Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

BÀN VỀ CHÁNH TINH TẤN


Có người đến tôi giải bày tâm sự: Khi đọc qua lời dạy của Đức Thầy ở mục Chánh Tinh, có chỗ chưa thông, lòng nghi ngại, nhờ tôi giúp ý kiến những câu dưới đây:
“Chánh tinh tấn dầu thành hay bại,
Cũng một đường tín ngưỡng của mình.
Dù cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới”.
Tinh Tấn: ta hiểu nghĩa chung chung là đi tới, lướt tới không ngừng. Xưa nay người ta áp dụng lướt tới để thành công thôi, nếu biết thất bại là không làm. Trong đây Đức Thầy kêu có cả hai “Dù thành hay bại” cũng “cứ một đường đi tới. Bại cũng đi tới để chịu bại, cháu thật không hiểu nổi dụng ý của Đức Thầy, kính mong các chú là hàng dày công, thâm học, giải đáp sự thắc mắc nầy cho cháu.
Đặt câu hỏi ý rất hay! Cám ơn em cháu tự bộc lộ những hoài nghi đã làm khó chịu trong lòng nhờ vậy tôi có sự hiểu thêm. Thú thật, em cháu đã đem tặng ý nghĩ sâu sắc mà tôi chưa hay chưa biết. Câu thắc mắc của em cháu đối với tôi hoàn toàn mới, nhưng sau khi nghe đặt vấn đề “BẠI” mà “cũng một đường đi tới” tôi chợt nghĩ ra chút ít vấn đề nằm ở đâu. Tôi nghĩ chúng ta phải nhờ chữ “CHÁNH” trong “Chánh Tinh Tấn” làm rõ mọi việc.
Nơi bài “ Luận về Bát Chánh” Đức Thầy có giải thích chữ CHÁNH trong mục “Chánh Kiến” làm tiêu biểu để từ đó về sau, bảy chánh kia không giải thích cá nhân về chữ Chánh nữa, vì chữ nầy ở đâu cũng mang một ý nghĩa mà thôi. Vậy ta dùng chữ CHÁNH của Chánh Kiến làm tiêu biểu sẽ hiểu được Chánh tinh Tấn.
Chánh: Đúng sự thật. Còn để giải nghĩa về Chánh Tinh Tấn Đức Thầy hạ bút “Tín ngưỡng chơn chánh và lướt tới”. Lấy nghĩa của chữ CHÁNH là chơn chánh, đúng sự thật, ta thấy đủ sức mạnh để vấn thân, dù khó khăn cũng “một đường đi tới”. Trong việc làm cá nhân hay công việc mà mình xác định là chơn chánh, đúng sự thật, thì hành động trong hân hoan, tự tin, hãnh diện, ngẩng cao đầu không e dè nhúc nhác. Đã có con đường chơn chánh, đúng sự thật mà đi, nữa sau lở mà thất bại, là do sự giác ngộ của hành giả không sâu, không tới  mà áp dụng triệt để Chánh Tinh Tấn. Có những việc do thời thế sắp đặt số mạng, nhưng người chơn chánh, làm điều chơn chánh chẳng vì sợ thất bại mà không làm; nên tiếp tục phát huy vai trò tinh tấn trên việc làm chơn chánh, đúng sự thật. Ví dụ: Một công dân lo việc nước non xả tắc, quốc gia trong tình trạng trạng báo động lâm nguy, trai thời loạn phải vào quân ra đánh trận là chơn chánh, đúng sự thật, không nề hà quân địch mạnh quân ta yếu. Đối với giặc cướp nước mà nghĩ địch mạnh ta yếu như thế thì chỉ còn giao giang san của Tổ Tiên cho giặc rồi còn gì! Thất bại là do trong dân chưa được câu “Sơn Hà Nguy Biến” đánh thức tỉnh ra, nhiều công dân thờ ơ với chuyện nước non, cả một quốc gia dân tộc mà thanh niên vào quân không đông là thiếu ngay ý thức hệ về vai trò tiếp nối người đi trước, thiếu sức mạnh đoàn kết trong dân. Quân xâm lược lúc nào cũng ở thế hùng mạnh, trang bị vũ khí hiện đại, tối tân trong khi đó những quốc gia bị xâm lăng thường là nhược tiểu, vũ khí thô sơ, lạc hậu, thiếu nhân tài chỉ huy, ít quân đội và quần chúng ủng hộ không nhiều, ra đánh đuổi là thua “bại” nhưng phải đánh chớ không xuôi tay cho quân xâm lược vào làm chủ quốc gia mình. Nhân dân phải hiểu cảnh nước mất thì tan nhà nát cửa, giống nòi nếu không bị tiêu diệt cũng bị pha trộn mất giống lai căn. Những vị anh hùng dân tộc như các Ông Nguyễn Trung Trực, Trần văn Thành, thủ khoa Huân, Trương Công Định…đều đã thất bại, chết trong bàn tay của quân xâm lược đâu phải các vị không biết thế giặc mạnh, mình yếu, có ít vị anh hùng không đủ sức đánh đuổi giặc Pháp, nhưng bảo vệ nước non dân tộc là điều chánh đáng, phải làm. Trong bài “Tiếng Súng Bên Lầu” có những dư âm của vừa là tiếng thở than vừa là khí phách mạnh mẽ:
“ Nếu mất thôi đành xong món nợ,
Nay còn há dễ ngó lơ sao?
Dọc ngang chí cả dù lao khổ,
Thất bại đâu làm dạ núng nao”
Qua lĩnh vực tôn giáo: Gặp lúc dân trong nước không được tự do tôn giáo, các đạo đứng ra đấu tranh đòi hỏi quyền cơ bản nầy, kẻ thì bị chết, người bị bắt đi tù án cao. Nói riêng về PGHH, tín đồ không những hiện giờ mà từ xa xưa, các cụ, các chú bác cũng vì đạo, lo bảo vệ đạo từ thời Pháp thuộc tới nay có biết bao đồng đạo lớp thì chết lớp bị tù đày mà một số đồng đạo thích yên ổn, hưởng thụ đã chê bai việc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo như đem trứng chọi đá, là hạng ngu dốt không biết tự lượng sức mình… giờ thì ai cũng thấy nhờ có mấy người ngu dốt nầy mà PGHH mới có được chút ít tự do như ngày hôm nay.
Tới đây ta đủ chứng minh, giữ vững lập trường chánh tinh tấn cho dù có bại cũng là bại trong vinh quang, bại cũng một đường đi tới, Đức Thầy có câu “bài rồi thành lại nên tuồng” vì thế “Đâu nản chí mà ngừng việc phải”, cho nên Đức Thầy nhắc nhở tín đồ “Thất bại đâu làm dạ núng nao”.
Phá rối đức tin: Đức tin là hướng sự tin tưởng đến một việc làm, một công cuộc hay về tôn giáo, tạo nên sức mạnh tinh thần, chắc chắn, không ai có thể phá rối, gây hoang mang hay cố tình chia rẻ nội bộ tôn giáo. Các cụ của mình xưa đã đối mặt trước bao nghịch cảnh, mình tu theo đạo PGHH mà người ta đồn đải, tuyên truyền rằng: Hòa Hảo ăn thịt người, xấu ác, gian dối, bịa chuyện thiên cơ, nói tứng ứng… đã làm cho các tín đồ tiền bối bỏ ra rất nhiều công sức giải bày tường tận cho dân biết bằng tổ chức những cuộc thuyết trình hoặc viết sách nói về Đức Thầy và PGHH: Đại ý: Đức Thầy là Phật từ trên cõi Cực Lạc lâm phàm dạy đạo cứu độ chúng sanh. PGHH là tên đạo Ngài đặt, giáo lý của đạo chủ ý hướng chúng sanh tu giải thoát sanh tử, trước ngưỡng cửa Niết Bàn Ngài Dạy “hãy tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách lạc Đạo an bần, xả thân tu tỉnh”, hoặc niệm Phật nhứt tâm cầu vãng sanh Tây Phương, hoặc tu trong trần thoát nhiễm đọa bởi trần:
“Sáu đường ấy ở trong tâm ý,
Ta mau mau dứt nó cho rồi.
Nếu tỉnh tâm nào có mấy hồi,
Mượn trí đạo đuổi ra khỏi xác.
Dứt được nó ấy là giauir thoát,
Thì xác trần mới khỏi đọa đày.”
Trong một đoạn khác, cũng nói về Chánh Tinh Tấn, Đức Thầy viết:
“Vậy mục Chánh tinh-tấn nầy khuyên hãy rán giữ đức tin cho mạnh-mẽ. Dầu các thị-dục có lớn lao thế mấy, dầu cho có sức lực gì cám-dỗ hay bức-bách bỏ lòng tín-ngưỡng đặng theo việc khác, các sự ấy cũng chẳng lôi kéo được”
Em cháu thấy đó, các vị tiền bối của chúng ta, gặp những kẻ “gây rối đức tin” các vị cũng một đường đi tới và cố gắng giải mã những khó khăn cho đồng đạo bà con bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền xằn bậy. Không như một số người khác, gặp kẻ “phá rối đức tin tôn giáo mình, chạy kiếm chỗ kín mà trốn, chờ người khác thực hành “Ta cũng cứ một đường đi tới” thành công thì ra mặt khoe khoang. Tín đồ mà như vậy thì câu “Dầu cho ai phá rối đức tin, ta cũng cứ một đường đi tới” là dạy cho ai?
Sau 30/4/1975 gió mạnh có độc đã xô xập hết am cốc của các vị tu sĩ PGHH. Mất nơi ở tu, về nhà hòa nhập vào đời, thiếu hành đạo, đức tin tôn giáo về giáo lý giải thoát vơi dần đến phải bỏ tu, bỏ đạo theo đời. Người học đạo, đức tin tôn giáo là điều quan trọng cần phải được bảo vệ tốt để nó tồn tại mãi trên đường cầu đạo giải thoát. Xưa có Ông Thanh Tiến Sĩ tu hành tinh tấn đức độ hơn người, bổng vua ra lệnh cấm tu, ai không nghe lệnh còn tu tiếp thì sẽ bị xử trảm. Rất nhiều người nhận lệnh vua ban sợ quá bỏ tu trở về nhà hoàn tục, duy có Ông Thanh Tiến Sĩ đức tin tôn giáo vững như núi, cứ một đường đi tới, chết không sợ. Trong thời kỳ khó khăn về tự do tôn giáo, tinh tấn trước các sự cám dỗ, bức bách bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời, ta giữ vững đức tin tôn giáo có bị khổ cũng thời gian ngắn thôi nhưng nếu bỏ lòng tín ngưỡng Phật Trời, vui theo thị dục, sa đọa vào chỗ thấp hèn, tội  lỗi thì phải luân hồi trả quả.
Về việc bị kẻ khác phá rối đức tin, không phải chỉ xảy ra ở các bậc cao đồ mà còn diễn biến đến vị tôn sư PGHH, nội dung của sự phá rối đức tin tôn giáo được Đức Thầy viết bài “Đính Chánh” như sau:
“Gần đây có kẻ ngoa truyền,
                                   Một bầy sấm ngữ nơi miền Hậu Giang.
Nói rằng: tháng tám tai nàn,
                                   Tối tăm Trời đất tan hoang cửa nhà.
Kẻ gần rồi đến người xa,
Từ trong thôn-dã đến ra thị thành.
Hại cho quốc kế dân sanh,
Ruồng đồng tươi đẹp dân đành ngó lơ.
Thương thay những kẻ ngu khờ,
Lầm mưu gia trá ngẩn ngơ ưu sầu.
Hỏi rằng: Sấm bởi nơi đâu,
Nói: “Ông Hòa Hảo làm đầu truyền ra”.
Buộc lòng tôi phải đính ngoa,
Cho trong toàn quốc gần xa được tường.
Chuyện ấy là chuyện hoang đường,
Của bọn phá hoại chủ trương hại mình.
Anh em ta hãy đồng tình,
Nếu gặp “nắm óc” đem trình “công an”.
Chúng ta giải quyết lẹ làng,
Đừng để chuyện huyễn tràn lan ra nhiều”.
Em cháu thấy đó, chuyện ở đâu cũng đổ thừa “Ông Hòa Hảo làm đầu truyền ra”. Người ta phá rối đức tin tôn giáo PGHH như thế, Đức Thầy còn phải viết bài “Đính Chánh” để cho cái “ngoa truyền” cút đi, tại sao đến phiên ta, gặp kẻ phá rối đức tin PGHH ta lại giả bộ vô tình không hay không biết?
Giờ cháu hiểu ra, cám ơn chú nhiều lắm.
Tôi cũng cám ơn em cháu đưa đề ẩn ý hay ho.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét