Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

BỔN PHẬN CHÚNG TA.


Xin chào chư đồng đạo.
Nam Mô A Di Đà Phật. Hôm nay chúng con đến đây trước là viếng thăm vấn an sức khõe chú, sau xin nhờ chú giải thích giùm đoạn văn dưới đây:
“Bổn-phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền-nhân hầu làm cho trí-tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giai-thoát, dẫn-dắt giùm kẻ sa-cơ và nhứt là phải tiếp-tục khai-thông nền đạo-đức đặng cái tinh-thần từ-bi bác-ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá-tánh. Như thế mới chẳng phụ công-trình vĩ-đại của Đức Phật và của tiền-nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy”.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Tôi rất vui khi được quý đồng đạo đến đây để chúng ta có dịp chào nhau vui vẻ, hỏi thăm sức khõe và còn nung đúc tôi làm cái việc “dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức” theo huấn lệnh của Đức Thầy, nhưng phải trích hỏi tới đoạn dài vậy sao?
Dạ, dài vậy mới đầy đủ chứ ạ !
Nhiều từ ngữ, chắc phải chú giảng cho nổi lên ý chính của từng đoạn sau mới tóm kết đại ý ?
Dạ phải, cám ơn chú trước.
Các em cháu thân mến! đoạn văn vừa trích dẫn tôi thấy rất cần đem bàn bạc, nắm được ý chính để không bị chướng ngại bởi những tri thức khác luồn gây cảm nhiễm về cái gọi là “Bổn Phận Chúng ta”. Trong chính văn có những từ ngữ quen thuộc, thường dùng, nếu không phải bậc đa văn quảng kiến có khả năng làm mới vấn đề và biến vấn đề trở nên nhạy cảm mà trình bày nữa e giậm dấu không hay. Tự biết mình không có khả năng làm mới vấn đề cũ nên đi vào giải thích tôi xin tránh lập lại những từ ngữ như đã nói, để khỏi mất thời giờ tìm hiểu nội dung chính nhá.
Dạ.
Bổn phận: Bổn là gốc, phận: việc phải làm. Ví dụ: người ăn trái phải có bổn phận với kẻ trồng cây, Cha mẹ đối với con, con đối với cha mẹ…đó là ví dthông thường dễ hiểu, chớ khi nói đúng vị trí Ân Tam Bảo thì từ ngữ BỔN PHẬN phải thắc chặc tình Thầy trò.
Tiền-nhân: Nghĩa đen là nói người sanh ra trước ta nhưng nói theo từng lãnh vực chuyên môn ví dụ như giáo dục, y học, kinh tế…tiền nhân là người lớp trước trong ngành đã có những thắng lợi những cống hiến đáng làm gương cho kẻ đến sau. Ở đây nói tiền nhân tức là những người phía trên dòng chảy đạo đức có tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Trí-tuệ: Sự sáng suốt do từ đáy lòng bật lên, tỏ rõ hơn sự học biết hay qua suy nghiệm. Đức Phật thành tựu công đức tu hành, cứu độ chúng sinh, Ngài có thể đem cho chúng sanh những phước đức, hoặc cứu khỏi những tại nạn… nhưng trí tuệ không thể cho được. Ngài căn dặn mọi người khi bước vào đường tu là “Hãy tự mình thắp đước lên mà đi” hay “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trí tuệ, Khả năng hiểu biết, sáng suốt phải chính hành giả công phu lắng lòng ngộ đạo. Đây là điểm quan trọng nhất trong học Phật. Tu đạt trí huệ là đạt tột đỉnh của sự tu. Có trí huệ mới vẹt phá mây mù vô minh nhìn thấy khắp đâu đâu, giải thoát mọi ràng buộc, cả đến ràng buộc trong luân hồi sanh tử.
Sa-Cơ: Nói người bị rơi vào tình trạng thất thế, rủi ro, ví dụ như tai nạn, bệnh tật, nghèo đói vì thất mùa, hoặc vì bị thiên tai, chiến tranh giặc giả phải di tản, trôi giạt đến đâu họ cũng là kẻ sa cơ đáng thương.
Khai-Thông: Làm chảy đi sự bế tắt. Ở đây Đức Thầy dạy “Khai thông nền đạo đức”, tức không cho nền đạo đức bị bế tắt. Nói về đại cuộc thì PGHH là tài sản giá trị tinh thần cho hầu hết tín đồ, mỗi người quyết tâm gìn giữ, chưa bao giờ hay phải nói thẳng rằng không bao giờ có sự bế tắt từ trên đầu nguồn mà là bế tắt ở hạ tầng, những nhánh sông, mương rạch hòa nhập nông thôn, làng qua làng, những thành kiến cố chấp của người có bệnh “ta đây” đã chận đứng dòng chảy đạo pháp tới người khác. Ngày nào và ở đâu nếu ta hành sử  đạo Pháp như ngục tốt nhốt con người thì ta là người bị nhốt đầu tiên và sự học đạo trong ta đã trở nên bế tắt: cần phải được khai thông. Nền đạo đức được khai thông ở chính người có vai trò khai thông kẻ khác là một chuyển biến tốt đẹp cho đạo Phật đi vào đời, trong đời có đạo. Những thành kiến cố chấp, cống cao ngạo mạn đã chận đứng dòng chảy thì hãy khai thông tại đó, đừng đi kiếm khai thông người ngoài chi cho xa. Một khi ta đã khai thông đạo đức chính mình tất nhiên dòng chảy trong ta sẽ chảy thông qua người khác, niềm ước mơ trông đợi của Đức Thầy không quá xa xăm.
“Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,
Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”.
Đạo được khai thông từ người qua người tất nhiên dòng chảy ấy sẽ làng qua làng… thế mới gọi “Gieo đạo khắp đại đồng” được chứ!
Công trình: Công: Việc làm, công sức, công phu; Trình: hiện ra. Công trình là quy mô lớn và lâu dài, ví dụ như công trình giáo dục, công trình xây dựng nhà ở, xây dựng nông thôn ... Ở đời khi người ta làm công việc vì đó, tốn hao quá nhiều sức lực nửa chừng gảy đổ họ sẽ thở than: Thiệt uổng công trình.
vĩ đại: To lớn, công việc, người làm việc lớn, ví dụ: nhà cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa vĩ đại, văn hào vĩ đại… Đức Thầy dùng cụm từ “công trình vĩ đại”là nói Phật Bảo lớn lao không gì sánh bằng. Đức Phật vì một đại sự nhân duyên lâm phàm độ chúng, các tiền nhân đã dày công vun quén, kế nghiệp Như Lai bằng ra sức tu hành, giữ gìn chánh Pháp của Ngài không mai một, có vị phải bỏ thân vì bảo vệ sự nghiệp Phật Giáo, nhờ vậy, những hậu sanh chúng ta ra đời là có ngay tài sản Phật Giáo, gặp được chánh pháp lập thệ tiến tu.
Đắc tội với kẻ đời sau: Ý nói: Đức Phật thuyết Pháp, Đức Thầy vừa thuyết pháp vừa chính tay Ngài viết ra giảng kệ dạy tu. Ta sanh ra không nhằm trong thời Đức Phật Đức Thầy lâm phàm để được học đạo từ chính kim khẩu của Ngài. Thời Đức Phật nhờ các chư tổ chư sư gần Phật tu hành đắc ngộ chân lý được kế truyền tâm ấn, thời Đức Thầy  nhờ các Ông, Cha, Chú Bác sống gần gủi với Đức Thầy, học đạo và bảo vệ chánh giáo PGHH ngày nay ta mới có quyển SẤM GIẢNG THI VĂN GIÁO LÝ và những CHUYỆN BÊN THẦY cho ta tu học. Sự nghiệp đạo phật cũng như Phật Giáo Hòa Hảo, các tiền nhân đã truyền xuống tới đời ta, nếu ta không truyền qua đời sau, sự nghiệp Phật Giáo đến ta bị bế tắt hay kém phát triển như sự phát triển của tiền nhân thì ta đắc tội với Đức Phật, Đức Thầy và những hậu tấn sau nầy.
Qua đoạn văn trích vấn của quý vị, về đại thể, Đức Thầy hướng người tu hành theo Phật đạo đối mặt trước ba vấn đề quan trọng như sau:
1 là: Bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân “hầu làm cho trí tuệ minh mẫn đặng đi đến con đường giải thoát”. (tự giác)
2 là: Bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân “dẫn dắt giùm kẻ sa-cơ”. (giác tha)
3 là: Bổn phận chúng ta phải noi theo chí đức của tiền nhân “tiếp tục khai thông nền đạo đức”.( giác hạnh viên mãn)
Nếu người tu hành theo Phật Đạo không thực hành 3 quan điểm kể trên thì chịu trách nhiệm tội lỗi trước nhất là với Đức Phật và các vị tiền nhân, sau nữa đắc tội với những thế hệ mai sau.
Các em cháu thân mến, qua sự hiểu biết của tôi, tôi tự biết không đầy đủ với lòng mong mỏi của quý vị nhưng vì trong tôi có “Tình Hòa Hảo” mà tự đặt trách nhiệm để không phụ công ơn dạy dỗ của Đức Tôn Sư “dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức”. Những vì còn thiếu rất mong có sự thông cảm của các em cháu.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Dạ chúng con cám ơn chú rất là nhiều. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
29/4/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét