Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

TU CÁCH NÀO SỚM ĐẠT MỤC TIÊU ?

Quý vị hỏi tôi tu cách nào sớm đạt mục tiêu giải thoát. Câu hỏi không phải khó trả lời nhưng với nghi vấn như vầy đã làm cho tôi cảm thấy mắc cỡ quá đi. Thiệt đó, bởi vì chính tôi chưa đạt mục tiêu, tôi luôn luôn là người đặt câu hỏi ấy cho chính tôi với đầy lòng hâm mộ, khát khao chứ chưa nghĩ chuyện trả lời. Ta thử dẫn lời Ông Thanh Sĩ nói mà suy nghiệm:
“Tự mê đã chưa hề tỉnh giác,
Còn làm khôn dẫn dắt người mê.
Đường mê thêm nổi dọc dề,
Gây thành cái thứ bệnh mê lưu truyền” .
Đã không trả lời câu hỏi, Viên Minh còn làm cho khách thất vọng. Một nam trong nhóm khách lên tiếng:
- Nói như chú là đúng, nhưng Đức Thầy kêu gọi tín đồ phải có trách nhiệm “truyền bá kinh lành”trong khi đồng đạo của mình chưa ai đạt mục tiêu. Nếu hành động theo cái thấy đúng của chú thì đâu có chuyện bàn bạc nói năng gì và công cuộc truyền bá Đạo Phật còn ai mà dám chứ!
Người khác cũng nói vào:
- Hay truyền bá đạo Phật chỉ gói gọn trong việc đọc chánh văn?
- Tôi nghĩ không hẳng vậy.
- Xin hỏi theo ý của anh thì sao?
- Đức Thầy dạy một lúc cả hai ban. Một là “Ban nghiên cứu đạo Phật” và hai là “Ban huấn luyện và truyền bá đạo Phật”. Đưa đề xong Ngài  giải thích ý nghĩa và việc làm của hai ban như sau:
1, Ban nghiên cứu đạo Phật gồm các nhà sư, những nhà thông thái, để hằng ngày tra cứu kinh điển, dịch sách hay viết sách nói về đạo Phật.
2, Ban huấn luyện và truyền bá: Gồm các nhà sư, cư sĩ, trí thức hoạt động, đặng hội phái đi các nơi giảng giải đạo Phật cho đại chúng nghe, hoặc mở trường dạy đạo Phật.” Những nhà thông thái, cư sĩ, trí thức…cũng đâu chắc là người đạt mục tiêu của sự tu hành.
- Nếu nói thế thì dầu chưa đạt mục tiêu mình vẫn được phép bàn bạc qua mục tiêu mình sắp đến?
- Tôi nghĩ là vậy. Bởi đây là chỗ hội luận tìm ra lý để học tu không phải là nơi thi chứng đậu hay rớt.
- Đúng là câu hỏi nghe dễ mà khá rắc rối.
Nghe Viên Minh nói giọng ngán ngẩm một em trai thắc mắc:
- Nói dễ mà rắc rối là sao con xin thưa chú?
- Dễ vì không mang tính triết học, Phật học với những ẩn ý, còn khó là đây chưa ai đạt mục tiêu mà biểu chỉ cách cho sớm đạt mục tiêu giống như chúng ta đang đùa giỡn. Những đề tài như: Tại sao ta phải tu? Tu là gì? Pháp môn Niệm Phật là sao? Thiền Định là sao?... Các câu hỏi không đặt vào chứng đắc, đạt mục tiêu đâu ai ngại trả lời.
- Tại chú ngại thôi chứ câu nầy con đã đem hỏi người ta thì người ta trả lời tuốt luốc.
- Cháu đã được trả lời rồi thì thôi…
- Mỗi người có cái nhìn riêng. Gặp chú là sự may mắn đến, con muốn học biết cái nhìn riêng của chú. Chú bảo thôi, con không chịu đâu!
Một người lớn tuổi nhất trong nhóm khách đến, thường hay nói nhưng sớm giờ chưa nói câu nào, bổng Ông than lên:
- Chuyện nầy chưa được giải quyết thì đến chuyện khác.
- Là chuyện gì thưa bác Hai?
- Lấn cấn trong chuyện truyền bá. Xin quý vị cho tạm ngưng đề tài chính để giải quyết đề tài phụ. Nếu đề tài phụ được giải quyết xong thì trở lại đề tài chính tôi chắc huynh Viên Minh không ngại nói cho chúng ta nghe.
- Chắc chắn sao?
- Chắc chắn. Cho tôi xin hỏi huynh Viên Minh, mình đây có phải là hạng tại gia cư sĩ không?
- Đó là câu như phát lệnh của Đức Thầy, chúng ta chỉ biết nghe theo chứ không thắc mắc.
- Đúng vậy, nhưng trong “ban huấn luyện và truyền bá Đạo Phật” Đức Thầy đã cho phép người cư sĩ hoạt động trong ban này mà không đặt điều kiện người đó tu đến đâu, sao huynh tự đặt điều kiện trước câu hỏi của chúng ta chi cho thêm phiền phức? Khiêm nhượng của huynh là hạnh đức đáng trân trọng, tôi sẽ học tấm gương nầy, nhưng không phải như vậy mà nở đi từ chối. Chắc huynh thông cảm được mà?
- Huynh đệ đến thăm còn cho tôi thêm sức hiểu biết về đức tin và tự tin. Thật là một cuộc gặp thắm thía tình đạo. Chỉ có chút vai trò người truyền bá tôi còn lẩn lộn chưa thông phải đợi chư huynh đệ phân tích nhiều ra mới hiểu. Xem đó quý vị cũng biết tôi rất chậm chạp về nghiên cứu học hỏi.Tôi không giải đáp đề tài huynh đệ hỏi Bằng cách nào tu sớm đạt mục tiêu có thể là may mắn cho tôi đã không múa rìu qua mắt thợ.
- Chúng tôi đây không ai là thợ, nên nếu huynh nói thì không phải là múa rìu. An tâm đi!
- Thật tình là tôi không thể…
- Khiêm nhượng là hay nhưng khiêm nhượng quá thì sẽ mất hay. Chẳng phải huynh vừa nói lời cám ơn chúng tôi mở gút giùm cho mà thông thoán ra sao? Đã mở được rồi, một lần bị cột mà thoát ra được thì thôi đừng tự cột mình nữa. Giờ chúng tôi muốn nghe huynh trình bài tu cách nào sớm đạt mục tiêu mà không đặt điều kiện hạnh kiểm riêng với huynh, có được không?
- Dễ như vậy sao?
- Đức Thầy cho phép người cư sĩ tu tại gia làm công tác truyền bá mà không đặt điều kiện gì thì ta cũng nên thôi cột buộc mình mới phải.
- Quý vị quá muốn làm tôi không thể từ chối, vậy tôi nói đây: Phần đông người ta cho rằng Pháp Môn nầy dễ, Pháp Môn kia khó; tu cách nầy dễ cách kia khó mà xét lại pháp môn và cách tu là có sự thành công đồng đều bởi các tiền bối. Ta ở tu trong Tịnh Độ Tông, trước mắt ta người tu tịnh độ tông thành công thì người tu Thiền Tông cũng thành công chẳng kém mà hai pháp môn đều được phát sinh từ kim khẩu của Đức Thích ca Mâu Ni. Nếu ta đứng ở pháp môn nầy hay pháp môn kia mà bảo thủ khen chê hay dở là động đến Đức Phật mà ta luôn yêu kính. Xưa Đức Phật thuyết về hai pháp môn hay nhiều pháp môn khác, dòng lịch sử sau Đức Phật cũng rất nhiều môn đồ của Ngài tu hai pháp hay các pháp kia đều có chứng đắc. Rõ ràng Pháp Môn là của Đức Phật thuyết để tùy Phật Tử chọn giống duyên phù hợp, ta không có tư cách phê bình giống duyên Pháp Môn của Phật mà người khác đang tu. Còn cách tu thì người tu tại gia, kẻ tu xuất gia, người công phu hai thời kẻ công phu ngày bốn thời hoặc hơn thế nữa, người dùng hai bửa người dùng chỉ một bửa ngọ thôi. Theo tôi thấy: Hơn thua, phải quấy, cao thấp…trong việc tu là có tâm tu hay không có tâm tu, mang cái tâm vọng động đi suốt chỗ nầy chỗ nọ, cách nầy cách khác, pháp môn nọ pháp môn kia rốt trong đời tu chẳng lợi ích nhiều đâu, mang được tâm tu ở nhà hay ở chùa, tu non hay tu thế, đến đâu nhờ có cái tâm tu hiện hữu sẽ tốt hơn người có tiếng đồn là tu xuất gia, tu núi mà không hiện hữu cái tâm tu. Tu cách nào cũng được, Pháp môn nào trong các pháp môn của Đức Phật dạy là tu được, yêu cầu là mình hiện hữu cái tâm tu. Ta có quyền chọn pháp môn tu vừa ý, chọn cách tu phù hợp với tâm sinh lý của mình. Xong rồi là miệt mài hành đạo. Ở chỗ tu thì nhíp tâm đừng để ngồi đây mà cái tâm nó phóng đi nơi nầy nơi khác. Tâm phóng đi thì ngồi đó, ở trên rừng núi vắng vẻ đó là ở cho nát lòng, không kết quả.
Chọn pháp môn, cách tu vừa ý là quyết không thay đổi, miệt mài hành đạo không để kẻ hở cho vọng tâm nó chui ra chui vào. Thế gian có nhiều nghề để làm giàu, ta đang nghèo không bằng lòng cái nghề ta làm, muốn kiếm công việc khác nhưng đã có nhiều người làm giàu bằng cái nghề của ta. Ta không giàu như họ, hỏi coi ta có siêng năng hay lười biếng? Nghèo là do ta không siêng năng mà cứ đổ thừa do nghề, chạy đi kiếm nghề của những nhà giàu khác. Do tính không siêng năng và cần kiệm, tới nghề khác thì cũng nghèo nữa thôi. Việc tu của mình là đúng pháp, đúng cách, chỉ thiếu khả năng hành mà chưa có kết quả thì hãy lo tài bồi khả năng hành đạo.
Kính thưa quý vị! Chúng ta đây ai cũng có lập trường, pháp môn, cách tu và bản nguyện. Không cần thay đổi hay đi tìm những gì thêm. Ta đã chuẩn bị và mọi chuyện đã có sẵn, chỉ cần hành siêng suốt tu nữa là xong. Xong sớm hay xong muộn là do tinh tấn hay giải đải chứ không do gì khác.
Có tiếng vổ tay:
- Hay lắm Ông Huynh ạ!
- Đi xa lần nầy không lổ?
21/9/2015.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét