Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

CÚNG GIỖ VÀ CÚNG THƯỜNG
Nhớ hôm đi dự dám cúng tuần giáp năm cho tu sĩ Trương Văn Vện tôi mới cảm nhận được giá trị đạo đức của vị tu sĩ lớn tuổi nầy qua sự ái mộ của đồng đạo bà con cô bác gần xa. Nhứt là giới trẻ trong đạo đã trọng Ông như cây to bóng mát trong làng. Nhìn hạnh cách của các em cháu, những đứa đã qua sự giáo dục uốn nắn của Ông tôi cũng cảm nghe lòng thân mến.

Con người ai cũng phải một lần chết, nhưng người có đạo đức thâm niên xem sự chết đi như người ta thay đổi cho mình bộ quần áo mới, vui chớ không buồn, mừng chớ không sợ. Không tu niệm nói đến cái chết thì rất sợ, một: không đành lòng lìa bỏ thế gian với những người thân yêu và tài sản, hai: cảnh dữ hiện đến. Người tu Niệm biết thân nầy là giả thân, quyến thuộc do nhân duyên, nghiệp duyên đời trước kết thành, còn duyên thì ở hết duyên đi, không bận. Hằng ngày cầu khẩn Phật Trời và hành thiện không hành ác, nghiệp duyên đời trước roi lại thì mở chớ không buộc, làm thiện có thiện hạnh sẽ ứng phước báu trang nghiêm được thấy Phật, Bồ Tát mà sanh tâm hoan hỷ, đến lúc bỏ cái giả và những thứ nghiệp duyên đeo đắm là tự do tự tại. Nhà giàu mà thay cũ đổi mới đồ mặc thì cái mới mua bao giờ cũng là hàng đẹp, hàng hiệu, chất lượng, từ I Sô chín ngàn lẻ hai lấy lên, cực kỳ tốt đẹp.
Trên đời hễ người ví cái đẹp thì đẹp như Tiên, nhưng Ông huynh ta đổi áo Tiên thì chắc là không có. Bình sanh Ông tu xin được mặc Liên Hoa bên ao sen báo cõi Tây Phương thôi.
Nếu tính tuần giáp năm thì tuổi Ông lên đến thất thập, trên dưới năm mươi năm tu liền lạc, giữ hạnh độc thân để dễ tu và khuyên tu người khác, lòng mong đến lúc lâm chung sẽ vãng sanh Tịnh Độ. Đoàn hậu tấn của Ông kính Ông là rất phải lẽ vì những điều Ông tu và khuyên tu đã hiện hữu dấu hiệu “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc”. Nay Ông không còn ở thế nhưng sự ảnh hưởng của cây to bóng mát Ông trồng trong làng vẫn còn tàng che mát dịu để người ta gợi nhớ về Ông mà vui lây cái vui của người đi mặc áo Sen qua thế giới bên kia.

Rất đông khách liên tục cầu nguyện. Tôi mới đến không chen vào vị trí sắp hàng ngay được, cho dù tôi có gắp về cũng không thể. Hậu duệ của lão tu sĩ mời tôi vào ngồi bàn trà nước mà bàn nào cũng không có ghế tróng. Bàn tôi định chen ngồi đã chật chỗ mà lại thiếu ghế, thấy vậy một đồng đạo trẻ đứng lên nhường ghế mời tôi ngồi và chú ta đi tìm ghế khác. Được ổn định chỗ ngồi có người hỏi tôi:
- Thưa chú tư! Trong bài “Báo Hiếu Đạo Nhà” của Đức Thầy có hai câu “Cháu con báo hiếu theo nhà Phật, Cha mẹ qua đời thủ lễ chay”. Nếu báo hiếu theo nhà Phật là Ông Bà cha mẹ quá vãng thì tới kỳ cúng giỗ phải cúng chay. Còn theo Sám Giảng Quyển Ba Đức Thầy dạy “Giường linh đơm quảy mới là, có chi cúng nấy vậy mà dân ôi”. Có chi cúng nấy, phải chăng là kẻ cúng chay người cúng mặn đều được chứ gì? Hai đoạn cháu vừa trích đọc đều là của Đức Thầy dạy mà một chỗ chay mặn đều được, còn một chỗ lại phải cúng chay tuyệt đối. Cháu xin được hiểu biết qua ý của chú ạ ?
- Câu hỏi đã hay mà còn là chính xác nữa! Xét thấy hai đoạn mà cháu trích đọc hành sự đã đứng khác chỗ, là hai vấn đề: một ở vị trí cúng giỗ, mỗi năm chỉ một lần và hai: ở vị trí cúng cơm hàng ngày. Theo như chúng ta biết, cúng giỗ là lễ hội gia tộc, quý quyến bà con họ hàng bên nội bên ngoại và bà con láng diềng, họ đến tham dự lễ giỗ với ý nghĩa kỹ niệm mà con cháu phải có trách nhiệm, bổn phận làm hiếu sự các vị tiền bối đại ơn đại đức của mình. Trên đời có nhiều cách báo hiếu từ gốc các đạo Phật, Thánh, Tiên, Thần nhưng Đức Thầy chọn cho môn đồ của Ngài cách báo hiếu theo nhà Phật. Như quý vị đây biết, Đạo Phật có gương hiếu hạnh của Đại Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề. Mẹ Ông hồi sanh tiền tạo nghiệp chướng mang trọng tội, chết đọa vào A Tỳ Địa Ngục làm thân Ngạ Quỷ. Mục Liên dùng thần thông xuống nơi mẹ chịu cực hình, thấy mẩu thân bị hành tội mà lòng đau như cắt, trở về bạch Phật chỉ cách cứu mẹ. Nhân rằm tháng bảy chư tăng đã mãn khóa An Cư Kiết Hạ, sau 3 tháng ở nơi vắng vẻ tịnh tu, tấm lòng trong sạch, Đức Phật dạy Ông Mục Kiền Liên hãy đến thỉnh cầu chư tăng có nhập khóa hạ nói trên làm lễ độ siêu cho mẹ Ông. Mục Liên y theo lời Phật dạy, dâng chay phẩm cúng dường chư tăng, khẩn cầu các vị chú nguyện kinh siêu độ mà dưới cõi địa ngục A Tỳ mẹ của Ông thoát kiếp Ngạ Quỷ sanh lên thiên giới. Để nhắc lại tích xưa, chứng minh “Báo hiếu theo nhà Phật” là rõ ràng, Đức Thầy có câu:
“Mục Liên cứu mẹ bằng nay
Nhờ người hiếu hạnh tâm rày từ bi”.
Chỗ nói “có chi cúng nấy” là áp dụng cho ngày thường, cúng cơm hằng bửa trên bàn thờ Cửu Huyền (Giường Linh). Tín đồ PGHH có hai mức tu, dùng chay kỳ tu và dùng chay trường tu. Chay kỳ, tối thiểu mỗi tháng phải dùng bốn ngày chay vào những ngày mười bốn rằm, hăm chín ba mươi, tháng không có ba mười thì dùng ngày mùng một, như  câu: “Chay bốn bửa ấy là quy tắc”, còn chay trường tu thì nhiều câu lắm, chẳng hạn như:
“Tương với muối cháo rau đạm bạc
Nghèo lương hiền biết Niệm Di Đà”
“ Tương dưa giữ phận cho tròn”
Hoặc:
“Đồ lao buốn lánh sớm nghe ta,
Bố thí, trì chay, giữ giới mà”.
Do đó câu “có chi cúng nấy” người dùng chay soạn thức ăn chay nên phải cúng chay Ông Bà cha mẹ quá vãng độ chay, người dùng mặn soạn thức ăn mặn, soạn thức ăn mặn tất nhiên là cúng mặn…
Thưa chú ! Dựa theo luật nhân quả “Sát một dao đền một dao, giết một mạng đền một mạng” của Kinh Đại Thừa Kim Cang nói, Đức Thầy cũng bảo rằng “Trồng bông kiểng giống chi hưởng nấy” không thể trồng nhân nầy mà quả ra thứ khác. Đức Thầy có câu:
“Luật nhơn quả thiệt là cao viễn
Suốt cổ kim chẳng lọt một ai”.
Nếu con cháu ăn cúng vật sát sanh hằng bửa cho Ông Bà Cha mẹ thì ai lãnh tội nầy, con cháu hay những người quá cố?
Em trai! Đi sâu vào chuyện nầy có thể sanh phiền phức với những đồng đạo dùng chay kỳ, nên câu hỏi tội hay không và ai tội ai không tội xin cho qua đi nhá, được không? Với lại, trong đạo, Đức Thầy cho phép môn đồ dùng chay kỳ, các tiền bối của chúng ta xưa cũng làm như vậy, chữ nghĩa rành rành đó và lời cân nhắc kỷ lưỡng “có chi cúng nấy” thì ta không nên buột tội cho nhau. Với lại qua vấn đề cúng kiến, Đức Thầy dụng ý rất rõ “ Mỗi khi ăn cơm với mấm muối chi cũng vậy đều nguyện vái Cửu Huyền Thất Tổ, Ông Bà cha mẹ quá vãng về ăn với mình để tỏ lòng hiếu thảo”. Nói như thế là có ý: ăn món “ chi cũng vậy” là để tỏ lòng hiếu thảo chứ ai thấy có mất miếng thịt, miếng Tàu Hủ nào. Chúng ta nghe lời Đức Thầy về sự “Tỏ lòng hiếu thảo”, nó thuộc tấm lòng thì đừng nên đem vật chất ra mà mổ xẻ dễ sanh bất hòa nội bộ.
-         Sợ nói thẳng mất lòng thì thôi vậy. Còn như cháu xin chú cho một lời khuyên những đồng đạo cứ chấp chặc cái “qui tắc” bốn ngày chay mãi để về sự có chi cúng nấy mà cúng mặn suốt cho Ông bà Cha Mẹ thì chú nói với họ thế nào?
Nếu có thể nói được thì tôi sẽ nói: những người con có lòng hiếu thảo với cha mẹ mình nên dùng chay, cúng cơm chay hằng bửa để trong việc ăn uống Cha Mẹ không phạm thêm tội. Sống vì lo nuôi con mà tu chưa tròn đạo hạnh vãng sanh Tây Phương. Khi song thân chết trong cảnh nghèo nàn bất hạnh mà con thì chỉ được cái lo chơi bời ăn bám sức lao động của cha mẹ già, bị cô bác xóm làng nguyền rủa mới sực tỉnh hối hận tự trách mình: ước vì cha mẹ sống lại để cô cậu trả hiếu. Với những cháu con ăn năng như thế, thôi giờ hãy cho đấng sanh thành hóa cố có cơ hội tu phần hồn như Đức Thầy bảo “Xác tuy mất hồn thiêng chẳng mất” hãy dùng chay cầu nguyện và cúng chay để cho Ông bà từ rày trong ăn có tu … Tôi xin khuyên rằng nếu không từ chay kỳ vượt lên chay trường theo thông lệ tự nhiên phù hợp với câu “Đường đạo đức bước đi từ nấc” của Đức Thầy để được cúng chay hằng bửa cho Ông Bà Cha Mẹ quá vãng, tốt nhứt, làm ra tiền đặng mà mua cúng thì phải đồng tiền trong sạch, từ những nghề nghiệp chơn chánh, không phải tiền do trộm cướp sát nhơn, cờ bạc, nuôi điếm bán Á Phiện, buôn rượu, tiêu thụ đồ gian, lừa đảo… làm có đồng tiền không thiện mua đồ dâng cúng lên Ông Bà Cha Mẹ thì tội nghiệp quá đi.

31/8/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét