Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

GỢI VÙNG KỸ NIỆM (tiếp theo)

Chính vì sự theo về với PGHH đông đảo, Đức Thầy khai sáng đạo chưa đầy một năm làm chánh quyền thuộc địa hết chịu nổi về mặt an ninh, 12 tháng 4 Canh Thìn, phải cho dời đức Thầy đi xa để giải tán quần chúng quy tụ về Hòa Hảo.
An Hòa Tự cũng vì dân chúng trong làng theo về với PGHH mà đành chịu cảnh vắng vẻ, bơ vơ, dần dần các hương chức trong làng như ông Biện Đài, Ông Quản Diệp… quan làng còn ái mộ quy y PGHH quần chúng sao lại không ngã theo?
Quân Pháp buộc Đức Thầy phải sống lưu cư, hễ chỗ nào ở lâu, tín đồ nghe tin tìm đến thì họ lập tức đưa Đức Thầy đi nơi khác. Mãi vậy cho đến khi Nhựt đảo chánh Pháp 1945 Đức Thầy ra khỏi sự kìm hảm của quân dị chủng, Ngài đi Khuyến Nông để gặp dân chúng, tín đồ, đã từ lâu mong nhớ và Ngài về thôn Hòa Hảo nơi sinh ra ngài để kính thăm Đức Ông, Đức Bà song thân của Ngài trải qua thời gian xa cách như Ngài đã viết bài “Lời Nói Đầu” cho quyển Sáu: “Năm năm trường xa cách bởi cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gủi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi.”
Trở về làng Hòa Hảo lần nầy, đến đâu dân chúng bổn đạo thi lễ chào đón Ngài long trọng, các vị hương chức trong làng, chủ chùa An Hòa xin hiến tặng chùa cho Đức Thầy. Đức Thầy nhận chùa hỉ cúng và Ngài chính thức di dời lư hương từ nhà Đức Ông đến an vị trên chánh điện An Hòa Tự, mà chiếc lư hương đó cách nay năm năm vào ngày 18 tháng 5 Kỹ Mão Ngài đặt lễ Cáo Hoàng Thiên khai sáng đạo PGHH. Cuộc lễ di dời lư hương từ nhà Đức Ông đến An Hòa Tự ngày 29/4/ 1945 diễn ra rất long trọng, có các cụ cùng đi toàn mặc khăn đóng áo dài, Ông xã Hinh và Ông quản Diệp theo hầu, nhịp nhàng, trang nghiêm. Từ  nguồn gốc đó An Hòa Tự là của Đức Thầy nên đã phát sinh trong lòng tín đồ hai tiếng Chùa Thầy.
Chùa Thầy đã được chính bàn tay ngọc của Ngài thượng lư hương lên ngôi thờ Phật nên từ đó sự sinh hoạt của cửa thiền môn nầy ngả hẳng về PGHH. Các tượng Phật có rồi để y không được tạo thêm nữa. Ngài kêu gọi môn đồ phải thực hành giáo lý vô vi của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni bằng những câu “ Đạo vô vi của Phật ân cần, nối theo chí Thích Ca ngày trước” hoặc những câu sau đây:
“Làm vô vi chánh đạo mới mầu,
Đạo Thích Ca nhiều nẽo cao sâu,
Hãy tìm kiếm cái không mới có.”
Đạo dần dần lớn mạnh, ảnh hưởng bay cao, bay xa đưa tin, thiện nam tín nữ từ các nơi không ngớt đến An Hòa Tự, ngôi đại tòng lâm kỳ tích PGHH.
Năm 1952 tức sau Đức Thầy vắng mặt năm năm, Đức Ông cho khởi công trùng tu ngôi An Hòa Tự. Sau nầy, người đến chùa tu hành được Đức Ông đưa ra bản điều lệ, qui định sự tu hành phải hạnh cách như sau:
“ 1- Người Xuất Gia phải thường trực tại chùa, khi đi đâu phải có lý do chính đáng.
2-     Phải gìn giữ ngũ giới và tám điều răng cấm của PGHH và luật lệ nhà chùa do ban quản tự ấn định.
3-     Phân công trực nhật việc trong chùa hằng ngày và Rằm, Ba Mươi hoặc những ngày lễ.
4-     Từ lời nói, ý nghĩ, việc làm cần phải biểu lộ hiền lương, trang nghiêm, thanh nhã; nam, nữ phải phân biệt.
5-     Đồng phục bà ba hoặc áo vạt miễn. Khi công phu mặc áo tràng. Tuyệt đối không mặc thứ khác.
6-     Không được ngồi nói nhảm, cãi vã, đùa giởn.
7-     Không được ra đường hoặc đi theo xóm không có lý do.
8-     Đi, đứng, nằm, ngồi phải chuyên tâm niệm Phật.
9-     Khi ngủ phải nằm nghiêng về tay mặt, niệm Phật.
10- Cần phải siêng năng học hỏi đạo đức, học thuộc lòng quyển Khuyến Thiện và Những Điều Sơ Lược Cần Biết Của Những Kẻ Tu Hiền. Xem kinh đàm đạo.
11- Không được bàn thiên cơ, thời cuộc.
12- Không phạm mười điều ác. Khi biết mình phạm lỗi, cần phải phục thiện.
Phạm Luật:
- Lần thứ nhất: Cảnh Cáo
- Lần thứ nhì: quỳ hương và sám hối.
- Lần thứ ba: trục xuất khỏi chùa.
                           Tôn trọng tinh thần tự giác. ”

3. Thư Viện PGHH: Thư Viện nầy Đức Ông Huỳnh Công Bộ đứng ra thành lập, khởi công năm 1950, đến 1953 đưa vào sử dụng. Nơi xây cất thư viện, Đức Ông chọn vị trí khá đặc biệt, ngay mũi nhọn ngã ba từ chợ Đình đi lại, một ngã đến chùa Thầy ước độ bảy tám trăm mét, thẳng về phà Năng Gù, ngã kia xuống đường hồ, thành ra thư viện có 3 mặt nhìn trông rất đẹp. Thiết kế thư viện nầy là một kiến trúc sư người Pháp, dân mình không đọc viết được chữ người nước ngoài giờ không nhớ tên ông ta. Kinh phí xây cất có ông Trần văn Đối dâng hiến 30.000, tín đồ đóng góp 20.000. Tổng cộng tiền xây cất thư viện là 50.000. (theo dữ liệu của Ông Lê Tấn Tài ở gần và tiền bối thân nhân với Tổ Đình). Thời điểm 1950 - 1953 mà năm mươi ngàn, đồng tiền rất là lớn nên thư viện khá đặc biệt và sang trọng.
Thư viện chứa nhiều sách quí. Đức Thầy dạy đạo có cả quy trình của tam giáo: Phật, Lão, Nho nên thư viện cũng chứa đựng giáo lý của tam giáo cho tín đồ  PGHH nghiên cứu hành theo. Phật Giáo có Kinh, Luật, Luận, Lão Giáo và Khổng Giáo cũng có nhiều quyển luận ngữ nói về “Vô Vi Thanh Tĩnh” của Lão Tử, và Đạo làm người của Khổng Tử; Phật Giáo Hòa Hảo với quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ. Sau nầy 1965 PGHH có tư cách pháp nhân, nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu PGHH đã cho ra đời những tác phẩm rất có giá trị về mặt đạo đức nói chung, những tạp chí như Tiếng Quyên, Đuốc Từ Bi, những tài liệu tu học cho khóa “Đạo Pháp Khai Tâm”, tài liệu tu học “khóa Sơ Cấp” của ban phổ thông giáo lý trung ương lắm công phu biên soạn, rất có giá trị trên phương diện nghiên cứu chân xác về tôn giáo PGHH được trân tàng trong thư viện. Các đọc giả hay học giả muốn tìm hiểu tương đối đầy đủ về PGHH cũng lại đây mà tìm.
Nhưng tiếc thay! Sau biến cố chính trị 30/4/1975, vì thư viện là cơ sở của giáo hội PGHH nên đồng chung số phận với các giáo sản khác, bị tước lấy hoàn toàn, ngay cả quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ, chánh quyền địa phương các nơi còn ra thông báo kêu giao nạp, không ân huệ cho một văn phẩm nào.  Lúc đầu hình dáng thư viện còn nguyên, chỉ đổi nhản, đổi ruột, không đổi da, người tín đồ nhìn vào đấy còn những tia hy vọng luật nước có ngày thay đổi, thư viện sẽ trở về cố chủ, da còn nguyên, đổi ruột, đổi nhản trở y như nguyên thỉ đâu mấy hồi.
Hy vọng không thành, thành tuyệt vọng! Khoảng đầu tháng 11 năm 2005 nhà nước huyện Phú Tân ra lệnh đập phá Thư Viện, Ông Trương văn Thức tín đồ PGHH tại trung tâm thánh địa, ngày 15/11/2005 đã gởi đơn thưa lên nhà nước huyện, tỉnh và trung ương nhưng không được các cấp giải quyết trả lại cho PGHH những gì đã có.
Tôi viết về những kỹ niệm để gợi nhớ gợi thương những đồng đạo đã biết chuyện về Tổ Đình, Chùa THầy, Thư Viện PGHH, đồng thời giới thiệu em cháu lớn lên sau nầy biết được cơ nghiệp của các tiền bối mình.

24/12/2016 – 26/11/ Bính Thân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét