Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

NHỮNG NGHI VẤN
BÀI ĐỌC THÊM CỦA NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
BUỔI HỌC 2


Sau phần chú giảng về hai hạng xuất gia và tại gia, phía đồng đạo học viên có đặt ra nhiều câu nghi vấn nhờ giải đáp. Câu hỏi thứ nhứt:
- Theo đạo Phật, như Ông giảng huấn viên nói, Tăng Sư giữ 250 giới luật, Ni Cô 348 giới luật. Đức Thầy dạy đạo Phật ở hàng tại gia cư sĩ, kêu giữ ít điều giới luật thôi. Cái gọi là “ít điều” ấy như thế nào?
- Hạng Tăng Ni xuất gia tu Phật Đạo, cư sĩ tu tại nhà cũng tu theo Phật đạo, pháp môn tu là bình đẳng trước tại gia và xuất gia. Hạng xuất gia sở dĩ Phật cho giữ giới nhiều là vì hạng tu nầy tự nguyện cao hơn, trách nhiệm nặng hơn. Tự nguyện cao hơn là gì? Từ một người có tình có cảm, nghĩa ân, sống cận kề bên Ông Bà Cha Mẹ, anh em, bè bạn, quê hương, sự tríu mến không phải là ít. Nhưng vì đạo Phật, vì giải thoát sanh tử đã tự nguyện rứt rời những người thân thương với quê hương yêu dấu để sống bên núi rừng, hang động, vắng tanh kẻ tới; hoặc vào sống chung trong chùa có đông người mà họ không bà con ruột thịt. Nếu không có tự nguyện cao, sức tu hành tinh tấn, đố khỏi mắc vào tâm trạng người đời, như Đức Thầy nói:
“Đã từng dựa kẻ nâu sồng,
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại duyên?”
Lâu ngày sẽ đi đến đổ vỡ:
“Trồng cây mà chẳng rắp rào,
Để cho gió lại tạc vào gốc lay”.
Trách nhiệm nặng hơn là gì? Tăng Sư có vị trí cao trong Phật Giáo, là một trong ba ở hàng Tam Bảo: Phật Bảo Pháp Bảo và Tăng Bảo, luôn luôn làm sứ giả trao truyền chánh Pháp của Phật cứu độ chúng sanh. Cư sĩ tại gia phần đông không được như vậy. Tự nguyện chút chút, trách nhiệm chút chút, một gánh hai đầu đời và đạo, đầu chỡ đời lúc nào cũng nặng mà đạo thì nhẹ bổng bồng bông. Đạo có chút biểu giữ giới nhiều làm sao mà đươc!
Cư sĩ tại gia gồm cả thiện nam tín nữ, danh từ nhà Phật có tên gọi Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, ưu Bà Tắc nhằm vào nam phái, ưu Bà Di nhằm vào nữ phái. Cư sĩ tu niệm tại gia, giữ Ngũ Giới hay Bát Giới. Ngũ Giới gồm có: Không sát sanh, không đạo tặc, không tà dâm, không nói hổn ác miệng, không uống rượu. Bát Giới gồm có Ngũ Giới và thêm 3 giới nữa là: 1, Không ướp hoa, thoa phấn, xức dầu thơm, dùng chuyền chuỗi ngọc, 2, không nằm giường cao và xem nghe hát xướng, 3, không ăn sái giờ. So hai hạng tu, hạng xuất gia giữ 250 – 348 giới, với hạng tu tại gia giữ ngũ giới, cao nhứt là bát giới của Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, mà nói “ Giữ gìn ít điều giới luật” là rất chính xác.

Nhưng đó là dòng chảy của câu “Đạo Phật từ xưa đến nay…” là thế, người tín đồ PGHH là đạo Phật vẫn phải áp dụng theo truyền thống giữ ngũ và bát giới, thêm vào đó, Đức Tôn Sư dạy tu cho hạng tại gia cư sĩ cũng có 8 giới, gọi đúng tên là “LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO”, Ta thường bảo nhau “ Tám điều răn cấm”, tên ấy không phải là tên tựa đề. Trong đây từ “răn Cấm” chỉ là lời giới thiệu chứ không phải tựa đề, ví vụ : “mình lầm lỗi thì rứt bỏ và giữ những điều răn cấm sau đây:” Ta lấy chữ răn cấm trong lời giới thiệu, cộng với tám điều “chẳng nên” rồi kết hợp mà kêu riết thành thói quen tốt. Tám điều giới cấm của đạo PGHH không liên quan hay chỉ liên quan rất ít với Bát Giới. Mỗi giới cấm đều làm đại thể bao gồm nhiều tiểu thể, ví vụ như điều răn cấm thứ nhứt: “Ta chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời theo đàng điếm, phải giữ cho tòn luân lý tam cang ngũ thường”. Trên đây các dấu phẩy ( , )đều bị buộc phải giữ giới cấm, vậy nhiều điều giới cấm trong một điều giới cấm.
Dẫn ra để có cơ sở chứng minh, còn phần chi tiết chúng ta chờ học đến bài “LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO”. Giờ xin hỏi vị vấn chủ còn thắc mắc gì thêm trong đề, nếu không xin cho qua câu hỏi khác.
- “Dốc tu cho mau thành Phật quả” với “lần lần lên còn đường giải thoát”, phía Dốc Tu thì mau thành Phật quả, còn tu lần lần chỉ được lên con đường giải thoát. Vậy có phải giải thoát là thấp hơn Phật quả?
- Giải thoát là danh từ chung dùng, bởi đạo Phật có tiếng là đạo giải thoát. Trọng tâm nói về giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Trong đạo Phật có bốn quả: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh n; quả Phật là quả cao nhất trong bốn quả. Người học đạo thường nói: Tu giải thoát làm Phật. Như vậy Phật là bậc tu đến giải thoát, do vậy, ý nghĩa thành Phật quả và giải thoát cũng giống nhau thôi. Điều đáng bàn ở đây là hai danh từ “Dốc Tu” và “Lần Lần”. Dốc tu đứng ở hạng xuất gia, lần lần đứng trong hàng tại gia cư sĩ. Nếu ta có gan mà dời thử, đặt dốc tu ở hạng tại gia, và lần lần ở hạng xuất gia là không phù hợp, gì sao?
Người tại gia tuy quy y đạo Phật, nhưng đời sống còn nặng nề về những chuyện thế gian, thời giờ tu hành rất ít mà ăn ở chung với nhiều người trong nhà, kẻ nói vầy người nói khác, nhiểm nọ, nhiểm kia, khó có sự trợ duyên cho mỗi lúc được giác ngộ sự đời. Không bạn đồng hành, hoặc có mà bạn đồng hành trong nhà, nhiểm việc trần gian, tu hành cũng bê bối, chết chùm, lấy đâu mà nương cậy? Sau cùng phải nương vào Pháp “hằng coi kinh sách sửa tánh răng lòng ủng hộ các sư” để mà “ lần lần tiến lên giải thoát”. Tại gia bề bộn việc đời nên việc đời nặng hơn tu niệm, chưa có sự nghiệp tu, sự nghiệp Phật Giáo. Đổi lại Nhà Sư, như Đức Thầy nói “ hoàn toàn ly khai với gia đình… dựa thân vào cửa thiền hoặc núi non am cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo Kinh Kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành giồi mài trí tuệ…”. Trông ra, đường tu của nhà sư là liên tục, chừng như không còn kẻ hở cho quân phiền não chen vào “thọc gậy bánh xe”. Dùng từ Dốc Tu cho Nhà Sư là phải thế lắm! Vấn chủ còn thắc mắc gì nữa không ạ?
- Đức Thầy cho biết sự dạy đạo của Ngài là “Nối theo chí hích Ca ngày trước”. Đạo Thích Ca có hạng tu xuất gia sao Đức Thầy xác quyết PGHH chỉ có một hạng duy nhứt là tại gia cư sĩ mà thôi?
- Đức Thầy bảo “Nối theo chí Thích ca” là tiếp nối chánh pháp vô vi, như những câu:
“Làm vô vi chánh đạo mới mầu.
Đạo Thích Ca nhiều nẽo cao sâu
Hãy tìm kiếm cái không mới có”.
Hoặc:
“Vô vi chánh đạo hỡi người ơi”
“Đạo vô vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích Ca ngày trước.”
Còn vấn đề dạy  tu, Ngài đặc biệt quan tâm người tại gia cư sĩ là nhắm vào số đại quần chúng. Đạo Phật ở Việt Nam đã có hạng tu xuất gia rồi, nhưng xuất gia  chỉ là con số rất ít trong khi đại quần chúng là con số rất nhiều. Có người chưa biết đạo đức, tội phước, thì họ lo tu phước nhiều hơn, đi chùa lạy Phật Bảo hoặc trai tăng cầu phước. Vấn đề quan trọng nhứt của chánh giáo nhà Phật là cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi mờ mịt, làm phước để không tội chưa đá động vì tới giải thoát mê đồ. Đức Thầy thố lộ tâm sự của Ngài:
“Thương quá sức nên ta bịn rịn,
Quyết độ đời cho đến chung thân.
Nếu thế gian còn chốn mê tân,
Thì ta chẳng an vui Cực Lạc.”
Cả cái thế gian nầy hễ ở đâu còn có chúng sanh mê thì Ngài sẽ giải mê cho họ. Hạng tu xuất gia số ít, đời người trần tục thì quá nhiều, Đức Thầy thị hiện trong số nhiều để cứu họ. “ sao chẳng ngồi yên nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trương thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần…”Hơn nữa, lúc lâm phàm Ngài đã lãnh sắc lệnh:
“Sắc của A Di và Phật Tổ”
“Khùng vâng lệnh Tây Phương Phật Tổ.”
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Đạo lành của Đức Di Đà, hành giả tha thiết niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, không cần đòi hỏi có thời giờ ở không hay đang làm lụn, niệm Phật trong tâm không có đụng phạm tay chân, cũng không cần trình độ thông tuệ, học rộng hiểu nhiều. Nam Mô A Di Đà Phật nhập tâm, chặt đức các duyên sự đời, tay chân đang mầng vì đó mà cái tâm tu vẫn tu, niệm Phật vẫn niệm. Không phải đức Thầy đã dạy sao!
“Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà,
Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc”
“Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau”.
Ở ngoài đồng tức người ta đang làm ruộng, vẫn niệm Phật được
Đã lãnh từ Đức Phật Di Đà dạy cái pháp dễ tu, bằng vào niệm danh hiệu Phật, không đòi hỏi ngồi đâu, đứng đâu niệm mới được, không đặt điều kiện giống như điều kiện xuất gia.
Nói tóm lại: Đức Thầy thị hiện trong cư sĩ tại gia để dạy đạo, vì nhắm vào số đông quần chúng chưa đủ điều kiện xuất gia mà các giáo hội Phật Giáo xưa nay chưa mấy quan tâm đến họ ở mục tiêu giải thoát, tập cho họ đi chùa lạy Phật, trai tăng cầu phước để có chết đi đào thai lại hưởng phước trong kiếp lai sinh. Đức Thầy muốn người tại gia tu niệm vẫn được giải thoát vẫn có thể sớm đạt mục tiêu nếu như đi đâu, ở đâu, ngồi đâu cũng niệm. Tu niệm được như vậy, cho dù tu đi lần lần nhưng nói, giải thoát chỉ trong một kiếp không phải là chuyện mơ hồ hay xa vời.
19/10/2015




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét