Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

SẤM GIẢNG VÀ THỜI CUỘC

Nhớ hôm đi dự lễ cúng Đức Phật Trùm ở sóc Lương Phi, đội đãi bánh mì chay gặp tôi mừng rỡ, yêu cầu tôi hứa, sau khi công việc từ thiện của họ hoàn tất, trên đường về nhà quý vị mời tôi cùng cả đoàn ghé tham quan núi Bà Đội. Tôi đồng ý.
Núi nầy ngang Thiên Cấm Sơn, cách nhau bởi một lộ xe Châu Đốc – Tri Tôn, nằm hướng đông, núi Cấm phía Tây.
Chúng tôi cho xe dừng lại và gởi xe trong một quán chay cặp đường lên núi Bà Đội, chia thức ăn nước uống cho mỗi người để san sớt gánh nặng cho mấy anh em hậu cần, trừ một ít người kém sức khõe. Trong đoàn đi lên, tôi phát hiện có hai người một nam một nữ không phải nhóm từ thiện bánh mì, tuổi tác cách nhau như cô với cháu. Người nam mang theo cái Mic không dây và hai người họ đi lướt trước chúng tôi, đến một quả đá to cao, dưới có chỗ thờ thì dừng lại đợi đó. Đoàn đãi bánh mì có vài phụ nữ lớn tuổi leo dốc một chút là mệt đừ người, ngồi thở, tôi mệt cũng lùn bùn lổ tai không thể vượt nhanh như tuổi trẻ.

Tôi đến quả đá to cao nói trên thì đoàn tựu lại ở đó gần như đầy đủ, định tìm chỗ ngồi cho thông thả một chút giải bớt sự căng thẳng của trái tim nện thuỳnh thuỵch, lổ tai lùn bùn thì bất ngờ một trong hai người khách lạ vừa nhập đoàn đưa Míc không dây mời tôi diễn ngâm Sám Giảng của Đức Thầy. Tôi từ chối lời mời vì quá mệt, thở muốn hụt hơi không thể nào ngâm nga được. Người phụ nữ đi chung với chú ta thấy vậy can thiệp: Thôi cháu hãy để cho anh tư nghỉ khõe đã. Bị can thiệp, chú ấy không nài ép tôi thêm và tự diễn ngâm một đoạn cuối của quyển tư “Giác Mê Tâm Kệ”. Đọc xong, đoán chừng tôi hết mệt chú ta liền đưa míc mời tôi lần thứ hai, nghe lời mời lần nầy đội đãi bánh mì hưởng ứng nhiệt liệt, họ cũng muốn nghe xem giọng đọc của tôi có giống như đọc trong băng đỉa không. Míc đưa đụng tới tai làm sao mà từ chối…
Tôi chợt nghĩ, hay mình tìm một đoạn giảng nào ngắn, có ý nghĩa khuyến khích sự tu tiến mà trông lại, khuyến khích sự tu tiến thì Thiên Cơ đóng một vai trò quan trọng. Vì thế tôi tự giới thiệu đọc một đoạn trong bài “Nang Thơ Cẩm Tú” như sau:
Nam Mô A Di Đà Phật
“Nước cờ mới nay đà khởi sắp,
Trỏ tài hay biển lấp non dời.
Dưới cùng trên ảm-đạm khí trời,
Cả thế-giới mưa hòa gió thuận.
Tạo nền móng Thánh-quân đặt vững,
Nơi triều-ca gầy dựng tôi hiền.
Giờ mắc câu thiên-lý dị nhiên,
Nên còn đãi thiên-oai nấy lịnh.
Tỏ tình đời ít câu cung thỉnh,
Mong khán-quan vào cửa xem tuồng.
Cỏ cùng cây điểu-thú chim muông,
Nhơn với vật huờn  lai bổn tánh.
Đó mới biết ai là Phật Thánh,
Ai thảo-hiền ai lỗi đạo nhà.
Đồng hát câu phụ-tử khải-ca,
Chúc trăm họ muôn nhà thạnh-thới.
Bồ- Đào rượu Thánh trà Tiên
Muôn năm cọng lạc chúa hiền tôi trung.”
Tôi niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT trình hết, một tràng pháo tay lớn tiếng kéo dài, nghĩ chắc bà con chịu mình nên nhân cơ hội nầy tôi hỏi ý trong đoàn cho tôi nói một đề tài ngắn ngắn:
Kính thưa quý đồng đạo! Chúng ta còn nghĩ đây lâu nữa không ạ?
Người phụ nữ đưa mắt nhìn tôi, nói:
- Có chi không anh tư?
- Nếu duyên Phật Pháp còn sâu, sức nghe chưa mỏi tôi xin nói ít điều với quý vị có được không?
Nhiều tiếng nói rộ lên: Được lắm, hay lắm, tốt lắm… tôi thèm được nghe mà không dám đưa lên ý kiến nữa là…
Kính thưa bà con đồng đạo! Theo yêu cầu của quý vị tôi vừa diễn ngâm một đoạn giảng trích từ bài Nang Thơ Cẩm Tú. Chọn khởi đầu bằng câu “Nước cờ mới nay đà khởi sắp, trổ tài hay biển lấp non dời” câu nầy có tính tiên tri mà thời điểm nầy ta nhìn vào thời cuộc rất đáng quan tâm lo ngại nên tôi muốn cùng quý vị hâm nóng sự kiện tiên tri của Đức Thầy.
Nhờ ở vào giai đoạn công nghệ thông tin, tình hình Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày ngày xảy ra quá nhiều sự cố bất lợi cho dân cho nước, như chúng ta ai cũng biết hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam nhưng hiện nay Tàu Cộng tranh giành là của họ, ngang nhiên dùng vũ lực đến lấn chiếm xây dựng cơ sở. Ngư dân Việt Nam ra khơi đánh bắt cá thuộc vùng trời biển của mình bị quân Tàu Cộng bắn chìm thuyền chết người; dân tình miền Trung bị nhà máy thép Formosa của Tàu Cộng thảy chất độc làm bức tử môi trường, dưới biển thì cá chết tuyệt chủng, ngư dân không còn nghề sanh sống, trên bờ, đất nhiễm độc việc trồng trọt cũng không ra gì. Mới đây nhà máy giấy ở Cần Thơ cũng của Tàu cộng thảy chất độc hại và xông lên mùi hôi thúi khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khõe nhân dân trong vùng, lâu ngày chất độc sẽ lây nhiễm qua nguồn nước, đất đai làm cho sinh mạng con người như chỉ mành treo chuông. Dân trong vùng chịu ảnh hưởng không khí nặng nề họ cùng vác đơn đi kiện nhiều lần không xong. Ấm ức không thể chịu được nữa, họ tung tinh lên internet nhờ cộng đồng giúp sức gởi đơn. Thời đại công nghệ thông tin đang bừng dậy ở Việt Nam, sự ấm ức không còn dồn nén được nữa, mượn đường internet toàn cầu kêu gọi sự liên kết chống Tàu.

Thưa quý vị! Tín đồ PGHH thuộc hạng tại gia cư sĩ học Phật tu Nhân, mọi người tự nhắc nhở lấy mình có bốn điều ân quan trọng cần phải đền đáp. Việc đền đáp không nhứt thiết phải quy chụp con người vào điều ân nào trong bốn ân với lề lối chung. Hãy hành động theo trình độ chuyên môn, vì có chuyên môn mới đi đến thành công. Ví dụ người tín đồ có tinh thần về ân đất nước, đứng trược họa xâm lăng biểu họ chuyên lo niệm Phật họ niệm cũng không nổi, mà điểm lại lời dạy của Đức Thầy khi nói về ân đất nước là “Rán cứu-cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”. Với người tu, cho rằng đạo đức bản thân là điều quan trọng, nhưng ở vào trường hợp nước nhà bị xâm lăng nếu chỉ biết đạo đức bản thân thôi thì chưa chắc thôi vậy là yên đâu ! Trong bài “Hiệu Triệu” Đức Thầy kêu gọi những người chỉ biết lo hoạt động tôn giáo qua ngưỡng cửa Niết Bàn, thờ ơ chuyện quốc gia “Hễ nước mất thì cơ sở của đạo bị lấp vùi; nước còn nền đạo được phát khai rực rỡ”. Viết bài đề tựa là “Gọi Đoàn” trong đó có những câu như sau:
“Nếu nay chẳng vẫy vùng cương quyết,
Thì ắt là tiêu-diệt giống nòi.
Muôn năm chịu kiếp tôi-đòi,
Thân người như thế còn coi ra gì ?!”
Việt Nam ta với tình cảnh hiện nay dầu nước chưa mất nhưng không thể nói là “Bờ cõi vững lặng” được, bởi vùng đảo Hoàng Sa đã bị Tàu cộng đóng chiếm và trong nước mình quân dị chủng nầy đã ngang nhiên tạo các nhà máy kinh doanh nhả độc giết hại đồng bào. Vậy, nếu người tín đồ nào cảm thấy mình nặng nợ với quốc gia, Ân đất nước hơn Ân Tam Bảo hãy làm cái gì đó cho nước để nước không mất bởi gót giầy xâm lăng. Ta hãy nghe Đức Thầy khen dân chúng thời xưa ra công giữ nước:
“Ngàn năm bắc địch giày bừa,
Mà còn đứng dậy tống đưa quân thù”.
Trong bài “GỌI ĐOÀN THANH NIÊN” có những câu:
“Xưa nước đã bao lần khuynh-đảo,
Được cứu nguy nhờ máu anh-hùng.
Hy-sinh báo quốc tận trung,
Đem bầu nhiệt-huyết so cùng sắt gang.
Việt-Nam là giống Hồng-Bàn,
Muôn đời xa lánh tai-nàn diệt vong.”
Đem gương yêu nước của người xưa Đức Thầy kêu gọi không những là nam nhân mà cả khách má hồng nữa; Ngài viết bài “GỌI ĐOÀN PHỤ NỮ” có những câu như sau:
“Dở sử xanh Nam-Việt mà coi,
Gương Trưng, Triệu còn roi muôn thuở.
Chẳng có lẽ xưa hay mà nay dở,
Khiếp nhược là cái cớ vong gia.”
Còn như người tín đồ nặng Ân Tam Bảo, tu lấy đức làm trọng, không tham gia vào chuyện cứu nước thì hãy dồn hết sự tu vào chánh tâm, chánh niệm cho dân tộc giống nòi quốc gia có phước, dời tai bay họa gởi lại cho kẻ giáng họa, nước xâm lăng, cầu nguyện Phật Trời cho quốc gia Việt Nam tự chủ, nhân dân no ấm đời sống thái bình.
Xin kết thúc đề thuyết về Sám Giảng và Thời Cuộc tại đây để đoàn tham quan tiếp tục hành trình.
Thưa anh tư và quý vị trong đoàn! Hai cô cháu tôi rất may mắn gặp quý vị và nhất là nhà dìu dắt tài tình. Chúng tôi đi đoàn khác, đang uống nước trong quán xảy thấy anh tư đến cùng đông người, tôi nghĩ là anh sẽ có cuộc nói chuyện mà tôi rất muốn nghe nên rời khỏi đoàn nhà mà theo đây ước vọng là được nghe anh tư diễn ngâm Sám Giảng Giáo Lý để so lại giọng đọc của anh xưa và nay có bị sa xúc nhiều không. Đã nghe đọc giảng, anh tư còn cho nghe thuyết trình giáo lý với sự phân tích cặn kẽ. Chúng tôi rất mừng cuộc hội ngộ bất ngờ nầy, xin chào hỏi quý vị cho chúng tôi xuống núi trở lại đoàn nhà.
Chào chia tay. Chúc thượng lộ bình an !
18/4/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét