Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

TÍN ĐỒ PHẬT GIÁO HÒA HẢO.

Kính thưa chư quý đồng đạo!
Để được làm người tín đồ PGHH phải vào qui tắc 4 ngày chay, 14 rằm, 29-30 mỗi tháng và mỗi ngày cúng lạy hai thời ở 3 ngôi thờ trong nhà. Xét như vậy là rất dễ nhưng đó mới lọt vào cửa thứ nhứt, cửa thứ nhì là giữ giới luật qua 8 điều răng cấm không để rơi vào những tội lỗi đọa thân. Ngài phát lời tuyên bố:
“Không người nào được phép xưng mình là người trong đạo mà lại không giữ luật. Kẻ nào làm trái luật lệ trong sự đạo đức, dầu không xin thôi đạo hay chưa bị bôi tên cũng bị trách nhiệm việc làm của họ và bị coi như người ngoại đạo.
Nên nhớ rằng: Đức Phật sẽ dìu dắt và ủng hộ những kẻ nào làm ăn chơn thật, hiền lành đúng theo giáo lý của Ngài, chớ Ngài không bao giờ ủng hộ những kẻ gian tà xảo quyệt làm các việc hung ác ngông cuồng trái những lời mà Ngài đã dạy.”
Hiện nay, một số người trong đạo còn vi phạm rượu chè cờ bạc một cách thiếu hiểu biết hay tự dối lòng; họ biện hộ uống rượu không nhằm ngày chay lạt là được, bởi chay bốn ngày là giữ giới bốn ngày. Đối với người ngoài Đức Thầy cho dùng đôi chút mà phải rượu thật nhẹ, không say, để đừng tỏ sự chia rẻ với kẻ ngoại đạo. chúng ta thấy đa phần ngồi uống rượu với nhau không phải là uống với người ngoại đạo, là những người chung đạo chớ có ông ngoại đạo nào, còn việc cho dùng chút rượu thật nhẹ để tránh say sưa, nhưng quý vị lại say sưa, nói ra những lời mà lúc tỉnh người ta không thể nói được, đi sàn người, sà quây sà quây…
- Dạ thưa, theo như quan điểm của chú tư người tín đồ đúng với ý nghĩa, phải làm gì?
- Trả lời quan điểm của tôi thôi chứ nói người tín đ” chung hết thì rộng lắm và chúng ta, tuy có trách nhiệm với nhau cái tình “con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức” nhưng quan điểm khác hơn, nó thuộc về cá nhân, tôi không thể gom các cá nhân buộc vào quan điểm của mình.
- Vậy thôi chú nói quan điểm của chú cũng được.
Quan điểm của tôi cũng không có vì mới mẻ hay đặc biệt, chỉ dựa vào lời kêu gọi của Đức Thầy, tín nữ thiện nam trong nhà Phật Giáo thì phải làm trọn hai điều hành đạo và truyền đạo như sau:
“Nên cố gắng trau thân gìn đạo,
Hiệp cùng nhau truyền bá kinh lành.
Làm cho đời hiểu rõ thinh danh,
Công Đức Phật từ-bi vô-lượng”.
- Thưa chú, nếu căn cứ theo chữ nghĩa, nghĩa nào chữ nấy, chữ “gìn đạo” có nghĩa là giữ đạo, trong khi đó hành đạo mà chú ám chỉ so với gìn đạo là hai nghĩa hoàn toàn khác nhau vì giữ đạo là không để đạo bị mất, không để bất cứ ai xâm hại hoặc tiêu diệt.
- Nếu gìn đạo bằng cái vẻ bề ngoài của nó mà không hành đạo cho chuẩn mực là chính, có thể đạo sẽ bị mất gốc ngay chính bản thân người tự xưng là gìn đạo. Gìn giữ đạo sợ người ngoài cướp phá không ngờ người nói giữ đạo lại là người phá đạo. ví dụ, điều răng cấm thứ nhứt: người tín đồ không được rượu chè cờ bạc, xưng tín đồ gìn giữ đạo mà phạm vào điều cấm kỵ nói trên, bị bắt quả tang, chịu sự trừng phạt “không người nào được phép xưng mình là người trong đạo mà không giữ luật” còn nữa “không giữ luật lệ trong sự đạo đức sẽ bị coi như ngoại đạo”. đã bị trách nhiệm người ngoại đạo còn nói gìn giữ đạo, ai mà tin.
- Quý vị nói “chữ nào nghĩa nấy” nhưng gặp một chữ hai ba nghĩa thì sao? Gìn đạo bằng cách không để đạo bị mất trước sức mạnh của vô thần hay của những kẻ ngoại đạo tranh giành ảnh hưởng điều nầy tôi không những là hoan hô mà còn đứng vào hàng ngũ bảo vệ. Gìn đạo cũng có nghĩa là hành đạo, chúng ta đang trên vòng quay của bánh xe luân hồi sanh tử, đạo PGHH dạy ta tu thoát khỏi vòng quay đó, chỉ một lần nầy thôi, “Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc” là lời kêu gọi của Đức Thầy phải được gìn giữ bảo vệ tốt, trước giặc phiền não thù địch, chính chúng đã làm cho ta luân hồi không biết muôn ngàn kiếp nào và Đức Thầy vì chúng ta mà thệ nguyện “Bể trầm luân khô cạn sáu đàng, Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”, nếu ta gìn đạo mà thiếu hành đạo, vi phạm vào những điều cấm kỵ như đã nói dù chưa xin thôi đạo hay chưa bị bôi tên trong sổ đạo, với những hành động sai trái đó bị trách nhiệm như người ngoại đạo, để mãn kiếp hồng trần không sanh về lạc quốc mà vào vòng quay luân hồi sanh qua một kiếp hồng trần khác.
Gìn đạo bằng ý nghĩa hành đạo, cho lòng mình còn có đạo hoài hoài không bị danh lợi tình, tham sân si … chận đường đè đầu cởi cổ, sống được tự chủ thì đạo không bị mất, hành đạo để gìn đạo có kết quả cao hơn những người xưng gìn đạo mà mất đạo đức trong chính mình. Hành đạo là nêu cao chơn lý, thể hiện sự đúng đắn, trong sạch.
- Thưa, chú nói như vậy thì sự hành đạo có khác hơn lúc Đức Thầy trả lời cuộc phỏng vấn với ông Hồn Quyên, ký giả báo Nam Kỳ rằng: “cái hành đạo đúng theo ý- tưởng xác-thực của nó là làm thế nào phát hiện được những đức tánh cao cả và thực hành trên thiệt tế bằng mọi biện pháp để đem lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh thì đó là sự thỏa mãn trong đời hành đạo của mình”.
- Hỏi rất đúng, nhưng câu trả lời với nhà báo Nam Kỳ là lúc đó Đức Thầy đứng lập trường chính trị, lấy chánh nghĩa làm đầu chớ không phải lấy sự thiền tịnh, tu tâm dưỡng tánh cho trí huệ phát khai diệt tận vô minh, đắc thành đạo quả. Chúng ta học thuộc lòng câu hành đạo ở mô hình chính trị, nhưng khi bàn về chánh pháp của đạo Phật cũng như PGHH chúng ta có đem câu ấy chứng minh đâu, chỉ toàn hỏi han, chứng minh về tu tâm dưỡng tánh: ngày cúng nguyện mấy thời, mấy cử tịnh tọa, tịnh tọa dài ngắn, ma buồn ngủ có đến đè mí mắt không, đi kinh hành có giữ được chánh niệm không, trong khi ăn uống có bị vọng động về ngon dở không, gặp chuyện ngoài ý muốn xảy đến bất ngờ sự phản giác có nhanh nhẹn không… ?
Khi tôi tiếp quý vị lòng tôi rất hân hoan, những tưởng bàn chuyện thâm sâu Phật Pháp, về sự tu hành, cách diệt trừ vọng niệm chúng sanh để không bị nó chận đuổi mình trên đường về xứ Phật. Tôi có thể bàn với quý vị về hai chữ hành đạo ở mô hình chính trị của Đức Thầy, nhưng phải ở một dịp thuận tiện khác.
Truyền bá kinh lành, như quý vị biết, hành đạo là điều tất yếu đưa chúng sanh từ bờ mê sang bến giác, Đức Thầy phê trách hạng người tu không hành bằng những câu nghe biết thẹn:
“Nhiều người kinh sử lão thông
Mà không sửa tánh bởi lòng còn mê”
Không những lão thông về Phật pháp nhiệm mầu, còn thông thạo cả những thiên cơ thời cuộc, nói mai nói mốt sấm nổ, nước dưng lửa cháy, tận diệt cõi hồng trần mà bản thân họ chưa biểu hiện chút sợ sệt nào thoát ra cảnh hồng trần tiêu diệt:
“Thiên cơ số mạng biết tri,
Mà sao chẳng chịu chạy đi cho rồi”
Giải thích cho đến đời tới, sấm nổ ầm ầm rồi ngồi đó chơi khoái cái tri thức chớ không chịu tu. Người hành đạo có hiệu quả thì truyền bá mới có hiệu quả. Không thể nào chấp nhận một người rao bán thuốc trị ghẻ lác mà trong mình ông ta ghẻ lác ê chề. Truyền bá kinh lành là muốn cho tiếp nối sự nghiệp Phật Giáo đến với tất cả chúng sanh; người truyền bá phải là người đang tận hưởng hạnh phúc, an lạc, thông thả hết các sự đời, để người khác cảm nhận giá trị đạo cứu khổ chúng sanh đi từ hiện tại đến tương lai, hiện tại con người có tự do, an lạc, mới dẫn đến sự tự do an lạc tiếp nối đến lúc “mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc”, cảm đức người đã thể hiện một tấm gương hơn người. thông minh, thuyết giảng sâu sắc là điều mà nhà truyền bá chánh pháp rất cần nhưng thêm sự ứng hợp qua hành trì tâm đắc, kết quả của sự truyền bá sẽ vượt trội hơn.
16/12/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét