Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

NÓI CHUYỆN VỚI HUYNH ĐỆ

Huynh Đệ! Như người dong thuyền từ sông mê qua bờ giác, thời gian lâu ta tưởng rằng mình đã đi xa. Đi lâu và xa là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đi lâu mà xuống thuyền không chèo, không bơi hay chèo bơi không liên tục, yếu ớt thì đi lâu không phải là đi xa. Tầm nhìn của đôi mắt chúng ta cách năm mươi thước là thấy rõ, một trăm thước thấy hơi lu, năm trăm thước thấy dạng dạng thôi, một ngàn thước đổ lên là hết còn thấy gì. Nhìn lại sau lưng không thấy nhà cửa, hàng cây xanh xanh…mới gọi là đi xa. Nếu chèo bơi lâu mà nhìn lại phía sau lưng, con người và đồ vật còn thấy rõ nét thì xa gì chứ? Đi tu mười năm, hai ba mươi năm tưởng đà gần tới Phật, ai dè phía trước tróng không mà nhìn về điểm khởi hành nét quyến rủ vẫn còn mới hực, còn thấy rõ ràng hình bống của thương, hình bống của ghét, của thất tình, lục dục. Đã nói đi từ lâu sang qua bờ giác thì thôi cõi thế gian đừng tríu mến nữa mới phải, đúng ý nghĩa của người qua bờ giác. Đàng nầy mấy mươi năm dong thuyền rời xa bể ái, gần chết tới nơi mà một chút sự đời cũng lưu luyến, khuyên bỏ đi để lo Niệm Phật liên tục cho Phật đến rước mà không chịu bỏ, không buông, buông ra là đi mà không buông lấy gì đi!
Huynh Đệ! Mình có thân đây chỉ là cái thân giả hợp từ bốn thứ đất, nước, lửa, gió kết lại. Do vì khiếp trước không tu hay tu ít mà không diệt được hạt giống sanh tử phải đào thai xuống chốn hồng trần chịu khổ đau bởi sanh, già, bệnh, chết. Ngay như tấm thân ta đây còn không giữ được huống hồ vật chất tiền tài là của ngoài thân. Trong lúc tu thì lo tu chứ bảo thủ nó làm gì. Đừng để bệnh bảo thủ trong ta hết thuốc chữa. Đến lúc lâm chung đáng lẽ chỉ có Niệm Phật và niệm đến “nhất tâm bất loạn”thì bảo thủ nhảy vào làm chủ tình hình gợi lên thương nhà tiếc của, ruộng đất bị Ông hàng xóm lấn ranh, kiện tụng chua xong tiếc…tiếc. Ra đi mà ôm cái tiếc sự đời theo, thủ tục đó, hành trang đó, không phải đi về cõi Phật mà đi đổi lấy một thân sanh tử khác.
Huynh Đệ! Lo mà tu đắc giải thoát sanh tử để không có kiếp sau trở lại thế gian. Những chuyện lo xa như tu độc thân già bệnh không ai chăm sóc, ai chôn cất khi chết, ai thờ phượng giỗ quải… đều là chuyện bao đồng. Ta học Chánh Tư Duy để làm gì mà không đem ra áp dụng cần thiết ngay lúc bệnh có vẻ hối thúc ép tử. Đức Thầy dạy:
“ Chánh tư duy mục ấy thanh cao
Hãy tưởng nhớ những điều đáng nhớ”
Người tu trước lúc lâm chung, trong khi xác thân có bị báo bệnh, điều đáng nhớ trong lúc nầy là nhớ Phật chớ đừng nhớ con cái, ruộng vườn, của cải, điều đáng niệm bây giờ là Niệm Phật đừng để niệm chúng sanh chen vào cắt đứt Niệm Phật. Xắp bị quỷ vô thường đến lấy xác lúc nầy mà còn nhớ thế gian, niệm chúng sanh thì niệm chúng sanh dẫn mình đi đào thai một kiếp chúng sanh khác, sanh tử chịu khổ nữa. Sợ vì mình chết không ai chôn. Người còn sống dám để mình thúi lên cho cả làng bỏ trốn sao?Lo chi chuyện đó cho dư để mất thời giờ Niệm Phật.
Huynh Đệ! Đừng để tâm đến cái chỗ chỉ có mình tu chứ không ai tu thành thử nghe thấy cô đơn. Cô đơn gì chớ! Không phải hàng ngày ta muốn được yên tịnh để lo tu đó sao? Chừng được yên tịnh thì than cô đơn, thiệt cái lòng sao mà đầy mâu thuẫn. Khi huynh đệ than thân sống nơi cô đơn vắng vẻ, người ta tu có bạn có bè, có người để tỏ bày tâm sự. Thở than như vậy quý vị tưởng rằng có ai đó thương mình, mến mộ hạnh cách tu bất cần đời của mình. Không chắc, nếu có thương mến cũng chỉ là một mớ tình cảm bồng bong, nhưng người khác thì biết rằng quý vị không có tu niệm được ngay khi lòng cảm thấy cô đơn. Niệm Phật đi vào cảnh giới tâm linh Phật của lòng mình, ở góc độ nào nhình mình có cô đơn chứ?
Huynh Đệ! Hễ tu là tự đặt trách nhiệm cho mình “mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc”(lời Đức Thầy) chuyện mãn kiếp hồng trần khỏi lo cũng có, lo là lo làm sao để sanh lạc quốc. Chỉ niệm sáu chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT đừng có niệm gì khác. Đặc trách nhiệm bảo vệ đường tu và bảo đãm vãng sanh. Nếu đòi hỏi phải là người thân quyến hay bạn thân lo cho mình từ bệnh đến tử chưa hẳng là một lợi thế cho việc tu sanh sang lạc quốc. Luyến ái là điều đáng sợ nhứt, cần phải được ngăn chận từ xa, không để sự hiện diện của nó cho người trên đường về Tây Phương Cực Lạc để việc đi đường được thượng lộ bình an.
Huynh Đệ! Một chiếc áo còn mới lở bị gai móc rách một lổ nhỏ, nếu ta siêng năng liền cầm kim nhíp một chút là xong, cái áo liền lạc. Không siêng vá ngay sau khi phát hiện chiếc áo rách là cơ hội cho chỗ rách sẽ rách thêm, nhiều ngày rách lổ quá lớn đi đưa cái lừng trần ra, bây giờ có muốn vá lành không phải là không được, chỉ e tốn quá nhiều công mà mình vốn tính dải đải không có khả năng ngồi vá lâu, đành vụt chiếc áo thôi. Vụt chiếc áo tức bỏ một kiếp tu. Người tu đúng cách là đan khít cái tâm không cho kẻ hở để tâm tâm nối liền Niệm Phật, lở bị phiền não móc rách chút sự tu là hay, không trì hưởn, vá lành tại chỗ sau khi hay. Sự tu bị rách một chút mà vá kịp thời, bít trịt, vọng niệm chúng sanh không thò đầu thò tay vào được mà phá, chỉ còn Niệm Phật và chỉ còn một đường dẫn tới cõi nước của Phật.
Huynh Đệ! Phần đông người ta bảo nhau “Tu là cội phúc”dù biết vậy nhưng vì sống trong dục vọng họ không thể làm người tu được. Cội phúc nầy không phải là sự chờ đợi chết được vãng sanh Tịnh Độ. Chờ chết để vãng sanh là không chắc đâu. Chờ chết để vãng sanh, có vãng sanh được cũng là ăn may, ăn quá khít núc, lỡ không vãng sanh là không còn cơ hội khi “ quỷ vô thường dắt xuống diêm đình”. Để chắc ăn, phải tu làm sao cho có Cực Lạc tại tâm ngay khi mình còn sống mạnh khõe. Đức Thầy dạy:
“ Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê”
“Sớm khuya” ý nói đêm và ngày. Nhờ có gắng công Niệm Phật đêm ngày, niệm khít như vậy vọng niệm chúng sanh không chen vào được, cái thân còn đây mà tâm Cực Lạc tại trần. Tại trần mà Cực Lạc được thì cuộc sống không có vọng nghiệp, chừng chết không có vọng nghiệp đeo đòi, tự do với tâm Phật đi về cõi Phật là lẽ tất nhiên, ăn hoàn toàn, không phải ăn khít núc mà lo sợ có sơ hở.
Huynh Đệ! Quý vị cho rằng tâm Cực Lạc không thể sánh đo với Cực Lạc thật ở cõi Nước Tây Phương, vì Cực Lạc của cõi nước Tây Phương có Ao Thất bảo, có nước Bát Công Đức, suối reo tiếng pháp, chim kêu cũng tiếng pháp còn thân người là Liên Hoa Thân… Tôi đồng ý với huynh đệ là cõi nầy không giống như cõi Phật, nếu giống như cõi Phật thì ai thèm tu để thác sanh về đó. Tôi chỉ mới nói với quý vị là Tâm Cực Lạc tại trần chứ chưa nói cõi Cực Lạc tại trần. Do đó, không thụ hưởng nước Bát Công Đức cho thân thì thụ hưởng nước Bát Công Đức trong tâm, Ao Thất Bảo cũng thế để cái tâm luôn luôn có Bát Công Đức, có Thất Bảo. Ở trong trần, gió thổi không vừa ý, chim kêu không vừa ý làm ta bực bội, dễ nổi cáo, thiện pháp không thể có trong khi mình bực bội, muốn nổi cáo. Nhưng nếu gió thổi mát nhờ đó mà tịnh tọa không đứt đoạn thì gió đã làm bài thuyết pháp cho mình rồi. Người ta mượn từ “chim kêu vượn hú”là nói lên cái nơi xa xôi quạnh vắng, ta từ nơi ồn náo mà đi tới chỗ quạnh vắng để được yên tỉnh chuyên tu, lúc ta phóng tâm ồn náo, nếu tiếng chim kêu làm ta thức tỉnh mình đi quá đà thì tiếng chim kêu ấy giá trị như một bài thuyết pháp. Có người nói ra ta thương, có người hễ nghe cái giọng họ nói là bắt ghét, thương hay ghét đều là vọng tâm thì tất nhiên trong khi nghe họ nói, không phải là nghe pháp.

08/7/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét