Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

“ SỰ KHỔ bởi THAM TIỀN ”

(bànTrong khuôn khổ đạo pháp)

 Phần đông, người ham tiền cho rằng nghèo là khổ, nghèo không có chút hạnh phúc nào. Muốn hạnh phúc thì phải giàu lên. Nghèo sát gốc nống mà biểu giàu nhanh lên, không vốn liếng, chẳng có nghề nghiệp chi chi, tính học thuộc 2 câu ca dao làm nghề:
“Con ơi học lấy nghề cha,
Một đêm ăn trộm bằng 3 năm làm”


Nói cho vui chứ tu hành ai mà tệ đến đổi học cái nghề đó, kiếm tiền một cách hợp pháp mà không hợp đạo cũng đủ nặng. Người xưa có vị quá cắc cớ phóng đại một câu “ Có tiền mua Tiên cũng được”. Tiên là bậc trên Trời, có tiền mua còn được huống nữa mua trong chốn trần gian nầy, do đó người ta ham tiền, nghĩ có tiền là có tất cả. Nên trong việc làm kiếm tiền có lắm người đã không chừa một thủ đoạn nào. Khi đã áp dụng thủ đoạn, đụng đến cha mẹ, anh em ruột thịt cũng chưa chắc là nhường. Nhưng Đức Huỳnh Giáo Chủ cảnh báo:
“ Ai ai cũng cứ ham tiền
Ấy là đem sợi xích xiềng trói thân”
Tiền mà  như “ Sợi xích xiềng trói thân” thì tiền là khổ đau chớ sung sướng gì đâu! Chạy đua tiền bạc từ thuở tráng niên đến trên đầu hai thứ tóc, thân vóc còm cổi lụm cụm mà lòng còn sung, chết đến nơi cái miệng lúc nào cũng tiền tiền.
Thật ra, không phải có tiền là có tất cả đâu, nếu trong một gia đình năm người mà “ai ai cũng cứ ham tiền” để “Mua Tiên”, mua tất cả, thì mái ấm gia đình sẽ lạnh dưới không độ ngay. Chàng mua thêm thiếp, thiếp mua thêm chàng, đua đòi mới lạ…khi người ta chợt thấy, con trai trong nhà mới bây lớn đã mua quá nhiều rượu, ma túy, con gái mua nhiều thói hư tật xấu hơn lúc nghèo tiền, chú rể cuống gói, cô dâu đào ngũ. Chuyện trăm năm nguyện ước, mới có một chút thời gian tiền vô nhiều là chỏi bản, phá bỏ hợp đồng, hạnh phúc cả nhà bay đi, vô phương cứu chữa.
Còn “ Ham” là còn khổ, dẩu có nhiều tiền mà lòng ham muốn nọ kia không dừng thì khổ mỗi lúc cứ leo thang. Ham nhiều tiền để không khổ có thể là sự tính toán sai. Xác thân của ai cũng do đất, nước, lửa, khí tạo thành và Sanh, Lão, Bệnh, Tử là món nợ mọi người đều phải chịu. Người không hoặc kém hiểu biết Phật Pháp về lý vô thường, tưởng giả thân là thật thân, tham sống sợ chết thì khổ nhiều hơn. Khổ đau ghì lại trong cuộc sống để ta thấy đất trời ãm đạm. Đức Huỳnh Giáo Chủ nói “Ngày giờ nào loài người diệt được tánh ham muốn của mình, ngày giờ ấy bớt được một phần lớn của sự khổ”.
Nghèo mà khổ, điều đó chỉ một ít, vụn vặt. Bạn nói Sanh, Lão, Bệnh, Tử của người nghèo bị trừng phạt nặng nề hơn, bởi dẩu sao, khi bệnh, họ không đủ tiền chạy thuốc. Tôi cho bạn có lý, nhưng ở mặt khác, nhà nghèo mà thông hiểu Phật Pháp có thể tỉnh táo trước vật chất thế gian, không động tâm về sang hèn, đũ thiếu, đối đầu với bệnh và tử vẫn tu được, không khổ. Trong khi người bị giàu làm ham, cái chết đến một cách tự nhiên, kêu đi ông không đành, vừa ngả bệnh lại sợ chết bỏ của, đâu phải là ít khổ? Đò cập bến, buông bỏ các thứ trong đời để nhẹ mình xuống đò liền qua bên kia bờ giác mà không buông được. Cõi Cực Lạc hay chốn Niết Bàn không chấp nhận tiếp rước người còn quá nặng nề trần tục về bên ấy. Trong trường hợp chạm với tử thần như vậy, nghèo tiền mà đạo đức chẳng nghèo, họ tin nhân quả, tin tưởng đạo sự của họ làm, đi để lấy một kết quả tốt, họ sẵn sàng chết như người ta sẵn sàng đi một cuộc vui, không chút sợ hãi, lo buồn. Ông Thanh Sĩ nói:
“ Những người chức trọng quyền to
Vấn đề chết chóc sợ lo hơn nghèo”
Lệ xưa nói “ Nhà giàu đứt tay như ăn mày đổ ruột”. Câu nầy cũng hết sức là cắc cớ để nói lên nhà giàu khổ nhiều hơn. Dẩu chuyện không xảy ra trước mắt mà hình dung thì cũng biết, đứt tay là chuyện ngoài da, còn đổ ruột là tuông ruột có nuồi, sao mà đem so sánh sự khổ bằng nhau được chứ. So sánh như vậy mà đúng thì người ta thà nghèo cho đở khổ, kẻ nghèo đứt tay coi như không có gì, quề cả làng, còn lở mà đổ ruột ra chịu đựng cái khổ có chút như ông nhà giàu đứt tay thôi, nhằm nhò gì.
Từ chỗ nhận định sai lầm về khổ mà khổ được nước leo thang, đi sâu vào cuộc sống, để trong sự vui chơi cũng có khổ xuất hiện. Đời có hợp có tan, đến lúc phải tan dầu ta không chịu chia tay cuộc đoàn tụ người thân thương kết quả cũng chia tay; ta tiếc không chịu quên món đồ mình mất thì kết quả cũng mất, buồn giận chưởi bới ai tối ngày về món đồ bị mất cũng không lấy lại được mà còn mất thêm sự vui vẻ trên gương mặt, người thân trong nhà nhìn còn phải sợ vẻ mặt đanh đanh… Ta quên sự mất mát để tiếp nhận hiện hữu bằng tâm tình cởi mở, hài hòa, sẽ không bị mất vì cả. Một dòng nước đang chảy, ta ngấm mình trên dòng nước đang chảy để thưởng thức sự mát lạnh tự nhiên của nước. Nhưng nếu ta quá ích kỹ, bảo thủ, sợ mất dòng nước mát mà chận chảy riêng cho ta chắc chắn sự mát diệu không còn.
Hãy để Sanh Tử đi trên các thứ, việc ta nên làm là tập cảm thông việc sanh tử, còn mất, khổ vui là một cái gì rất dễ chịu, để lúc vấn thân vào đạo, niệm Phật tu hành, ta không bị những thứ không đâu bức hiếp làm ta mệt mỏi vất vả; đối địch với phiền não mà tinh thần mệt mỏi vất vả, có mạnh như  sức Tượng cũng thua.
Thật tế cho thấy không hẳng nghèo là khổ mà giàu là hạnh phúc. Đức Phật Thích ca và các đệ tử của Ngài đều nghèo đến đổi phải đi xin ăn suốt mà trông các vị dường không ẩn một chút khổ sầu. Chẳng thế, các vị còn dạy phương pháp diệt khổ cho chúng ta học. Nghèo không chắc là khổ thì giàu cũng đâu chắc là hạnh phúc. Không phải chúng ta đã thấy quá nhiều rồi sao! Khi giàu lên thì hạnh phúc sẽ bay đi. Mấy năm trụ “Lạc Đạo An Bần ”hạnh tu lên phơi phới, từ khi tu dính đồng tiền, tu “lạc đề” thì đạo hạnh chỉ có xuống chớ không lên. Trong bày “ Luận Việc Tu Hành” Đức Thầy Viết:
“Tu Hành dương thế cậy đồng tiền,
Phật Giáo vì tiền phải ngửa nghiêng”
Đâu có người chơn tu nào Trong cửa thiền môn mà chịu cho “ Phật Giáo ngửa nghiêng”. Muốn đời sống sang “lên” chút, ít ai không bị đổi cái đạo cho “sụt” xuống một chút. Hơn một chút mà ta cảm thấy no béo thì cũng chỉ no béo cho dục vong. Dục vọng được tiếp tế, tẩm bổ no đủ thì nó “lấn sân”, tu không thấy Phật mà thấy nó. Nhưng mộng giàu tiền trong đời sống tu hành, giá như sự mộng mị ấy mà được thì được tới đâu? Thân ta là vật tạm mượn của Tứ Đại, của mượn tới hạn kỳ là phải trả, sự sống sang có theo ta vào cõi chết hay ta chỉ đi thui thủi một mình qua kiếp khác có thể không may mắn như kiếp nầy? Giàu sang mà ta đeo đuổi có mua cho ta được cái vé về thiên đàng trong khi nhân quả ta gieo và sự tỉnh tu không có đã đưa ta xuống địa ngục?

Chúng ta hãy trở lại bài “Luận Việc Tu Hành” của Đức Thầy:
“Tiếc vì không Đức tiếc chi tiền…
Muốn đặng về Thần với Phật Tiên,
Rán tu ân đức chớ tu tiền” .
Thưa quý vị! Ai tu mà không muốn thành Tiên thành Phật nhưng “muốn suông”cho có tiếng để lo “tu tiền”là không hợp đạo, khổ dài dài vì khát vọng.

27/12/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét