Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

KHẢ NĂNG VÀ TƯ CÁCH

Chưa lần nào tôi gặp các em cháu trẻ tuổi làm bạn tu đông như vầy, cũng chưa lần nào tôi gặp các em cháu đông như vầy lại chịu cùng tôi hỏi han tâm sự. Có lẽ do vì chúng ta không cùng thế hệ mà cảm nhận về tuổi tác tự nó không tạo cho chúng ta cái duyên chuyện trò. Các em cháu chưa bước qua ranh giới của người lớn, ranh giới ấy có thể nói khác đi là một thế giới riêng biệt mà ở tuổi các em cháu không hiểu chỉ biết phàn nàn: Già khó tính.
Các em cháu muốn có khả năng giảng thuyết giáo lý Đạo Phật cũng như Phật Giáo Hòa Hảo để làm nhà truyền bá giỏi thì tôi đồng tình ủng hộ không cần phải ngồi lại bàn bạc lâu đâu. Có điều học thì phải đi từ căn bản, đừng chuộng quá cái kiểu “phô tô coppy” mì ăn liền. Hãy cho tốn thời gian dài tầm chương trích cú để nữa sau mới có một kết quả lưu loát. Nhưng xin đừng quá muốn rồi thì học ngày học đêm bỏ mất công phu. Chữ nghĩa giúp ta thêm sức hiểu biết để thạnh hành công tác truyền bá đạo phật đem ích lợi lớn đến nhân quần nhưng suốt ngày chỉ có chữ nghĩa mà quên tu là sự mất mát, thiệt thòi hơn các sự mất mát thiệt thòi.
Chỉ thuốc hay cho bệnh nhân dùng mà mình không dùng trong khi mình cũng bệnh chướng đầy người. Mình làm tài khôn dạy cho người ta tu mà mình không tu thì thật là đáng tiếc! Người ta nhờ mình khuyên tu, họ gắng tu đã trở thành người đức hạnh, tương lai sẽ đắc đạo hay vãng sanh Tịnh Độ còn ta thì cứ lang thang mở cửa lòng chào đón Danh, Lợi, Tình ngay và sau khi diễn thuyết được khen. Hoằng dương chánh pháp là điều rất cần thiết trong tôn giáo để tiếp nối vòng tay mở rộng công cuộc “truyền bá kinh lành” nhưng học chữ nghĩa phải đi đôi với học tu, nếu để lép xẹp phần học tu suốt ngày trau giồi phần chữ nghĩa là coi chừng tu lạc hướng. Ham học đôi lúc mắc nghẹn rồi cũng cố mà nhồi nhét, không tìm nguyên nhân coi sao mà nghẹn, đẩy vô nó cứ ọi ra chẳng thêm một chút thông minh nào nhưng cũng đem khoe là mười năm đèn sách, hiểu rành ý nghĩa trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý cử Đức Thầy. Chữ nghĩa không làm cho người học no bụng, hiểu biết cũng thế, chẳng có vì hay ho nếu như sự hiểu biết không được đáp số qua thực hành. Lý thuyết về trồng trọt rất hay mà bản thân của người lý thuyết trồng vì cũng không hơn ai, thua tệ, nghèo đến thun mình thun mẩy. Trông vào sự hiểu biết nầy mà huênh hoang lấy tiếng có ngày sẽ bị chết đói.
Có nghe thấy một số các em cháu nói chuyện chỗ đông, văn nói bóng bẩy, hơi  bay bướm một chút nữa là khác; lý luận chặc chẽ, cách cấu trúc của đề tài nhịp nhàng, như vậy là khá hay rồi. Nhưng sao chưa có sự chú ý của quần chúng, khán giả. Mấy cô chú lớn tuổi chỉ có đạo hạnh, học hỏi chẳng bằng ai, thiếu căn bản giáo lý. Họ thuyết giảng không hơn các em cháu trẻ, đề tài chẳng ra đề tài, không đầu, không đuôi mà mỗi khi nói ra người ta lại chăm chú, thích nghe, thích gần gủi, học hỏi. Điều này tôi nghĩ các em cháu cũng biết, chính các vị đã nghe thấy nhưng có bao giờ mình đặt câu hỏi cho chính mình chưa? Tôi nghĩ mình cần đặt ra câu hỏi để biết mà hành sử diệu ngộ. Tại sao cho rằng mình thông minh mà thuyết ra ít có người chịu nghe? Người ta bệnh nặng mà mình là Thầy hay, dược giỏi sao không ai kêu mình trị bệnh? Người nhà của bệnh nhân không kêu mời mà Thầy hay muốn đến trị thí công để lấy tiếng nhưng nhà ấy bảo là không cần.
Có phải vì ta nói quá hay mà không hành hoặc hành rất ít với những vì ta dạy người khác thành ra bài dạy thiếu chứng minh?
Thật ra, có chứng minh hay không ở người diễn thuyết mà học được phương pháp hành thì cứ việc hành, không cần biết người thuyết giỏi kia có đem ra hành cho chính bản thân họ chưa. Đời ai ăn thì nấy no, dạy cho nhiều về cách làm món ăn ngon mà không tự làm ra để ăn, mình đói người ta không thương không giúp là tại mình có cái màu mè hay giỏi, một số tưởng mình giỏi thật đâu cần giúp, một số biết mình không giỏi muốn giúp nhưng người ta rất dị ứng cái màu mè cũng bỏ mình luôn, đói nằm rút người.

Người đàn Ông nọ sống vô trách nhiệm với vợ con, ăn no rồi nhỏng nhỏng đi chơi mà lại học thuộc lòng cái câu dạy con dạy vợ siêng năng, làm việc tốt; bị thằng con nó hổn láo bửa thẳng lại: Cha không đủ tư cách dạy mẹ! Tại cậu ta bực bội hết sức chịu đựng phang vụt đi một cái cho “tống độc” ra chứ nín thinh cho hòa khí mà không học theo lời thì Ông ấy cũng đâu làm vì mình. Ở đây không bàn đến chuyện phải quấy, hay dở về bài dạy của cha, chồng vô trách nhiệm với vợ con mà nói ngay cái điều Ông ấy thiếu tư cách. Người có tư cách là người ăn ở đúng phép, mực thước, không thể có chuyện đi dạy người ta tu còn mình thì không tu, không thể khuyên người ta làm lành mà mình không cải dữ về lành, khuyến khích người ta niệm Phật mà mình thì suốt ngày cứ để cho ma kêu quỷ réo.
Học đạo nhiều để chứng tỏ khả năng hiểu biết về Phật Pháp mà không hiểu cái không là Phật Pháp thường trú cài cắm trong tim, để lộ tướng tu chỉ là màu mè, tạm trú. Luận theo trên, khả năng tri thức ta cho là quan trọng đối với hầu hết những người muốn truyền bá đạo Phật nhưng phải có CÁCH nữa để tạo niềm tin và lòng kính trọng thì người ta mới phát tín tâm y pháp tu hành. Tôi nghĩ công việc truyền bá cần phải giao trách nhiệm quý vị từ trong “lò tu hành” ra, có thật tu các vị đem chuyện tu cống hiến chứ lý thuyết suôn là kết quả không nhiều. “Đóng vai” tu rồi dạy tu không bằng người thiệt tu dạy tu cho dù lời khuyên tu của hai phía tu thiệt và tu đống vai giống nhau. Đống vai là giả ai mà thích.
Trong đạo Phật Lúc Đức Thích Ca còn tại thế, Ông A Nan luôn theo hầu Phật tất nhiên là Ông hiểu thông các Pháp Phật thuyết, chính vì sự đầy đủ hơn các đồng môn, cuộc kết tập lần đầu do Ông Ma Ha Ca Diếp chủ tọa không thể thiếu Ông. Mở những quyển Kinh Phật ra xem ta thấy trang đầu sách đề “Ta nghe như vầy…” trong câu diễn dẫn “TA” tức là Ông A Nan, “ nghe như vầy” là nhắc nhở sự chú ý cho người nghe câu chuyện sắp kể. Nhớ hết các kỳ thuyết Pháp của Phật thông minh như vậy mà trước khi Phật nhập Niết Bàn đệ tử được Phật trao truyền “Chánh pháp nhản tàng niết bàn điệu tâm” lại không phải là Ông mà là một người khác. Tại Sao?
15/9/2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét