Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 3

Kính thưa chưa chư quý đồng đao! Buổi học hôm nay chúng ta học tiếp bài “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN” đến mục Tứ Đại Trọng Ân, qua thời lượng có hạng ta chỉ học hai trọng ân thôi:
1 Ân tổ tiên cha mẹ,
2 Ân đất nước.
Tuy chọn hai trong bốn nhưng hai mục nầy phần chánh văn khá dài, rất mong có sự cố gắng của quý vị, có chí thì nên mà.
PHẦN 1: HỌC CHÁNH VĂN.
Sách xưa có câu: “Thiên Kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn vạn quyển kinh của Phật Thánh Tiên đều lấy sự hiếu nghĩa làm đầu). Hôm nay đã quy y đầu Phật tu niệm tại gia, ta cố gắng vưng lời Thầy Tổ đã dạy, lo tròn câu hiếu nghĩa.
Đức Phật Thầy Tây An thuở xưa thường khuyến khích các môn nhơn đệ tử rằng: “muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân ta cần phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn.
1.    Ân Tổ Tiên cha mẹ,
2.    Ân đất nước
3.    Ân Tam Bảo
4.    Ân đồng bào và nhơn loại( với kẻ xuất gia thì ơn Đàn Na Thí Chủ)
* ÂN TỔ TIÊN CHA MẸ: Ta sanh ra cõi đời được có hình hài để hoạt động từ thuở bé cho đến lúc trưởng thành, đủ trí khôn ngoan, trong khoảng bao nhiêu năm trường ấy, cha mẹ ta chịu biết bao khổ nhọc; nhưng sanh ra cha mẹ là nhờ có tổ tiên, nên khi biết ân cha mẹ, ta cũng có bổn phận phải biết ân Tổ Tiên nữa.
Muốn đền ơn cha mẹ, lúc cha mẹ còn đang sanh tiền, có dạy ta những điều hay lẽ phải, ta rán chăm chỉ nghe lời, chớ nên xao lảng, làm phiền lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẫn trái với nhân đạo, ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản. Chẳng thế, ta còn phải lo nuôi dưỡng báo đền, lo cho cha mẹ khỏi phải đói rách, khỏi bịnh hoạn ốm đau, gây sự hòa hảo trong đệ huynh, tạo hạnh phúc cho gia đình, cho cha mẹ vui lòng thỏa mãn. Rán cầu cho cha mẹ hưởng điều phước thọ. Lúc cha mẹ quá vãng, hãy tu cầu cho linh hồn được siêu thăng nơi miền Phật cảnh thoát đọa trầm luân.
Còn đền ơn Tổ Tiên là đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, nếu tổ tiên có làm điều gì sai lầm gieo họa đau thương lại cho con cháu, ta phải quyết chí tu cầu và hy sinh đời ta làm điều đạo nghĩa, rửa nhục tổ đường.
* ÂN ĐẤT NƯỚC : Sanh ra, ta phải nhờ Tổ Tiên cha mẹ; sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cấp cứu nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.
Hãy tùy tài tùy sức, nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ giúp đỡ quê hương, ta rán tránh đừng làm việc gì sơ xuất đến đổi làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước.
Đó là ta đền ơn cho đất nước vậy”.
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG.
Hiếu nghĩa vi tiên: Hiếu nghĩa là nói về đạo làm người, vi tiên là trước hết; hiếu nghĩa vi tiên tức sử sự đạo hiếu đứng đầu. Cổ nhân bảo “ một năm có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông thì mùa xuân đứng trước của năm; người có trăm hạnh, hạnh hiếu ở hàng ưu tiên.”Luận như thế đủ hiểu hiếu nghĩa là đạo được đem dạy trước nhứt ở ba tôn giáo bao gồm. Đức Thầy nhắc lại sách xưa “ Muôn việc lành hiếu thuận đứng đầu”.
Phật Thánh Tiên: Là ba ngôi vị ở hàng trên trước. Thế gian có nhiều đạo, tên gọi khác nhau nhưng tựu trung cũng là ba ngôi lớn: Ngôi Phật, Ngôi Thánh, Ngôi Tiên.
Đức Phật Thầy Tây An: là tiếng gọi tôn danh đạo đức, tên họ thật của Ngài là Đoàn Minh Huyên sinh vào rằm tháng 10 năm Đinh Mão 1807 tại làng Tòng Sơn, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ngài sáng lập tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương năm 1849 đến năm 1856 là viên tịch, trong vòng bảy năm dạy đạo Ngài đã đào tạo được “Thập Nhị Hiền Thủ” tức mười hai Ông Đạo đệ tử tài năng đức hạnh với nhiều cơ sở tôn giáo trong miền Tây Nam nước Việt.

Phật Thầy, được dịch từ “Đoàn Phật Sư” trên bia mộ. Sư có nghĩa là Thầy, Phật Sư tức Phật Thầy. Tây An là tên của một ngôi chùa đã có sẵn ở vùng Núi Sam, hướng tây nam, cách thị xã Châu Đốc khoảng 7 cây số. Lại cũng có chùa Tây An ở vùng cù lao Ông Chưởng, nơi đây trước là cái cốc tu của Ông đạo Kiến, Đức Phật Thầy có đến đây thuyết pháp, trị bệnh cho bá tánh. Đã có dấu tích của Đức Phật Thầy nên khi  triều đình vua Tự Đức cho Ngài được tự do truyền đạo nhưng buộc Ngài phải thế phát quy y ở chùa Tây An núi Sam thuộc phái Thiền Lâm Tế Phật Giáo mà dấu tích của Đức Phật Thầy ở cốc Ông Đạo Kiến sau nầy nâng cấp thành chùa lấy tên gốc là chùa Tây An.
Ân TỔ Tiên Cha Mẹ: Cha mẹ sanh ra ta, tổ tiên là đấng sanh thành của cha mẹ. Thế gian người người đông đảo, ai cũng do cha mẹ sanh, nuôi nấng dạy dỗ. vất vả trăm điều vì con. Từ khi chào đời cho đến lớn khôn thành gia thất, cha mẹ tốn không biết bao nhiêu công lao và tiền bạc. Những người giàu sang uy quyền tột bực đến dân thường nghèo rách, hạng trí thức có chỗ đứng cao trong xã hội, tất cả không ai từ dưới đất vọt lên hay trên Trời rơi xuống, họ đều có cha mẹ sanh, cho hình hài. Công ơn to tác ấy đã có ca dao nhắc nhở:
“Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Đức Thầy cũng dạy môn đồ:
“Mẹ cha là kẻ trọng ân,
Dưỡng nuôi báo hiếu lúc thân yếu già”.
Đó là lúc sanh tiền, còn khi đã quá vãng thì:
“Dường linh đơm quảy mới là,
Có chi cúng nấy vậy mà dân ôi !”
Đồng thời còn phải tu cầu cho cha mẹ siêu sanh Tịnh Độ và tự tu cho đắc đạo cứu thoát cửu huyền thất tổ:
 “Rán tu đắc đạo cứu cửu huyền,
Thoát chốn mê đồ đến cảnh tiên.
Ngõ đáp ơn dạy công sáng tạo
Cho ta hình vóc học cơ huyền.”
Chăm chỉ nghe lời: Chăm chỉ nghe lời có hai nghĩa, một là chăm chỉ nghe cho rõ lời dạy bảo của cha mẹ, hai, nghe lời bằng cách thực hành. Chăm chỉ là để ý từ chút vào vấn đề, tập trung tinh thần. Khi  cha mẹ dạy điều gì phải chăm chỉ lắng nghe. Nếu điều dạy không có gì mờ ám thì thực hành ngay, bằng có chỗ nghi ngại thì phải đem thước đo nhận định đúng hay sai lợi hay hại; nếu đúng, có lợi thì làm theo, còn sai, có hại thì nên giải bài cặn kẻ, tìm cách khuyên can.
Lầm lẫn trái với nhân đạo: Lầm lẩn tức là lộn lạo với nhau trong nhận thức, làm việc tà mà tưởng chánh, do cũng vì nuôi con mà ra. Ví dụ, người ta thường nói “Đau chân hả miệng”. Con cháu bệnh, thay vì phải trị bệnh bằng dùng thuốc họ lại đi coi quẽ xin xăm, nhờ sự hộ độ của Thầy bùa Thầy ngãi, dùng phép thuật, hoặc sát sanh hại vật mà cúng kiếng cho mấy thầy bà. Nhân Đạo tức đạo làm người, đạo có tam cang ngũ thường, tam tùng tứ đức. Vì nuôi con mà cha mẹ làm điều lầm lẩn trái chống nhân đạo.
Gây sự hòa hảo trong đệ huynh: Trong việc đáp đền Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, có bốn điều quan trọng phải làm, 1 khuyên can cha mẹ không tiếp diễn những điều lầm lẩn trái với nhân đạo, 2 lo nuôi dưỡng báo đền, trong nuôi dưỡng là không để cha mẹ đói rách, bệnh tật ốm đau, 3 gây hòa hảo trong đệ huynh, 4 là cầu nguyện và tự tu tự độ cha mẹ. Như ta thấy điều thứ 3 gây hòa hảo trong đệ huynh rất là quan trọng trong việc kết hợp giòng tộc. Trên đời có nhiều cảnh cha mẹ chết đi thì anh em phân tán, ở cách không xa mà không qua lại hỏi han thăm viếng, chừng cúng giỗ song thân thì nhà ai nấy cúng, còn nói hơi nói hám với nhau, vì con bất hòa cha mẹ chết vong linh không được yên nghỉ.
Tồi tệ:Là tiếng ám chỉ sự sỉ nhục: Quân tồi, hạng tồi, ăn ở không ra gì, hạng tồi tệ trong xã hội.
Điếm nhục tông môn: Do vì có người làm điều lầm lỗi xấu xa, người ta hỏi kẻ đó là con cháu của ai để bị lây nhục đến họ hàng tông tổ. Ta đã thọ ân Tổ Tiên Cha Mẹ, muốn đền đáp ơn sâu Đức Thầy dạy đừng làm điều gì tồi tệ điếm nhục tông môn, đó là đền ơn tổ tiên vậy.
Sai lầm gieo họa đau thương: Nói ý: Sự sai lầm nào cũng sẽ dẫn đến hậu quả, do tính nặng nhẹ của sự sai lầm mà con cháu lãnh hậu quả rẻ hay đắc. Ở đây nói về bậc sanh ra cha mẹ, cũng như cha mẹ ta, vì nuôi con lắm khi lâm vào hoàn cảnh khó sử phải làm cái gì đó để giải vây tình thế mà lâm họa. Không làm điếm nhục tông môn là không làm người con cháu bất hiếu đối với những tổ tiên có tấm gương sáng, nhưng Tổ Tiên ai không có tấm gương sáng, lỡ làng gieo họa đau thương cho con cháu sau nầy thì con cháu hãy rán tu cầu cho tổ tiên được tội lỗi mòn tiều.
Tổ đường:  Nhà tổ, nguồn gốc của giòng họ.
Kính thưa quý vị! Tìm hiểu sự thật qua “Ân Tổ Tiên Cha Mẹ” mà Đức Thầy đã dạy, xét thấy, Tổ Tiên Cha Mẹ cũng là con người, kiếp sống phàm không phải Thánh thì những sai lầm dẫn đến trái với Nhân đạo hay Phật đạo là khó tránh khỏi. Trong lớp học của chúng ta đây, có người đã lên vai vế Ông Bà, Cha Mẹ, ta đã học đạo, biết đạo mà còn chưa chắc khỏi sai lầm, tội lỗi huống hồ những Ông Bà Cha Mẹ không tu, tội lỗi biết bao nhiêu mà đong đếm. Đừng ai nghĩ lời dạy của Ông Bà cha Mẹ đối với con cháu là đúng hết, hễ bảo là làm. Điều nầy đã thể hiện rõ nét trong lời dạy của Đức Thầy “Nếu cha mẹ có làm điều gì lầm lẩn… tổ tiên có gieo họa đau thương cho con cháu” ta rán hết sức tìm cách khuyên lơn ngăn cản”. Trước tiên là khuyên lơn, khuyên lơn không được thì ra tay ngăn cản để cha mẹ, Ông bà, không thực hiện tiếp tục sự sai lầm.
Ân Đất Nước: Đất nước là chỉ cho quốc gia, giang san bờ cõi. Nhờ đất nước ta có nơi ăn chốn ở, giữ được tính khí dân tộc, nòi giống Tiên Rồng. Chiều dài lịch sử có hơn bốn ngàn năm văn hiến, tiền nhân ta lớp lớp anh hùng, khi sơn hà nguy biến đầu quân bảo vệ nước non. Lúc nước nhà bình định, giặc giả không còn, ra công khai phá đất đai trồng trọt, phát triển những mô hình kinh tế để nhân dân có ăn có mặc. Nói tóm lại, chúng ta sanh sau đẻ muộn, sanh ra được sống yên trong bờ cõi vững lặng, có chợ búa, đường sá, xe cộ lưu thông để cho ta dùng là nhờ ơn đất nước trong đó có những con người của nước giỏi dang, bàn tay khéo léo làm nên.
Bị kẻ xâm lăng: Kẻ xâm lăng là giặc ngoài vào quấy động bờ cõi. Họ là nước ngoại bang, chiếm Việt Nam ta để mở rộng giang san của họ, hoặc làm thuộc địa cho nước họ. Thọ ơn thì phải trả ơn, khi bị giặc xâm lăng cướp nước ta phải có bổn phận bảo vệ nước nhà.
Nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo: Do có thấp và ngã xuống nên mới có nâng đỡ. Khi đất nước lâm vào cảnh gặc giả chiến tranh nhân dân trong nước chịu đủ thứ khổ, ruộng đồng bỏ hoang, các cơ sở kinh doanh sản xuất cung cầu không còn hợp tác. Kinh tế quốc gia xuống vóc trầm trọng, dân tình nghèo đói loạn ly, là lúc cần có sự nâng đỡ của mọi người, đâu đâu đều có trách nhiệm của công dân, người ta không đến đổi bỏ xứ sở quê hương mà đi tha phương cầu thực. Trước nhất là chia cơm xẻ áo. Ông Bà ta nói “Lá lành đùm lá rách, một nắm khi đói bằng một gói khi no”, sau chỉ dạy nghề, tạo việc làm cho sinh sống đến mức ổn định cuộc sống. Đức Thầy có câu:
“chúng vô phước đời nầy dốt nát,
Người khôn ngoan chỉ dẫn mới là.
Tâm từ bi sánh thể ngọc ngà,
Trong các báo khó bì tánh thiện.”
Do vì vô phước trước mà chịu dốt nát sau. Dốt nát có thể ảnh hưởng đến chuyện làm ăn sinh sống, không nghề nghiệp chính, điều nầy cũng nên nâng đỡ.
Kẻ ngoài thống trị: Kẻ ngoại nhân dị chủng đánh chiếm xong rồi “hành sử chủ quyền quốc gia  mà cai quản toàn thể nhân dân”( Hán Việt Từ Điển)
Bờ cõi vững lặng: Bờ cõi là chỉ cho ranh giới quốc gia, đồng nghĩa với giang san tổ quốc; vững là chắc chắn, lặng là không bị động bởi sự xâm chiếm bờ cõi. Bờ cõi vững lặng, trong nước không có chiến tranh giặc giả, nhân dân an cư lạc nghiệp.
Quốc gia mạnh giàu: Quốc gia có hai biểu ý: cấp lãnh đạo quốc gia hay quan chức thì hiểu quốc gia là nhà nước với bộ máy hành chính, lập kỷ cương trị dân, tạo phúc lợi hay hại cho nhân dân trong nước. Riêng dân thường hiểu quốc gia là nước nhà là nước của chính đồng bào dân tộc. Mạnh Giàu, thể lực vừa mạnh mẽ, có sức mà lại giàu của tiền. Nếu theo lẽ thứ nhứt là nhà nước giàu mạnh thì chỉ riêng quan chức ấm no, dân thường đói khổ (giống như hoàn cảnh hiện nay, cái gì cũng của nhà nước), còn theo lẽ thứ hai, nước nhà là của toàn thể nhân dân, hễ giàu mạnh thì toàn thể nhân dân đều giàu mạnh.
Đảm Đương: Đảm Đương là người mạnh dạn, gan dạ, gánh vác công việc. Người có khả năng đương đầu với công việc, trách nhiệm, bảo đảm, làm việc có kết quả tốt.
Chưa gặp thời cơ: Chưa gặp cơ Trời, thời Trời. Nói theo người có tín ngưỡng trên trước, việc gì cũng do “Trời Đất sắp đặt”, đi qua lốt tuồng; người không tin vào Trời Đất thì nói là “cơ hội”, dựa vào cơ hội để mua quan, làm giàu. Người tin Trời Đất, thời cơ, đã đến lúc đỗ quan, làm giàu thì là vị quan thanh liêm, giàu do tốt phước, mà kẻ cơ hội thì không phải vậy, được là chụp giựt, hóng hách, ngang tàng. Đức Thầy nhắc chuyện xưa, quốc gia đại sự làm an bá tánh:
“ Như đời xưa có gả Tử Phòng,
Xem thời cơ người đã rõ thông,
Dùng tôi thiểu mà an bá tánh.”
(chú thích: Tôi thiểu là tiêu thổi. Xưa quân hạng Võ hùng mạnh, đánh đâu thắng đó, phía đối địch bây giờ có Ông Trương Lương hiệu Tử Phòng xem được thời cơ lên núi Kê Túc chỉ thổi tiếng tiêu sầu làm cho quân Hạng Võ nhớ nhà đào ngũ, quân lính tróng trơn. Chịu đại bại, Hạng Võ tự cắt đầu tại bến sông Ô Giang)
Chưa gặp thời cơ phải chờ đợi thời cơ đến, như Đức Thầy căn dặn:
“ Lập thân danh tuần trải nơi nơi,
Chờ thời đại mới là khôn khéo.”
Lời xưa có dạy “Quân bất mình thần tử bất trung” Gặp Ông vua ác với dân, coi dân như cỏ rác, tối ngày lo củng cố quyền lực, dân nghèo đói thế nào thây kệ. gặp Ông vua như vậy mà đi đầu quân cho Ông ấy sao?
Đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch: Kẻ ngoại đich là người không cùng quốc gia dân tộc, đến nước ta có mưu đồ xâm chiếm. Gặp Ông vua ác mình không vào cùng lo chuyện nước non, nhưng không gì oán ghét Ông ta mà nỡ giúp sức cho kẻ địch để họ phá hoại giang san của Tổ Tiên.
Kính thưa chư đồng đạo học viên! Chúng ta vừa học xong hai trọng ân. Để trắc nghiệm cho bài học, quý học viên hãy học kỷ, để kỳ học tới, trả lời những câu hỏi sau đây:
1, Phật, Thánh, Tiên ra đời dạy đạo, dạy những gì trước nhứt?
2, Hãy cho biết tên thật của Đức Phật Thầy Tây An với ngày tháng năm sinh, năm nhập diệt và sự hoạt động tôn giáo của Ngài?
3, Đối với công ơn cha mẹ, thế nào là chăm chỉ nghe lời?
4, Thế nào là sự lầm lẩn trái với nhân đạo?
5, Nếu cha mẹ đã làm điều lầm lẩn, tìm cách khuyên lơn nhưng không được thì phải làm sao?
6, thế nào là nâng đỡ quê hương lúc nghiêng nghèo?
7, Danh từ quốc gia trong quốc gia giàu mạnh có ý nghĩa gì?
8, Thời cơ với kẻ cơ hội, về ý nghĩa có khác nhau không ?
9, Gặp người lãnh đạo quốc gia vô đạo, ác với dân, ghét quá đi thôi! nhằm lúc kẻ ngoại bang xâm lấn, ta có nên hợp tác với kẻ thù ngoại quốc để đánh bại kẻ thù trong nước không?
Hết buổi học. sẽ học tiếp buổi học 4: “Ân Tâm Bảo”





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét