Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

NGUYỆN DỨT TRẦN AI

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính chào quý đồng đạo! Tôi rất hân hoan được quý vị đến thăm để chúng ta có dịp gởi lời chào hỏi cho tình đạo mặn nồng, chung tay xây đắp cội cả “con một cha”. Trong sự thăm viếng nhau quý vị còn có yêu cầu gì không ạ?
Dạ có, chúng tôi muốn làm chủ sự tu không bị nợ trần ai đeo đắm, kể cả những mộng mị yêu đương đang lúc chúng tôi tuổi còn quá trẻ, có cách không ạ?
Cách thì chưa có, tôi đang sử dụng cách của Đức Thầy và đầy hy vọng có thể đạt đến mục tiêu: không nợ trần ai đeo đắm:
“Trót đã quy y giữa Phật đài,
Nguyện rằng đệ tử dứt trần ai.
Mong nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Chớ nhiễm nghiệp phiền, chớ đắm say”.
Với người đời, cõi trần ai đáng yêu đáng quý, nên người ta săn sóc không bỏ lở cơ hội khi danh, lợi, tình đưa đến, có người rất lao tâm lao lực về bề thế, nhà cửa, xe cộ, sửa sắc soi hình. Biết trần ai là cõi tạm, nhưng khi đã thăng hoa vào danh lợi tình thì phụ phàn sự hiểu biết, đang ở ngôi nhà sang trọng, chủ một chiếc xe sang trọng đắc tiền, chàng và nàng không muốn nghe ai nhắc nhỡ đời là cõi tạm nữa đâu! Người đời mà như vậy cũng không mấy đáng tiếc, khách thiền môn nặng nợ nâu sồng, qua mấy đoạn xông pha trên đường trần vượt nhiều thử thách, thách thức và sự cám dỗ, thu ngắn đoạn đường về Phật, giữa chừng trúng độc, hay bùa ngải của ai không xem cõi trần là nơi tạm ở nữa…yêu đời đến lãng mạng.
Theo như chúng ta biết, có hai dạng người tu, một là làm lành cầu phước báu đến với hiện kiếp và kiếp lai sinh, hai là đặt trọng tâm trong việc “Dứt trần ai”. Người làm lành cầu phước báu đến trong hiện kiếp và kiếp lai, hằng ngày chăm sóc việc giúp đời, bố thí người nghèo khổ hoặc tai nạn thình lình đưa đến. Nói chung là làm các công tác từ thiện, yêu cầu có việc từ thiện để tham gia, bằng tiền của hoặc đổ công sức, không ngại khó nhọc, tích cực hơn cả công việc làm của nhà mình. Công tác từ thiện rất là mạnh mẻ, còn hành đạo mỗi ngày hai buổi công phu là xong và trong mỗi cử công phu, đọc bài nguyện thuộc lòng rồi lạy, không cần biết tu tâm dưỡng tánh là gì, quên hẳng rằng: trong khi làm từ thiện có thể tu tâm dưỡng tánh được bởi công việc bằng tay chân, nếu không kiểm soát cái tâm để chúng tha hồ chạy đi đâu mặc sức, dựa vào việc làm từ thiện mà đánh mất sự tu tâm dưỡng tánh, đến lúc giả biệt cõi đời phước thiện có thể cho ta tốt lành ở kiếp sau chứ không giải quyết cho hành giả về Tây Phương Cực Lạc. Trong khi nguyện lạy Phật, vọng niệm chúng sanh bành trướng, áp đặt, chiếm mất chánh niệm cũng thây kệ là có ngày nó sẽ cho nghỉ tu luôn.
Ta thử tìm hiểu bốn câu giảng nêu trên trích trong bài “Thức tỉnh một nữ tín đồ ở Bạc Liêu” để biết ý nghĩa Đức Thầy dạy mà hành trì.
Trót đã quy y giữa Phật Đài: Người tín đồ PGHH làm lễ quy y trước bàn th Tam Bảo Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng bảo trong nhà. Quy y là nguyện hứa làm theo lời Phật dạy, trong bài nguyện có đoạn “Nay con nguyện cải hối ăn năng làm lành lánh giữ, quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật Đạo”. Cải hối tức hối hận, hối những tội lỗi mình đã làm, lương tâm cắn rức vì đã lỡ làm; ăn năng là quyết từ nay không tái phạm những điều sái quấy nói trên.
Đệ tử: Người học trò được Thầy chọn lựa trong đám học trò. Điều nầy cho thấy, không phải mỗi học trò đều là đệ tử, phải là học trò sắc sảo về sự hiểu biết và hạnh cách.
Dứt Trần Ai : vì biết cõi trần là nơi tạm giả, cái thân ta quí yêu biết chừng nào, lo đủ thứ cho thân mà thân đã giả thì còn có cái gì trên thế gian nầy thật? Không tríu mến, sẵn sàng rời bỏ cõi tạm bất cứ lúc nào để đến cõi bất sanh bất diệt, vĩnh viễn trường tồn, từ việc cất nhà, sắm sửa không để công của vào đó nhiều, có dư thời giờ tỉnh tâm tu niệm, chuẩn bị hễ mãn kiếp hồng trần, chuyến đò Tây Phương đến rước là sẵn sàng đi ngay, không tiếc.
Đuốc Huệ: Đuốc: nhiều vật cháy gom lại, bó thành một đốt lên, như nói bó đuốc. Một vật cháy đã sáng, nếu được gom nhiều vật cháy sáng thì ánh sáng sẽ tưng bừng lên. Đại ý, đuốc riêng dùng dẫn đường, giơ cao ánh sáng soi đường. Huệ: Danh từ nhà Phật chỉ trạng thái sáng suốt khi hành giả định tâm. Theo lý giải trên, đuốc huệ là ánh sáng của trí huệ, ánh sáng nầy hơn cả ánh sáng thông thường của người đời học rộng hiểu sâu, vì nó không phải chỉ có một vật sáng mà nhiều vật sáng gom lại trong định.
Soi Đường Tối: Soi là ánh sáng rọi thẳng về một hướng. Ví dụ người có chuyên môn soi ếch, soi cá, dùng đèn gom bốn hướng soi thẳng một hướng cá, ếch, thấy sáng trưng ra. Soi đèn là dùng cho ban đêm, đâu đâu đều tối, ếch, cá do tối mà trừng lên mặt nước hay ngồi trên mép hầm, đèn sáng soi ngay bắt là dính. Đường tối là lối đi không có ánh sáng, soi đường tối tức làm sáng lối đi, những gì là vật cảng hay sự cám dỗ sẽ bị ánh sáng trừng phạt mất hiệu năng chúng sẽ biến mất.
Nhiễm Nghiệp Phiền: Nhiễm: theo chữ lây nhiễm, truyền nhiễm, ví dụ về bệnh thì bệnh nầy không tự có mà do lây nhiễm từ người khác. Trong nhà đông người, có một người bệnh lao thôi không khéo ngăn ngừa bảo vệ tốt đố khỏi lây qua cả nhà. Cha Mẹ sanh ra “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện” lớn lên hung ác bạo ngược, đua đòi ham thích là do tập nhiễm. Đức Thầy viết bài “Luận Về Tam Nghiệp” ở mục Sát Sanh, Ngài giải thích “Con người mới sanh ra ở đời đều có tánh hiền lành cả. song đến lúc lớn khôn vì phải sống chung chạ với thế-giới người hung-tàn bạo-ngược, tánh-nết liền ô-nhiễm những sự xấu-xa hèn kém, trở nên độc ác dữ-dằn”.
Độc ác dữ dằn để chịu quả báo, Đức Thầy còn giảng thêm rằng sự lây nhiễm chẳng những bị luân hồi trả quả, nó còn là tật xấu che mờ Phật tánh:
“Sách thánh đạo ghi trong Tam Tự,
Người mới sanh tánh thiện Trời dành.
Bởi lớn lên tập nhiễm lợi danh,
Nên tật xấu che mờ thiện tánh”
Nghiệp Phiền: Nghiệp là tác động của việc làm hay những điều mình suy nghĩ, như việc làm bất chánh để lại hậu quả khiến nên có khi nghèo khổ, bệnh tật; còn suy nghĩ thuộc tư tưởng: thương, ghét, lo buồn … Phiền là gặp những sự xảy ra ngoài ý muốn, không đành lòng. Nhiễm nghiệp phiền tức sa đọa vào những việc làm bất chánh, tội ác, tâm bị phiền não trói buộc vào lo âu, buồn bã, thương ghét. Vì thế Đức Thầy dạy môn đồ tu hành phải làm sao “Chớ nhiễm nghiệp phiền”.
Đắm Say: Đắm: bị chìm xuống hay lụy vào, ví dụ: đắm vào cờ bạc, sắc đẹp là chìm đời trong cờ bạc, sắc đẹp. Say: ngược lại với tỉnh. Đắm say là chìm vào sự mê mang trong cõi trần ai vì thế Đức Thầy dạy môn đồ là “Chớ Đắm Say”.
Đại ý của những câu trích dẫn trên: Người tín đồ PGHH, quy y trước ngôi Tam Bảo nguyện từ đây tu Dứt Trần Ai để không bị chìm đắm trong cõi giả tạm. Muốn vậy, phải cần tu cho đạt trí huệ, soi sáng hành trình, tự cắt đứt dây nhợ đã từ lâu buộc ràng trong nghiệp báo và sự đắm say cõi tạm. Đức Thầy đã cảnh báo cho những ai quy y Tam Bảo “Thế trần tạm giả gạt đời ta”. Sự gạt gẩm ấy ở mãi trên đường dài từ bờ mê sang bến giác, từ cõi Ta bà ô trược suốt đến kế cận cõi Tây Phương với khoảng cách mười muôn ức Phật độ, hãy cẩn thận, không để xảy ra sự đáng tiếc nào.
Giết chết hành giả trên đường về Tây Phương Phật đa phần là lục dục, thất tình. Lúc nào cũng có những bộ mặt Sắc Thinh Hương Vị Xúc Pháp (thấy nghe ngửi nếm cảm biết) cám dỗ, nhiều vị tu hành qua hai mươi , ba mươi, bốn năm mươi tuổi đạo, tương chao tàu hủ đầy người, vướn vào bẫy cám dỗ là văng xạch bách. Nên Đức Thầy dạy tu “Nguyện rằng đệ tử dứt trần ai” lòng dứt trần ai là lòng sáng suốt chính là lúc “trí huệ soi đường tối” thấy được tận hang ổ của giặc phiền não, trừ tuyệt, “dứt trần ai”. Cho dù đời có bao nhiêu bẫy cám dỗ cũng không giăng bắt, dụ dỗ được những hành gi sáng suốt, tâm không còn tríu mến cõi đời.
Kính thưa quý vị! Vừa qua tôi đã chia sẻ cùng quý vị lời Đức Thầy dạy cách tu cho một nữ tín đồ ở tỉnh Bạc Liêu. Đến đây xin tạm dừng. Kính chúc thân tâm an lạc, tu hành tinh tấn.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

12/12/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét