Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

LỄ CÚNG ĐỨC PHẬT TRÙM
(CÒN CÓ TÊN LÀ ÔNG ĐẠO ĐÈN)

Tìm qua thư tịch thấy ghi Đức Phật Trùm ở miền núi Tà-Lôn, sóc Lương Phi, huyện Tri Tôn, xưa tỉnh Châu Đốc nay là An Giang, nhưng không để năm sanh,  viên tịch thì có, ngày 21 tháng mười một Ất Hợi 1875.
Tại sao một đấng cứu đời mà đời không ghi được năm sanh? Xét về nhân chủng, Phật Trùm là người Cao Miên sanh trưởng ở đất nước Việt Nam, trên miền núi, sống đời bình thường như mọi người Cao Miên khác trong sóc Lương Phi, không có ngày tháng năm sanh, đây có thể là lý do tập tục của miền quê. Chợt khi trong làng có bệnh dịch dậy lên, người ta bệnh và chết rất nhiều, ông cũng mang bệnh rồi chết trong đêm, cho đến sáng, thân xác chưa kịp hỏa tán thì ông sống lại, mạnh hẳng không còn một chút dấu dết gì của bệnh dịch chết người ấy. Nhưng sự sống lại của ông sau một đêm chết đi, có một điều đáng lưu ý là ông không nói tiếng Cao Miên nữa mà dùng tiếng Việt hoàn toàn; chẳng thế ông còn khuyên cả vợ con từ rày ăn ở nói năng các cái theo tập tục Việt như ông.
Từ đó, ông dạy đạo khuyên tu tự xưng là “Trùm của Phật” xuống dạy đời như hai câu thơ lục bát sau đây:
“Tuy là phần xác của Mên
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời”
Có lẽ vì danh xưng “Trùm của Phật” nên với quần chúng ngưỡng mộ ông, gọi tôn là Đức Phật Trùm.
Sự giáo đạo của Phật Trùm có phần tương tợ như Đức Phật Thầy Tây An, giảng đạo và trị bệnh là hai yếu tố cần được song hành, lợi ích cho bá tánh để họ có niềm tin với các vì trên trước, hành động cân nhắc tránh ác hành thiện. Nói về trị bệnh, Đức Phật Thầy dùng nước lả, giấy vàng, hoặc tro nhang, Phật Trùm lấy  nước lả dưới hồ làm thuốc, dùng sáp xe thành đèn đốt lên trị bệnh thế mà trị đâu hết đó. Tên Thật của Ngài là Trùm, có thể do đốt đèn sáp trị bệnh nên theo đó bá tánh gọi Ngài là ông đạo Đèn.
Lễ cúng Đức Phật Trùm năm nay 13 tháng 3 Đinh Dậu 2017, bá gia thiện tín từ các nơi dồn về rất đông, cúng bái chen khít từ trước sân vào chánh điện, những người đến thành đoàn không thể có riêng chỗ cho cả đoàn vào cúng một lược. Lên đây tôi gặp Tâm Nhà Cháy rủ nhau vào cúng, có hai người thôi mà chen cúng một lược còn không được, đừng nói đoàn nhiều người, phải chia ra và mỗi người như đứng chực hờ, hễ thấy có ai cúng lạy xong, vừa lui thì lấp vào.
Lễ cúng xong, tôi ra ngoài tham quan khu vực nhà thờ, phía trước sân và hong phải rồi thẳng ra phía sau xem các rạp đãi ăn. Đầu tiền tôi gặp một đội quân đãi bánh mì chay đến từ hai xã Tân Phú và Tây Phú huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, chỗ đãi cũng tương đối rộng thế mà việc xin, cho cái cảnh rần rộ chật người. Tôi từ nhà đi ra chỉ một mình một xe nhưng đến điểm lễ gặp nhiều đồng đạo chào hỏi vui vẻ rồi rủ nhau đi kiếm chỗ dùng bửa, chúng tôi giờ có khoảng 8 người định kiếm cái bàn nào ngồi ăn chung để có dịp chuyện trò mà đi kiếm từ đầu nầy sang dầu nọ, dãy bên nây sang dãy bên kia cũng không có chút may mắn nào. Bàn đãi ăn không đợi khách ngồi đầy, ai đến trước dùng trước, đến sau dùng sau, bàn ăn lúc nào cũng có thực khách. Rốt cuộc tôi với Tâm Nhà Cháy vào ăn chung trong bàn hiện có người đã và đang ăn, các vị kia cũng phải xé lẻ như chúng tôi.

Dùng cơm xong tôi và Tâm Nhà Cháy vừa ra khỏi bàn ăn chưa kịp đi kiếm nước uống, có người quen đến rủ tôi ra sau ruộng tham quan hồ nước thuốc của Đức Phật Trùm. Nghe nói cái điều thuở giờ chưa nghe, lòng tôi giao động chuyện lạ, tôi thắc mắc:
- Sao gọi là hồ nước thuốc của Phật Trùm?
Người quen tôi trả lời:
- Ngày xưa Phật Trùm độ bệnh cho bá tánh bằng đèn sáp, nhưng cũng múc nước từ cái hồ nầy làm “nước lả nên hồ, cam lồ Phật ban”. (lời Đức Thầy)
Tưởng có vài người chúng tôi đi xem di tích mà tôi cho là mới lạ, nên trên đường đi tôi không mấy hứng thú, không ngờ, ra khỏi vườn hè, một đồng ruộng bao la lúa sắp vô mùa thu hoạch, ước chừng ba bốn trăm mét nổi lên cái vuông tường thành cao, xa trông tríu mắt. Khách hành hương chiêm bái đi nhiều ngả ra hè búa xua trên những đê ruộng, mặc đủ sắc màu, hòa với màu nắng sáng như hiện lên những cánh hoa sặc sở giữa đồng…
Chúng tôi đến hồ nước nói trên, đê hồ bốn phía trải rộng bê tông phẳng mặt, trên bờ hồ nhìn xuống cách nước độ khoảng hai mét, bốn vách phía trong hồ đều trám bê tông vẻ chắc chắn, đáy hồ vuông, miệng bát, trên viền bờ hồ phía trong có rào cản kiên cố, phía ngoài vành đê có kê hai bồn nước một để trên giá cao một trên giá thấp, dây nước máy điện cho húc từ dưới hồ bơm lên bồn chứa, cận hai bồn nước có ngôi thờ nhỏ, tôi thấy liên tục lúc năm người lúc mười người đến đó vang vái. Tôi hỏi người quen rủ đi chung về trường hợp nầy, cô ấy đáp:
- Tính từ năm 1875 Đức Phật Trùm viên tịch cho đến nay 2017 thời gian kéo dài 142 năm nhưng niềm tin và sự linh ứng hồ nước thuốc của Ngài bá tánh xa gần vẫn có người tiếp tục đến lấy dùng vào việc trị bệnh.
Nghe viện dẫn như thế tôi liền hỏi:
-  Có hiệu quả không cô?
- Hiệu quả hay không tôi thật sự không nghe thấy nhưng ta nhìn vào cách làm bảo vệ di tích, công trình quy mô thế nầy thì sự trị bệnh chắc có hiệu quả. Đức Tôn Sư ta nói:
“Thành lòng nước lả nên hồ,
Hử tâm chí đức cam-lồ Phật ban.”
- Nếu cô diễn dẫn Sám Giảng Thi Văn giáo lý của Đức Thầy chứng minh để nói lên sự thành lòng; tôi nghĩ, ở đâu cũng có nước lả tức nhiên ở đâu cũng có thể làm cho nước lả nên hồ, đâu đợi đi từ xa đến lấy nước hồ của Phật Trùm dùng mới nước lả nên hồ được.
- Đúng là Phật tại tâm, bất cứ ở đâu hễ có thành tâm thì được. Ta nói lý thì rõ ràng như vậy, nhưng chúng sanh trải đã bao đời vào ra trong lục đạo luân hồi, tâm mê thường hay xảy ra, nếu không nhờ có cơ sở tín ngưỡng đánh thức thì khó mà vào trạng thái thành lòng. Mỗi nhà của người tín đồ PGHH đều có 3 ngôi thờ không phải là cơ sở tín ngưỡng cho môn nhơn việc tu niệm hằng ngày đó sao? Nói Phật tại tâm, với nhơn sanh câu nầy mới chỉ là lý thuyết, Phật trong tâm còn bị bó rọ bởi vô minh, không thể phóng quang để biến nước lả thành hồ, phải nhờ vào cơ sở tín ngưỡng…
Nhớ lại lời hứa với toàn đội đãi bánh mì chay, khi họ phục vụ xong công tác từ thiện, xin có cuộc gặp gở tôi trước khi về nhà. Xem lại giờ giất đã khá trưa tôi rời khỏi đây để giữ tròn hẹn ước.

10/4/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét