Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

NHÓM HỌC GIÁO LÝ PHẬT GIÁO HÒA HẢO
BUỔI HỌC 1
HỌC HỎI QUYỂN SÁU của Đức Thầy

Kính thưa chư quý đồng đạo! hôm nay chúng ta bắt đầu học hỏi quyển sáu của Đức Thầy. Quyển Giảng nầy Ngài viết hồi tháng 5 dl 1945 tại Sài Gòn với tựa đề “CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO”.
Tên gọi Quyển sáu là theo số thứ tự, ví dụ: quyển nhứt, quyển nhì, quyển ba, quyển tư, quyển năm, quyển sáu nhưng mỗi quyễn có tên riêng như quyển Nhứt có tên là: SẤM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM, QUYỂN NHÌ có tên là: KỆ DÂN CỦA NGƯỜI KHÙNG, QUYỂN BA có cùng tên như quyển nhứt: SÁM GIẢNG KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM, QUYỂN TƯ có tên: GIÁC MÊ TÂM KỆ, QUYỂN NĂM có tên: KHUYẾN THIỆN, và QUYỂN SÁU có tên: CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO”
Chú Giải Tựa Đề:
Cách Tu Hiền: Cách là đưa ra thức lệ, cách thức. Nói rõ hơn, tu là phải có cách, như Đức Thầy nói “Tu biết cách như đươn biết đát”, cho đến Cầu Nguyện cũng phải có “cách Cầu Nguyện Cho Người Chết”. Tu là sửa, hiền có nghĩa nôm na chỉ vào sự tu như một trợ từ đứng sau chữ tu để chữ tu có ý nghĩa mạnh hơn.
Sự Ăn Ở: chữ “và” trong câu là một liên từ nối liền hai mệnh đề mang tính độc lập. Sự Ăn Ở tức là cách sống của bản thân qua những việc làm tốt. Đức Thầy Dạy:
“Giảng nầy ra cuối mùa thu,
Dạy ăn dạy ở chữ tu vuông tròn”.
Bổn Đạo: Chỉ người theo Thầy học đạo, đồng nghĩa như tín đồ.
Đại Ý: Vì dạy tu cho hạng Tại Gia Cư Sĩ, sống hòa nhập trong đời mà tu e dễ bị đụng chạm, phiền phức khó vững. Do đó Đức Thầy dạy tu còn dạy thêm sự ăn ở thế nào để một là không đụng chạm phiền phức với người chung quanh, hai là làm tốt với họ, để dù tu tại gia mà thượng lộ bình an! không bị chướng ngại thì tu nhanh đến mục tiêu.
Giải xong tựa đề, thứ đến là bài “Lời Nói Đầu”cho quyển sáu:
LỜI NÓI ĐẦU
Phần Chánh Văn:
Năm năm trường xa cách, cái chánh sách áp bức tôn giáo gắt gao của người Pháp làm cho tôi không được gần gũi các người hầu giải bày tường tận tôn chỉ hành đạo của tôi.
Ấy không phải vì tôi cố ý muốn xa lánh các người, song chẳng qua vì sự bắt buộc của kẻ cường quyền nên tôi và các người không được trực tiếp cùng nhau. Tuy nhiên, cũng có lắm thiện nam tín nữ rất trung thành, một lòng gìn đạo. Nhưng gần đây có vài kẻ hiểu lầm, hành động một vài điều không hợp với tinh thần đạo đức, trái chủ nghĩa từ bi bác ái sự cao thượng của giáo pháp nhà Phật. Thế nên điều ấy làm cho quyển sách nhỏ nầy ra đời. Vậy từ nay trở đi tôi ước mong rằng với vài điều sơ lược kể ra sau đây, toàn thể thiện nam tín nữ trong Đạo sẽ dùng trí huệ mình, suy gẫm gìn giữ ăn ở theo qui tắc đã định, đặng tránh những việc đáng tiếc xảy ra, hầu giữ tròn danh giá của đạo Phật. Như thế chẳng phụ công ơn của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã khai sáng đạo Phật và đã dìu dắt quần sanh tìm đường giải thoát”.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Hòa Hảo

Phần Giảng Luận:
Năm năm trường xa cách” không có danh từ tiềm ẩn để giải thích nhưng là một cụm từ thỏ thẻ sự dấu kín: Nguyên nhân nào xa cách tín đồ? Tìm hiểu Năm năm trường xa cách là ở khoảng thời gian nào? Ta bắt đầu đi từ thời gian ngày một tháng tư năm Canh Thìn của bài viết “Từ Giả Bổn Đạo Khắp Nơi”. Đức Thầy nói lời “Từ giả” thì phải đi vắng như Ngài đã thố lộ trước:
“Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy.
Giữa chừng đờn nỡ đứt dây,
Chư vui buổi hiệp bổng thầy lại xa”.
Và câu:
“Từ nay cửa khổng gài then,
Chờ ta trở lại thì đèn hết lu.”
Lời tiên tri xa cách bổn đạo như đã trích nêu, sau 11 ngày là có ứng; ngày 12 tháng tư năm Canh Thìn, nhà chức trách Châu Đốc cho dời Ngài đi từ Tổ Đình _ Thánh Địa Hòa Hảo _ về Châu Đốc rồi luôn tới Sa Đéc trong ngày. Bị lưu diễn đến đây, Đức Thầy viết bài “Sa Đéc” vào đêm rằm tháng tư Canh Thìn, có những câu làm tín đồ thao thức lòng:
“Cơn dông tố mịt mù bụi cát,
Chẳng nao lòng của đấng từ bi.
Vì Thiên Đình chưa mở hội thi,
Nên lão phải phiu lưu độ chúng.
Kẻ ác đức cho rằng nói túng,
Nó đâu ngờ lòng lão yêu đương.
Xe rồ xăng vụt chạy bải bươn,
Đến khuất dạng tình thương náo nức.
Khắp bá tánh chớ nên bực tức,
Bởi nạn tai vừa mới vấn vươn.
Chốn Liên Đài bát ngát mùi hương,
Nhờ chỗ ấy mới thi công đức.”
Rồi sau đó, Ngài bị đưa về làng Nhơn Nghĩa Xà No. Nơi đây 29 tháng tư Ngài viết bài “Đến Làng Nhơn Nghĩa Cần Thơ” và ngày rằm tháng sáu Ngài viết bài “Từ Giả Làng Nhơn Nghĩa” với “Ngao Ngán Tình Đời” nữa thì Ngài bị đưa về Nhà Thương Chợ Quán, đêm 18 tháng 4 Ngài viết bài “Ai Người Tri Kỷ” dẫn dài tới bài “Cảnh Xuân” của đầu năm Tân Tỵ 1941 là bài cuối để Ngài bị dời về tỉnh Bạc Liêu. Đến Bạc Liêu ở nhà Ông Võ văn Giỏi tức Ông Kỷ Giỏi mà ta thường gọi. Bài viết đầu tiên ở đây đề ngày 6/6 năm Tân Tỵ nhằm 30/6/ 1941 là “Đi Trình Báo” viết dẫn đến bài “Cho Cô Hai Gương” (Cần Thơ) ngày 24/8 năm Nhâm Ngũ nhằm 30/10/1942 là xong để nhà chức trách dời Ngài về Sài Gòn. Đến Sài Gòn, ngày 23/12/ nhằm 16/11 năm Nhâm Ngũ 1942, Đức Thầy khai bút qua bài “Cho Cô Võ Thị Hợi Ở Bạc Liêu” viết dẫn đến ngày 26 tháng giêng Ất Dậu nhằm 10/3/1945 Quân Nhựt đảo chánh Pháp tại Việt Nam Đức Thầy mới được tự do. Liền đó Ngài tổ chức “ Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội” tháng 3 dl 1945, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hội đoàn, các đồng chí thân yêu đã cùng Ngài với bầu nhiệt huyết độc lập chủ quyền quốc gia, các bạn trí thức Việt Nam, các bạn thanh niên, các cụ đồ nho, các nhà sư, các nhà thương mãi, nông gia, thợ thuyền, hãy tham gia vào hội để vận động cuộc độc lập. Cũng tại Sài Gòn, tháng tư năm Ất Dậu Ngài thành lập “Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội”, tiếp theo Ngài đi “Khuyến Nông” và trở lại Sài Gòn với bài “Đi Khuyến Nông Về” là tháng 6 năm Ất Dậu. Qua thời gian Khuyến Nông được Đức Thầy ký bút trong bài “Đi Khuyến Nông Về” như sau:
“Lìa Sài Gòn trong vòng hai tháng
Khi lộn về tiệm quán tan banh”
Kính thưa quý vị! theo dõi cuộc lưu diễn của Đức Thầy, mới hay câu “Năm năm trường xa cách” của Ngài là do quân chinh phạt Pháp cố tình không cho Ngài tập hợp quần chúng bổn đạo. Nếu tính theo niên lịch, bài Từ Giả Bổn Đạo Khắp Nơi sáng tác ngày 12 tháng tư Canh Thìn 1940 cho đến bài viết tại Sài Gòn “Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội” tháng tư năm Ất Dậu 1945 thì câu “Năm năm trường xa cách” qua ý nghĩa đó quá là chính xác.
Áp bức tôn giáo: Áp bức thường là do từ sức mạnh, quyền lực bắt buộc ai đó không được làm hay phải làm điều gì đó. Tôn giáo là nền đạo, dạy con người tu nhơn tích đức. Áp bức tôn giáo có nghĩa là không cho dạy đạo dẫn đến cấm phát triển việc tu nhơn tích đức.
Người Pháp: Chỉ nước Pháp sang thôn tính Việt Nam, đầu tiên, họ dùng quân đội ngày 01/9/1858 bắn đại bác vào Đà Nẳng, đòi Việt Nam giao ba tỉnh miền đông, rồi lần lược đến ba tỉnh miền Tây và thôn tính cả nước, đến ngày 10 tháng 3 năm 1945 họ bị quân Nhựt đảo chính. Bây giờ Đức Thầy thoát khỏi vòng kềm kẹp của quân chinh phạt Pháp thì sang tháng 5/1945 Ngài mới sáng tác quyển sáu nầy.
Tôn Chỉ Hành Đạo. Tôn Chỉ: Theo từ điển tiếng Việt là Nguyên tắc chính còn theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh giải thích Tôn chỉ là: Ý chỉ chính xác – cái chỗ nhắm làm mục đích của công việc. Hành Đạo: Hành: là di chuyển, chuyển động, không thụ động đứng yên. Đạo: tức con đường, hành đạo tức đi theo con đường Đức Thầy vạch. Tóm lại: Tôn Chỉ Hành Đạo là qui tắc về đạo, ý chỉ chính xác cho Bổn đạo của Ngài xem đó mà hành đúng khuôn phép, xứng đáng phận tín đồ và mang lại kết quả tốt cho việc tu hành.
Không hợp với tinh thần đạo đức: Tinh thần đạo đức, ý nói: suy nghĩ hay hành động điều cao thượng, thương yêu trân quí cuộc sống của mình và người khác, tốt đẹp, sạch sẽ tâm hồn, bằng ngược lại là không hợp tinh thần đạo đức, tự hạ thấp mình vào chốn nhơ, xấu.
trái chủ nghĩa từ bi bác ái  Như chúng ta biết, Đức Thầy sáng tác quyển sáu nầy là sau cuộc đảo chánh pháp của Nhựt, những người Việt làm tai sai cho quân pháp gây nhiều tội lỗi với tổ quốc và nhân dân đã bị phần tử quá khích nhân cơ hội trả thù trong đó chắc không thiếu chi những tín đồ PGHH giải quyết oán cừu. Phật Giáo Hòa Hảo cũng từ đạo Phật mà ra, canh tân giáo điều nhưng vẫn lấy chủ nghĩa Từ Bi Bác Ái làm gốc, đối với chúng sanh luôn luôn có lòng thương yêu, cứu giúp, không thù hận, ghét bỏ. Tín đồ nhà Phật mà không hành sự thương yêu giúp đỡ nhân sinh khi cần thiết coi là hơi vô duyên đừng nói đi giết người trả thù rửa hận là rất tội lỗi sẽ không phù hợp tinh thần đạo đức. Nếu không viết quyển sáu kịp thời với nội dung “ CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO” e sự oán cừu chết người chồng đống bởi bàn tay trong bổn đạo PGHH thì là quá thiệt hại cho đạo Phật. và PGHH có vài phần tử quá khích lo việc trả thù, không sớm dẹp họ để ổn định xã hội thì không còn là đạo từ bi. Đó là lý do Ngài cấp tốc viết lên quyển sáu như những lời lẽ đáng ghi nhớ rằng:“Thế nên điều ấy làm cho quyển sách nhỏ nầy ra đời”.
sự cao thượng của giáo pháp nhà Phật: Nếu ta hỏi: Thế nào gọi là sự cao thượng của giáo pháp nhà Phật? sẽ có câu trả lời rằng: Vì giáo pháp ấy do Đức Thích Ca Mâu Ni đi từ chứng quả Bồ Đề mới sanh ra chánh pháp. Trong chánh pháp nói một cách dứt khoát rằng“ Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” và muốn thành Phật là phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi”chứ trí huệ không ai đem cho mà mình sáng lên được. Đức Phật tuyên bố như thế vì Ngài dùng Thiên Nhản biết các chúng sanh đều có Phật Tánh như Ngài và Phật Tánh đó mà Ngài chứng đắc đạo quả thì chuyện các chúng sanh có khả năng thành Phật là lẽ tất nhiên. Phật không yêu mến hay lưu luyến bất cứ điều vì ở thế gian, Ngài đến chỉ là đem đạo cứu đời, ghét bỏ hay làm đau khổ một chúng sanh đối với bất cứ người tu nào đều là tu ngoài giáo Pháp nhà Phật.
Thiện Nam Tín Nữ trong Đạo: Thiện Nam Tín Nữ là danh từ nhà Phật, nói về nam phái nữ phái hàng cư sĩ, tu niệm tại gia. Từ trong đạo là chỗ riêng biệt PGHH. Ý nói, Nam Nữ trong đạo PGHH từ nay trở đi khi đã có quyển “CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO” trong tay, coi theo đó mà tu hành, ở ăn đúng phép để “tránh những việc đáng tiếc xảy ra”.
Dùng Trí Huệ Mình:Trí Huệ là nói về sự sáng suốt, Mình là riêng biệt, tự chính mình có, vì trí huệ không phải là vật chất mà hồng xin cho, cũng không do cầu mà được. Để giải trừ những sai lầm dẫn tới làm “trái chủ nghĩa từ bi bác ái và sự cao thượng của giáo pháp nhà Phật” cần có sự sáng suốt để giải quyết vấn đề. Sự sáng suốt đó, nói theo lời Đức Phật Thích Ca “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” có cùng ý đó, Đức Thầy dạy “ dùng trí huệ mình” là vậy.
Qui tắc đã định: Qui là cái phép, như qui chế, qui điều, qui luật; Tắc là khuôn phép, phép tắc. Ý nói: “Cách Tu Hiền và Sự Ăn Ở của một người Bổn Đạo” chính là qui tắc đã định, không được làm trái. Trái qui tắc đã định, nếu không bị coi là người ngoại đạo cũng sẽ không còn nguyện vẹn một tín đồ.
Danh Giá Của Đạo Phật Danh là làm nên tiếng tăm, Giá thuộc phần vinh dự, giá cả. Người có Danh giá thường được trong xã hội coi trọng. Đạo Phật đi vào con người, trách nhiệm với bản thân thì phải tu cho khai thông trí huệ, trách nhiệm với mọi người và xã hội đối nhau bằng Từ Bi Hỉ Xả. Không có bất kỳ lý do nào để ta không chăm sóc chính mính cái việc khai thông trí huệ, cũng không có bất cứ lý do gì cho ta được phép không dùng Từ Bi Hỉ Xả với bất cứ ai trong xã hội. Nếu cải lại “cách Tu Hiền…” thì vô minh bủa khắp dẫn đến hành động tội lỗi phạm ngược đường duyên với Từ Bi Hỉ Xả là danh giá của đạo Phật sẽ bị tổn thương.
Tìm Đường Giải Thoát: Mang thân người tất nhiên bị chi phối bởi luật nhân quả, sống trong ràng buộc từ vật chất đến tinh thần. Giải thoát tức ra khỏi vòng trói buộc, trước tiên là của Giặc Phiền Não với các tên: Danh Lợi Tình, Tham Sân Si, Lục dục, Thất Tình… sau là giải thoát khỏi thân tứ đại sanh lão bệnh tử. Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên tìm đường giải thoát cho chính bản thân, khỏi sự trói buộc của phiền não và đau khổ bởi thân tứ đại. Qua bốn mươi chín năm trụ thế, Ngài luôn thuyết Pháp cũng chính là dẫn tới Đường Giải Thoát cho mọi người.
Tóm tắt ý chính:
Đức Thầy khai sáng đạo, dạy cách tu hiền. Nhưng lâm phàm trong thời kỳ thực dân Pháp giày xéo nước ta, Ngài bị chúng áp bức không cho truyền đạo bằng cách lưu viễn Ngài nay đây mai đó, những nơi xa vắng để tín đồ không được tới lui thăm viếng học hỏi đạo pháp. Bởi sự vắng Thầy mà một số tín đồ quá nông nổi đã hành động sai trái lẽ đạo, khiến PGHH bị mang tai tiếng không lành. Khi Pháp bị Nhựt đảo chánh, quân dị chủng nầy mất quyền cai trị ở đông dương, Đức Thầy liền viết ra quyển sáu “CÁCH TU HIỀN VÀ SỰ ĂN Ở CỦA MỘT NGƯỜI BỔN ĐẠO” qua lời nói đầu Ngài căn dặn rằng: từ nay trở đi toàn thể tín nữ thiện nam trong đạo hãy học cách tu trong quyển tôn chỉ nầy, để 1, tránh những việc đáng tiếc xảy ra, 2, giữ tròn danh giá của đạo với 3 điểm chính: Trí Huệ, Từ Bi Bác Ái và sự Giải thoát.
Buổi học đến đây tạm dừng.
Hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
1. Đức Thầy Viết quyển sáu vào tháng, năm nào?
2. Kể rõ nguyên nhân nào Đức Thầy viết Quyển Sáu?
3. Hãy trình tự kể tóm tắc về việc “Năm năm trường xa cách”
4. Đạo đức là gì? Không hợp với tinh thần đạo đức là gì?
5. Thế nào là danh giá của Đạo Phật?
6. Hãy cho biết ý nghĩa của câu tựa đề?
7. Hãy tóm tắt ý chính của bài “Lời Nói Đầu”?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét