Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Tham Quan Hành Hương:

CHÙA BỒNG LAI ( Bà Bài)

Ông Thẻ Số 3

Lễ bái Điện Huỳnh Long và vảng cảnh núi Trà Sư vào một buổi sáng đẹp trời, du khách xem bộ chưa muốn đi nhưng Ông trưởng đoàn ước tính thời gian cho những điểm tham quan với lộ trình phải trải qua không còn rộng lắm. Hãy thủ hơi một chút để ngừa lúc Trời rực nắng nóng, chạy xe gặp gió thổi hiu hiu lục bình trôi riu ríu ai mà bận bịu cái điệu ngủ ngồi… dễ làm con buồn ngủ nó xáp vô giành tay lái, chừng đó, lo mau mau mà kiếm chỗ đầu hàng, để không, tay lái nó bất tuân luật lệ là nguy.
Ông trưởng đoàn kêu mọi người tập trung lại nghe thông báo hướng dẫn: Chúng ta đi thẳng đến chùa Bồng Lai chứ không ghé đâu nữa. Vì chùa nằm bên kia kinh Vĩnh Tế, chúng ta qua xuống hết dốc cầu Kênh 10, có ngã ba, thay vì chạy thẳng về Núi Sam, Châu Đốc…chúng ta cho xe quẹo trái, đường băng ngang cánh đồng, thẳng ra kinh Vĩnh Tế, quẹo phải khoảng 300 mét, có cây cầu dây qua sông Vĩnh Tế, chúng ta lên giữa cầu sụt tay ga cho xe chậm chậm mà liếc nhìn, thoán qua một cách lanh tay lẹ con mắt sẽ thấy dáng đẹp của Chùa Bồng Lai.
                             Chùa Bồng Lai (kinh vĩnh Tế,Thị xã Châu Đốc).
 Nghe xong bản lịch trình, chúng tôi xuống Núi Trà Sư, lên xe “vọt”. Ông trưởng đoàn hướng dẫn chung nhưng đường đến chùa Bồng Lai thì tôi biết. Để không mất thời giờ hỏi thăm đường và tránh tình trạng lạc lối tôi vượt lên chạy trước hết. Tôi xuống dốc cầu dây, cua qua phải, còn một chút nữa là tới chùa nhưng tôi dừng lại để ngắm đoàn xe chạy sau. Ô Hô! Chiếc cầu nằm ở khoảng tróng mà lại giương cao với vẻ tự hào mình đẹp lắm. Bình thường đã là đẹp vậy, thêm nay xe chạy hàng dọc qua cầu, thấy thì tôi không nói đẹp nữa mà là “Duyên Dáng”.Đoàn hành hương đã vào hết đứng trước ngôi chánh điện chùa Bồng Lai, Trần bá Đức hướng dẫn cúng tập thể, xong rồi mời tự do lễ bái.
                             Đồng đạo lễ bái ông thẻ.
                    


                               Hình Ông thẻ số 3.

Chúng tôi ra ngồi hết trên một dãy ghế bàn kê liền nối dài dưới tàng cây cao che mát, có một đồng đạo hỏi tôi:
- Anh có lần nào đi dự đám cúng giỗ Ông Sư Vãi bán Khoai chưa?
Tôi trả lời:
- Đám giỗ Ông Sư Vãi Bán Khoai hả? Chuyện nầy đối với tôi là mới đấy! Qua nhiều tài liệu nghiên cứu, rất tiếc là tôi không đọc thấy ở tác phẩm nào nói năm sanh cũng như năm viên tịch Ông Sư Vãi. Chúng ta biết về đấng thiêng liêng nầy rất ít với sử liệu không công bằng. Đề cập đến Sư Vãi Bán Khoai, Sám Giảng 11 hồi có câu:

“ Nào khi Sư Vãi Bán Khoai,
Trong kinh Vĩnh Tế ai ai cũng lầm.
Mặt cân tôi chẳng biết cầm,
Quê mùa già cả âm thầm biết chi”.

Và câu:

“ Thương thay Ông Lão bán Khoai,
Lên non xuống núi hôm mai dạy đời”
Đức Huỳnh Giáo Chủ tỏ lòng thương tưởng:
“ Cám thương Ông Lão Bán Khoai,
Vì thương dân chúng chẳng nài nắng mưa”.
Theo quyển “Thất Sơn Mầu Nhiệm”của hai Ông Dật Sĩ và Nguyễn văn Hầu ghi chép “ vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902) Ông thường giả dạng thường nhân đi bán khoai ở xứ Cao Miên và trong kinh Vĩnh Tế, để tùy cơ khuyến thiện người đời. Thấy vậy người đời mới quen gọi Ông là Sư Vãi bán Khoai”.
Còn theo Ông Vương Kim, tác giả của quyển sách nhan đề “ ĐỨC PHẬT THẦY TÂY AN” ở chương VI “ Từ Đức Phật Thầy Tây An Đến Đức Huỳnh Giáo Chủ” nói rằng, “ Ông Sư Vãi Bán Khoai là hóa thân của Đức Bổn Sư Ngô Lợi, vì Ngài viết Sám Giảng tự xưng là “ Sư ”và có lần Ngài giả làm “ Vãi ”, bắt các đệ tử phải kêu Ngài là chị năm”.
Hai tác phẩm “Thất Sơn Mầu Nhiệm” và “Đức Phật Thầy Tây An”nói về Sư Vãi bán Khoai đều không có đề ngày, tháng, năm sinh và năm viên tịch. Sự xuất hiện bơi xuồng bán khoai mở cơ phổ đạo vỏn vẹn có hai năm 1901 – 1902 là vắng luôn thì kiến giải tương đồng, nhưng quyển “Đức Phật Thầy Tây An” có thêm chi tiết, xuất xứ về quyển “Sám Giảng Người Đời” (Quyển cẩm nang nầy, từ bao giờ cho đến bây giờ lưu hành mạnh trong bổn đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa hảo), có kể qua câu chuyện: Một hôm Sư vãi đem khoai đi bán dạo, thấu căn duyên người nọ Sư Vãi vào nhà, tiếp chuyện nhủ khuyên tu nhơn tích đức, người chủ nhà vào trong có chút chuyện vặt thì ra, thừa lúc ấy Sư vãi để quyển “Sám Giảng Người Đời” trong chiếc khay trầu của nhà chủ rồi đi khuất. Chừng chủ nhà trở ra với khách thì khách đã đi rồi. Chuyện đáng nghi, quan sát để tìm những bí ẩn, chủ nhà bắt gặp quyển Sám Giảng Người Đời tự nhiên mà có trong chiếc khay trầu, liền mở ra đọc, thấy hay rồi truyền ra. Từ lúc Ông Sư Vãi bán Khoai để quyển Sám Giảng Người Đời trong khay trầu của một nhà xa lạ, không ai còn thấy Sư Vãi xuất hiện đó đây nữa.
Những sách xưa đều ghi vậy, nay nghe có người chọn ngày cúng giỗ, là một chuyện lạ, tôi chưa dám nghĩ tới.
Sư Vãi Bán Khoai 1901 -1902 nhằm thời điểm Đức Bổn Sư khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tại Núi Tượng (? -  1909), địa điểm cũng gần kinh Vĩnh Tế, thuyết ám chỉ, Ông Sư Vãi Bán Khoai là “hóa thân” của Đức Bổn Sư là rất dễ đặt niềm tin.
Viếng chùa Bồng Lai lần nầy, sự cảm nhận của tôi về tâm tình có khác. Bà Cụ trụ trì ( Bà năm) sao không thấy ra chào khách và vổ về bằng đôi câu khuyến thiện. Tôi bước vào hậu liêu định chào bà cụ dễ mến, “nhỏng nhẻo” ít điều cho bà khuyên rồi hãy về. Nhưng tôi cũng  không thấy bà đâu. Hậu liêu vắng tanh. Cái bàn tôi được Bà Năm mời vào uống nước đôi lần qua cũng lạnh ngắt. Không khí vắng người, ảm đạm lan tủa khắp gian hậu liêu. Tôi bước ra ngoài, chỗ Đức Cố Quản Cấm Ông Thẻ số 3, thấy có một đàn Ông trẻ, nhìn phục sức tưởng chú ấy là khách tham quan ai vè chú là người trong chùa. Tôi hỏi qua bà cụ trụ trì, chú ấy bảo rằng: Bà Năm viên tịch năm rồi.

Cảm kính Bà Cụ trụ trì quí khách, nặng nợ thiền môn hơn nợ thế gian, tôi thầm niệm Phật để dằn chút xúc động vì đã thọ sự đối đãi tốt của Bà Năm trụ trì. Ai đến chùa cũng được Bà tiếp một cách trân trọng với nụ cười hòa vui. Già, đi đứng chậm chạp mà nói năng cho vừa lòng những khách đến cửa từ bi thì không chậm, không già. Bà Cụ nói chuyện rất dễ cảm mến. Có lần Bà kể cho tôi nghe chuyện hồi nhỏ Bà giành lấy đặng lấy được với Ông anh trai Bà cái quyển Sám Giảng “Giác Mê Tâm Kệ” (quyển tư) của Đức Thầy. Lúc Sám Giảng còn chép tay để truyền bá một cách hạn hẹp, không biết Ông anh trai của cụ bà đã kiếm đâu ra một quyển Giác Mê Tâm Kệ chép tay mang về. Ông anh trai kiếm được của quí, để giành xem kín. Một hôm cụ Bà phát hiện và đã đọc lén lút quyển Giảng chép tay trong khi Ông anh trai bận đi làm công việc. Bà Cụ lúc nhỏ, ỷ là em gái của Ông anh hiền lành, thêm được ba mẹ cưng, thừa thắng xông lên giành quyền quyển Sám Giảng với Ông anh. Sau cùng, đi đến biện pháp “ cắt đất chia hai” mỗi bên phân nửa.
Kể xong câu chuyện hai anh em giành nhau quyển Giác Mê Tâm Kệ bà năm nói qua chuyện tu:
Từ sau khi đọc quyển Giác Mê Tâm Kệ, trong đó Đức Huỳnh Giáo Chủ sắp sẵn một lộ đồ sáng rực đi từ chúng sanh đến Phật, từ một cõi Ta bà đau khổ thẳng đến cõi Cực Lac ở Tây Phương, khiến tôi không còn lý do trì hoản để hưởng thêm một chút tuổi thanh xuân. Phải phát tâm tu ngay.
Tôi có chút tiếc thương bà cụ trụ trì chùa Bồng Lai khi nghe tin bà Viên Tịch. Tôi niệm thầm trong tâm 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật trước khi đoàn hành hương rời khỏi đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét