tơi.
Chiến tranh đã làm cho con xa cha, vợ xa chồng, ruộng đồng bỏ hoang, nghèo khổ. Thấy được sự đau khổ của chúng sanh giết hại lẫn nhau chỉ vì tham vọng ngôi bá chủ bắt dân làm đoàn quân xâm lược đánh chiếm những quốc gia khác; chết bao nhiêu thì chết, dân kêu khổ kệ nó, dân kêu đói cũng kệ luôn, Đức Huỳnh Giáo Chủ kêu gọi các vị nguyên thủ quốc gia:
“Trông ngày chư quốc chư hầu tỉnh tâm.
Đừng gây chinh chiến ù ầm,
Để gây hạnh phúc mà tầm Phật Tiên.
Ta-Bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền.
Thiều quang thắm thoát dường tên
Mắc vòng sanh tử có bền được đâu.
Chi bằng theo học đạo mầu,
Sớm qua khổ hải theo hầu Phật Tiên.
Tham chi giả tạm của tiền,
Như chim vào lưới xích xiềng trói thân…”
Chiến tranh leo thang ở mọi nơi, nhưng vùng đông dân cư PGHH, ít chịu ảnh hưởng chiến tranh là sao?

2 / Giông bão: Một điều đáng lưu ý hơn, gần đây thôi, những trận bão kinh hoàng mà đài thiên văn khí tượng thông báo sẽ đổ thẳng về vùng Đồng Tháp An Giang, Châu Đốc với sức đi rất mạnh. Đã hai lần thông báo đều không có xảy ra. Giông bão vừa tới vùng đông dân cư PGHH thì liền đổi hướng đi. Hòa Hảo êm như ru. Còn nhớ năm nào gần đây thôi ước chừng năm 2010 hay 2011 vì đó ban chỉ huy phòng chống lục bão đã ra lệnh cho ba vùng trọng điểm bão đi: Đồng Tháp, An Giang, Châu Đốc, dưới sông cấm tàu ghe hoạt động, đò dọc cấm tuyệt đối, đò ngang tư nhân nhỏ không được đưa, cấm học sinh đến trường. Nhờ có thông báo trước của đài thiên văn khí tượng bà con đồng đạo PGHH tự ý thức, tin chắc khẩn vái sẽ được kết quả, không ai rủ ai mà rầm rang đến chùa Thầy “An Hòa Tự”cầu nguyện cho không có bão đến. Những ngày lo sợ bão đến,chùa không vắng người cầu nguyện hết ngày rồi lại suốt đêm, kết quả không có bão là sự thật.
Những người có tín ngưỡng tôn giáo, nặng niềm tin về sự cứu độ của các đấng thiêng liêng đã tự lý luận rằng bão to như cục đá to muốn di chuyển đi chỗ khác, phải biết sức nặng của nó cỡ nào, một vài người không đẩy nổi thì cần có nhiều nhiều người đẩy cũng văng mất. Nghe báo bão người tin sâu Phật Lý trầm tỉnh lấy lòng. Nghe bão mà sợ đến hốt hoảng lên là có thể tính chuyện không hay, vái vang hồ đồ dẫn đến sự mê tín. Ta là người có tín ngưỡng Đạo Phật với môn giáo lý thật tế, sáng ngời, đừng vì quá sợ mà vái vang như kiểu Ông lên bà xuống. Định chạy đi đâu không bằng chạy lại cái bàn thờ Phật trước đã. Hãy cầu sự cứu độ của Phật trước khi đi trốn bão, chắc chắc sẽ có may mắn đến cho những người di tản nầy.
Đức Huỳnh Giáo Chủ chọn nơi khai sáng đạo có đủ ba yếu tố nói trên, giáo lý dạy tu tâm dưỡng tánh, ăn hiền ở lành là một lẽ, đến như “Tôn chỉ hành đạo”dạy tín đồ cúng nguyện mỗi ngày hai thời Đức Thầy cũng còn đặt để ở đó ba vị vua trị vì ba cõi vào bài cúng nguyện để tín đồ khẩn vái suốt đời với các ơn trên độ chúng bình yên. Trong bài Tây Phương Ngũ Nguyện đọc trước bàn thờ Phật, câu nguyện thứ nhứt “Nam Mô nhứt nguyện cầu Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng, liên Hoa hải hội thượng Phật từ bi Phật vương độ chúng thế giới bình yên”. Cứ mỗi ngày hai lần cầu nguyện vị Vua Cõi Trời (thiên Hoàng), vua cõi đất (địa Hoàng), vua cõi người (nhơn Hoàng) cùng với “Thượng Phật Từ Bi Phật vương độ chúng thế giới bình yên”. Nguyện hoài hoài như vậy các vị ơn trên không nỡ từ chối tấm lòng thành.
Phàm tập tu cho dù có phước đức, công đức cũng một ít không đủ ảnh vang xa được. Nếu các nơi trên thế giới mà đồng cầu nguyện, tu hành thì chúng sanh cả thế giới cũng được bình an:
“Nhứt thiết chúng sanh vô nghiệp sát
Thập phương hà xứ động đao binh.
Gia gia hộ hộ đồng tu thiện
Hà sầu thiên hạ bất thái bình”.
Ngặt ảnh hưởng chỉ tập trung ở vùng đông dân cư PGHH, vùng khác không hoặc ít người tu cầu, một cầu siêu mà trăm cầu đọa kết quả sẽ ra đọa, nên xảy ra chiến sự, giông bão nhiều, trồng trọt thất mùa, nhà cửa hư sập và có khi còn mất mạng nữa là khác.
Giờ đây đứng trước tình hình Trung Quốc có âm mưu xâm chiếm nước ta. Họ ỷ nước lớn, người đông còn Việt nam ít không thể đương chiến. Theo lời dạy của Đức Thầy người nào có khả năng “tùy tài tùy sức nỗ lực hy sinh cho xứ xở” thì chen vai vào việc, ai không thể làm được điều đó thì ráng sớm hôm cầu nguyện cho “thế giới bình an” và ta vang vái các đấng thiêng liêng lấy lại trật tự, công bằng, mỗi quốc gia có bờ cõi riêng biệt thì nước ai nấy ở. Quốc gia xâm lăng hãy trở về nước họ.

23/7/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét