Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

PHÒNG THUỐC ĐÔNG Y MIỄN PHÍ

Hôm 6/7/2015 tôi đưa người bạn đạo đi trị bệnh ở một phòng đông y, là cơ sở từ thiện của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ấp Phú Hòa, xã Phú Hữu, huyện An Phú chung sức chung lòng kẻ công người của góp vào.
Tiền thân của phòng đông y nầy là trạm y tế xã Phú Hữu, qua thời gian hoạt động dài lâu đã xuống cấp, dẩu có sửa chửa thì mặt mày cũng xưa lắm, hết hấp dẫn. Chủ nhân của nó đi chỗ khác cất mới. Thấy trạm y tế bỏ hoang đã làm động lòng các nhà từ thiện, họ đến hỏi mượn làm phòng hốt thuốc nam độ bệnh miễn phí cho bà con xa gần. Gặp Ông chủ tánh tình rộng rãi, dễ thương, hỏi mượn là ừ ngay.
Nơi bàn xem mạch của lương y, trên vách tường trắng người ta có viết lên khổ giấy rộng bài giảng đạo “ Mười Điều Khuyến Tu”của Đức Phật Thầy Tây An qua cơ bút của Cao Đài Giáo. Trong khung rộng của bàn xem mạch có để băng, ghế cho cô bác bệnh nhân ngồi chờ xem mạch hốt thuốc, ngó qua dòm lại là thấy và đọc Mười Điều Khuyến Tu. Khuyên tu đối với bệnh nhân là điều rất tốt và hợp lý hợp tình nhưng tôi tiếc phải chi Ban Tổ Chức có cho thêm Tám Điều Răn Cấm của Đức Thầy trên đó nữa thì hay thêm hay, vì đọc nghe lời khuyến tu đặng tu nhưng tu hành thì giới luật phải đặt lên hàng đầu. Giới luật của người tín đồ PGHH là Tám Điều Răn Cấm, phải có nữa mới được.
May thay! Sự ước ao của tôi không lâu thì có một vị thiện nguyện viên đến treo thêm một bản Tám Điều răn Cấm. Vừa treo lên tôi thấy khung cảnh đẹp lạ ra.
Những thiện nguyện viên đến phục vụ phòng thuốc, kể cả bệnh nhân đều có một chế độ ưu đãi bình đẳng tùy hỉ dùng nước đá, nước suối đóng thùng, nước sữa đậu nành, trái cây, bởi một số mạnh thường quân nhận tài trợ liên tục ngày qua ngày. Nước đá, nước sửa đậu nành, nước tinh khiết đóng thùng để chung một hàng, không có tiếp viên phục vụ, chừng ai muốn uống tự tay rót lấy.
Nơi bàn xem mạch có khoảng bốn năm bệnh nhân ngồi chờ. Thiện nguyện viên khoảng chục người mà người nào việc nấy làm tôi đi, đứng, ngồi đâu cũng rất cô đơn. Trong phòng thuốc ý là tôi có quen trước ba vị, Ông Trần văn Mết, bà Bùi thị Cưng, cháu Phùng Xuân Nguyệt nhưng họ có rảnh đâu mà tiếp tôi. Ba vị Ông Trần văn Mết tổ trưởng lương y đang bị cột cứng trong công đoạn bào chế thuốc hoàn, Ông ở miết bên hai cái nồi quay vòng vòng, đôi tay dính đầy bụi nhựa thuốc. Tổ phó Bùi thị Cưng ngồi suốt ở bàn xem mạch và bóc thuốc vào thang, cháu Phùng Xuân Nguyệt tổ viên lương y thì lo làm việc dưới nhà bếp. Ngoài ra quý vị thiện nguyện viên khác như đem phơi thuốc củ, chặt thuốc mới, lựa thuốc để lâu đem phơi, thuốc nào để hốt ra thang cho bệnh nhân về nấu uống liền, dược loại nào để bào chế thuốc hoàn… quý vị đều làm việc chu đáo.
Tổ trực phơi thuốc nhìn Trời hơn nhìn dưới đất, nếu thấy màu Trời không sáng sủa những thiện nguyện viên nầy chuẩn bị tư thế sẵn, hô mưa là đùa hốt vác chạy ào ào.
Nhớ mấy hôm trước có một cháu gái nhà đồng đạo hỏi tôi:
Người Hòa Hảo làm việc xã hội từ thiên với nhiều ưu điểm đáng trân trọng. trong lúc làm từ thiện có người áp dụng bằng sự hy sinh, gạo ăn của ngay mai chưa có hướng giải quyết nhưng đụng chuyện yêu cầu giúp sức, ngày mai treo bụng bửa nay cũng đi làm từ thiện, sự sống đang thiếu, lúa ngoài đồng chưa chín cũng phải hỏi tạm tiền ai dư mà làm việc bố thí, móc sạch túi. Theo chú nghĩ gì đâu người ta dám hy sinh như vậy?
Tôi đáp:
Ở đây tôi không nói “ Làm phước được phước” vì chuyện ấy là lẽ tất nhiên không bàn cũng ra được đáp số. Tôi muốn nói Đạo PGHH là Đạo Tình Thương.
Chú dựa vào đâu để nói Đạo PGHH là Đạo Tình Thương _ cháu ấy hỏi_:
Trong giảng dạy về PGHH Đức Thầy có đề ra bài “ Chư Phật Có Bốn Đại Đức”: Từ, Bi, Hỉ, Xả. Cũng theo sự giải thích của Đức Thầy: Từ Bi là lòng thương yêu vô bờ bến của Đức Phật đối với chúng sanh con Hỉ Xả là vui và xả bỏ tội lỗi cho họ.
Đức Huỳnh Giáo Chủ là cổ Phật lâm phàm. Phật xuống thế đáng lẽ Phật sẽ nâng cao tầm quan trọng ngôi vị Phật, khuyên bá tánh lập chùa thờ Phật. Nhưng Đức Phật của PGHH là không màng Phật vị của mình, dạy tín đồ đừng có cất chùa thờ ta. Như Lai là rộng độ chúng sanh, đi tầm thanh cứu khổ suốt chứ có ở chùa đâu mà cất, hãy để đồng tiền cất chùa ấy dùng vào các việc cứu khổ chúng sanh:
“ Khùng cả tiếng kêu dân ơi hỡi,
Hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm.
Đến loạn ly khổ hạnh khỏi lâm,
Còn hơn đúc chuông đồng Phật Bự”.
Theo suy nghĩ của tôi chữ “ Khó” mà Đức Thầy dùng để kêu gọi lòng hảo tâm của bá gia thiện tín là rất nhiều việc thiện phải làm nhưng cần làm trước hơn hết là hai cái khó đặc biệt Đói khó và Bệnh khó. Đức Thầy lâm phàm độ chúng sự thật không phải nhắm vào mục tiêu từ thiện cứu đói cứu bệnh mà là dạy pháp môn tu, độ cho người đời tu niệm để giải thoát khổ đau sanh tử trong một kiếp nầy thôi là không còn đào thai trở lại dương gian như Ngài bảo:
“Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”
Hoặc là:
“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc
Hưởng công Niệm Phật rất yên lành”.
Nhưng hềm vì chúng sanh trong thời kỳ mạt hạ, cặn bã xã hội tích tụ từ Lý Tam Ngươn: Thượng Ngươn, Trung Ngươn và đã rơi xuống hạ ngươn hạ, chúng sanh ít phước tội nhiều, nhân quả đưa dần về nghèo đói, bệnh tật. Chủ ý là nói Phật pháp khuyên tu nhưng trước một người nghèo đói siểng niểng làm sao mà nghe pháp cho vô. Thay vì nói pháp để buộc họ nghe ta cho họ một chén cơm để cứu đói họ đi rồi hãy nói Phật Pháp sau. Chén cơm đã làm cho họ mặt mày tươi tỉnh, biết nghe, biết thương kẻ thương mình thì chén cơm cứu đói cũng tương tợ như bài thuyết pháp.
Một bệnh nhân không đủ viện phí đến cho mấy thầy “lang sa… mổ mật người ta lấy tiền” lòng mong được trị khỏi bệnh, ta đến nói pháp cho họ tu xem cũng được mà chưa phù hợp lắm, ta nên biết cái họ cần bây giờ là được điều trị hết bệnh. Họ đi trị thuốc Tây đả đời, tiền bạc hết sạch trở về uống thuốc nam, nếu các thiện nguyện viên trong phòng thuốc từ thiện các vị lương y nhà đạo mình mở rộng lòng ra mà chăm sóc kỷ lưỡng, chính sự chăm sóc của các nhân viên trong phòng thuốc tạo cho bệnh nhân một ấn tượng về tình thương, biết quyến luyến mấy người làm từ thiện, quyến luyến những người theo an ủi giúp đỡ cho mình. Yêu cầu bệnh nhân nghĩ như vậy thì sự chăm sóc bệnh nhân của quý vị làm từ thiện trong phòng thuốc cũng tợ như bài thuyết pháp, họ cảm nhận được tấm lòng vàng tất nhiên sẽ thay đổi những suy nghĩ rắc rối, cố chấp và có thể nhờ đó mà chuyển nghiệp nhanh, sớm hết bệnh nữa là khác.
Đức Thầy đưa ra ba bài thuốc nam rất dễ kiếm thuốc mà còn có cái ưu điểm là trị bá bệnh như trong Sám Giảng Giáo Lý có câu:
“ Có đau thì thuốc đó mà
Dòm trong bảng chữ về nhà kiếm cây”
Không nói đau bệnh gì hễ có đau thì tự đi hốt mà ấu uống. Tiếc vì Đức Thầy  đi vắng sớm, dạy thuốc trị bệnh nhưng không có thời gian chăm sóc bệnh nhân nên ba bài thuốc trị bá bệnh của Đức Thầy dần dần đi vào quên lảng, không còn mấy tín đồ tin dùng
Quý vị thiện nguyện viên trong ban tổ chức phòng thuốc đông y từ thiện ở ấp Phú Hòa có lẽ đã nhận được lời dạy của Đức Thầy “hãy giúp cho kẻ khó mới nhằm” nên tự động hạn chế việc làm giàu cá nhân đến đây chung sức chung lòng làm giàu tình thương và đạo đức PGHH.
12/7/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét