NHÓM HỌC GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
BUỔI HỌC 2
NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN
Đây là quyển thứ sáu mà Đức Thầy đã viết hồi tháng 5 dl 1945 tại
SàiGon
Xin chào chư quý đồng đạo! kỳ học
hôm nay chúng ta bắt đầu tìm hiểu về ý nghĩa bài viết của Đức Thầy được mang
tên “NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN”.
Bài viết dài, thể văn xuôi, có
nhiều tiết mục mà mỗi tiết mục Đức Thầy đều dạy tận tường. Thời học của chúng
ta có khoảng ba đến bốn giờ cho một ngày kỳ, không thể một lần mà học hết, nên
tôi đề nghị hôm nay chúng ta chỉ học qua hai đề mục “ Xuất Gia” và “Tại Gia”.
NHỮNG ĐIỀU SƠ LƯỢC CẦN BIẾT CỦA KẺ TU HIỀN
Sơ Lược: Báo trước cách trình bày rút ngắn câu chuyện hay
bài văn, đề thuyết; lược lại ý chính. Ví Dụ: Hôm qua tôi bận việc không đến
Quang Minh Tự dự học kỳ, anh làm ơn kể Sơ lược lại buổi học ấy để tôi biết với.
Cần Biết: Nghĩa thông thường là điều quan
trọng phải được bảo trì trong phạm vi “Kẻ tu hiền”. Xưa nay người ta đem dùng ở
nhiều lĩnh vực. Ví dụ Tu pháp môn Tịnh Độ là Niệm Danh Hiệu Đức Phật Di Đà thì điều
Cần Biết Niệm cách nào mới được vãng
sanh Tịnh Độ. Ngoài ý nghĩa khai thông đạo đức, từ Cần Biết ở bài dạy của Đức Thầy còn là một tiếng lệnh mà tín đồ là
người thừa lệnh.
Kẻ Tu Hiền: Kẻ là tiếng chỉ người
nào đó, Tu Hiền là trau sửa thân tâm cho nhơn đức, chơn chánh; những vì giúp ích
tiến trình tu là làm, không thì thôi. Ngoài những lẽ trên, “kẻ tu hiền” còn
mang một ý nghĩa danh xưng chuyên môn, ví dụ: Ông ấy là kẻ tu hiền anh đừng đem
chuyện đời mà đùa cợt tội nghiệp.
Tóm lược đại ý của chủ
đề:
Vắn tắt, ai muốn tu
hành đúng pháp, hãy học theo cách chỉ dẫn đầy đủ của phẩm giảng “Những Điều Sơ
Lược Cần Biết Của Kẻ Tu Hiền” nầy như người muốn tìm đường hay tìm ai thì phải
cần quan tâm cái địa chỉ, đi trên biển phải có bản đồ và kim chỉ nam; có đủ
những cái “cần biết” thì đường tu không bị rắc rối, không vướn bận, hành giả sẽ
đi sớm đến mục tiêu.
Kính thưa chư đồng đạo
hiện diện! Vừa qua chúng ta học ý nghĩa của tựa đề, giờ đến phần nội dung chính
nhá.
PHẦN II: Học và trả Chánh Vă n
“Đạo Phật từ xưa đến
nay luôn luôn phân làm hai hạng người:
1). Hạng xuất gia.
2). Hạng tại gia.
HẠNG XUẤT GIA: Gồm các nhà sư hay những ni cô đã hoàn toàn
ly khai với gia đình, quê hương bè bạn, dựa thân vào cửa Thiền hoặc núi non am
cốc, hằng ngày chỉ chuyên lo kinh kệ, săn sóc cảnh dà lam, trau luyện đức lành,
giồi mài trí tuệ hầu giảng giải cho bá tánh thập phương nghe để quày đầu hướng
thiện quy y Phật pháp, không còn thiết đến việc đời. Gia đình nhà cửa của nhà
sư là cả thế gian, thân quyến nhà sư là khắp cả nhơn loại đại đồng.
Đó là hạng người dốc
tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi.
HẠNG TẠI GIA: Gồm tất cả đại chúng, tất cả thiện nam tín
nữ chưa đủ điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ
quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội nên chưa thể làm như các nhà sư hay ni
cô đặng. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại
đồng của nhà Phật và luật nhân quả do Phật thuyết ra. Thế nên ở tại nhà, họ
phượng thờ Đức Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều giới luật, hằng coi
kinh sách, sửa tánh, răn lòng, ủng hộ các sư. Như thế họ cũng lần lần lên con
đường giải thoát.
Đây là hạng người học
Phật tu nhân.
Bàn xét như trên, thấy
rằng toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ, học Phật tu nhân
vậy.
Chú Giảng:
Hạng Xuất Gia: Xuất là ra khỏi, Gia
là nhà. Danh từ nhà Phật, xuất gia là ra khỏi nhà chung với thân quyến để
chuyên việc tu hành.
Đạo Phật, cũng gọi là Phật
Giáo, là một trong nhiều tôn giáo ở thế gian. Vị sáng lập đạo Phật là Đức Thích
Ca Mâu Ni, nước Ấn Độ 563 trước kỷ nguyên Cơ Đốc Giáo. Ngài Tu chứng từ bổn tâm
thanh tịnh mà thành chánh quả. Xét trong ai cũng có bổn tâm thanh tịnh nhưng vì
sống theo duyên nghiệp bên ngoài chung chạ với vô minh mà quên cái bổn tâm
thanh tịnh ấy. Tùy căn cơ của chúng sanh Ngài dạy cách tu để đạt ngộ diệu lý,
giải thoát mê đồ. Đạo Phật vượt thời gian chân truyền qua 33 đời Tổ, vượt không
gian đi từ quốc gia nầy đến quốc gia khác khắp cõi Ta Bà.
Nhà Sư: Nhà là ý nói người có
tính chuyên môn, giỏi nghề, hay việc, Sư là người nam tu hành, cũng gọi
là Tăng. Nhà Sư là vị nam tu chuyên môn, không chuyên môn chỉ gọi là Sư thôi.
Ví vụ: Cũng đồng là viết văn nhưng chuyên môn hơn người ta gọi là nhà văn, viết
báo chuyên môn người ta gọi là nhà báo, làm ruộng chuyên môn người ta gọi là
nhà nông giỏi… Quý vị đọc thấy Đức Thầy đã triển khai ý tứ cho một nhà sư có
chuyên môn “Đã hoàn toàn ly khai với gia đình, quê hương bè bạn…không còn thiết
đến việc đời, gia đình nhà cửa của nhà sư là cả thế gian, thân quyến của nhà sư
là khắp cả nhơn loại đại đồng”.Giải thích xong Ngài kết luận: “Đó là hạng người
dốc tu cho mau thành Phật quả, thoát kiếp luân hồi”. Do vì chuyên môn mà Đạo
Phật áp dụng Qui tắc cho Sư Tăng phải giữ 250 điều giới luật.
Ni Cô: Là người nữ tu hạnh
xuất gia, có quyền như các nhà sư, vào chùa hay tạo riêng am cốc nơi thanh vắng
chuyên tu, chọn pháp môn nào thì bình đẳng nhưng giữ giới nhiều hơn, bị ràng
buộc bởi 348 điều giới luật.
Ly Khai: Không còn dính líu.
Ví dụ: Ly khai khỏi tổ chức, để từ đó không còn trách nhiệm với tổ chức, ly
khai gia đình là không còn chịu trách nhiệm với gia đình. Ly khai hay khai trừ
đều có một nghĩa là ra khỏi tổ chức, gia đình, nhưng ly khai mang ý nghĩa tình
nguyện còn khai trừ là đuổi ra.
Dựa Thân Vào Cửa
Thiền:
Gọi vắn tắc, cửa Thiền tức cửa chùa, dong dài một chút người ta gọi là “Cửa
Thiền Môn”. Nơi đây là chỗ tu hành của những hành giả muốn lánh tục nên gọi là
“Dựa Thân”.
Am Cốc: Am là chùa nhỏ riêng
biệt hoặc nhà nhỏ đơn sơ sống an bần tu niệm; cốc là hang, động trên núi. Người
xuất gia ở ẩn Am Cốc vắng vẻ để tịnh tu.
Kinh Kệ: Kinh là lời Phật
thuyết đạo lý, các đệ tử ghi lại; Kệ như tóm tắt đại ý. Một thời kinh rất dài,
giảng rộng, e thính chúng nghe sau quên trước, nên thường thì sau mỗi thời Kinh,
Đức Phật hay nói kệ như nhắc lại ý chính, để đoạn trước đoạn sau đều nhớ.
Dà Lam: là chùa hay cửa
thiền. Chùa là nơi tu niệm, ý nói, săn sóc cảnh Dà Lam cũng chính là săn sóc việc tu hành.
Kính thưa quý vị! có
thể chúng ta xin ít thời giờ để bàn thêm chút chuyện Săn sóc cảnh Dà Lam cho ra cái lẽ chủ ý của Đức Thầy. Có người nói
Cảnh Dà Lam là cảnh quang trong chùa, cây cảnh, bông hoa. Dòng chảy “Săn Sóc
Cảnh Dà Lam” liền theo là “trau luyện đức lành giồi mài trí tuệ”. Cái việc tu
chừng như không còn kẻ hở ấy làm gì có chuyện săn sóc cảnh Dà lam là đi o bế
mấy cây bông hoa! Đừng nghe thấy chữ “Cảnh” mà đề cập cảnh Dà Làm là cảnh trong
sân chùa với những bông hoa tươi thắm, mĩ mìu, nghệ nhân con nầy hình nọ. Mắt
thấy sắc mà động lòng thì đừng nói là sắc gì, tu không nên đâu! Làm bất cứ việc
gì mà siêng năng săn sóc thì kết quả phải tốt cho việc đó. “Săn sóc cảnh Dà
Lam” chính là săn sóc việc tu hiền thì chỉ tốt cho việc tu hiền.
Bá Tánh Thập Phương: Bá Tánh là Trăm họ,
chỉ chung cho mọi người. Thập Phương là mười phương, gồm có Đông, Tây , Nam ,
Bắc; đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc với hai hướng Thiên và Địa. Ý nói, chúng
sanh trong mười phương rất cần có giá trị đạo đức trong cuộc sống, ai tu đạt
đến tâm trạng “Gia đình nhà cửa của nhà Sư là cả thế gian, gia quyến của nhà Sư
là khắp cả nhơn loại đại đồng” đem sự tu của mình mà giảng hóa độ chúng .
Quày Đầu Hướng Thiện: Người đang đi trên ác
đạo gây nhiều tội lỗi, nay không làm tội mà làm phước là quày đầu, hướng thiện
là hướng về đường lành, làm việc lành. Đức Thầy nói: “ai mà xét đến ăn năng,
quay đầy hướng thiện bần tăng dắt giùm”.
Quy y: Danh từ nhà Phật.
Quy là Về, Y là làm theo. Đức Thầy giảng rõ: “ Quy là về, mà về đâu? Về cửa
Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu.
Vậy quy đầu Phật là
nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện Cách nào ta phải
từ thiện theo cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo
cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt
là chỗ giữ giới luật hằng ngày”.
Ở Đạo Phật, Thiết ra
cái lễ cho người quày đầu hướng thiện gồm có Tam Quy, cũng gọi là quy y Tam
Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Quy Y Phật là phục mình kính lễ, theo
gương Phật mà tu; Quy Y Pháp: gồm có: Học hành, Bảo vệ và Truyền bá chánh pháp;
Quy Y Tăng: Tịnh hạnh hành đạo, giữ gới trang nghiêm.
Phật Pháp: Phật là đấng đã giác
ngộ, có tam toàn, tức toàn giác, toàn thiện và toàn năng; Pháp là lời Phật dạy
gồm Tam Tạng: Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng, có công năng đưa người quày
đầu hướng thiện từ mê sang giác, từ phàm phu thành Phật.
Đức Thầy là cổ Phật
lâm phàm khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo, lời dạy trong Sám Giảng Thi Văn đều
là Pháp của Ngài, Phật Pháp, tín đồ xem đó mà bảo trọng, tu học tất nhiên sẽ đắc thành. Nói gọn lại:
Phật Pháp tức là Đức Phật và giáo pháp của Ngài nói ra để độ chúng.
Phật Quả: Phật là một trong
bốn ngôi bậc trên trước: Phật, Thánh Tiên, Thần, Quả là ngôi vị, quả vị, chứng
quả Vô Thượng Bồ Đề. Cũng gọi là Quả Phật, tu chứng quả nầy là giải thoát mọi
khổ não, không còn sanh tử luân hồi.
Luân Hồi: Luân là bánh xe, Hồi
là trở lại, Ý nói kiếp con người hết sanh thì đến tử, tử rồi lại sanh, như bánh
xe, quay hết một vòng thì tiếp theo một vòng quay khác. Trong vòng quay luân
hồi, có kiếp làm đàn Ông có kiếp làm đàn bà, có kiếp giàu sang có kiếp nghèo
khổ, có kiếp ăn sống thừa thảy có kiếp đi xin không đủ mà ăn, kiếp làm người
kiếp làm thú … là do luật nhân quả. Nếu ai tu chứng viên thông hay Niệm Phật
đạt nhứt tâm Bất Loạn làm nhân thì kết quả sẽ được thành Phật hay vãng sanh về
cõi Phật, chấm dứt luân hồi.
Hạng Tại Gia: Danh từ nhà Phật,
chỉ người không đủ điều kiện tu xuất gia thì tu tại nhà, gọi đủ là tại gia cư
sĩ.
Non Sông Tổ Quốc: Non Sông người ta
cũng gọi khác đi là Sông Núi, chỉ cho giang san bờ cõi một quốc gia. Đức Thầy viết
bài “Chí Nam Nhi” trong đó có câu: “Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu, un đúc
giống anh hùng vang bốn bể”. Tổ quốc là các bậc Tổ Tiên đã lập ra nước Việt để
người đời sau không cần lập quốc mà là bảo vệ tổ quốc.
Sẵn Sàng: là nói đến chuyện có
liền, hiện có: Đồ đạc, xe cộ sẵn sàng, tiền bạc sẵn sàng, tới việc là đem xài
không cần phải kiếm. Nhưng ở đây trong khuôn phép đạo đức, chỉ “sẵn sàng hoan
nghinh ca tụng lý tưởng từ bi bác ái đại đồng của nhà Phật và luật nhân quả do
Phật thuyết ra” thôi.
Ít Điều Giới Luật: Vì tu ở tại gia cư
sĩ, sự tiến bộ chỉ là “lần lần lên con đường giải thoát” nên giữ giới ít hơn,
Ngũ Giới: Không sát Sanh, đạo Tăc, Tà Dâm, uống rượu, nói dối; hoặc thập giới: Không Sát sanh, đạo tặc, Tà
Dâm; lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ; tham lam, sân nộ, mê si là nói
theo đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo có tám điều răn cấm (phần nội dung của Tám
Điều Răn Cấm chúng ta bàn ở mục chính)
Sửa Tánh Răn Lòng: Tánh mà người tu nói
sửa được thì không phải là Phật Tánh, là tánh còn nằm trong viện phàm phu, có
thiện lẫn trong ác, có xấu lẫn trong tốt: sửa tánh tức là sửa cái ác tánh trở
thành thiện tánh, xấu trở thành tốt. Răn Lòng: Ngăn cấm từ trong lòng đồng thời
có thêm dạy bảo. Sửa Tánh Răng Lòng là ý nói: đã sửa được rồi thì nghiêm cấm
không cho phạm hư nữa.
Ủng Hộ Các Sư: Ủng Hộ là trực tiếp
tiếp tay, tiếp sức, tiếp ý với công việc của người khác, ví dụ tôi không là
người chủ sự công cuộc xã hội từ thiện nhưng có ai ra làm là tôi ủng hộ hoặc
sức lực, tiền bạc, lời lẽ… Không tu hạnh xuất gia nhưng ủng hộ người xuất gia.
Các Sư: Hầu hết những người Xuất Gia tu lên bậc Thầy, Các Sư là các Thầy. Việc
ủng hộ các sư ở người tín đồ PGHH còn phải qua sự chọn lọc những nhà sư xứng đáng,
hạnh cách, giới luật tinh nghiêm thì mới ủng hộ. Như bài “Đối Đãi Các Tăng Sư”
Đức Thầy dạy:
“ Tất cả bổn đạo nên
cung kính các Tăng Sư tu hành chơn chánh. Nếu các Ông ấy có dạy điều chánh lý,
phải nghe lời. Đối với hạng tu mà mình biết rõ là dối thế (như mấy Ông Thầy đám…) hãy tìm cách khuyên can các Ông trở lại con
đường chân chính của Đạo Phật. Nếu các Ông vẫn tiếp tục làm điều tà mị, mình
phải bài trừ triệt để và giảng giải cho quần chúng cùng những tín đồ nhà Phật
hiểu đặng xa lánh họ”
Tại Gia Cư Sĩ: Người ở tại nhà đặt
sự tu. (Chúng ta cần mở rộng điểm nầy). Theo Đạo Phật là bình đẳng các pháp
môn, người ở nhà hay ở chùa, xuất gia, tại gia đều có thể tu chung pháp. Ví dụ
Pháp môn Tịnh Độ, trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, ở chùa niệm được thì ở
nhà cũng niệm được. Chùa hay Nhà là nơi ở còn tu là ra công niệm Phật. Để đạt
kết quả của pháp môn Tịnh Độ là Niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” không dính
líu gì về tu chùa hay tu nhà. Lý thuyết là thế, đối đầu với Pháp Môn Tịnh Độ ta
phải công nhận gặp nhiều thứ khó hơn người tu xuất gia. Tuy nhiên, rán sức vượt
khó mà tu được thì khó sẽ dần dần biến thành dễ cho ta toại nguyện.
Học Phật Tu Nhân: Học Phật tức học Đạo
Phật đã có từ Đức Phật Thích Ca. Vấn đề Học Phật Đức Thầy dạy rất rõ nét:
“Vậy quy y đầu Phật là
nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải
từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách
nấy”. Dạy như thế thì Học Phật cũng chính là tu Phật. Tu Nhân tức tu theo đạo
nhân, từ bước đầu để lần lên Tu Phật.
Buổi học đến đây xin
tạm dừng.
Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
1. Xin cho biết sự khác biệt của từ Sư và Nhà
Sư?
2. Nữ tu xuất gia làm Ni Cô giữ bao nhiêu
giới?
3. Thế nào là “Săn sóc cảnh Dà Lam”?
4. Giải thích ý nghĩa Non Sông Tổ Quốc?
5. Ủng Hộ Các Sư, hãy giải thích dạng nào mới
được ủng hộ?
6. Cho biết cách sửa tánh răn lòng?
7. Cửa Thiền là nơi đâu? Ai mới là người dựa
thân cửa thiền?
8. Tu tại gia, Niệm
Phật cầu vãng sanh có khác hơn tu ở chùa không?
15/10/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét