Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

GỢI NHỚ VÙNG KỸ NIỆM
THÁNH ĐỊA HÒA HẢO MẾN YÊU

Còn hai hôm nữa thôi là đồng đạo khắp nơi hướng về ngày lễ đản sanh Đức Thầy tôn kính lần thứ 98, 25/11/1919 – 25/11/2016. Có thể tổ chức lễ đạo tại địa phương hoặc tại nhà, nhưng phần đông muốn tìm về nguồn cội, nơi phát sinh một tôn giáo: PHẬT GIÁO HÒA HẢO.
THÁNH ĐỊA HÒA HẢO, danh xưng nầy do Đức Bà Lê Thị Nhậm từ mẫu của Đức Thầy đặt hồi năm 1965 gồm có 3 xã: Hòa-Hảo, Hưng-Nhơn, Phú-An. Từ năm đặt tên Thánh Địa Hòa Hảo 1965 cho đến 1975, dân chúng, tín đồ các nơi đều gọi làng Hòa Hảo là Thánh Địa Hòa Hảo. không còn mang tên xã, thay vì xã Hòa Hảo là Thánh Địa Hòa Hảo, thủ tục hành chánh không qua lệnh của quận, tỉnh mà trực tiếp với Trung Ương.
Miền trung tâm Thánh-Địa xưa có những kỹ niệm đáng trân trọng, rồi biển dâu của 30/4/1975, đạo bị giải thể, các cơ sở của đạo bị tịch thu và từ đó Thánh Địa Hòa Hảo bị mất tên, đối với phần đông tín đồ coi đây là điều sỉ nhục lớn lao, tất nhiên nó trở thành ấn tượng ghi đậm nét đau thương, nhờ đó kỹ niệm về Thánh Địa Hòa Hảo bất diệt và lớn dần trong lòng, hâm nóng sự thật: Tổ-Đình PGHH, chùa Thầy “An Hòa Tự”, Thư-Viện.
 1.Tổ-Đình: Trước kia là nhà của Đức Ông Đức Bà song thân của Đức Thầy, Là nơi có nhiều kỷ-niệm nhứt, ghi đậm nét son lịch-sử từ Đức Thầy được sanh ra và lớn lên khai sáng đạo PHẬT-GIÁO HÒA-HẢO, hằng ngày sáng tác Sấm Giảng, thuyết pháp và độ bệnh.
SÁNG TÁC SẤM THI: Khai sáng đạo ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão là muốn hết nữa năm đầu mà từ đó cho đến hết năm, Ngài “Hạ Bút Thần” có đến bốn quyển Sám Giảng, quyển sau cùng trong năm là quyển tư “GIÁC MÊ TÂM KỆ” đề ngày 20 tháng 9 năm Kỷ-Mão, ngoài ra còn nhiều thi bài khác, tính từ bài “LỘ CHÚT CƠ HUYỀN’ sáng tác tại Thánh Địa Hòa Hảo tháng 6 năm Kỷ Mão cho đến bài thi  “ ĐÊM BA MƯƠI” tháng chạp cuối năm có tổng cộng bốn mươi bài thi thơ dài ngắn, trong đó có bài “THIÊN LÝ CA” là dài nhứt. Chỉ già nửa năm Kỷ Mão mà sáng tác bốn quyển Sám Giảng, với bốn bươi bài thi thơ rồi thuyết pháp, trị bệnh, là chuyện phi thường.
THUYẾT PHÁP: như chúng ta biết, đâu phải già nửa năm chỉ dành cho việc sáng tác; sau khi Đức Thầy chính thức làm lễ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, nhà của Đức Ông (giờ gọi là Tổ Đình PGHH) lúc nào ngày như đêm đều có khách thiền môn đến nghe thuyết pháp, thọ giáo quy y. Có người đến quy y nghe thuyết pháp xong là về có người ở lại chờ nghe tiếp những tràng pháp khác. Điều này Ông Ngô Thành Bá (Biện Đài) đã nói rất rõ trong quyển “Dõi Gót Theo Thầy” của Ông rằng ngày 29 tháng chạp năm Kỷ Mão Ông đến nhà Đức Ông nghe Đức Thầy thuyết pháp vào lúc chiều tối. Xong cuộc thuyết pháp Ông định ra về thì dịp may đưa đến, ông diễn tả như sau:
“Đức Thầy bảo ở lại, đến 9 giờ, Đức Thầy bảo tôi nhắc ghế ra sân Đức Giáo Chủ ngồi nơi ghế, còn Hương Quản Diệp và tôi ngồi trên mấy nấc thang gạch trước nhà Đức Ông. Đức Thầy giảng giáo lý…
Đức Thầy vào nhà, tôi lần gót theo sau. Ngài lên ghế bố nằm nghỉ và anh em đồng đạo nài nỉ  xin Đức Thầy “Ca Tiên”, Đức Thầy vì lòng thương nên chìu theo ý muốn…
Sáng ra Đức Thầy cho anh em tín đồ biết Ngài sẽ dẫn tôi đi non. Nhiều người xin đi nhưng Đức Thầy trả lời là không đặng!”
Chỉ trích lấy một lần tình cờ Ông Biện Đài đến nhà Đức Ông nghe Đức Thầy thuyết pháp, thấy tối khuya Ông Biện định về thì Đức Thầy bảo Ông ở lại cùng với nhiều anh em tín đồ khác nghe Đức Thầy Ca Tiên. Ở nghỉ đêm lại đó và sáng đến Đức Thầy báo tin là sẽ dẫn Ông Biện đi non, nhiều người xin cùng đi mà không được Đức Thầy cho phép. Bao nhiêu đó đủ chứng tỏ nhà Đức Ông lúc nào cũng có bổn đạo xa gần đến viếng Thầy nghe pháp, nghỉ đêm. Thuyết pháp từ sáng đến chiều từ chiều đến tối, như người thường chúng ta còn giờ đâu để sáng tác Kinh Giảng Thi Văn khuyến tu? Chỉ có bậc siêu nhân lâm phàm độ chúng mới quán xuyến công cuộc lớn lao nầy. Trong bài “Nan Thơ Cẩm Tú” Đức Thầy đã thố lộ sự thật về Ngài:
“Miệng nhích môi đầy văn tao-nhả
Hạ bút-thân thơ đã đề khai”
Còn theo Ông Nguyễn Văn Hầu qua tác phẩm “5 Cuộc Đối Thoại Về Phật Giáo Hòa Hảo”, nhắc lại chuyện Ông chủ quận Tân Châu Nguyễn Văn Lễ và chủ sở mật thám BaZin mới sáng sớm ngày 12/4/ Canh Thìn đã đến nhà Đức Ông mời triệt buộc Đức Thầy đi theo họ, có đông người chứng kiến, đoạn văn như sau:
“Trời mới vừa sáng ra một chập, chừng đâu lối 7 giờ theo đồng hồ thuở ấy, những tín đồ ở xa chưa kịp tới để nghe pháp, xin phù, nhưng số người ở lại từ đêm qua cũng còn đến hằng trăm. Tất cả đều ngơ ngác nhôn nhao, rồi thì thầm ứa lệ…”
Ở đêm mà hằng trăm như vậy thì ngày biết bao nhiêu người ta mà kể? Bởi đó mà sở mật thám của Pháp không ghé mắt sao được. Ghé mắt thì ghé, Đức Thầy tỏ cho tín đồ và quân chinh phạt Pháp biết rằng:
“Khó làm cho Hiền Thánh lung lay,
Chỉ tưới nước vun phân cây quí ”
Quân Pháp đày Đức Thầy qua cuộc sống lưu cư cho xa cách tín đồ, sự giáo đạo của Ngài coi như bế tắt. Họ tính vậy là an trí nhưng chúng không ngờ làm như vậy là rất thuận lợi cho Ngài như Ngài đã nói:
“Càng đi càng biết nhiều nơi,
Càng đem chơn lý tuyệt vời phổ thông”.
Sự thật của việc “đem chơn lý tuyệt vời phổ thông” đã quá rõ ràng, nếu như không đưa Đức Thầy đi lưu cư ở nhà Ông Bà Ký Giỏi thì đâu có vụ chửa cháy kho xăng ở Bạc Liêu bằng hất bổng ly nước trà và nhờ đó mà Ông Ký quy y còn kéo thêm một số bạn bè có học vị, nếu không lưu cư Ngài vào nhà thương Chợ Quán Ông bác sĩ Trần Tâm làm gì biết Được Đức Thầy là ai mà thọ giáo.
ĐỘ BỆNH: Việc độ bệnh để truyền bá Phật pháp của Đức Thầy rất hưng thạnh, biết bao nhiêu là câu chuyện, tôi xin kể một ít câu chuyện để chứng minh.
Từ bắt đầu chửa bệnh Trùng độc cho con gái Ông hương chủ Hùng ở Hưng Nhơn thoát khỏi bệnh chết, tin ấy đồn ra, nhà Đức Ông đã không ngớt những con bệnh ế chỡ tới, Đức Thầy trị ai là hết nấy. Phương pháp trị bệnh của Ngài rất là đơn giản, có khi cho bệnh nhân uống nước lả, giấy vàng, có khi rưới nước lên người bệnh, có khi dùng dược liệu những loại dễ tìm như lá mít, lá ổi, lá xoài, bông trang… Trị hết những chứng nan y mà không phải tốn một đồng xu nào đã làm cho nhơn dân đầy lòng kính phục, nhưng việc độ bịnh của Đức Thầy còn đi xa hơn, cũng tại đây, Ngài cứu sống một người đã chết:
Anh Sinh nhà ở chợ quận Tân Châu, có người vợ bệnh nặng, đã đem đi chửa trị nhiều nơi với những Ông Thầy hay dược giỏi nhưng bệnh không thuyên giảm mà mỗi lúc nặng nề hơn. Nghĩ vợ mình không còn sống được bao lâu nữa, lòng anh hoàn toàn tuyệt vọng. May thay! Có người quen đến thăm bệnh vợ anh, kể hiện nay dưới làng Hòa Hảo có một thanh niên ra đời trị bệnh, tuổi trẻ nhưng vì tôn kính Ông Thầy trị bệnh giỏi, người ta gọi vị thanh niên ấy là Ông Tư, bệnh chi đem đến Ông đều được độ khỏi.
Người quen kể xong câu chuyện đồng thời khuyến khích anh Sinh mau đưa vợ đến đó. Đối với anh Sinh, cho dù vất vả mà có một chút hy vọng anh cũng tìm. Chỡ vợ anh đi bằng ghe chèo, anh rán sức chèo cho nhanh tới. Ghe cặp bến trước nhà Đức Ông, cắm xào cột dây đâu đó, anh vào trong muôi ghe cõng vợ lên mới phát hiện vợ anh đã chết, không biết bao lâu mà mình mẩy lạnh vờn. Lòng buồn gớm ghiết, hiện ra thái độ thất vọng não nề, về thôi. Trong khi anh mở dây nhổ sào lui bến thì trên bờ có tiếng kêu:
- Khoan đi đã anh kia! Chẳng phải anh đến đây để xin trị bệnh sao?
- Nhưng vợ tôi đã chết rồi.
- Chết cũng cứ đem lên tôi cứu.
Anh Sinh quá buồn kế lại lóe lên niềm vui với vài tia hy vọng, đâu còn để tâm suy nghĩ nhiều hơn mà biết người kêu anh lại là Đức Huỳnh Giáo Chủ, người mà anh đặt hết hy vọng sẽ cứu thoát được vợ anh khỏi tay tử thần nên đã không nài khổ cực, chèo ghe vượt dậm xa đến mà trễ mất rồi… Ngần ngại nhưng anh cũng phải làm, may ra có thể cứu sống vợ anh. Anh ôm thây chết từ dưới ghe lên bờ, Người thanh niên đứng trên bờ sông đón anh khi nảy đi cùng anh ra phía sau nhà Đức Ông, đợi cho anh đặt thây chết của người vợ yêu quí xuống chỗ nằm người thanh niên ấy bảo anh Sinh mang tô xuống sông mút nước, dặn rành hãy mút ngược nước mới là thuốc, đem lên trị bệnh. Bấy giờ anh Sinh mới chợt nhận trong óc mình chính đây là Thầy Tư mà chị bạn của vợ anh đã điềm chỉ. Quá mừng đến hấp tấp đi mất, anh Sinh mút vội vàng tô nước đem lên. Đức Thầy cầm tô nước, trách anh không nghe lời dặn mút nước xuôi chiều. Đức Thầy kêu anh đi mút nước lần nữa. Bị quở, lần nầy anh tập trung tinh thần mút đúng nước thuốc đem lên, Đức Thầy hớp ngậm nước phun khắp mình tử thi, làn da xanh mét của chị ta dần dần hiện lên màu da vàng, từ từ sống lại.

2. An Hòa Tự (Chùa Thầy) Trước hết, xin lược kể về nguồn gốc của chùa An Hòa qua bài viết của Ông Nguyễn Trung Hiếu.
Ông Phạm Miên từ miền Bắc vào Nam, định cư thôn Mỹ Lương, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1850, nơi đây còn hoang lâm, Ông phá hoang lập nên một mái am tranh, chuyên lo tu hành và độ bệnh cho bà con, đến năm 1900 thì Ông qua đời thọ 84 tuổi. Năm 1901 có Ông thủ tọa Thình từ Mặc Cần Dưng đến thay, sửa am lại rộng rãi hơn, tạo hình Phật bằng giấy để tôn thờ. Năm 1927 thủ tọa Thình qua đời Ông yết Ma Thường vào tiếp tục trụ trì. Chùa gổ lâu ngày hư mục, Ông Yết Ma Thường dường ít quần chúng ủng hộ, không có khả năng cất mới lại ngôi chùa nhỏ, nên 1935, Ông tình nguyện giao cho hương chức trong làng làm chủ, hương chức quyên tiền bá tánh xây cất chùa tường bê tông, cột gổ quí. Năm 1936, Làng cử Ông Dương Lai Bửu (Hương Chủ Bó) đi lên Châu Đốc rước thợ về đấp tượng Phật bằng xi măng thay thế hình Phật bằng giấy của thời Ông thủ tọa Thình.
Từ năm 1936 trở đi An Hòa Tự thuộc chùa Làng cất cho dân chúng đến kính bái, nguyện trau tâm sửa tánh, dân chúng nhờ đó mà có ít nhiều căn bản đạo đức. Đến ngày 18/5 Kỷ Mão 1939 Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, dân chúng nhờ có căn bản đạo đức đó mà nhận biết Đức Thầy là Phật lâm phàm cứu độ chúng sanh, nên dân chúng trong làng người có căn bản đạo đức khuyến khích người chưa có căn bản đạo đức hãy đến nhà Đức Ông mà xin quy y với Đức Thầy. Kẻ thức ngộ trước, người thức ngộ sau lần lược đến thọ giáo quy y. xứ gần đồn đến xứ xa, ngày như đêm rần rần kéo đến nhà Đức Ông, ai chưa quy y thì xin quy y, ai đã quy y rồi cũng đến để nghe Đức Thầy thuyết Pháp. Xin lập lại một đoạn ngắn trong bài viết “ 5 Cuộc Đối Thoại…” của Ông Nguyễn Văn Hầu “Trời mới vừa sáng ra một chập, chừng đâu lối 7 giờ theo đồng hồ thuở ấy, những tín đồ ở xa chưa kịp tới để nghe pháp, xin phù, nhưng số người ở lại từ đêm qua cũng còn đến hằng trăm. Tất cả đều ngơ ngác nhôn nhao, rồi thì thầm ứa lệ…”
21/12/2016

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét