Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018


THỢ TRỜI


Năm rồi 2017, chúng tôi đi cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miềng Trung, phát 3 trăm phần quà giúp bà con nghèo ở vùng Phong Nha Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình là điểm cuối của chuyến cứu trợ lần nầy. xong phận sự thời gian còn lại chúng tôi đi tham quan vãng cảnh lần theo trên đường về. Từ điểm phát quà cuối cùng nầy xe đoàn cứu trợ chạy tháo ra lộ lớn, tôi không nhớ điểm tham quan đây tên gọi là gì nhưng tôi biết chắc còn nằm trong tỉnh Quảng Bình. Ra lộ lớn chạy không mấy xa xe rẻ qua một đường nhỏ khác, leo vắt lên sườn núi, hì hục trên đường dài không thấy trại trùng nhà cửa, cây cối rậm rịt, cảnh quan âm u rất lâu thì xe chậm lại rẽ phải, xuống dốc chúi mủi, hết dốc là đến trạm khu du lịch. Một bãi đậu xe hình thức tròn trịa, chung quanh là tiệm quán xoay vòng trông cũng sướng mắt. Ở đây chơi thì được nhưng cảnh không mấy tríu mắt còn muốn vào khu tham quan mỗi khách phải nạp 50.000. Như vậy cũng chưa đủ, lọt qua cửa thứ nhất, đến cửa thứ nhì đóng thêm 30.000 nữa được lên xe điện ngồi. Từ đi tới nay là sáu ngày, nhiều người tiền gần cạn túi, giữ lại một ít phân thân, tiếc tiền thì lội bộ xiên trong rừng cây một khoảng xa mới tới hang động, lở ăn thua đoàn chúng tôi tất cả đều đi xe điện.

Theo lời một hướng dẫn viên trạm du lịch của tuyến nầy nói rằng: Phát hiện khu tham quan nầy chỉ mới đây thôi, do một người từ Anh Quốc đến, ông ta thích thám hiểm vì thế đã may mắn gặp được hang động kỳ bí. Ông khách ngoại quốc nầy đã vẽ đại khái bản đồ và cho đăng lên báo chí.

Nghe cô hướng dẫn viên du lịch thuyết xong đoàn chúng tôi lập tức lên đường và dừng lại trước miệng hang nhìn người ta ở dưới trồi đầu lên liên tục. Miệng hang rộng tương đối, khách tham quan có thể ra vào cùng một lúc cũng không chật chội gì. Vài người trẻ trong đoàn tôi không thể chờ đợi lâu, hơn nữa là tính hiếu thắng mà đối trước hang động có vẻ kỳ bí thì khó mà ngồi đó nhịn lâu, chúng đi xâm xâm vào hang. Thấy có người dẫn đầu cả nhóm đều theo.

Sự thật, từ thuở giờ đi hành hương chiêm bái ở miền núi, cho dù cái hang ấy được người ta đồn đãi phước báu thế nào tôi cũng không chun vô. Miền Thất-Sơn được tiếng là oai linh hùng vĩ, nhứt là Thiên Cẩm Sơn (núi Cấm), nơi có rất nhiều hang mà khách hành hương để lòng như: Hang Điện Cửu Phẩm, hang điện 13 (vùng Dồ Đầu), hang điện Kín… đi đoàn lần nào tôi cũng ngồi ở trên để chờ, chừng đoàn trở ra hiệp lại đi viếng điểm khác. Xem khách chun hang ra bộ dạng ai ai cũng mệt mỏi, áo quần dính đất, tôi nghe họ kể lại, trước khi vào hang, đoàn chuẩn bị đem theo nhiều đèn pin, đèn cày đốt sáng dẫn đường, đèn pin sáng đở hơn một chút chứ gặp đèn cày, ở chốn âm u ngọn đèn chỉ phát ra một vùng lờ mờ nên dễ va chạm vào vách đá. Đoàn chun qua kẹt đá nầy, kẹt đá khác, vách đá ẩm ước rông rêu có khi phải chui mình qua kẹt đá, người gầy nhỏ chen dễ, gặp ai mập mạp, bụng to luồn người rất là vất vả, quần áo dính dơ bèo nhèo mệt mỏi như những người đi lao động suốt ngày mới về.

Nghĩ tới… nói chuyện chun hang là tôi dị ứng, không muốn chút nào, nhưng cả đoàn đã xuống hang, hơn nữa, người hướng dẫn đoàn cho biết thời gian chun hang nầy là 3 giờ đồng hồ mới trở lên. Nơi đây một xứ hoàn toàn xa lạ, chung quanh toàn là cây rừng làm sao tôi có khả năng chống chỏi sự thách thức cả 3 giời đồng hồ ngồi đợi. Sau cùng tôi phải gượng đi xuống hang.


Tôi tưởng cái hang hẹp té, tối tăm mù mịt không có gì làm cho tôi thích mà ấn tượng đẹp lâu dài cho chuyến đi, không ngờ qua cửa tối thì bên kia sáng trưng ra. Không phải là ánh sáng mặt Trời mà là đèn điện. Đường rộng thênh thang cất nhà còn được đừng nói là đi khép nép trong kẹt đá như những hang ở vùng bảy núi. Đi suốt trên cầu gổ khi cất lên lúc hạ xuống, ngoằn ngoèo. Trong lòng núi hai bên vách đá và cả trên đầu, thợ Trời đã sáng tạo nét đẹp phi thường, nhiều mẩu mả lộng lẫy không họa sĩ hay nhà điêu khắc tài ba nào có thể tưởng tượng nổi. Đi suốt hơn vài giờ đồng hồ từ đâu tới đâu thợ Trời có khi vẽ những hình tượng, những hoa văn. Nơi nào hình tượng hoa văn nhiều thì ở đó có treo nhiều bống đèn cho khách tham quan dừng lâu ngắm cảnh, lo mà chụp hình quay phim thỏa thích; nơi ít hình tượng hoa văn làm chạnh lòng người thì thưa đèn hơn, đủ để cho khách tham quan thấy đường đi tiếp. Những nơi thưa đèn màu Trời sẩm tối làm tôi quên là mình đang đi dưới hang, tưởng đã hết ngày sang đêm, hổi hả thúc cả đoàn mau mau lên về đã làm phiền đứa cháu đi bên cạnh đang đắm đuối nhìn bức tranh kỳ quang thiên nhiên tức không nhịn nổi, quay sang trả lời: Chú ơi Trời chưa tối, kim đồng hồ báo chưa được 2 giờ chiều, chú quên rằng mình đang đi dưới hang sao? Tôi chợt nhận ra, thấy mắc cở nói nhỏ tiếng: Ừ chú quên, thông cảm cho ông già lẩm cẩm nầy nhá !


Xưa giờ đọc Sấm Giảng giáo lý PGHH gặp phải những câu như:

“Rừng lâm cây đá thấy ngày nay
Mà ruột Năm Non có các đài.

Trên Năm Non rồng phụng tốt tươi
Miền Bảy Núi mà sau báu quý…”

Là những điểm báo hứa hẹn mai sau chứ hiện tại không ai thấy được những cảnh đẹp và sự tốt lành trong ruột Năm Non có đền vàng các ngọc như thế nào. Tôi cho đây là thiên cơ của các bậc trên trước, đến lúc nào các vị thấy nên cho hiển lộ là hiển.

Tôi đùn đẩy chuyện mầu nhiệm khó hiểu cho thiên cơ, làm như vậy để cắt đứt dòng tư tưởng khi bàn đến vấn đề vô hình: chỉ là Phật Trời dụng phép biến hóa hay cho ẩn trong ruột Năm Non có các đài, nếu không vậy, thuở xưa từ thời tạo thiên lập địa núi cũng được sanh ra và lớn lên giờ to thế nầy, ở đâu lại có chuyện trong lòng hiện ra đền đài các ngọc? Cũng như tôi không thể tin được đi cứu trợ miền xa lần nầy đoàn có dịp đi tham quan ngoạn cảnh, đâu ngờ mình lại gặp trường hợp bị buộc phải chun hang… Thợ Trời vẽ tranh nghệ thuật và điêu khắc tượng hình hoa văn trong lòng núi ở tỉnh Quảng Bình, nhà nước địa phương mở khu tham quan ân cần khách đến. Chúng tôi từ tỉnh An Giang ra, đi và về mất bốn năm ngày đường, thong thả hơn chút là một tuần lễ, lộ phí khoảng 1.500.000 (một triệu rưởi), gói ghém nữa, trong mình có khoảng 2 triệu rưởi là đi được. Thấy trong ruột núi Quảng Bình thợ Trời đã cho những hình tượng mĩ mìu, thì trong ruột Thất Sơn Đức Thầy cho biết có lâu đài các ngọc không còn là chuyện khó tin.


Muốn đi vào ruột Năm Non bây giờ là chưa thể cũng như sự không thể của hằng nghìn năm ruột núi Quảng Bình đã có những hình tượng kỳ bí mà chưa tới ngày giờ không cho ai thấy những lộng lẫy của thợ Trời, phải đợi đến năm, tháng, gần đây một khách tham quan đến từ Anh Quốc phát hiện. Chờ định kỳ của “ Lý Thiên Đình” về “Ruột Năm Non” Để xem lâu đài các ngọc trong ruột Thất Sơn không tính qua hành trình dài ngắn, cũng không tính bao nhiêu tiền mới vào hang động mà hoàn toàn do sự tu hành lập cao công quả của mỗi người, Đức Thầy dạy :

“Trên bảy núi còn nhiều báu lạ
Rán tu tâm dưỡng tánh coi đời.”

Chỉ phải tu tâm dưỡng tánh mới thấy được báu lạ trong miền Thất Sơn.
Dân chúng người tin người không tin chuyện báu lạ có trên miền bảy núi, những ai tin thì hâm hở tìm hang ngách nào vào ruột Năm Non nên gặp hang thì chung, kẻ không tin chuyện ấy có thật vì nó quá xa thực tế, chỉ thấy toàn là rừng rậm… Đức Thầy cất tiếng than:

“Chốn sơn lãnh bây giờ mù mịt
Cho nên dân dạy chẳng nghe lời”.

Tôi tin trong ruột Thất Sơn có lâu đài châu báu nhưng không tin vào việc chun hang của một số người nói đi tìm ruột Năm Non. Không cần đi tìm, hãy gắng tu hành, trau tâm luyện tánh cho thanh tịnh sáng ra, chừng thiên cơ đã đến định kỳ, Phật Trời cho hiển lộ lâu đài là thấy liền, không đợi phải chun.

05/7/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét