Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

ĐÚNG NGHĨA TỪ THIỆN


Nhớ hôm tôi đến nhà của đồng đạo tư Tới xem xét tình hình bà con bệnh nhân gần xa lại nhờ tiêm thuốc của Đức Thầy. Vừa đến, tôi thấy quang cảnh trước sân và trong nhà rất là ồn ào, mà xe trên đường cứ lại quẹo ngỏ. Mỗi lúc thêm đông. Ngày qua ngày số lượng bệnh nhân tăng vụt làm cho quan chức ngành y tế huyện Tri Tôn xót dạ cử đoàn bác sĩ đến kiểm tra, hạch sách tay nghề của vị lương y PGHH chủ nhà độ bệnh miễn phí, khiến dân tình lo sợ không được tiếp tục trị bệnh. Riêng vị lương y chủ nhà học qua lời dạy của Đức Thầy “Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho”, ông cố gắng giữ mình được ngay thẳng thay vì lo sợ và làm những điều không ngay thẳng.
Số lượng bệnh nhân đến đông như đã nói trên theo tôi nghĩ phần lớn là do quý vị lương y ở đây công tác từ thiện đúng ý nghĩa, không nhận tiền dù là tiền kính biếu. Sử dụng thuốc của Đức Thầy đúng với ý nghĩa từ thiện chắc chắn sẽ được Đức Thầy và các vì trên trước hộ độ hên tay giúp trị bệnh người ta chóng hết. Lòng trong sạch về tiền bạc, một mặt có đức mới độ được người và chính vì lương y có đức hạnh tốt, Trời Phật thương mến, các Ngài chở che, gặp chuyện cũng không đến đổi.
Nhớ hôm tiếp chuyện với một bệnh nhân ở nhà đồng đạo tư Tới, cô ca ngợi các vị lương y đến đây tiêm thuốc Đức Thầy cho bà con, hạnh cách trong sạch về tiền bạc ai như nấy, thậm chí việc mua trái cây đến cúng cửu huyền thất tổ còn bị căn dặn không được có lần sau. Lòng trong sạch về tiền bạc khi làm việc từ thiện khiến bà con cảm mến, hạnh cách tốt tiếng đồn vang xa, bệnh nhân nắm được thông tin có thầy hay dược giỏi mà mình thuộc dạng “bác sĩ chê” xa gần dễ khó cũng phải rán đi tới. Quả y như lời đồn, bệnh mình mới tiêm thuốc Đức Thầy chỉ một lần là đã thấy có kết quả đáng ghi nhận, bảo sao kín miệng không đồn? Đông đảo là vậy đó!
Ai có bệnh khó trị hay dễ trị, giàu hay nghèo cũng được các vị lương y tiếp đón chăm sóc tận tình. Chánh quyền dầu khó nhưng nhờ các vị lương y hành sự đúng nghĩa, trị bệnh miễn phí, miễn quà cáp của bệnh nhân là thế mạnh nhứt không có chỗ cho pháp luật nhà nước chen vào hay những kẻ ưa đặt điều bóng gió. Các vị thật sự là ân nhân cứu mạng cho dân thì sống chết người ta vẫn bảo vệ mình yên ổn để được trị bệnh giùm dân. Chánh quyền dựa vào dân mà sống, trong khi yêu cầu của dân muốn được yên ổn để lo trị bệnh, là yêu cầu chánh đáng không vi phạm pháp luật, nếu chánh quyền mạnh tay đàn áp không cho người dân đi trị bệnh theo tin tưởng chánh đáng của họ, vì muốn được hết bệnh mà không phải tốn tiền như đi bệnh viện của nhà nước và một số người rốt cuộc: tiền mất tật mang, họ có thể bất chấp sự ngăn cản để được trị hết bệnh… Thêm vào đó, Đức Thầy dạy “Làm đường ngay thẳng có Thần độ cho” các vị ơn trên dùng huyền cơ tiếp độ, bệnh nhân nào cũng báo là đã giảm bệnh rất nhiều.

Thật sự không phải chỉ có các vị lương y PGHH khám trị bệnh ở điểm nhà đồng đạo tư Tới mới trong sạch về tiền bạc, tôi biết có rất nhiều, rất nhiều, các vị lương y PGHH nơi khác cũng tốt bụng về tiền. Tôi nay nói như gặp đâu ghi đó, lương y dùng thuốc trị bệnh cho bá tánh là thuốc của Đức Thầy, hãy xem lương y khi độ bệnh cho bà con chính là lúc thi hành đạo sự PGHH, hẳn ai nấy đã nằm lòng lời dạy sau đây:
“Tu hành dương thế cậy đồng tiền,
Phật Giáo vì tiền phải ngửa nghiêng”
Và câu:
“Muốn Phật Giáo từ đây bền vững,
Đừng riêng lo lợi hưởng một mình.
Nếu xuất gia thì phải hy sinh,
Cả vật chất tinh thần lo đạo.
Chớ giả dối mà mang sắc áo,
Mượn Bồ-Đề chuổi hột lòe người.
Làm cho dân khinh dễ ngạo cười,
Tội lỗi ấy luật nào dung thứ”.
Phật Giáo Hòa Hảo dạy tu ở hạng tại gia cư sĩ học Phật tu nhân, không có hình thức xuất gia chỉ có biểu hiện, biểu cảm về xuất gia thôi. Nhưng vấn đề tôi muốn trình bày ở đây là “HY SINH”: hy sinh là hành động vì lợi ích cho người khác không nề lao nhọc, khó khăn, lắm khi thử thách trước cả cái chết cũng không nao núng lòng. Người xuất gia hy sinh cho đạo Phật, người tại gia hy sinh vì đạo Phật, hy sinh trong việc hoằng pháp lợi sinh và hy sinh trong việc cứu người khỏi bệnh tật, mục tiêu không giống nhưng ý nghĩa của sự hy sinh là giống. Người xuất gia hy sinh là “Cả vật chất tinh thần lo đạo”, tại gia hy sinh vật chất tinh thần dồn vào việc cứu bệnh nghèo khổ cho đời. Lương y hành sự cứu người mà thuốc cứu không phải của mình, là của Đức Giáo Chủ PGHH, ta vì đạo vì Thầy phát sinh hạnh cách từ thiện, cứu bệnh nhận tiền người ta cho, thế họ cũng mất tiền giống như hồi họ vào bệnh viện, thế nầy mất đi  ý nghĩa của việc hy sinh.
Đức Thầy là Phật từ bên cõi Tây Phương lâm phàm độ chúng, qua xem xét căn cơ Ngài dùng hai cách độ như ta đọc thấy trong bài “Thay Lời Tựa”mà phần đông tín đồ trong đạo thường gọi là bài sứ mạng của Đức Thầy, như sau:
“Nên phương-pháp của ta tùy trình-độ cơ cảm của tín-nữ thiện-nam, trên thì nói Phật-Pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây dốc thiện-duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền-diệu của tiên gia độ bịnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của Chư Vị với Trăm Quan.”
Người thượng căn (trên) quy y Phật đạo là nhìn vào giáo lý giải thoát, không màng đến chuyện có ai ban ơn quệ cho mình no cơm ấm áo, thân thể mạnh lành; hạ căn (dưới) Phật pháp chưa vô lổ tai họ để chuyền vào tâm, muốn độ hạng dưới phải dùng “Huyền diệu của tiên gia độ bệnh” cho họ trước rồi hãy nói chuyện Phật Pháp khuyên tu sau. Người ta mắc bệnh, cơn đau hành hạ xác thân muốn chết được lại thuở giờ chưa biết tu hành đạo đức là gì, khuyên tu, giảng đạo pháp với họ trong trường hợp nầy có thể chưa đúng chỗ. Hãy giúp trị bệnh cho họ và ta ở vào vị trí ân nhân cứu bệnh họ, một phần là tình cảm, một phần là đức độ, ta khuyên họ làm lành lánh dữ, tu thân hành thiện, không nhiều thì ít họ có thể làm, tôi chắc chắn như vậy.
Trong số đông chỉ còn một vài lương y tiêm thuốc nhận tiền cho, có khi bệnh nhân tự nguyện cho ngay chỗ tiêm thuốc đặng người khác bắt chước cho theo; nhược bằng không thấy ai hảo tâm thì phải than lên là mình túng thiếu. Một số bệnh nhân nhà rộng tiền xài mà sự trị bệnh đây thấy có kết quả tốt, đâu chần chờ gì không chịu móc túi ra một vài trăm ngàn. Người nầy cho, người kia cho bao nhiêu cũng lấy chứ không dừng lại ở chừng mực. Thấy tội nghiệp những bệnh nhân nghèo, cơm áo qua loa, lắm khi không có tiền đổ xăng xe chạy đi xa nhờ trị bệnh, thấy người ta chung tiền cho lương y, mình nghèo thiếu chỉ biết lấy con mắt mà ngó cho thẹn đả lên. Tôi nghĩ tình trạng nầy nên chấm dứt để trước nhất, bệnh nhân không ai thấy khó chịu, mà đức độ của lương y cũng được kính phục, sau nữa không cảm thấy hổ thẹn khi dùng thuốc của Đức Thầy.
Lẽ tất nhiên, chúng ta rất nên thông cảm cho những vị lương y ở vào hoàn cảnh nghèo, vì công tác từ thiện nhiều không rảnh thời giờ làm lụn việc khác kiếm tiền, có chi phí đâu mà đổ xăng xe, nạp tiền điện thoại để giữ liên lạc với bệnh nhân; còn nào là máy hư, ruột rách, vỏ mòn, cần có tiền để đáp ứng nhu cầu cần thiết. Nhưng nhận tiền kiểu nầy còn hơn là làm việc ăn lương, hổ thẹn cho danh xưng từ thiện. Chúng ta đồng ý là lương y phải có đủ tiền để chi cho những yêu cầu cần thiết kể trên, nhưng hãy tạo nguồn tiền khác, tôi nghĩ, chỉ cần bốn hay năm đồng đạo không phải là lương y giúp tiền cho một lương y nghèo về xăng xe, thẻ điện thoại. Bằng không, lương y tiêm thuốc, chọn mượn điểm ở nhà nào cho bà con bệnh nhân gom lại thì nhờ thẳng nhà đó gánh chút trách nhiệm, xuất tiền của mình hoặc vận động nhẹ nhẹ một ít người quen thân, tuyệt đối không phải là bệnh nhân.
Lương y hy sinh cứu bệnh chỉ nên nhận tiền trợ cấp vừa phải theo nhu cầu cần thiết, để chứng tỏ mình còn đóng góp chút công sức vào việc làm từ thiện.

22/4/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét