Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018


ĐỐI VỚI ÂN ĐẤT NƯỚC

Trong cõi thế gian, nhân sanh ai cũng có quốc gia, chủng tộc. Những bộ lạc nhỏ, thiểu số thuộc dạng đồng bào sắc tộc, ở lãnh thổ Việt Nam thì quốc gia của họ cũng là quốc gia Việt Nam và muốn cho chủng tộc quốc gia mình đời đời trường cửu dầu chủng tộc của mình thấp hèn quốc gia nhược tiểu cũng vì chủng tộc quốc gia mà bảo vệ. Những quốc gia tự cho là hùng cường ỷ mạnh hiếp yếu muốn thôn tính những quốc gia láng diềng nhược tiểu để mở rộng bờ cõi, nếu công dân của những quốc gia nhược tiểu cho đây là số mạng, số Trời đã định, cúi đầu cho quốc gia ỷ mạnh hiếp yếu thôn tính thì giang san của tổ tiên mình mất, nòi giống Lạc-Hồng sẽ bị lai căn. Một khi để mất giang san là mất tất cả.

Tín đồ đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo, ân đất nước là một trong tứ đại trọng ân được để nằm lòng, bình yên thì lo tu bồi đức hạnh, khi quốc gia hửu sự là giựt dậy tấm lòng yêu tổ quốc, hành động bảo vệ nước non theo khả năng. Tín đồ PGHH Đức Thầy dạy ân đất nước như sau:

“ Sanh ra, ta phải nhờ Tổ-tiên, cha mẹ, sống ta cũng nhờ đất nước, quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy có bổn phận bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Rán nâng đỡ xứ sở quê-hương lúc nghiêng nghèo, và làm cho được trở nên cường thạnh. Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”.

Nêu đoạn trích dẫn trên ta thấy có vài điều cần lưu ý:

- Muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy có bổn phận bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp.

- Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị.

- Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm.

Ta cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp. Hãy tự đặt câu hỏi, với tình hình hiện nay đất nước mình có bị rơi vào cảnh huống “bị kẻ xâm lăng giày đạp” chưa? Ai nói chưa xin hãy nhìn cho kỷ đi! Hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam, Trung cộng ngang nhiên đến xâm chiếm, mặc sức cho nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa kêu gào khan cổ trước sức mạnh của Trung cộng cũng không vì thế làm chúng rút lui. Ở vai trò làm chủ đất nước, nói đây là lãnh thổ của mình bị chúng bác bỏ mà không dám có một hành động cụ thể nào với kẻ đang xâm lăng giày đạp. Đối với Trung cộng, Việt cộng chỉ dám đấu tranh trên phương diện ngoại giao và điều nầy, bị nước đàn anh xã hội chủ nghĩa gạt bỏ ngoài tai và tiếp tục xâm chiếm với cơ ngơi vững chắc. Kẻ xâm chiếm dựng lên ở đó bảy đảo nhân tạo và trở thành bảy vùng quân sự của chúng trên biển đông, sẵn sàng áp đảo, khống chế những quốc gia có ảnh hưởng trong vùng nhạy cảm nầy nếu quốc gia nào can thiệp sự bành trướng của chúng.

Ngư dân Việt Nam biết Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng Trởi biển của quốc gia mình, đến đánh bắt cá thì bị tàu tuần của Trung cộng khống chế đòi phạt tiền hoặc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Công ty nhà máy Formosa của Trung cộng kinh doanh trên nước Việt Nam như một khu tự trị, nước chủ nhà không có quyền đến kiểm sát, bởi đó họ tự do thảy độc của nhà máy làm ảnh hưởng cả bốn tỉnh gây bệnh và chết người, phá hoại môi sinh đất đay và biển cả không còn sức sống cho dân nhờ. Trung cộng xâm chiếm một phần lãnh thổ của Việt Nam không phải là hành động của kẻ xâm lăng giày đạp sao? Như vậy cũng chưa vừa Trung cộng còn muốn chiếm sâu trong lãnh thổ nước ta, chọn ba miền Nam, Trung, Bắc làm ba đặc khu kinh tế, sự diễn biến của ba đặc khu kinh tế nữa sau thành ba đặc khu quân sự kiểm sát ba miền, chừng luật đặc khu được ban hành, dân ta có cánh cũng không bay ra được.

Hoàng Sa, Trường Sa hay Formosa mà Trung cộng chiếm dụng chưa có danh chánh ngôn thuận về luật đặc khu. Sống không hợp pháp với nước chủ nhà mà còn hành động ngang tàn cướp đất hại dân nước ta, huống chi nhà nước cho họ có ba đặc khu, pháp luật công nhận quyền sở hữu về ba đặc khu cho họ thì sự ngang tàn của họ đến cở nào?

Rán cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị Trung cộng đã xâm chiếm hải đảo, công dân nước họ tuôn qua Việt Nam rất nhiều với dáng vẻ hiên ngang cường điệu, nhiều cửa hàng phố chợ có tên chữ Tàu, chúng sắp sửa một cuộc “kẻ ngoài thống trị”, nên ta phải có ngay hành động “cứu cấp nước nhà” nếu không sẽ hối hận suốt đời. Bằng vận động sự đồng tình của nhân dân Việt Nam, hay bằng cách nào đó… cho người Trung cộng thấy rằng nước Việt Nam dù nhỏ nhưng nhân dân là nòi giống Lạc-Hồng không dễ bị ăn hiếp, chẳng phải tổ tiên của các người đã bị nhân dân Việt Nam đuổi chạy về Tàu lắm lần đó sao?

Người tín đồ PGHH biết rằng, Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm, hướng trọn chúng sanh đến mục tiêu giải thoát. Nhưng xuống trần nhằm lúc quốc gia hữu sự, quân Pháp bạo tàn giày xéo quê hương đất tổ đành phải ra tay cứu quốc, một mai đất nước thái bình nhân dân an lạc, giải quyết cái chuyện nước non xong rồi sau tu cũng được. Ngài cảnh tỉnh thi sĩ Việt Châu lúc ông ấy ngồi chung xe với Ngài trên đường về Sài Gòn, gợi lòng ái quốc, đừng vui chơi quá mà vô cảm với việc nước non:

“Quen thói viết thơ sầu thơ cảm
Không dìu dân hắc ám qua truông.
Ngâm nga giọng quá u buồn
Làm cho đọc giả quay cuồng mê ly.
Theo dõi gót từ bi mấy bửa
Phàm tâm kia đã rửa hay chăng.
Đương cơn song dậy đất bằng
Thi nhân đứng ngó để tăng sĩ làm.
Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa
Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.
Đền xong nợ nước thù nhà
Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô.”

“Sóng dậy đất bằng” ở thời đó là chỉ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tặc, trong khi quốc gia hữu sự thi nhân chỉ đứng ngó thôi. Nếu đem thi nhân với tăng sĩ mà so sánh chuyện quốc gia thì ai nặng hơn? Dỉ nhiên là thi nhân, bởi thi nhân đã dám “làm cho đọc giả quay cuồng mê ly”. Vấn vương trần thế thì mong cho trần thế được bình yên để mà tiếp tục sáng tác những vần thơ đa sầu đa cảm, trong khi đó, tăng sĩ theo hạnh Phật quyết rửa tấm lòng trong sạch các chuyện thế gian, lạc đạo, an bần xả thân tu tỉnh là đỉnh cao của sự tu học. Theo hạnh tu nầy, quốc gia có lâm nguy không sợ, chỉ sợ hành giả lâm nguy trong danh, lợi, tình nên chuyện gặp giặc giả cứ hành nhẫn nhục cho giỏi, ai đánh giết gì mặc kệ, phá chùa phá miểu cũng mặc kệ, nhờ công tu niệm với tấm lòng trong sạch hết kiếp được sanh lên cõi Tây Phương, quốc gia dân tộc có ông bà cha mẹ, vợ hoặc chồng, bà con thân thương bị chiến tranh giết chết hay còn sống trong khổ đau, hồi hợp… không cần để ý cho cực.

Đức Phật đầy lòng từ bi không muốn có một chúng sanh nào hung hiếp sát hại chúng sanh nào. Chuyện một quốc gia đi xâm chiếm lãnh thổ sát hại công dân của quốc gia khác làm động lòng từ bi của Phật, phải hành động ngay “Chùa am bế cửa” và “tuốt gươm vàng” để cứu nước cứu dân. Việc Tăng-Sĩ chùa am bế cửa để làm bổn phận công dân với quốc gia, chuyện tu hãy để sau nầy tu tiếp “miễn đặng bảo tồn non nước cũ, giữ an tánh mạng cả đồng bào”. (lời Đức Thầy) Ý chí đó, Đức Thầy không chỉ nói một lần cho có để thông qua mà Ngài còn vấn thân vào chiến khu miền đông cùng với các đồng chí chống giặc ngoại xâm. Năm 1946 tại chiến khu miền đông Ngài viết thi phẩm “Rứt áo cà sa” như sau:

“Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,
Quyết rứt cà sa khoác chiến bào.
Đuổi bọn xâm lăng, gìn đất nước,
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.
+0+
Ngọn cờ độc lập phất phơ cao,
Nòi giống Lạc-Hồng hiệp sức nhau.
Tay súng tay gươm xông trận địa,
Dầu cho giặc mạnh há lòng nao…”

Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm. Thuở Đức Thầy ra độ thế, giặc Pháp đã xông vào làm chủ nước ta, cai trị dân ta; công cuộc đuổi giặc rất khó nhưng đồng bào ta vẫn đuổi được. Đã lấy kinh nghiệm từ xương máu đồng bào, tình thế hiện nay là Tàu cộng chỉ mới xâm chiếm một chút lãnh hải ta thôi, chúng ve vản sự cai trị khắp nước chứ chưa dùng quân sự làm chủ tình hình; nếu nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ nay cắt đứt quan hệ anh em với Tàu cộng, hướng về quan hệ thắm thiết với nhân dân, kêu gọi và thực hiện nền dân chủ thật sự để cho nhân dân có quyền tham gia các hoạt động cứu nước. Sức mạnh toàn dân, lòng dân là lòng Trời, có Trời cao đồng hành cứu nước, sự ngang ngược của Trung cộng cũng phải cuốn gói, bỏ đi cái thói xâm lăng thì nước nhà sẽ được cứu nguy.

Viết bài nầy, tôi không cố ý khuyên các đồng đạo hướng sự tu vào chuyện bảo vệ nước non, điều tôi muốn nói là ta quy y PGHH, vị khai sáng tôn giáo nầy, Đức Thầy chúng ta, Ngài đã lên tiếng bảo vệ non sông trong thời Pháp thuộc, đem thân tăng sĩ ra hành động “Chùa am bế cửa… rứt áo cà sa khoác chiến bào” thì tín đồ trong đạo cũng có quyền tham gia công cuộc cứu non sông mình trước sự ve vản quân sự của Tàu cộng.

21/7/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét